link tải gowin99 mới nhất

Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Đại Lếu tếu giỏi ghê

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY 

 

Đại Lếu tếu giỏi ghê

 

Đại Hoạ sĩ Lãi Nguyên, tức Nguyên Râu, tức Đại Lếu tếu hay Râu, hoặc Đại Lếu tếu Lãi Nguyên Râu, hoặc Râu, tuỳ cách gọi của bạn bè, là người vui vẻ, lắm bạn bè như ta đã biết. Nếu các mối quan hệ là nguồn vốn của doanh nhân, thì Râu ta có số vốn vào loại kếch xù. Khai thác nguồn vốn ấy, Nguyên Râu đem lại nguồn công việc ổn định, lâu dài cho cả Công ty. Anh chẳng có chiêu thức kinh doanh gì đặc biệt. Nhưng anh có một điểm mạnh mà bất cứ doanh nhân, doanh nghiệp nào muốn thành đạt đều phải có, đó là uy tín, từ uy tín tạo ra thương hiệu. Thương hiệu của Công ty, thương hiệu của cá nhân nữa. Cứ nói đến Lãi Nguyên là mọi người tin tưởng ngay "Chơi với thằng cha ấy được lắm!".  Râu đã nói là làm. Làm với chất lượng cao nhất. Không tham lam ăn một mình, mà biết chia sẻ. Cũng là người chất bao cấp, nhưng anh không chỉ yêu thời bao cấp, mà con biết phê phán nó, phê phán những gì là nhược điểm của nó. Không những vậy, anh còn tuyên bố: Yêu thì yêu nhưng cũng phải giã từ thời bao cấp thôi. Một trong những nhược điểm lớn của thời bao cấp mà anh phê phán mạnh là cái thói dựa vào làm chủ tập thể để không ai làm chủ cả. Đối với anh, làm chủ tập thể không thể hiểu một cách chung chung. Ngày xưa, các cụ đã dạy rồi còn gì: Cha chung không ai khóc, và Nhiều vãi không ai đóng cửa chùa... Anh hiểu rằng làm chủ tập thể có nghĩa là mọi công dân, mọi tổ chức phải phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng kiến của mình ở mức cao nhất, xóa đưọc tâm lý thụ động của nhiều người làm gì cũng chờ ngày đợi tháng, a dua, ỷ lại... Bởi vậy, anh chủ trương mỗi người phải làm chủ một vài loại công việc gì cụ thể. Ai làm chủ. Làm chủ cái gì. Làm chủ như thế nào. Phải xác định rõ. Tuy học hành tử tế, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hẳn hoi, nhưng anh chúa ghét lý luận, ghét sách vở suông. Bể kiến thức của anh là thực tiễn. Anh thích đi đây đi đó nhìn ngó bạn bè làm việc thế nào để học hỏi. Học rồi là áp dụng liền. Anh là người tổ chức khoán sớm nhất Tập đoàn, tuy đơn vị anh là Công ty thành viên không lớn nhất. Khoán đến từng cá nhân. Rất hắc xì dầu. Mọi người phải tuân theo răm rắp. Thưởng phạt phân minh. Anh lo các mối quan hệ, các mối làm ăn, lôi về các hợp đồng. Sau đó, quân sĩ cứ việc chia nhau thực hiện. Phải thực hiện cho nghiêm chỉnh. Rồi thu tiền. Rồi nộp nghĩa vụ. Bộ phận nào làm ăn khấm khá, có chút phong bì biếu Giám đốc, anh nhận liền chứ không khách sáo đưa đẩy. Anh nói với cấp dưới: "Các chú cho thì anh nhận. Điều khiến anh mừng là các chú làm được, có ăn có để các chú mới có cái mà cho. Anh sẽ tạo điều kiện cho các chú làm ăn tốt hơn. Nhưng các chú không bao giờ được làm ăn bậy bạ, vi phạm luật pháp. Thằng nào làm bậy, tao đập cho vỡ mũi!".  Thế là khoán có quản, không phải là thứ khoán trắng buông lỏng quản lý. Công việc nổi đình nổi đám nhất của anh là tổ chức phòng tranh Sơn Lam như đã nói ở trên. Không phải chỉ có vậy. Anh đã sang tận Nhật Bản tìm mối nhập đàn Pianô se cần hen về đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng. Điều này, anh thực hiện từ khá sớm, khi mà mới có mấy khách không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp tìm mua Piano. Mới nhận thông tin là có khá nhiều người ở Hà Nội cần mua Piano, anh mỉm cười và phán đoán trúng bóc: phú quý sinh lễ nghĩa, đời sống vật chất khá lên, tất người ta lo đến đời sống tinh thần. Piano là thứ không thể thiếu được đối với các gia đình khá giả. Râu ta tủm tỉm cười khi nghĩ đến việc có những gia đình bầy chàng hang cây Piano Yamaha ba pêđan của Nhật ngay giữa phòng khách, nhưng trong nhà chả có ai biết lấy một nốt nhạc - họ mắc bệnh sĩ, bầy cho ra vẻ ta là người có