Tại Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thay vì Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám như trước. Sự kiện được thiết kế và dàn dựng chuyên nghiệp bởi âm thanh, ánh sáng, tính sân khấu và mang phong cách lễ hội. Tuy nhiên sáng 5/2, trời mưa khá nặng hạt khiến cho các hoạt động ngoài trời bị gián đoạn. Tuy nhiên khách thơ đội mưa đến đây vẫn có thứ để ngắm, trò để chơi...
Chủ đề của Ngày Thơ Việt Nam tại Thủ đô năm nay là "Nhịp điệu mới" với ước vọng mới, khí thế và niềm tin mới, hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp... Ngày Thơ năm nay có nhiều điểm mới, như: "Đường thơ" là nơi được dựng 100 câu thơ hay của thi ca Việt nam; "Nhà ký ức" là nơi trưng bày các hiện vật thơ ca.
Song song Đường thơ, lễ hội thi ca năm nay còn dành không gian cho Đường sách nơi các nhà xuất bản, công ty gowin99 , phát hành sách trưng bày ấn phẩm thi ca. Bên cạnh đó, người yêu thơ còn được ngắm nhìn các phim tư liệu về các hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn. Các nhà thơ, nhiều thế hệ cũng sẽ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về thi ca Việt Nam tại các quán thơ.
Mọi người dồn cả vào Nhà Ký ức tức gian trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam ngự ở chính giữa sân cỏ Hoàng thành Thăng Long. Vừa né cơn mưa to đột xuất vừa ngắm nghía các cuốn thơ cũ cùng kỷ vật của các nhà thơ trong tủ kính.
Sợ kỷ vật ướt, người ta khênh tủ khỏi chỗ dột hoặc đậy ni-lông trong suốt lên. Các quầy hàng của các nhà xuất bản trên đường sách cũng vậy. Quầy nào có điều kiện căng bạt phía trước thì không phải phủ sách, xác suất gặp khách mua cao hơn. Dĩ nhiên không chỉ có thơ mà đủ các loại sách, chiết khấu 30-50%.
Mọi năm bước vào Văn Miếu, ta sẽ thấy rợp trời các câu thơ chọn được viết lên phướn sau đó thả về trời. Năm nay thơ để ngửa sau những tấm kính đặt trên bục vuông vức, nằm hai hàng dọc lối vào sân khấu.
Trong 5 bài thơ có một bài nội dung chống tham nhũng đã được Bí thư - Chủ tịch nước gửi lời khen ngợi, một bài chống tiêu cực trong giáo dục cũng được Bộ trưởng khen. Còn bài Một mình đã làm tôi bật cười (vì bất ngờ) khi đọc đến câu cuối: "Một mình lẻ bóng phòng không?/ Biết ai? Ai biết mà trông mà chờ/ Thôi đành gửi gấm trong thơ/ Ngày vui cờ tướng- Đêm mơ người tình".
Trong tọa đàm Thơ diễn ra sáng cùng ngày, nổi lên một số tranh luận xung quanh hoạt động của các CLB thơ không chuyên cũng như những tập thơ "tự in" có khả năng "ảnh hưởng" đến các nhà thơ chuyên nghiệp. Nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ thơ phong trào.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đặt thơ bên cạnh các thú làm vườn, chơi chim cảnh, cá cảnh… mang lại cho mọi người, nhất là tuổi già những cảm nghĩ tích cực, yêu thương cuộc đời và gần gũi nhau hơn và cho rằng: Vấn đề do những hệ giá trị bị lẫn lộn, do cách quản lý của chúng ta không khéo- tạo nên những xung đột về mặt tâm lý, lứa tuổi, trình độ.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố, Ngày thơ Việt Nam trở lại với công chúng yêu thơ, diễn ra xuyên suốt trong 2 ngày 4 và 5-2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng từ Hà Nội vào tham dự.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu nêu rõ, thực tế đã khẳng định Ngày thơ Việt Nam là một lễ hội thi ca, để những người làm thơ và những người yêu thơ được gặp gỡ, được tao ngộ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và trong không khí nghĩa tình.
Theo nhà văn Bích Ngân, lịch sử thăng trầm của người Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng thi ca. Những câu thơ trên yên ngựa, những câu thơ trên chiến hào, những câu thơ xua đuổi ngoại xâm, những câu thơ giữ gìn bờ cõi, những câu thơ đánh dấu biên cương, những câu thơ khai hoang lập ấp... đã hun đúc ý chí Việt Nam qua những thế kỷ gập ghềnh chông gai và thử thách nghiệt ngã.
“Chọn chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại TPHCM thể hiện mong muốn của Hội Nhà văn TPHCM, tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và người dân TPHCM trên con đường xây dựng một đô thị tầm cỡ quốc tế, mà hạnh phúc của mỗi con người vừa là trung tâm và cũng là động lực của sự phát triển. Thi ca, khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
Với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, ngày thơ năm nay có nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, là dịp để độc giả yêu thơ được gặp gỡ những nhà thơ nổi tiếng, được nghe chính tác giả cất lên giọng thơ của mình. Các thế hệ nhà thơ như Lê Tú Lệ, Bùi Phan Thảo, Phạm Phương Lan, Trần Mai Hường, Nhật Quỳnh, Minh Đan, Nguyễn Phong Việt… đã cùng hòa chung trong một chương trình, thông qua những thi phẩm của mình, cùng đánh thức “Khát vọng phương Nam” - khát vọng cống hiến, khát vọng của lòng nhân ái, bao dung.
Theo nhà thơ Doãn Thụy Như, chương trình năm nay, về cấu trúc có sự hoành tráng, công phu, có nhiều đầu tư, đặc biệt là bố cục toàn bộ chương trình có tính mở, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt là tiết mục mở màn là bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phần diễn ngâm của nghệ sĩ Ngọc Sang.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn TPHCM còn trao giải cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng”, được phát động vào đầu năm 2022. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên trong cả nước.
Cuộc thi không có giải nhất, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhì (trị giá 10 triệu đồng/giải) cho tác phẩm Di sản từ trái tim Cường béo (của tác giả Hải Văn) và Màu xanh của bác sĩ Nhẫn (Anh Thư); 4 giải ba (trị giá 7 triệu đồng/giải), gồm: Kỳ nữ Kim Cương gieo yêu thương, gặt nhân ái (Thanh Hiệp), Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng (Hoài Hương), Chữ tình đọng lại (Ngọc Lan), Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gởi lại Sài Gòn (Minh Đan).Cuộc thi còn trao 4 giải tư (trị giá 5 triệu đồng/giải) cho các tác phẩm: Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor (Phạm Thị Toán), Sứ mệnh mới của cha đẻ ATM gạo (Nguyễn Ngọc Khuyến), Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi (Nguyễn Thành Úc), Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch (Nguyễn Thị Bội Nhiên).