Áp thấp nhiệt đới từ đêm 24/9/2023 đang hướng về đất liền, mưa lớn bao trùm khắp miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Chẳng thấy mặt trăng đâu cả. Đám trẻ con trong khu vực nhà tôi đứa nào đứa nấy buồn ra mặt. Hỏi chúng bảo: chúng cháu đã góp vốn sắm con lân, trống chiêng tốn kém đủ thứ cả. Ông trời làm thế này là “Trời hại thằng bán cà rem rồi chú ôi!”. Bí thật! Không biết nói làm sao an ủi chúng đây?
Theo “Đại nam hội điển sự lệ” thời Nguyễn đã có tổ chức múa lân trong các dịp lễ hội hay hỷ sự (đám cưới, đám hỏi, về nhà mới, thi đỗ). Xưa, con lân “truyền thống VN” có khí thế oai vệ nhưng phải nhảy múa mẫu mực, “đĩnh đạc”, những bước nhảy nghiêm trang. Tiếng trống đánh dứt khoát, tuy không vang dội như ngày nay, nhưng rất mạnh. Đây là điểm khác biệt với Lân Trung Hoa phô trương sức mạnh và tính mạo hiểm.
Nghệ nhânThái Nghi (đã mất, sáng lập đội lân Thái Nghi Đường) cho biết: màn múa lân Huế gồm có 7 trường đoạn; là “Thần linh xuất động” (Lân tỉnh dậy sau khi tu luyện và ra khỏi hang); “ Bát bộ liên hoa”; “Phục Lân”; “ Lân linh chi”; “ Lân tranh châu”; “ Lân lý kiều” và “ Lân hồi sơn”. Mỗi màn kéo dài từ 20 đến 30 phút. Người múa chỉ thành công khi đã hiểu ý nghĩa các trường đoạn, mới nhập vai được.
Rất buồn mỗi khi nhớ các năm 1990 khó khăn. Trung thu là những đêm tối mịt mờ thắp đuốc đi theo đội lân vào từng nhà múa xin tiền. Đuốc dầu lửa tưng bừng. Trung thu trong tôi là những ngày tháng hồi hộp khi nghe thấy tiếng trống, là hạnh phúc khi cô chủ nhiệm phát cho nửa cái bánh nướng, một vài cái kẹo bằng tiền đã được phụ huynh nộp trước. Với tôi, không có cái bánh trung thu nào ngon bằng loại bánh đấy.
Thành thật mà nói bây giờ trẻ con vui sướng thật! Đầu tháng 8, ở nông thôn mà nhà nào cũng mua cho con cháu chiếc đầu lân nho nhỏ để trong xóm làng chúng tự chơi với nhau. Thành phố chơi xịn hơn, có người kĩ tính đến tận cửa hàng để đặt làm theo ý thích. Ông chủ cơ sở làm đầu lân “Cao Thắng” của nghệ nhân Đoàn Văn Trai (mặt tiền đường Phan Đăng Lưu) cho biết: “các năm gần đây có thể sống được với nghề; ngày thường người mua cũng lai rai”.
Bồi hồi khi nhớ lại hồi bé (khoảng năm 1985 - 1992) chúng tôi làm được cái đầu lân cỡ bằng cái thúng đựng thóc. Trước hết phải dán vải mùng lên sườn tre trước tiên. Sau đó dùng giấy bao “xi măng” hoặc giấy báo cũ để dán bồi trực tiếp lên đầu. Cái đầu lân vì vậy khá nặng, múa è cổ! Miền Trung- Tây Nguyên đầu thu mưa rả rích đêm buồn, mới thấy ở đây trẻ em yêu con lân dường nào! Năm nay cũng thế 10 tháng 8 âm lịch đã được bão nhỏ ghé thăm! Trời mưa mờ mịt, đêm tối như “đêm ba mươi”. Ước gì đêm nào tạnh ráo có trăng lên, nghe tiếng trống múa lân “bập bùng”. Ước mơ giản dị như thế mà rất khó....