văn hoá thôi mà. Đó là số ít, chứ số nhiều là những gia đình khá giả cho con học Piano thật, kiểu như các tiểu thư châu Âu hồi thế kỷ mười tám mười chín coi Piano là loại nhạc cụ gắn với danh giá bản thân. Rồi đây, cùng với sự gia tăng những gia đình giầu sang, nhu cầu về Piano sẽ tăng vọt. Nghĩ là làm, anh bay sang đất nước hoa anh đào và thành công rực rỡ. Không những anh đem về được hai côngtennơ đàn Piano đã qua sử dụng nhưng còn khá mới, toàn là loại đàn mang tên hãng Yamaha với giá hàng bãi rác, mà còn đặt được mối làm ăn lâu dài - một doanh nhân Việt kiều đảm nhận thu mua độc quyền cho Nguyên Râu đàn Piano se cần hen và chuyên chở tới tận kho cho anh. Đàn đem về được mông má, chỉnh âm chu tất (anh thuê hẳn hai chuyên gia chỉnh âm Piano siêu nhất Thủ đô chuyên chỉnh đàn cho Công ty Đại Hoạ), và nhanh chóng được phân phát đến tay người tiêu dùng. Hàng nhập về không đáp ứng kịp nhu cầu của bà con. Rành rõi trong nghề hội hoạ, Đại Hoạ sĩ lếu tếu hiểu rất rõ nhu cầu của các bạn nghề về hoạ phẩm, về sách mỹ thuật. Anh nảy ra ý định nhập khẩu trực tiếp hoạ phẩm và sách mỹ thuật. Việc tưởng đơn giản hoá ra phức tạp, tưởng dễ hoá khó. Vướng cơ chế của Bộ - Công ty Đại Hoạ chưa có chức năng nhập khẩu trực tiếp sách báo. Lại phải đến gặp nơi này,  nhờ nơi nọ. Phải mất hai năm sau, anh mới thực hiện được ý tưởng đơn giản ấy của mình. Nhưng mà thắng lớn. Các hoạ sĩ nước ta có tinh thần học hỏi tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới cho nên rất chịu khó mua sách mỹ thuật. Khối hoạ sĩ trẻ có tinh thần học hỏi tuyệt đối đã sao chép nguyên xi tranh của Tây tham gia các cuộc thi Quốc gia ở ta và trúng giải đàng hoàng. Nhưng, đừng tưởng thế mà ngon ăn nhé. Nếu không phải là Đại Hoạ sĩ thì làm sao biết được loại sách nào các hoạ sĩ cần? Cứ nhập bừa, sập tiệm có ngày. Gương tày liếp chẳng đâu xa, bên Tập đoàn ấy. Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ khi qua Trung Quốc không rõ là do được nịnh thối nổi cơn hứng bất chợt hay do khoản hoả hồng siêu cao dành riêng cho mình mà phóng tay nhập một lúc hơn một tỷ đồng tiền sách mỹ thuật, về bỏ kho mấy năm nay, có lẽ mới tiêu thụ được gần một nửa, số còn lại, đem xay bột cũng khó, nói chi bán chác. Nhập hoạ phẩm cũng chẳng phải chuyện chơi đâu. Mười hai màu mà cứ nhập như nhau thì coi như thất bại, bởi vì hoạ sĩ dùng màu đâu có đồng đều. Chỉ Đại Hoạ sĩ mới biết các Tiểu hoạ sĩ dùng màu như thế nào, từ đó mới biết nhập từng loại màu theo tỷ lệ ra sao, về bán đến đâu hết đến đấy, đố có tồn kho. Lối làm ăn minh bạch, dứt điểm ấy không ngờ còn phát huy tác dụng sang cả giai đoạn đổi mới doanh nghiệp thời nay. Có nghĩa là, nhờ không có hàng tồn đọng, không có các khoản công nợ khó đòi, sổ sách lại rõ ràng, không vướng mắc gì, cho nên cổ phần hoá được ngay. Thực ra, chính Đại Hoạ sĩ lếu tếu cũng từng nói nửa đùa nửa thật với Chủ tịch Tập đoàn rằng mình có cái tội giấu bớt doanh số, giấu bớt lợi nhuận để có riêng một khoản chu cấp cho quân lính. Chủ tịch nghe xong bỏ ra ngoài tai, coi như chưa nghe (đây là Chủ tịch mới, không phải ông Hoàng Phu). Chủ tịch còn nghiêm giọng: "Từ nay chỉ cần báo cáo những gì chuẩn mực thôi nhé. Việc gì vận dụng mềm mại thì khỏi báo cáo. Cuộc sống mà cứng quá thì hỏng việc đấy." Nói như vậy, Trực mừng thầm trong bụng. Thời buổi đảo điên này, bệnh thành tích đang bùng phát, người ta báo hống lên doanh số, doanh thu, lãi gộp, lãi ròng để được lên báo lên tivi, được thưởng cờ, thưởng huân chương, được đề bạt, mà cái thằng cha này chỉ thích thực chất thì quý như vàng rồi, trách nó nỗi gì. Chẳng nói đâu xa, tay Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ là một tấm gương xấu, nói một tấc đến giời, huyếnh hoáng tuyên bố đổi mới này dự án nọ, hết trưng ảnh lên báo lại chễm chệ diễn thuyết trên ti vi mà để mất hàng như xăng bay hơi, uốn nắn mãi nào đã xong.

