link tải gowin99 mới nhất

Hồi ký chiến tranh: Dọc đường hành quân ra Bắc

Sau ngày chiến thắng đường 9 nam Lào, sư đoàn 308 của tôi được lệnh hành quân ra miền Bắc. Với cung đường đi bộ hàng tháng trời ròng rã pháo nặng trên vai từ Tà Púc về đến Xuân Mai Hà Tây, nay là Hà Nội, nhưng ai nấy đều rất vui mừng, vì được trở lại hậu phương miền Bắc thân yêu!

Đúng trưa ngày 01/5 Đại đội 14 của tôi đã hành quân ra tới khu rừng sim thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Đất Bắc đây rồi! Mừng vui khôn xiết! Chúng tôi được nghỉ một ngày tắm giặt cho sạch sẽ trước khi hành quân qua những làng quê Quảng Bình.

Tôi nhớ hôm ấy đài tiếng nói VN đang dậy bài hát " Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn ". Nghe tới đoạn " Hết rau rồi, anh có lấy măng không ", thấy hay hay tôi liền xuyên tạc " Hết râu rồi em có lấy anh không ". Anh Đối đang ngồi cạo râu phì cười làm lưỡi dao cho một đường dài khá sâu, máu quệt đầy cằm anh la tôi : " Tại cái thằng Hòa đấy ". Tôi cũng cãi lại : " Tại cái bộ râu quai nón của chính trị viên đấy ". Đại trưởng Nhượng khoái trí cười híp cả mắt : " Tại đơn vị ta sắp sửa được gặp mặt chị em Quảng Bình đấy ". Mọi người cười vui thắm tình đồng đội.

dh2aq1c-1667007179.jpg
 Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm.

 

Đúng thật, hôm nay anh nào cũng trẻ ra vì râu ria mấy tháng nay mới được " phát quang ". Đã thế quần áo anh nào cũng phẳng phiu, sơ vin chĩnh chạc đàng hoàng, không luộng thuộng như những ngày tháng ở chiến trường đạn bom.

Khoảng cuối tháng 5, Đại đội tôi đã hành quân ra tới ga Minh Khôi Thanh Hóa. Đơn vị tạm nghỉ ở một làng nhỏ bé thuộc xã Thăng Long, huyện Nông Cống. Cả tiểu đội tôi ở một gia đình. Ngôi nhà 5 gian rộng thênh thang vậy mà chẳng anh nào chịu vô gường, cứ thích mắc võng trong vườn dừa, vừa mát, vừa thơ mộng. Ở đây nhà nào cũng có tới hàng 100 cây dừa, sao mà nhiều thế không biêt. Bà chủ nhà cho chúng tôi tha hồ thoái mái hái. Cô con gái rất xinh đẹp và nhanh nhẹn cột cái cu liêm vào ngọn cây sào, rồi tôi và em chọc không biết bao nhiêu trái dừa. Em còn bầy cách " Các anh cho nước dừa vô bình tông rồi thả xuống giếng tối uống mát lắm " ( Ngày ấy ko nước đá và tủ lạnh ).

Bữa chiều hôm ấy, chính hai vợ chồng ông chủ nhiệm HTX khênh một con heo nặng trên 60 ký cho bếp anh nuôi, mừng các chú chiến thắng đường 9 trở về. Tới bữa cơm chiều cả làng ra xem bộ đội ăn cơm, ông chủ nhiệm HTX còn nói thêm : " Các chú thích uống nước dừa thì cứ tự nhiên mà hái nhé! Hai bên đường là dừa của HTX đấy ".

Người dân quý mến chúng tôi quá! Ra đường là thấy những ánh mắt, những nụ cười chào hỏi thân thương! Đúng là tình quân dân cá nước hiếm có nơi nào có được.

Hôm sau chúng tôi hành quân về thôn Nam Thắng, xã Vạn Thắng, cũng thuộc huyện Nông Cống. Đây là một xóm nhỏ, thuộc làng kinh tế mới của huyện Hoằng Hóa lên lập nghiệp. Nghe nói làng cũ gần cầu Hàm Rồng bị máy bay Mỹ thả bom bắn phá ngày đêm nên cháy trụi không còn một nóc nhà nào.

Nhân dân ở đây còn nghèo lắm, khoai sắn nhiều hơn cơm gạo, nhưng tình người thì giầu hơn tất cả.

