Tiếng rao ấy đã đi vào những năm tháng tuổi thơ của chúng tôi ,dù mấy chục năm rồi nhưng làm sao quên được .
Vào những năm tháng ấy , gà vịt có đâu mà mổ nhiều như bây giờ. Ngoài Tết Nguyên Đán còn năm thì mười họa mới được ăn thịt gà hay vịt . Vì thế khi mổ gà vịt là chúng tôi lại lấy phơi khô và để dành đổi kẹo mạ . Tóc rối cũng rất hiếm , mẹ tôi mỗi khi chải đầu tóc rụng lại nhét vào phên liếp hay mái tranh . Nhưng ít khi có tóc để đổi kẹo mạ.
Bởi thời ấy ai bị đau bụng hay đau gì mẹ tôi thường lấy rượu với gừng giã để vào đĩa , rồi lấy tóc rối đánh gió , khi không có rượu thì đánh gió bằng dầu hỏa . Tóc rối đánh gió rồi nó kết cứng chẳng mang đi đổi được kẹo mạ nữa . Thời đó cái gì cũng thèm , đổi được que kẹo mạ thì lũ trẻ chúng tôi chuyền tay nhau để mút . Có đứa tham ăn còn dùng răng để cắn lấy một tý . Có thằng chưa đến lượt thì đã trơ cái que , thế là chửi nhau đánh nhau . Tuy rằng trẻ con nhưng chúng tôi cũng tò mò không biết họ lấy lông gà vịt và tóc rối để làm gì ? Hỏi người lớn thì thấy bảo để chế len dạ . Nhưng len dạ là gì thì ngày ấy trẻ con chúng tôi cũng chẳng biết , vì thời ấy ai có điều kiện thì cũng chỉ có áo bông , áo sợi chống rét mà thôi
Cho đến bây giờ tôi cũng vẫn chẳng biết họ dùng việc gì nữa. Nhưng kẹo mạ và tuổi thơ thì mãi đi cùng năm tháng
Chuyện làng quê