Tình hình Công ty Đại Hoạ của Đại Hoạ sĩ lếu tếu êm ả, sạch sẽ như vậy cho nên Tập đoàn muốn tiến hành cổ phần hoá sớm đơn vị này. Nhân đây, ta tìm hiểu thêm một chút về cái tên của Công ty này - Đại Hoạ. Cái hồi chuẩn bị đặt tên cho Công ty, nghe Râu Lếu Tếu đưa ra cái tên Đại Hoạ, mọi người cười ầm lên, tưởng anh đùa. Râu vốn nổi tiếng là người thích đùa. Nhưng không phải, lần này Râu nghiêm túc thật sự. Đại Hoạ là cách nói tắt của Đại Hoạ sĩ, chữ hoạ phải hiểu là hoạ sĩ, chứ không được hiểu là tai hoạ. Cho nên, Đại Hoạ ở đây là từ mang tính nghề nghiệp chứ không mang tính sự đời, đừng suy diễn lung tung. Thế là trên dưới đồng lòng lấy tên Đại Hoạ theo sáng kiến của Nguyên Râu đặt cho Công ty. Ta trở lại tình hình cổ phần hoá. Râu Lếu tếu rất phấn khởi, tin tưởng về sự đổi mới do cổ phần hoá đem lại cho nên muốn cổ phần hoá luôn một mạch. Họp toàn cơ quan, nhận thấy gương mặt nào cũng bừng sáng khi nghe phổ biến về cổ phần hoá, Nguyên càng thêm hăng hái đổi mới. Trực cảnh báo anh: "Coi chừng, có thể có kẻ phá đấy, trước mắt vẫn cần giữ một phần vốn của Nhà nước tại Công ty". Râu Lếu tếu, một con người chất bao cấp, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đồng chí, đồng sự, khẳng định: "Anh chị em ở đây tốt lắm. Tất cả là một khối thống nhất. Chẳng có ai chống đối đâu." Trực, tuy cũng đậm chất bao cấp, nhưng với kinh nghiệm mấy chục năm quản lý, vẫn cảnh báo: "Mọi người tốt, thì ta tin. Nhưng cũng phải thấy rằng do thời gian qua ông toàn đem quyền lợi đến cho mọi người nên mọi người mới một phép với ông như vậy. Bây giờ, bắt đầu giai đoạn mới, sẽ đụng chạm quyền lợi cá nhân. Ông không nên chủ quan". Bán tín bán nghi, khuôn mặt đẹp kiểu Tây lai của Râu đuỗn ra.