Những ngày chủ nhật chúng tôi bảo nhau ra đồng ruộng giúp đỡ bà con cuốc đất, đào mương. Cả xóm từ già tới trẻ ai ai cũng biết tên từng anh bộ đội, cũng như cả đơn vị tôi ai ai cũng biết tên từng hộ gia đình.

Vui lắm, tối nào chúng tôi cũng sinh hoạt đơn vị để được đón thư và quà của các cá nhân, đoàn thể Hà Nội chuyển vào, bởi Trung đoàn 102 của chúng tôi là Trung Đoàn Thủ Đô.

Tôi đươc 1 chiếc khăn mùi xoa thêu dòng chữ " Tặng chiến sỹ đường 9 Anh Hùng " và một quyển sổ tay rất đẹp. Chiếc khăn mùi xoa ấy, hiện tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm.

Sáng nay thứ hai chào cờ, đại đội tập hợp đơn vị đọc quyết định phong quân hàm binh nhất cho 8 đứa tân binh chúng tôi là anh Hiền, anh Hưởng, anh Báo, anh Sân, anh Sửu, anh Nhâm, anh Toán và tôi.

Ôi! 10 tháng Quân ngũ, 4 tháng chiến trường giờ mới đươc thăng cấp Binh Nhất, thế hệ chúng tôi là thế đấy.

Cũng chiều nay đại đội tôi nhận thêm 4 tân binh người Yên Định - Thanh Hóa là anh Bảo, anh Sơn, anh Hoan, anh Đắc. Như vậy là kể từ hôm nay anh em đơn vị không còn ai gọi chúng tôi là : " Mấy thằng tân binh Hải Hưng " nữa.

Ở đây chắc được gần hai tháng, tình quân dân vô cùng thắm thiết, thì bất ngờ có lệnh hành quân ra ngoài Hà Tây. Lúc chia tay cả xóm khóc như ri, nhất là ông bà Lê Sỹ Cẩu chủ nhà của tiểu đội tôi. Bà cụ cứ vím chặt cái ba lô như thể không muốn cho tôi đi. Em Lê Thị Quý mắt đỏ hoe, em nghẹn ngào nói : " Anh đi ra ngoài đó nhớ biên thư về cho em nhé! ". Năm ấy Quý vừa tròn 16 tuổi. Quý xinh gái nhất xóm và lại ngoan nữa chứ. Chính vì xinh đẹp và ngoan mà giờ nhiều khi tôi vẫn nhớ tới em...

Tới Vĩnh Lộc, bà con huyện Yên Định ra đón bộ đội chật cứng hai bên đường. Họ biết tin đơn vị rồi sẽ hành quân qua đây, nên họ mang cả cơm nắm, muối vừng nằm vật vờ cả đêm chờ đơn vị đi qua. Giờ tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh vợ anh Bảo : Chị ấy vừa bế đứa con chưa đầy một tuổi, mồ hôi nhễ nhại ướt sũng áo lưng. Chị ấy cứ bám ba lô chạy theo anh Bảo mà gào, mà khóc! Khổ nỗi đơn vị đang hành quân thì anh Bảo làm sao dám dừng chân dỗ vợ nín? Còn anh Bảo thì lặng thinh không nói nửa lời, nước mắt anh tràn trề lẫn trong những giọt mồ hôi trên trán. Bàn tay tay luôn vuốt vuốt khuôn mặt trông đến là tội nghiệp! Tôi thấy tụi tân binh Thanh Hóa chúng luôn gọi anh là : Thầy Bảo! Chắc anh là giáo viên.

Thấy hình ảnh đó, anh Hợi đi bên cạnh tôi nói lớn : " Bọn chúng mày thấy chưa? Cho nên tao bảo chúng mày đừng có ngu gì mà lấy vợ cho khổ " (Hạ sỹ Hợi pháo thủ số 4 vác cọc chuẩn. Anh sinh năm 1935. Đi lính 1959. Năm ấy anh 37 tuổi ).

Sau bao nhiều ngày hành quân vất vả, giờ Sư Đoàn 308 của tôi đã tới Xuân Mai Hà Tây. Đại đội 14 của tôi ở tại một bản Mường xã Tiến Xuân, Lương Sơn, Hòa Bình. Tới đây Đại đội lại nhận thêm 5 tân binh Nam Định : Anh Hòa, anh Sáng, anh Lưu, anh Đường, anh Nam.

