link tải gowin99 mới nhất

Hà Bôn - Thủ môn lừng danh trở thành “Giám đốc” Bảo tàng Bóng đá

Hồi mới phát triển phong trào chơi tennis ở Hà Nội những năm 90, tôi có dịp so vợt với ông Hà Bôn ở sân XNDP TW 1 phố Tôn Đức Thắng – Hà Nội. Là cựu vận động viên nên ông Hà Bôn thích ứng khá nhanh với môn thể thao quý tộc hồi bấy giờ.
123-1639208534.jpg

 

Cả cú thuận tay lẫn trái tay ông đều thuần thục nhưng ông thường chọn đứng cuối sân để lốp bóng khi thấy đối thủ lên lưới. Ở làng quần vợt phủi, ông nổi danh với quả lốp bóng này.

Cũng nhờ thiên hướng chốt chặn và quan sát tốt như vậy nên dù chỉ cao 1m65, ông Hà Bôn vẫn được chọn làm thủ môn khi theo đuổi nghiệp quần đùi áo số. Nhà ở phố Hàng Chiếu, tuổi thơ ông gắn với sân Long Biên, nơi cách nhà ông chỉ vài bước chân.

Thời Pháp thuộc Hà Nội ít sân đá bóng, có thể đếm được trên đầu ngón tay như sân Septo (Société d’ Education Physique du Tonkin), sân Mangin (sân Cột cờ), sân Nhà máy Rượu, sân Tập kèn. Đến năm 1910-1920, đội Chớp Nhoáng (Eclair) và Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội hợp tác lập ra sân Nhà Dầu (gần cầu Long Biên). Còn lại, những người ham đá bóng đều phải chơi ở những nơi đất trống hoặc ngã ba ngã tư ít người qua lại.

Nói vậy để biết tại sao ở sân Long Biên, ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô, mỗi khi có cuộc đấu giao lưu với các đội bạn là ông Hà Bôn lại được các ông bầu giao làm thủ môn chính cho đội. Quan sát và phán đoán nhanh, ra vào hợp lý, thủ môn Hà Bôn là ngôi sao trên sân đất phù sa Long Biên. Dù thể hình thấp bé nhưng nhìn ông bay lượn trong khung thành, dân bóng đá hồi ấy phải gọi ông là “con vượn Hà Bôn”.

Năm 1955 Thể công được thành lập. Năm 1956 đến lượt đội bóng đá Công an Hà Nội ra đời, tiếp sau là các đội Tổng cục Đường sắt và Tổng cục Bưu điện. Những đội đấy được hiểu là đội hạng A vì Hà Nội thủa ấy còn rất nhiều đội bóng của các ban ngành, do mới thành lập hoặc chuyên môn chưa cao nên gọi là các đội hạng B. Đội Sở thuế vụ của ông Hà Bôn cũng nằm trong số những đội hạng B này.

Năm 1960 ông đầu quân cho đội Đường sắt và năm 1962 ông gia nhập quân đội, làm thủ môn cho đội Quân khu Việt Bắc. Khi ấy Quân khu Việt Bắc đã có 2 thủ môn rất cao to, nhưng khi thi đấu, khán giả lại thấy ông Hà Bôn nhỏ bé đứng trấn giữ khung thành. Vị trí số 1 của ông trong khung gỗ được ông duy trì đến hết mùa giải 1965-1966 mới chịu nhường lại cho người kế cận khi ông giải nghệ.

Sưu tầm hiện vật về bóng đá.

Ông biết ngoại ngữ (tiếng Pháp) và biết lái xe nên khi giải ngũ, ông được cử sang lái xe cho Đại sứ quán Bungari rồi Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, liên tục đến năm 2000 mới được nghỉ hưu. Ông sinh năm 1938, lẽ ra phải nghỉ hưu trước đó nhưng với một tay lái kỳ cựu, một kho từ điển sống về Hà Nội, lại gắn bó với lần lượt 11 đời nhiệm kỳ đại sứ nên Đại sứ quán Đức gửi công văn tha thiết giữ ông lại thêm vài năm nữa. Hồi đấy, ông là thần tượng của bọn trẻ chúng tôi và là niềm thán phục của cả các anh lớn trong làng bóng đá Hà Nội.

Ông hay đến sân tập bằng chiếc xe Mercedes màu đen bóng nhoáng của ngài Đại sứ, đầu chải mượt và nước hoa bao giờ cũng thơm phức. Vậy mà khi xỏ chiếc găng vào, đứng trong khung gỗ, ông lại như một người khác, thật dân dã mà máu lửa.