Chẳng cần đợi lâu la, sự đã sinh. Sinh ra ở chỗ không ngờ nhất. Khi rà soát lại tài sản, Minh phát hiện rằng căn nhà kho ở Dịch Vọng của Công ty Đại Hoạ, trong thời bao cấp, đã cho một cán bộ của Công ty tên là Trẩn mượn. Để lâu cứt trâu hoá bùn, nhà kho đã biến thành nhà ở, một ngôi nhà năm tầng đàng hoàng. Hồi bao cấp, ít ai quan tâm đến đất. Chẳng ai nghĩ đến chuyện tự xây nhà. Chỉ mong được Nhà nước phân phối cho một chỗ trong khu tập thể. Được cơ quan chia cho mười lăm, hai chục mét vuông, cả gia đình vui như bắt được vàng. Mà chỉ thích ở tầng hai thôi, vì ở tầng một ẩm, bẩn, tầng hai sạch, thoáng mát. Sau này, thì tầng một trở nên quý, bởi vì có thể làm dịch vụ, bán hàng, ít ra cũng trông xe kiếm thêm chút đỉnh. Sau này, thì đất đâm ra quý ghê gớm. Có đất là có nhà. Những ai nhạy bén về kinh tế đều nhanh chóng bung ra chiếm đất. Trẩn cũng vậy. Căn nhà kho chỉ rộng hai lăm mét vuông đã trở thành một ngôi nhà năm tầng, mặt sàn sáu chục mét vuông nằm trên khuôn viên hai trăm mét vuông. Sổ sách vẫn còn ghi Công ty Đại Hoạ có căn nhà kho hai lăm mét vuông. Bây giờ cổ phần hoá, phải đưa nó trở lại là tài sản Công ty. Lúc này mà thu hồi căn nhà kho ấy thì còn khó hơn việc Mỹ đánh Irắc. Thu hồi hai lăm mét vuông chứ không phải thu hồi hai trăm mét đất cũng miễn bàn. Tôi ở từ lâu, có ai đòi đâu. Bây giờ đẩy cả nhà tôi ra đường à. Tôi sẽ kiện. Thời bao cấp, hiếm khi nghe nói đến từ kiện. Thời mở cửa, thời thị trường, thời tự do này, đi đâu cũng nghe nói đến kiện. Con một nhà thơ lớn làm luật sư hẳn hoi mà còn đi kiện cha mình trong vụ tranh giành đất đai để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân kia mà. Kiện, tố cáo và tung lên báo, ấy là những chiêu thức ứng xử phát triển mạnh mẽ nhất trong thời buổi kinh tế thị trường, trong xã hội thông tin này, giống như sự phát triển mạnh mẽ của dịch cúm H5N1 khiến ai cũng sợ, ai cũng có thể mắc phải, nhưng ai cũng sẵn sàng biến thành vi khuẩn H5N1 tấn công đối thủ. Chẳng phải vì sợ kiện mà Râu không đòi nhà kho. Nhưng ngôi nhà của Trẩn là một thực tế khách quan, đã tồn tại mấy chục năm, cần phải hợp thức hoá. Cách hợp thức là thanh lý tài sản trên đất. Dăm bảy triệu gì đó là ổn. Sự đời đâu có dễ dàng như thế ông Râu ơi. Chẳng ổn tí nào cả. Trẩn giãy lên như đỉa phải vôi. Trẩn chạy lên Tập đoàn kiện. Mới kiện miệng thôi, chưa viết đơn. Đơn ư? Có khó gì đâu, có biết bao nơi chuyên làm dịch vụ viết đơn kiện, viết rồi đánh máy vi tính, rôi phôtôcóppy hàng trăm bản cũng được, khó gì đâu. Nhưng tôi chưa viết đơn là vì tôi muốn thương lượng trước với các vị. Các vị phải biết tôn trọng truyền thống uống nước nhớ nguồn của cha ông, mà việc phân nhà kho cho tôi đã trở thành truyền thống rồi, thành kỷ niệm của các cụ Giám đốc đi trước rồi, các vị đừng phá truyền thống nhá. Các vị cũng phải thông cảm với tôi chứ. Bây giờ lấy đâu ra chục triệu. Tôi biết ăn nói thế nào với bà xã tôi để bà ấy lục két, lục sổ tiết kiệm vét cho tôi chục triệu quẳng vào cái thùng không đáy lệ phí thanh lý tài sản của các vị. Cò cưa mãi không xong. Tinh thần bảo vệ truyền thống của tay Trẩn này còn kiên định hơn cả lập trường chống khủng bố của Mỹ, không sao lay chuyển được. Minh đưa ra một sáng kiến: Chuyển cho Công ty Mua bán nợ. Loại Công ty này mới được sinh ra trong thời buổi thị trường hiện đại nhưng đã phát huy tác dụng khá mạnh trong đời sống. Cứ chuyển hồ sơ ra, còn kết quả thế nào thì Công ty không phải quan tâm nữa. Nhưng như thế mới minh bạch. Thế là xong. Để xem khi Công ty Mua bán nợ vào cuộc, thì cuộc đấu giữa truyền thống và hiện đại, ai thắng ai.