Tôi giờ không còn ở tiểu đội 1 anh Nguyễn Quang Sủng nữa, mà tôi chuyển sang làm pháo thủ tiểu đội 3, tiểu đội anh Phạm Ngọc Lịch.

Ở đây buồn chán chết, chung quanh toàn rừng với rú. Phụ nữ thì toàn những em mặc váy nói tiếng Mường tôi chẳng hiểu gì hết. Đi đâu cũng nghe tiếng mõ trâu kêu " lộc cộc, lộc cộc " đến não lòng.

Buồn nhất là trời mưa, đường làng trơn như đổ mỡ, lầy lội toàn nốt chân trâu. Đồng ruộng bên kia đường thì úng ngập, toàn tiếng côn trùng thi nhau gào kêu rả rích cả đêm.

Chiều tối mùa đông sương rừng thấm lạnh. Đêm về ngủ, gió từ gầm sàn thốc qua khe hở manh chiếu mỏng manh buốt rọi thấu xương.

Cả bản Mường và đơn vị chung nhau một khe suối nhỏ góc rừng, đợi chờ hứng từng mũ cối nước để tắm giặt.

Mấy hôm sau đã thấy Mẹ tôi lên chơi. Thấy tôi vẫn khỏe mạnh, hồng hào không bị sốt rét tím da, Mẹ tôi mừng lắm. Mẹ tôi đi bộ từ Hà Đông lên đơn vị vì không chen lấn mua được vé ô tô đi Xuân Mai.

Ôi! Gần 50 km mà mẹ tôi đi bộ? Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn rơi nước mắt! Thương mẹ quá! Mẹ ơi!

Đơn vị ra Bắc rồi mà chẳng một ai được nghỉ phép về thăm gia đình. Anh Thịch pháo thủ số 1 quê ngay Thạch thất Hà Tây xin về 3 ngày cưới vợ mà đơn vị cũng không chịu giải quyết, cuối cùng anh liều mình trốn ngày chủ nhật về cưới vợ, vì gia đình đã lỡ đưa trầu cau mời khách. Vậy mà tuần sau đơn vị cũng phát hiện được anh là tuần trước " Đảo ngũ ". Anh Thịch bị kỷ luật cảnh cáo trước Đại Đội, ghi Lý Lịch, đã thế lại còn hạ quân hàm xuống binh nhì nữa chứ. Lấy vợ chẳng có được một lời thăm hỏi chúc mừng mà còn bị kỷ luật? Thương quá anh Thịch ơi!

Mấy ngày nay sư đoàn tôi bận diễn tập trên thao trường Hà Tây, có cả Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đứng trên đỉnh đồi Ba Vành cùng với Chủ Tịch nước Tôn Đức Thắng quan sát cuộc diễn tập. Nghe đâu diễn tập xong là lại hành quân đi chiến trường Quảng Trị. Lậy trời đi đâu thì đi tôi chấp nhận, nhưng đừng có vượt Trường Sơn nữa nhé, tôi sợ lắm rồi. Ở Trường Sơn ra khỏi hậu cứ là phải trèo đèo, lội suối. Khổ nỗi hồi ở nhà tôi chưa từng phải nắng mưa lao động ngoài đồng ruộng, nên sức chịu đựng của tôi kém lắm. Đi hành quân luôn phải tụt lại đằng sau đơn vị. Mà tụt lại đằng sau thì khổ vô cùng, nào là không ai đổi vác pháo cho mình nghĩ mà tủi cực, rồi còn sợ lạc đường nữa chứ. Xong rồi họp hành lại bị phê bình là không cố gắng... Cho nên tôi rất sợ hành quân.

Rồi cái sợ cũng đã đến : Một đêm cuối Đông trời còn tối đen như mực, 3 anh em chúng tôi đang ôm nhau ngủ " khò, khò " trên niếp tre nhà sàn, bỗng nghe tiếng còi báo động " toe, toe " của Đại Đôi, anh Lịch vội vàng tung chăn đánh thức tôi và thằng Sáng dậy.

Chẳng kịp đánh răng, rửa mặt, thế là ba anh em chúng tôi gấp vội mùng mền chào Mế chủ nhà chúng con đi chiến trường đây!

Đà Nẵng 16/6/2022

Trái tim người lính

Qthanh

Qthanh

12:18 22/08/2023

Ngày đất nước còn bị chia cắt.