Nhà nó nằm cặp bên con sông Giang Thành. Sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, người Khmer gọi sông này là Tà Ten, sau gọi là Prêk Ten. Sông chảy vào địa phận xã Tân Khánh Hoà, xã Phú Mỹ rồi đổ vào vũng Đông Hồ ở Hà Tiên trước khi ra biển. Sông Giang Thành dài 23 km nối liền với kênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến Hà Tiên góp phần đưa nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh Kiên Giang phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành.
Nhà nó nghèo lắm. Cái nghèo của sự đông con với năm đứa lít nhít, đứa chửa biết bò đứa đã thò ra. Mảnh đất chọi chim không có. Thấy ba mẹ nó hiền lành, thật thà, chịu khó làm thuê làm mướn nuôi con, không rượu chè, cờ bạc nên chủ ruộng thương tình cho mượn đất ven sông Giang Thành dựng căn nhà lá nhỏ để có chỗ chui ra chui vào trú mưa, trú nắng, chứ ở dưới cái xuồng nhỏ chật chội, cực lắm. Nhờ bà con hàng xóm, người giúp tấm lá, người giúp cây tràm, người cho bao xi măng, cho gạch,…góp nhặt mỗi thứ một ít của ít lòng nhiều thắm tình làng nghĩa xóm, căn nhà lá nhỏ được hình thành. Thế là hạnh phúc lắm rồi, đỡ phải thuê nhà trọ, tốn tiền lắm. Nói vậy chứ, làm gì có tiền mà thuê nhà trọ.
Đất đai xứ này làm lúa thất bát nên chẳng thể thuê mướn để làm ruộng được, vậy nên, năm cái miệng ăn hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đào đất mướn của ba và tiền bán bàng thô của má cho cư dân bên kia biên giới. Khổ nỗi, mấy năm nay ba bị bệnh hiểm nghèo phải nằm liệt giường một thời gian rồi mất, vì thế, gánh nặng mưu sinh đè nặng trên đôi vai gầy gò mảnh mai của má. Mỗi năm gia đình đều phải nhờ cậy chính quyền địa phương cứu đói. Mỗi lần nhìn thấy anh em nó dõi mắt trông theo những chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai những cô cậu học trò tung tăng chân sáo đến trường một cách thèm thuồng, mẹ nó đau lòng lắm. Mẹ cũng muốn cho anh em nó đi học, nhưng ngặt nỗi, nhà nghèo quá, lấy tiền đâu mà cho con đi học bây giờ, trong khi gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, đói reo đói rắt.
Biết lớp học xóa mù chữ do bộ đội biên phòng mở từ bẩy giờ tối đến chín giờ tối, từ thứ hai đến thứ bẩy, mẹ nó mừng lắm, đăng kí cho anh em nó đi học để biết cái chữ mà đọc, mà biết tính toán khi bán cỏ bàng, mớ tôm, mớ cá... để không bị người ta lừa gạt. Má nó ôm từng đứa vào lòng, xoa đầu dặn dò ân cần “Nhớ phải chăm học để trở thành học sinh giỏi đó nghen, học dốt má buồn lắm đó. Học giỏi để sau này có nghề có nghiệp nuôi sống bản thân, thoát nghèo con ạ”. Anh em nó nhập tâm lời dặn dò, nhắn nhủ của má, thầm hứa quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của má. Cho anh em nó đi học, mặc dù là học lớp xóa mù chữ không phải tốn tiền, nhưng đó là nỗ lực, sự cố gắng lớn lao, tình yêu thương vô bờ của má đối với anh em nó, muốn anh em nó được học hành đến nơi đến chốn để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “đói nghèo” đã đeo đẳng cuộc đời ba má bao nhiêu năm nay.
Nó bảo tôi, mày biết không, ở ấp mình, nhiều đứa trẻ cùng trang lứa không được ba má cho đi học, bắt ở nhà đặt trúm, bắt lươn, làm thuê làm mướn, đi bán vé số kiếm tiền hoặc chơi bời lêu lổng. Dường như, trong suy nghĩ của họ không có khái niệm học để có tri thức, để hiểu biết giúp bản thân, gia đình có cách làm ăn hiệu quả để thoát nghèo. Họ chỉ biết bắt con cái lao vào đời kiếm tiền mưu sinh mà quên đi bổn phận, trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ là phải chăm sóc con cái chu đáo, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Nhiều người bảo, học chẳng để làm gì khi mà cái đói, cái nghèo bủa vây, phải kiếm tiền đong gạo trước đã, không thể để cái bụng đói được. Thật là những suy nghĩ thiển cận phải không mày. Cứ theo cái nếp suy nghĩ cổ hủ ấy thì biết đến bao giờ mới đổi đời được, cái đói, cái nghèo vẫn cứ dai dẳng đeo bám mãi mà thôi. Thật may, má tao không có suy nghĩ như họ nên đã cố gắng tạo mọi điều kiện để anh em tao được đến trường. Được đi học anh em tao mừng lắm, luôn hoàn thành tốt việc nhà để đến lớp đúng giờ, không nghỉ một buổi học nào. Tao nghĩ mình cần phải học thật giỏi để sau này sẽ trở thành người chiến sĩ bộ đội biên phòng vững vàng tay súng canh giữ biên cương của tổ quốc.