Tôi ham rượu bia như bây giờ có lẽ có một phần lỗi của ông Hà Bôn thủa ấy, khi thi thoảng thấy tôi trên đường, ông lại dừng xe rồi lôi từ trong cốp xe mấy chai bia Đức cho thằng em,mà mãi tận bây giờ tôi vẫn nhớ vị của chai bia đen được uống lần đầu tiên trong đời.

Ông Hà Bôn có hai điều không thay đổi từ ngày tôi biết ông.

Ông Hà Bôn có chiều cao là 1m65, chiều cao đấy hồi những năm 50 cũng là chiều cao trung bình khá của người Việt Nam, nhưng so với các thủ môn bây giờ thì một trời một vực. Và thứ hai, ông chưa bao giờ hết đam mê với quả bóng tròn. Đến tận bây giờ, khi đã bước sang U90 ông vẫn nhiệt huyết như hồi mới lớn. Các cuộc tụ hội của giới bóng đá trên sân cỏ không bao giờ vắng ông.

Đời cầu thủ tôi chưa từng thấy ông bị chấn thương hoặc thay ra giữa chừng. Người ông nhẹ và ra vào hợp lý giúp ông tránh những va chạm trên sân cỏ. Duy nhất có một lần tôi chứng kiến ông chủ động xin ra sân. Hồi đó đội Công an Vĩnh Phúc mời đội cựu cầu thủ Công an Hà Nội lên Tam Đảo thi đấu. Trận đấu có lúc tạm hoãn khi sương mù sà xuống giăng kín sân. Cầu thủ trên sân có lúc còn không nhìn thấy cả chân của mình.  Đường pist chạy bên cạnh sân được các cổ động viên chiếm giữ. Định lùn bên CAVP vừa chuyển sang làm Giám đốc Sở Văn-Thể-Du tỉnh phá bóng. Bóng đập vào đầu bà Huyền vợ ông khiến bà choáng váng. Ông lập tức xin nghỉ và ngồi cạnh bà suốt thời gian còn lại của trận đấu. Với bàn tay nhựa, ông theo đuổi đam mê bóng đá và sẵn sàng dùng bàn tay đó để bảo vệ người thân.

Tại ngôi nhà 3 tầng của ông tại phố Núi Trúc, có một Bảo tàng các kỷ vật về bóng đá lớn nhất Việt Nam. Vị Đại sứ Đức kính trọng ông, làm cầu nối để ông kết giao với các danh thủ Đức và thế giới. Thủ môn huyền thoại của đội tuyển Đức.

Harald Schumacher Anton cũng là bạn vong niên với ông. Đôi găng tay bắt trong trận đoạt Cúp vô địch thế giới và quả bóng có đủ chữ ký của đội hình vô địch năm 1990 được đặt trang trọng trong bảo tàng. Quả bóng đá trong trận đội tuyển Việt Nam đoạt Cúp vô địch AFF năm 2008 và cả quả bóng trong trận U22 Việt Nam vô địch Cúp Mederka trên đất Malaysia năm 2008 cũng được các quan chức bóng đá Việt Nam mến mộ ông mang đến tặng.

Qua ông thông gia là Mai Đức Chung (HLV bóng đá nữ), các cháu gái ở các thời kỳ của đội tuyển nữ coi ngôi nhà của ông ở phố Núi Trúc như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tất cả những kỷ vật, chiến tích gắn với bóng đá nữ Việt Nam đều được lưu giữ nơi đây. Có thể nói, đây cũng là Bảo tàng Bóng đá nữ Việt Nam.

Các cầu thủ nam, đặc biệt là các thủ môn đội tuyển, ai cũng muốn được một lần trong đời được ngồi cùng bố Hà Bôn trên những bậc thang ngôi nhà trên phố Núi Trúc, gắn đầy những đôi găng tay của các thủ môn lừng danh trên thế giới và cả các bậc đàn chú, đàn anh ở đội tuyển Việt Nam.

Ông Hà Bôn giờ đã có đầy đủ các cháu nội, ngoại. Mắt lấp lánh niềm vui, ông thủ môn già say sưa kể về khả năng bắt bóng của các cháu khi tham gia các giải ở trường học. Hy vọng, thế hệ các cháu sẽ nối nghiệp ông, để mãi mãi đam mê với những điều kỳ diệu quanh trái bóng tròn.

Xin kính chúc ông “Giám đốc” Viện bảo tàng Hà Bôn sẽ có thêm nhiều kỷ vật khi bóng đá Việt Nam đang từng bước tiến vững chắc trên đấu trường châu lục và thế giới.

Theo Chuyện Làng Quê