Nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Hành là một người miền Trung làm báo, làm thơ mà tôi trân trọng. Viết lách chỉ là một chút vui của tôi, nhưng trước khi đặt bút viết về ai, tôi đều có thói quen tìm hiểu kĩ lưỡng và đọc họ. Ngô Đức Hành là người xứ Trảo Nha, đứa con Hà Tĩnh, nhập cư Hà Nội đã mấy mươi năm. Trong anh có âm vang của miền cát cháy kiên cường, nồng hậu, hội nhập gió bụi Kinh Kỳ. Anh mang quê hương trong cổ họng bằng giọng trầm ấm, đã bớt đi cái khắc nghiệt, nằng nặng thiên tai để thoảng mùi thanh lịch Tràng An.
Can Lộc, Hà Tĩnh là nơi anh được thấy mặt trời, được mẹ xé rách mình mà sinh ra. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là sỹ quan an ninh, người làm báo chuyên nghiệp từ năm 1992 đến nay. Khi tôi chưa ra khỏi ngôi trường cấp 3, thì anh đã dấn thân vào cái nghề sóng gió. Hơn 30 năm, anh đã cho ra đời 7 tập thơ và vô số các bài báo, ở nhiều mảng khác nhau.
Anh một cây bút lão luyện, viết đến tốc độ chóng mặt. Ngòi bút trong tay anh biến hóa khôn lường. Vừa mới bút chiến, luận chiến, kinh tế, an ninh, quân sự, đã sang trữ tình, da diết, thơ, nhạc lấp lánh. Khiến đôi khi tôi tự hỏi, điều gì đã làm nên một cây bút đa thanh, đa diện như anh. Có lẽ vì anh đi nhiều, viết lắm, vì vốn kiến thức ăm ắp, hay vì cảm xúc mãnh liệt luôn ẩn chứa trong anh, mà một ngày không đi, không viết, là anh thấy thiếu, thấy có lỗi với chính mình.
Viết là cách giải tỏa những vui buồn, cơn cớ anh gặp trên hành trình gió bụi cuộc đời, để bày tỏ, chia sẻ niềm yêu, sự cảm thông với người. Chính vì thế mà có bài báo anh viết, đã đem lại niềm vui cho nhân vật. Mà khi viết anh không hề chủ định hay tin tưởng mãnh liệt vào cái kết có hậu cho họ. Và anh cứ viết như một sự dấn thân.
Ngòi bút trong tay anh, như có mãnh lực, tìm đến mọi góc cạnh đời sống, hồn người để soi rọi, tham chiếu, bắt bệnh hay cổ vũ, suy cho cùng, cũng là cách để nói ra được những gì bức bối hay cháy bỏng trong anh mà thôi. Tôi thì thích mảng trữ tình trong cây bút của anh, vì tạng tôi hợp với nó.
Trong anh đã tàng ẩn nhiều cung bậc cảm xúc, đến nỗi đôi khi chẳng cần cơn cớ đã bừng bừng, rạo rực. Nhưng chan chứa hơn là khi anh có lý do để cất lời. Là người hào sảng, không chịu nghỉ ngơi, khi “đời bày cuộc vui” thì nhiệm vụ của anh là đi với máy tính, máy ảnh và bầu máu nóng. Đôi khi tôi gọi vui là cái “tình nghệ sỹ” trong anh ắp đầy lắm. Đến nỗi vừa mới về nhà sau một chuyến xuyên Việt, gió sương chưa kịp mờ trong vệt nước mắt chong đêm, thì anh đã lại vội vã cất bước. Nơi nào có tình thâm, nơi ấy có anh, anh còn hiện diện ở hầu khắp các sự kiện văn nghệ. Nói vậy không có nghĩa là bàn chân anh dẻo (vì khỏe mấy cũng cần phút nghỉ ngơi) mà để thấy cái tình, sự ấm áp, trân trọng của bạn viết dành cho anh. Mà giây nhận thế nào thì phút cho đi của anh còn nhiều hơn thế. Bởi vậy mà anh có quá nhiều cảm xúc trong ngăn đời, một kho tư liệu quý giá, khiến bất kỳ người viết nào cũng ao ước.
Dời Hà Tĩnh đã mấy mươi năm, phố phường Hà Thành đã len lỏi vào trong từng nét thời gian vã trên mái đầu sương gió, nhưng thẳm vào những khuya sâu quạnh vắng, dòng Lam vẫn cuồn cuộn chảy trong hồn người Hà Tĩnh Ngô Đức Hành. Có đôi khi anh phải nén, gói và cất đi niềm cố hương vời vợi ấy, cho lòng bớt chơi vơi mỗi mùa bão nổi. Nhớ quê, không bắt đầu từ mỗi bình yên mà dậy sóng vào khắc thiên tai. Bởi có lẽ, anh là kẻ nặng ân tình, khối tình quê đi suốt triền đời anh trong những cơn vi vút nghịch mùa gió chướng. Âý những khắc khoải, vời vợi đã đắp đổi nên hun hút một màu Lam ngà ngọc trong những cơn sinh thành câu chữ tự ngón tay anh.
“giọt mồ hôi dầu sông La ngàn Hống
giọt mồ hôi mẹ cha bện vành nôi mưa nắng
khét gió Lào chằm tơi
…
giọt mồ hôi của mưa gió bão bùng
ngực Trường Sơn vách trời sáu múi
của cơn sóng lừng khi biển Đông giận dỗi
quất vào bờ lớp lớp vẫn lăn tăn”
(Giọt mồ hôi)
Bởi thế đôi khi giữa quê hương thứ hai- Hà Nội, nhưng vẫn thấy “thiếu quê hương”, mà trái tim kẻ đã ở độ tuổi “tri thiên mệnh”, trong nỗi nhớ đồng chiều cuống rạ, lạ lắm. Bởi ấy là khi, anh đã đi qua tất cả vui buồn, mất được để an nhiên, thì chạm vào nỗi nhớ không còn những thổn thức trẻ dại, sao giữa xô xệch phố thị đôi khi ê hề, thừa mứa, sao vẫn da diết món quê “Bánh đúc xứ Nghệ”. Bởi đó là hồn cố hương dâng dâng màu mắt trong những khoảng chiều cháy đỏ. Đó kết tinh bờ ao, vườn tược, vuông ruộng và tất tả dáng mẹ hiền.