***
Ước mơ trở thành người chiến sĩ mang quân hàm xanh của nó giờ đã trở thành hiện thực. Sau những tháng rèn luyện trong quân ngũ, nó được đơn vị cử đi thi Trung cấp biên phòng. Nó đậu Trung cấp rồi Cao đẳng và Đại học. Cả nhà ai cũng mừng và tự hào về nó. Mẹ nó nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng khi có đứa con thành đạt nên người. Bà con lối xóm đều lấy gương vượt khó học giỏi của nó để an ủi, động viên con em mình phải luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập. Nó biết, sự thành công của nó ngày hôm nay có sự hy sinh rất lớn và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Những nếp nhăn đan dọc đan ngang trên trán mẹ đã gồng gánh bao lo toan vất vả để nuôi nấng anh em nó nên người. Mẹ là bờ vai, là chỗ dựa, là niềm tin vững chắc để anh em nó phấn đấu vươn lên trong học tập. Nó cũng luôn khắc cốt ghi tâm sự tận tình của những người lính mang quân hàm xanh đã không ngại khó, ngại khổ mang con chữ đến với trẻ em nghèo vùng biên giới thắp sáng, khai mở tri thức để các em có tương lai tươi sáng hơn trong cuộc sống. Nếu không có lớp học xoá mũ chữ tràn đầy tình yêu thương ấy, nhiều đứa trẻ con như nó sẽ mãi mãi sống trong cảnh tối tăm của sự mù chữ, thiếu hiểu biết, tương lai rồi không biết sẽ đi đâu, về đâu.
Lớp học tình thương ấy là bà đỡ, là bệ phóng để nhiều đứa trẻ có hoàn khó khăn như nó chắp cánh ước mơ của mình bay cao, bay xa. Nó trở thành người lính mang quân hàm xanh, cái Hằng sẽ trở thành bác sĩ tương lai, thằng Tâm trở thành nhà Tâm lí học, thằng Toàn thành công với nghề chuyên viên vi tính, thằng Thắng hàng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời với nghề kĩ sư nông nghiệp.
Với học lực loại giỏi, nó được Ban giám đốc học viện giữ lại làm giảng viên của trường. Ở lại trường, cả bầu trời tương lai sáng lạn đang rộng mở ở phía trước. Nó hỏi ý kiến của mẹ. Mẹ bảo, đó là việc hệ trọng liên quan mật thiết đến tương lai của con, con phải suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định. Quyết định cuối cùng vẫn là ở con. Mẹ biết con trai của mẹ sẽ có quyết định đúng đắn. Nó trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm trước khi đưa ra quyết định quan trọng của cuộc đời mình. Cảm ơn sự quan tâm của Ban giám đốc, nó xin được về công tác ở nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi nấng, chắp cánh cho ước mơ của nó bay cao, bay xa như ngày hôm nay. Biết nó không ở lại trường làm giảng viên, nhiều người bảo nó là ngu, dốt, nhiều người muốn ở lại mà không được, huống hồ nó, được ở lại thì lại xin về. Đúng là hâm tỉ độ. Cái suất đó, không phải là ít tiền đâu, vài tỉ đó, vậy mà đôi khi còn không được.
Trong sâu thẳm trái tim mình, nó biết con tim có lí lẽ riêng của nó.
Nó trở thành thầy giáo không chuyên “gieo chữ” cho học sinh nghèo vùng biên giới heo hút để các em có cơ hội đến với con chữ mở rộng tri thức bản thân. Việc đưa học sinh tới lớp mới thật sự khó khăn. Có đứa tới lớp rồi mà không chịu học, nó dọa: Bây giờ con muốn học hay thầy đánh con hai cây? Tưởng học trò sợ, ai ngờ thằng nhỏ tiến lên bàn giáo viên nắm tay thầy, bảo: “Thầy đánh con hai cây đi để con còn về đi câu mực” rồi quày quả bước ra khỏi lớp. Nó giận lắm, nhưng hiểu hoàn cảnh của thằng nhỏ nên kiềm chế lòng mình. Hằng ngày nó trở thành người bạn câu mực của thằng nhỏ, thầm thì, khuyên bảo, kiên trì thuyết phục thằng nhỏ theo kiểu mưa dầm thấm lâu và rồi khi trở thành bạn câu thân thiết của thằng nhỏ thì thằng nhỏ trở lại trường học, trở thành đứa học trò siêng năng, ngoan ngoãn của lớp.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ “gieo chữ” “trồng người” nó tìm mua các loại sách giáo khoa, tự mày mò soạn giáo án và kiên trì truyền dạy nội dung kiến thức cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 6 trong cùng một lớp. Vừa dạy vừa tích lũy kinh nghiệm đã luôn giữ được sự ổn định của lớp học, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết để các em thực sự gắn bó với lớp. Ngoài những môn học chính, nó còn dạy cho các em về vẽ, võ thuật, tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ môi trường, về một số tệ nạn gowin99 ở môi trường các em thường xuyên sống cũng như một số kỹ năng cơ bản để các em vận dụng vào cuộc sống và khuyến khích các em học tập bằng các phần thưởng nho nhỏ...
Ngắm nhìn các em đang say sưa học bài, nó thấy lòng mình thật ấm áp!