Đến với xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hỏi thăm vào nhà thầy lang Nguyễn Thu Bính thì không ai còn xa lạ gì. Vì bao năm nay, anh luôn gắn liền với hình ảnh đôi dép tổ ong và chiếc xe ô tô, chở bệnh nhân nghèo với giá 0 đồng.
‘Tôi trước đây thân là một thầy giáo, dạy học ở tỉnh Lai Châu. Sau đó chuyển sang Uỷ ban dân số tỉnh Lai Châu công tác. Được một thời gian tôi chuyển về làm cán bộ Kho bạc TP. Hà Nội, rồi làm lái xe bên Bộ Tài chính. Trong thời gian đó tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên ngành Tài chính ngân hàng và có ý định chuyển lên làm công tác chuyên môn cho Bộ. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn và có cuộc sống bất hạnh. Với mong muốn sẽ làm được điều gì cho họ. Năm 2014 tôi đã từ bỏ ý định trước đó của mình và chuyển sang học nghề thuốc nam để thực hiện được những tâm niệm của mình.”
Anh có thể chia sẻ cho độc giả hiểu hơn về những hoạt động thiện nguyện của mình trong thời gian qua?
“Tôi tham gia hoạt động từ thiện với vai trò cá nhân là chủ yếu. Thấy hội nhóm từ thiện nào có nhiều hoạt động thiết thực, thì tôi xin tham gia và chung tay với họ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có một số hoạt động như: Nấu cháo từ thiện tại một số bệnh viện; thăm, trao quà, khám chữa bệnh miễn phí và tặng thuốc nam của cơ sở tôi, cho bệnh nhân nghèo khắp cả nước,… Hiện tại, tôi đang phối hợp với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chỉ Đạo (Văn Lâm – Hưng Yên) thành lập Câu lạc bộ hiến máu huyện Văn Lâm. Nay đã có hơn 60 thành viên. Bọn tôi đang soạn thảo quy chế hoạt động gửi Hội Chữ thập đỏ huyện Văn Lâm cấp phép và chính thức ra mắt. Hiện tại chúng tôi đã có một ngân hàng máu. Nếu bệnh nhân nào ở khu vực huyện Văn Lâm nói riêng và toàn tỉnh Hưng Yên nói chung cần, chúng tôi sẽ chở đến tận nơi. Gia đình không phải chịu bất kỳ chi phí nào cả."
"Tôi có một chiếc xe ô tô chuyên chở bênh nhân nghèo miễn phí, từ các bệnh viện ở Hà Nội về các tỉnh lân cận như: Thanh Hoá, Nghệ An, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình,…
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi đã chở miễn phí, giải cúu nông sản cho bà con tỉnh Hưng Yên, Hải Dương mắc kẹt ở những vùng dịch, ra tận các chốt tại Hà Nội. Hay những bệnh nhân đi cấp cứu, hoặc trưởng hợp sinh đẻ từ tỉnh ra Hà Nội trong mùa dịch. Hộ nghèo là 0đ, những trường hợp bình thường khác tôi chỉ xin 200 nghìn đồng tiền xăng, để duy trì hoạt động lần sau.”
Có khi nào anh thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ công việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình?
“Bạn biết đấy, tôi đã học qua thạc sĩ, đã công tác ở Bộ tài chính nhiều năm. Tôi có thể có một cuộc sống sung túc hơn. Nhưng tôi đã chọn nghề thuốc. Mà thiên chức của một thầy thuốc là cứu người và giúp người. Tôi thấy vui và hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình. Tôi sẽ làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi.”
Vợ anh có cấm cản những việc làm của anh?
“Đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn say mê làm từ thiện là nhờ sự động viên của vợ. Chúng tôi vẫn luôn là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Và cùng trải nhiệm cuộc sống trên chiếc xe của gia đình. Vợ chồng tôi thấy tự do và hạnh phúc khi được cùng làm những việc mình thích.”
“Thuốc của tôi là thuốc nam, dạng cao lỏng và dạng bột. Cơ sở của tôi chuyên trị: Viêm xoang, xương khớp, dạ dày, viên phế quản mãn tính và hen suyễn. Bên cạnh đó tôi còn có những sản phẩm phụ, thường thì sẽ cho tặng như: Thuốc chấy, zona thần kinh, rượu sâu răng, bỏng, rượu xoa bóp xương khớp."
08 năm với nghề, chắc anh gặp phải không ít những khó khăn?
“Không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc, thành ra góc nhìn của mọi người về tôi chưa đủ niềm tin. Tôi cũng không tham gia hoạt động quảng cáo cho nhà thuốc, nên mức độ lan toả không sâu rộng. Nhưng tôi không nghĩ đó là khó khăn, mà là động lực đối với tôi. Càng như vậy thì tôi càng phải cố gắng hơn, chứng minh sự hiệu quả qua những bài thuốc. Hàng nghìn bệnh nhân được tôi chữa khỏi bệnh, đều giới thiệu bệnh nhân khác đến đây. Đó là cách quảng cáo thực tế nhất.”
“Với tôi, đạo đức của người thầy thuốc khác người bán thuốc. Người bán thuốc phải có tiền người ta mới bán. Còn tôi vẫn thường xuyên khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Nhiều bệnh nhân khác tôi còn cho chịu tiền thuốc, bao giờ khỏi thì trả. Cũng có một số trường hợp khỏi bệnh nhưng không trả tôi tiền. Nhưng tôi nghĩ, số tiền đó cũng không làm mình giàu hơn hoặc nghèo đi. Muốn trở thành thầy thuốc giỏi thì phải đặt cái tâm lên hàng đầu, thì mới tồn tại được với nghề. Nhưng ngoài đạo đức và tâm với nghề ra thì hiệu quả bài thuốc mới là yếu tố quyết định.”
Anh nghĩ sao nếu mọi người gọi anh là lương y?
“Tôi cảm ơn mọi người đã yêu quý tôi. Nhưng cứ gọi tôi là thầy Bính là được rồi. Vì với tôi chữ thầy nó thiêng liêng lắm, và dù sao trước đây tôi cũng từng là một giáo viên. Còn nếu gọi tôi là lương y thì tôi chưa dám nhận. Ở ngoài kia còn có rất nhiều người giỏi hơn tôi, làm từ thiện nhiều hơn tôi.”
Anh có dự định để các con nối nghề thuốc của cha?
“Làm được nghề thuốc thì phải có cái duyên. Nếu các cháu đủ duyên thì tôi cũng rất vui. Nhưng muốn truyền được nghề cho con cháu, thì bản thân mình phải giỏi, phải sống tốt, có đạo đức, thì con cái mới được hưởng cái phước của mình. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa. Và tôi không có quan niệm, cha mẹ phải để tiền cho con cháu. Để cho con cháu nhiều tiền bạc, chi bằng để cho chúng cái nghề, bằng cái tâm cái đức. Cuộc sống như vậy mới thanh thản và bình yên.”
Triết lý nghề nghiệp và triết lý sống của thầy lang Bính dường như mang hơi hướng của nhà Phật. Thật ra đạo phật hay bất kỳ đạo giáo tốt đẹp nào, đều hướng con người ta đến Chân – Thiện - Mỹ, hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống này. Và giá trị tốt đẹp của cuộc sống này phải chăng là: Sức khoẻ, đạo đức và tình yêu thương của con người với con người, con người với thiên nhiên. Tiền ai cũng cần và phải có. Nhưng đừng để đồng tiền làm mờ mắt bản thân, ảnh hưởng đến những điều trên và nhân quả về sau. |