Triển lãm trưng bày 20 bộ tranh Tứ bình với các chủ đề: Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh Tứ bình đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Từ xa xưa, nhân dân ta đã có tục chơi tranh, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây cũng là thú chơi tao nhã của người Việt xưa "Thứ nhất chơi chữ - thứ nhì chơi tranh". Từ ngày thành lập đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn nhận thức được vai trò và giá trị của các dòng tranh dân gian nói chung và giá trị của tranh Tứ bình nói riêng trong dòng chảy của Mỹ thuật Việt Nam, vì thế công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tranh dân gian luôn là nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, tranh "Tứ bình" là bộ tranh gồm bốn bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn giai đoạn trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện hoặc bốn vẻ đẹp khác nhau của các cô gái... và thường có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm, đó là những lời chúc phúc và mong muốn sự bình an phú quý, gợi cảm giác cho người xem liên tưởng đến sự thanh tịnh, ngắm tranh mà tự coi như mình đang du ngoạn trong trời đất. Cũng vì vậy, tranh Tứ bình được dân ta ưa thích treo trang trí trong nhà để đón Xuân hoặc thờ phụng, tùy theo nội dung của mỗi bộ tranh. Đồng thời, thông qua những bộ tranh Tứ bình, hậu thế ngày nay có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa.
"Hy vọng sắc màu rực rỡ, tươi mới và những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của mỗi bộ tranh sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp Xuân mới", ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Triển lãm Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Tứ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 2/2022.