Ở Việt Nam có 2 ngôi chùa cùng tên gọi Phi Lai. Nghĩa của từ này là điều có thể đến hoặc không thể đến.
Chùa Phi Lai ở phía Nam thuộc thị trấn Ba Chúc - An Giang, khánh thành ngày 19/1/1877. Chùa đã phải trùng tu mấy lần do quân đội Pháp phá hủy khi tiến chiếm Nam Kỳ. Ngày 20/4/1978, chùa Phi Lai lại trải qua kiếp nạn thảm khốc khi quân Khơ-me Đỏ tràn qua. Chúng xả súng, tung lựu đạn giết hơn 80 người dân đang hành lễ trong chùa. Có hơn 100 người chạy ra cửa chùa, bị lính Pôn Pốt dùng gậy gỗ đập vào đầu hoặc dùng súng bắn chết. Có 40 người nấp dưới bàn thờ Phật, bị lính Pôn Pốt tung lựu đạn giết chết 39 người. Một nữ tín đồ thoát chết do bị ép vào góc và được những xác người khác vô tình che chắn giùm.
Chùa Phi Lai - An Giang
Chùa Phi Lai ở phía Bắc có tên Nôm là chùa Đùng, sau đặt tên là Địa Tạng Phi Lai tự, được giải nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn đến nơi này, cũng có thể không bao giờ đến nơi này. Điều này cũng bao hàm ý “sắc sắc không không” của nhà Phật.
Chùa tọa lạc tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam. Chùa có lịch sử hơn nghìn năm nhưng suốt thời gian dài chùa bị hoang phế, nhất là khi hàng loạt những chùa lớn, khu du lịch tâm linh hiện đại xuất hiện bao quanh ngôi chùa cổ.
Tháng 12 năm 2015, chùa Đùng mới có vị trụ trì đầu tiên là Đại đức Thích Minh Quang.
Khi tiếp nhận, Đại đức Thích Minh Quang đã xin phép và được đồng ý đổi tên chùa Đùng thành Địa Tạng Phi Lai tự. Dựa vào khả năng của nhà chùa và đóng góp của các phật tử, Đại đức Thích Minh Quang đã cải tạo, kiến trúc khuôn viên chùa theo hướng gắn với thiên nhiên. Ngôi chùa tựa vào núi, giữ được rừng thông bao quanh, vừa ẩn mình khiêm nhường bên thiên nhiên, vừa như được những tán rừng che chở.
Chùa Phi Lai - Hà Nam nhìn từ xa
Đường lên chùa lát bằng những viên sỏi trắng thay vì lát gạch đỏ như thông thường. Chất liệu sỏi trắng càng khiến lòng người đến cõi Phật thêm thanh thản. Dọc đường lên chùa có tới hai chục quán dừng chân. Tại quán, các bức tường, bức vách đều được trát bằng rơm khô trộn bùn, hòa nhập với những sản vật nhà chùa giới thiệu là nông sản và các cây làm thuốc, các loại nấm do nhà chùa làm ra.
Bố cục chùa Địa tạng Phi Lai không khác những chùa Phật giáo khác. Chùa có Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức thánh ông, đức Thánh hiền… nhưng đặc biệt nhất là chùa có rất nhiều sách. Sách phủ kín những bức tường, thỏa sức cho những người muốn tìm hiểu căn nguyên của đạo Phật.
Chính vì vậy, Địa Tạng Phi Lai tự đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn là nơi các bậc chân tu đến thuyết giảng cho các tăng ni – phật tử và là nơi Giáo hội tiến hành các khóa tu.
Các pho tượng tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ chùa Phi Lai
Những quán dừng chân trên đường vào Địa Tạng Phi Lai tự
Nhân dịp đầu Xuân, anh trưởng Khắc Lập và cháu trưởng Đoàn Trung đã tổ chức cho các chú các cô trong họ viếng Địa Tạng Phi Lai tự. Các thành viên trong đoàn đều đã từng đến thăm những chùa lớn nhỏ khắp Việt Nam, vậy mà sau chuyến thăm chùa Phi Lai, mọi người đều có những cảm giác khác lạ - An nhiên và thanh tịnh.
Một Ban hành lễ đơn sơ của chùa Phi Lai
Các Bảo tháp chùa Phi Lai
Một chuyến viếng chùa thật ý nghĩa và thanh thản, khác xa với những lần chen chúc nơi cửa Phật ở những chốn sầm uất, uy nghi.
Nước Việt có 2 chùa Phi Lai ở miền Bắc và miền Nam. Cả hai ngôi chùa này đều đi vào lịch sử Việt Nam, lịch sử Giáo hội Việt Nam những dấu ấn riêng biệt – Bi thương và thánh thiện.