Bà ngoại tôi năm nay gần 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Bà kể, ngày bà về làm dâu mới 16 tuổi chiếc cổng nhà đã hiện diện trước ánh mắt bỡ ngỡ của bà, cuộc sống trải qua nhiều nét thăng trầm trong bối cảnh lúc đó có vui có buồn, có vất vả, kham khổ...nhưng đầy hạnh phúc và tình yêu. Thành quả của tình yêu đó lần lượt là mẹ tôi và 5 cậu ra đời trong niềm vui khôn siết của mọi người trong gia đình, dòng họ.
Nghe bà kể lại trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Lúc “Tây ' nó đi càn cả nhà phải bỏ nhà đi sơ tán, “Tây“ nó đi đến đâu cũng cướp bóc, đập phá đến đó. Nhưng nó - chiếc cổng nhà mình vẫn hiên ngang như thách thức với lũ cướp nước.
Ngày hoà bình lập lại, ngoại nhớ những hình ảnh mẹ tôi và các cậu đứng dàn hàng trước cổng chờ bà đi chợ về, mặt ai cũng háo hức chờ đợi xem trong Làn có đồng quà tấm bánh hay gì đó không?
Những kỷ niệm đó sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí bà cùng mẹ và các cậu tôi...
Năm tháng trôi đi, mọi người đều có gia đình riêng nhưng những dịp ngày lễ tết, ngày giỗ hay có công việc gì mọi người đều quây quần bên nhau. Cứ bước qua cánh cổng nhà là niềm vui tràn ngập trong lòng mỗi người.
Hồi còn nhỏ tôi được bố mẹ đưa về thăm ông bà mỗi lần đứng trước cổng nhà tôi đều đứng ngắm nhìn một hồi lâu (vì khi ấy trong làng chỉ có một, hai nhà có cái cổng to và đẹp như thế).
Chiếc cổng và ngôi nhà cũ dường như ăn sâu vào trong tâm trí tôi, khi bước lên bậc thềm là bộ bàn ghế để tiếp khách (nơi mà ông ngoại đã dạy tôi những bài văn và phép toán). Những vật dụng trong nhà như bàn là con gà (dùng than để là quần áo), quạt con cóc, đèn măng sông, cối giã gạo, thúng, mủng, nong, nia...giờ chỉ còn trong ký ức trong ngôi nhà.
Giờ đây cuộc sống đô thị hoá, nông thôn mới những ngôi nhà xưa kia được thay thế bằng nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang hiện đại. Nhà của bà ngoại cũng không ngoại lệ. Mặc dù nhà cũ được xây lên hai tầng nhưng chiếc cổng nhà vẫn được giữ lại, nguyên vẹn thách thức với thời gian. Điều đó minh chứng nó là giá trị lịch sử, là nét văn hoá và nó là hoài niệm với mọi người.
Nhắc đến cổng nhà, chúng ta nhớ về quê hương, đó là những người con lập nghiệp phương xa nhớ về gia đình. Vì vậy chúng ta cần bảo tồn và gìn giữ nó cho muôn đời sau. Để con cháu chúng ta nhớ đến cội nguồn và tự hào khi đứng trước những di sản đó.