“bánh đúc Nghệ gói ký ức vào lá chuối
thời gian ùa
thơm
bàn tay tần tảo
đôi mắt xanh không gì xanh hơn
…
mẹ chằm tơi trở dạ trên đồng
sinh con vào ngày gió
dì bế bàn tay cuộc đời ngoài cửa sổ
bánh đúc bây giờ về phía mênh mông”
Chỉ một miếng quê mà lấp đầy trống vắng, nhưng cũng vẫn một lát cắt yêu thương ấy mà anh thấy lòng mình thiếu hụt về “phía mênh mông”. Vậy thì Ngô Đức Hành chính là đứa con của rơm rạ, để trong những cơn trở mình tấp nập phố, vẫn khao khát được che xanh, tự mảnh vườn quê, được tắm gội tự dòng sông ấu thơ. Người nặng tình là kẻ dù ở bất kỳ chốn nào vẫn hít thở bầu quê hồn hậu.
Anh có khi đi đến địa đầu Tổ quốc, trên muôn trùng biển khơi mà tim rộn lên những tiếng yêu dào dạt. Ở Trường Sa, anh đã sống những khoảnh khắc ngắn ngủi, trải nghiệm cuộc đời phong ba của người lính biển. Nơi những chiến binh quả cảm, ngày đêm chắc cây súng giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Ở họ, chỉ nhìn màu da sậm nắng gió, cái cười ấm áp mà trong phút chốc anh như thấy tiếc những thời gian mình đã từng tiêu cho điều nhỏ bé, ích kỉ cá nhân. Đi để thấy Đất nước mình bao la, hùng vĩ, để yêu quá những con người đã hy sinh hạnh phúc cá nhân cho mỗi giờ khắc bình yên của nhân dân. Anh thấy thương hơn từng giọt nước ngọt hiếm hoi trên đảo, nâng niu từng vạt rau xanh, và hiểu hơn vất vả, quên mình của người lính.
“Giữa biển khơi chưa một phút lặng im
nhà giàn giống ngôi nhà của mẹ
chiến sỹ ôm guitar hát bài ca đất nước
Tổ quốc rộng dài đâu cũng thế quê hương
Mỗi trái tim Lạc Hồng
đập nhịp cùng biển đảo
trên nhà giàn mồng tơi xanh trước bão
vẳng tiếng gà mỏng mảnh bình minh
Nhà giàn làm ngư dân vững tin
vững tin trước mũi thuyền treo lá cờ Tổ quốc
và anh hiểu thêm thế nào là Đất nước
để có yên bình phải mất mát hy sinh”
(Nhà giàn)
Bước chân anh thật rộng, dài, đặt tới núi cao, thung sâu, bao la biển trời, nhưng tất cả mọi cuộc đi cuối cùng cũng chính là chốn trở về. Bởi không có chốn nào an ấm bằng chính nhà mình, chẳng có con đường nào khó mà ta khao khát đi như trên chính nẻo tâm tưởng của mình. Anh là nhà báo chính luận, cũng chính là nhà thơ trữ tình. Mà thi nhân là loài khó hiểu và mong manh hơn ai hết. Anh ta có thể hiểu người, nhưng với mình, đôi khi thấy như đứng trước một ngôi nhà im ỉm khóa. Vì thế, tự cảm thân phận là điều tất yếu. Có bao nhiêu người viết, là bấy nhiêu nhưng trăn trở xác thân và tư tưởng, để cuối cùng, nói và viết cho được những cắc cớ tựa như cây thánh giá cả đời hành khổ kẻ mang căn mệnh con chữ. Ngô Đức Hành cũng vậy thôi, bao lần trái tim run rẩy trong xó tối mà tự hỏi những bước đi về phía vô định, bình minh, nhập nhòa, tin yêu hay buồn thương. Bởi xót xa, yêu thương những vỡ nát, thất bát, tha thứ cho chính mình mới đến được với người.
“Tôi đi về phía cuối thời gian
cộng trừ nhân chia thời máy tính bảng
tôi bật những con lắc trên bàn tính gỗ dưới bậc thềm bóng nhoáng
con nai chiều ngơ ngác ngày sang
trước mặt tôi là một bức tường
nghe nỉ non như tường kém vữa vôi nên có giun, có dế
không thể đi tiếp
ai nhoài người lên túm tóc mình vượt nổi phía bên kia?
Tôi đi cuối ngày
nghe hơi phả con đường lận đận
những giấc mơ hoa gấm
xao xác mặt thời gian trên máy tính bảng góc tường”
(Thân phận)
Trong lãng đãng khúc thu gieo gió mưa giữa mùa Ngâu da diết, lật dở những trang viết của nhà báo, Nhà thơ Ngô Đức Hành để thấy rõ hơn một tâm hồn yêu thương, mãnh liệt với đời của một người bắt rễ từ xứ Trảo Nha, nơi dòng Lam thao thiết chảy, nơi từng hạt cát cháy, cứ óng lên dù cho thiên tai cứ đến mùa lại trút xuống dải đất nối hai đầu Tổ quốc. Mới thấy, mảnh đất ấy luôn cương cường và con người xứ ấy đầy sức mạnh nội sinh.