Dọc đường 10, đến cầu Tân Đệ, mới chợt nhớ: Bên xã Hồng Lý, Vũ Thư có cánh đồng hoa cải người ta khen nức nở, nên thơ lắm! Thế là, chả cần trưng cầu “dân ý”; cứ vượt qua cầu. Bà lão thắc mắc: sao không dừng lại ngắm sông nước để nhớ bài hát: “Hư vô” hay “Bên bãi đá sông Hồng” phổ thơ anh và hoài niệm người cũ à? Úi chao! Lại tính Hoạn Thư rồi! Tôi chỉ cười cười, không nói. Rẽ xuống đường vòng về lối phà Tân Đệ cũ, rồi lên đê và cứ thế thẳng tiến theo bờ tả sông Hồng. Vượt qua chỗ vào chợ Búng (xã Việt Hùng) một đoạn, bà lão nhà mình nhìn ra phía bãi sông và xuýt xoa: Hoa cải đẹp thế! Lúc ấy mình mới thủng thẳng: Cho em ngắm hoa cải vàng. Đã đi ngắm cảnh thì phải chọn chỗ đẹp! Ngắm sông nước chỉ thấy mênh mang buồn thôi!
Không cần hỏi đường, cứ đi theo cảm hứng. Thấy một cánh ruộng tràn ngập sắc vàng hoa cải, tôi rẽ xuống. Rồi men theo con đường đất phù sa mà tiến… Được khoảng gần 2 km, đường đi càng gập ghềnh. Lúc ấy mới biết, mình nhầm lối! Quay lại thì càng không ổn, cứ mắm môi mắm lợi ga thật mạnh để vượt lên! Lách qua bao ổ trâu, ổ voi; đi thêm tầm hơn 1 km nữa mới thấy trước mặt là một cánh đồng mênh mông hoa cải. Những bông cải vàng là hoa mọc lên từ cây rau cải canh được gieo thành từng luống, phát triển nhanh nên tiêu thụ được ít; chỉ tầm 20 ngày là cây đã già và mọc hoa. Người dân nơi đây cứ để cải phát triển tiếp, để lấy hạt gieo trồng cho vụ sau và bán để chế biến thành dầu hạt cải hoặc mù tạt làm gia vị cho các món ăn nhất là hải sản. Những cây cải cao chừng 6 -70 cm màu xanh, thẳng tắp, mang bao chùm hoa nhỏ màu vàng tươi gần như suốt dọc thân, rực rỡ dưới nắng chiều. ,
Khoảng tầm chục năm trở lại đây, khi cuộc sống đã khá hơn, người ta mới có nhu cầu tham quan du lịch và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần tuý của thiên nhiên thì những cánh đồng hoa cải trở thành nơi mà các nam thanh nữ tú tụ họp chụp ảnh khoe dáng và thân thuộc với cuộc sống của người nông dân. Những bức ảnh các thiếu nữ bên cánh đồng hoa cải vàng tươi thật quyến rũ, tinh khôi, ắp đầy nhựa sống, niềm tin và hy vọng. Người phương Tây xưa đã quan niệm hoa cải vàng là biểu tượng của hạnh phúc, niềm vui đong đầy của gia đình và của những người thân. Với họ, màu vàng là màu của ánh nắng mặt trời, là màu của nhiệt huyết tràn đầy năng lượng. Họ còn cho rằng hoa cải vàng là biểu tượng cho sự thuần khiết, trong sáng, tinh khôi của người phụ nữ…
Hoa cải có cấu tạo khá đặc biệt, chỉ gồm 4 cánh mỏng manh vàng tươi đỡ lấy nhuỵ hoa đượm phấn vàng. Thỉnh thoảng, du khách có thể nhìn thấy những chú ong đang cần mẫn hút lấy chút mật ngọt trên chùm hoa nho nhỏ xinh xinh. Hoa có mùi hương ngai ngái, dìu dịu đem lai cho ta cảm giác bình yên đến bất ngờ. Đứng trong cánh đồng hoa cải mênh mông, tôi như được chìm trong miền cổ tích, của những khát khao dân dã thân quen. Tôi nhẹ nhàng đỡ lấy những cành hoa cải mỏng manh để đi sâu vào cánh đồng và tận hưởng vẻ đẹp đơn sơ mà lãng mạn đến không ngờ. Rồi đây, những bông cải này sẽ kết trái, dâng cho đời những hạt nho nhỏ xinh xinh như những hạt tiêu bắc và tiếp tục song hành với cuộc sống con người… Trong giây phút bay bổng ấy, chợt thấy trân trọng yêu quý thành quả mà người dân xã Hồng Lý (Vũ Thư – Thái Bình) đã một nắng hai sương tạo nên một sự thuần khiết đậm hồn quê xứ Việt giữa trời mây non nước cạnh con sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Không chỉ làm đẹp cho cuộc sống, hoa cải vàng còn là vị thuốc nam hữu ích cho sức khoẻ con người. Các thầy thuốc xưa đã dùng loài hoa này để chữa các bệnh ho, đau và viêm họng, làm mát gan… Ngày nay, ngoài tác dụng chữa bệnh từ hoa; người ta đã có cả một ngành công nghiệp chưng cất, tinh lọc dầu hạt cải với quy mô lớn dùng để làm gia vị chấm các loại hải sản giúp cho việc nâng cao chất lượng bữa ăn của nhân loại.
Hoa cải nhỏ bé, khiêm nhường, mỏng manh giữa đất trời tô thắm cho cuộc đời thêm đẹp hơn, đáng sống hơn. Nó gắn bó với tuổi thơ của biết bao người chốn thôn quê thuở xưa. Nhìn cánh đồng hoa cải, thấy lòng thổn thức khi bất chợt từ trong tiềm thức vọng về những câu thơ của thi sĩ Đặng Thành Văn cũng ở quê hương này mà tôi từng được đọc trong trại sáng tác Đồng Mô năm 2007: “Bỗng gặp hoa cải ngồng/ Nở miên man vườn cũ/ Tôi như vừa gặp đủ/ Cả tôi ngày tôi xưa”. (Hoa cải ngồng - Nỗi niềm quê khắc khoải – NXB Hội nhà văn 2006).