Những ngày tháng 7 này, gia đình ông Đặng Thành Biên ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đang sống trong niềm xúc động và tràn đầy hy vọng về một kết thúc “có hậu” trong hành trình xác minh thông tin về người anh trai hy sinh từ hơn 55 năm trước. Hồ sơ quân nhân Đặng Thành Tuấn đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Định thẩm định có đủ căn cứ pháp lý để xét duyệt công nhận liệt sĩ. Không còn lâu nữa anh trai của ông, người đã dùng máu viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu trên chiến trường miền nam rồi hy sinh sẽ được công nhận là liệt sĩ.
Công cuộc tìm kiếm thông tin về ông Đặng Thành Tuấn ra đi từ đó không về của gia đình ông Biên sẽ không mang lại kết quả như ngày hôm nay nếu không có sự giúp sức của các tình nguyện viên. Tháng 11/2018, với sự hỗ trợ của một số tình nguyện viên trẻ trên nhiều vùng miền đất nước, gia đình ông Đặng Thành Biên tìm được một số tài liệu quan trọng chứng minh quân nhân Đặng Thành Tuấn đã hy sinh tại chiến trường miền nam.
Một trong số tài liệu quan trọng đó là bản danh sách báo tử 59 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 pháo binh, hy sinh năm 1966, do phía Mỹ thu giữ, hiện đang lưu bản chụp tại website Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ). Các tình nguyện viên cũng giúp gia đình ông Biên tìm được hai người đồng đội chứng kiến sự hy sinh của ông Đặng Thành Tuấn.
Một trong các tình nguyện viên kể trên là kỹ sư Lâm Hồng Tiên, sinh năm 1975, đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Từ năm 2009, anh Lâm Hồng Tiên đã tìm đọc các tài liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 2013, anh Tiên lập trang blog: //www.kyvatkhangchien.com để đăng thông tin liên quan các liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với hy vọng giúp được những ai đang tìm kiếm thông tin về liệt sĩ của gia đình mình. Hiện, trang kyvatkhangchien.com vẫn lưu giữ rất nhiều thông tin về liệt sĩ, chủ yếu từ các tài liệu của quân đội Mỹ được giải mật, gồm: đơn vị, địa bàn hoạt động, địa điểm, tọa độ chiến đấu, giấy tờ quân đội Mỹ thu giữ của đơn vị liệt sĩ hoặc của liệt sĩ, bản đồ khu vực.
Anh Tiên còn dành thời gian tìm kiếm thông tin, tài liệu liên quan các trận chiến đấu của các đơn vị quân đội, thông tin về nơi an táng ban đầu của liệt sĩ, về những ngôi mộ tập thể để cung cấp cho các đơn vị chính sách của quân đội, các tỉnh đội, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, các hội cựu chiến binh. Năm 2016, anh Tiên đã cùng tình nguyện viên Nguyễn Xuân Thắng ở TP Hồ Chí Minh tìm kiếm và cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng về ngôi mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trong trận tấn công sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) Tết Mậu Thân 1968.
Anh Tiên xúc động chia sẻ: “Tôi có người bác ruột là anh trai của mẹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ thông tin về đơn vị, nơi hy sinh, ngày hy sinh. Bà ngoại tôi sau nhiều năm không thấy bác trở về đã phải làm đơn gửi đi khắp nơi mới có được tờ giấy báo tử bác tôi. Câu chuyện về bác tôi cũng tương tự trường hợp bác Đặng Thành Tuấn ở Bình Định. Chứng kiến và đồng hành cùng những vất vả của gia đình mình và bác Đặng Thành Biên trên hành trình tìm kiếm thông tin liệt sĩ khiến tôi mong muốn giúp đỡ nhiều gia đình liệt sĩ khác có thêm những thông tin hữu ích về người thân”.
Thêm một liệt sĩ được xác định danh tính, được trở về với gia đình là bớt đi một phần nỗi đau của mất mát chiến tranh, là thêm một câu chuyện đẹp về sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ.
ANH THƠ
---------------------------------------
Khu tái định cư... ba không ở Quảng Bình
Mùa mưa lũ năm 2018, tại bản Bãi Dinh, xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do vậy, xã Dân Hóa đã vận động, di dời 23 hộ ở các điểm sạt lở về sinh sống tại khu tái định cư Khe Xanh, nằm trên quả đồi cao, cạnh quốc lộ 12A.
Do thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng khu tái định cư, UBND xã Dân Hóa chỉ mới làm được các công việc san gạt nền, phân lô, hỗ trợ di dời nhà cửa các hộ dân đến nơi ở mới. Ba năm sống ở khu tái định cư Khe Xanh, để duy trì cuộc sống, bà con phải mở những lối mòn nhỏ từ nhà này đến nhà khác để đi lại và tự góp tiền để kéo điện, dẫn nước về một cách tạm thời để phục vụ sinh hoạt. Cụ thể, chị Hồ Thị La cho biết, do khu tái định cư chưa có đường nên mỗi khi trời mưa, lối mòn thường trơn như đổ mỡ, mỗi lần đưa con đi học rất vất vả. Vì thế, mùa mưa, vợ chồng chị phải gửi con ở gần trường để tiện đi học.
Về điện sinh hoạt, các hộ dân đã vận động nhau đóng góp kinh phí đưa điện về nhưng do xa nguồn điện phải cần số tiền lớn nên chỉ có bảy hộ tham gia, có điện dùng. Số hộ còn lại phải thắp đèn dầu. Cả khu tái định cư tối om dưới chân dãy Giăng Màn. Anh Đinh Mạnh Quỳnh chia sẻ, do thiếu tiền mua vật tư và việc kéo điện tự phát nên nguồn điện yếu và thiếu an toàn. Có lần người dân trong khu vực bị tai nạn về điện.
Không chỉ thiếu hạ tầng phục vụ đời sống mà người dân ở khu tái định cư Khe Xanh còn thiếu đất sản xuất. Phần lớn người dân nơi đây đều lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo làm nghề bốc vác thuê, thu nhập bấp bênh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng hóa xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế này giảm đáng kể, việc làm và thu nhập của bà con cũng ít đi. Tất cả 23 hộ dân nơi đây đều là hộ nghèo. Cả khu tái định cư chỉ có một ti-vi do Nhà nước hỗ trợ nhưng luôn chập chờn theo nguồn điện và tín hiệu hình ảnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Hồ Quang Ba cho biết, để khắc phục khó khăn trước mắt, xã sẽ hỗ trợ một phần và vận động người dân tự mở đường, kéo điện để phục vụ cuộc sống. Về lâu dài, cấp trên cần quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư hoàn thiện khu tái định cư giúp người dân ổn định cuộc sống.
HOÀNG PHƯƠNG (Quảng Bình)