Vẫn chưa nguôi tinh thần đổi mới, Công ty xin cổ phần hoá với hình thức Nhà nước chiếm hai mươi phần trăm vốn, còn lại bán cho người lao động và bán ra ngoài. Như thế, Công ty sẽ có trách nhiệm hơn, sẽ chủ động hơn. Việc này được thông qua dễ dàng. Hoàn toàn đúng với chủ trương, đường lối. Sự đời lại không đơn giản chút nào. Đúng chủ trương đấy, đúng đường lối đấy, nhưng có phù hợp với thực tế không. Những ý định tốt đẹp liệu có bị lợi dụng không. Đó mới là những điểm mang tính then chốt phải suy tính.

Trong chuyến Râu cùng với Trực đi Nga vừa qua, hai anh em học được nhiều về cổ phần hoá. Khối tay đại triệu phú Nga ngày nay, chẳng phải do có vốn cha ông để lại, chẳng phải do giỏi làm ăn, mà là do biết chớp thời cơ trong quá trình tư nhân hoá, đã chiếm đoạt được khá nhiều cơ sở vật chất do chế độ Xã hội chủ nghĩa gây dựng nên. Có những tổ hợp dầu khí bị bán rẻ như cho, vì chỉ tính giá tài sản trên đất, trong khi tài sản là đất, là lợi thế kinh doanh, là thương hiệu mới có giá trị lớn. Mấy tay có máu làm ăn huy động chỉ mấy trăm ngàn đô la mua toàn bộ tổ hợp, sau một thời gian ngắn tài sản ấy đã lên mấy trăm triệu, thậm chí cả ngàn triệu đô la rồi. Bài học rút ra là dám bỏ tiền mua những đơn vị kinh tế yếu kém nhưng có lợi thế về đất đai, vị trí kinh doanh, thì sẽ thắng. Về nước, hai anh em nghiên cứu kỹ hơn việc cổ phần hoá trong nước. Tại sao Nhà nước mình không tính giá trị sử dụng đất vào tài sản doanh nghiệp để bán mà thu nhiều tiền nhỉ. Chỉ bán tài sản của doanh nghiệp trên đất thì được mấy nả. Đã thế, lại quy định nếu doanh nghiệp Nhà nước đang thuê nhà, đất của Nhà nước thì Công ty Cổ phần được tiếp tục thuê. Những quy định này đem lại biết bao lợi lộc cho người mua cổ phần. À, nghĩ ra rồi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ quá, như con đỉa cứ bám lấy hút máu Nhà nước, để mãi thì Nhà nước dù có khoẻ như vâm cũng đến lúc sức cùng lực kiệt. Phải rẫy ra khỏi tình trạng này. Đổi mới doanh nghiệp là bài thuốc hữu hiệu. Doanh nghiệp nào chết thì cho chết luôn. Đau một lần nhưng khỏi bệnh. Doanh nghiệp nào cổ phần hoá được thì cổ phần hoá. Khi người lao động đã bỏ tiền vào mua cổ phần, khi người lãnh đạo Công ty có cổ phần lớn trong Công ty, thì trách nhiệm sẽ cao hơn, sự ỷ lại sẽ bị giảm thiểu, đi đến triệt tiêu. Cho nên cứ bán cổ phần, bán, bán một trăm phần trăm cũng được. Mà chỉ tính tiền giá trị doanh nghiệp thôi. Không tính tiền giá trị sử dụng đất. Ông Nhà nước chẳng dại đâu. Mặc dù biết rằng giá trị sử dụng đất mới lớn, nếu tính vào, sẽ tăng giá trị doanh nghiệp lên nhiều lần, thậm chí lên hàng trăm, hàng ngàn lần, nhưng ông Nhà nước vẫn giả vờ dại, bỏ quên món hời ấy cho các cổ đông hưởng. Tính giá trị sử dụng đất vào, dù có thấp hơn giá thị trường, cũng khó bán cổ phần lắm. Phải có mồi nhử là đất, thế thì cổ đông mới mua. Đất vẫn còn đấy, có mất đi đâu mà sợ. Coi như tạm cấp vốn ban đầu cho quý vị có lực mà phát triển. Làm ăn được rồi, xin mời các vị nộp thuế. Cứ nộp thuế đều đều, chúng tôi tận thu. Làm ăn lỗ lãi ra sao, các vị tự lo. Nhà nước hết bao cấp rồi. Một gánh nặng nhanh chóng được trút bỏ. Một triển vọng tốt đẹp đang bày ra trước mắt. Cổ phần hoá đi, mạnh vào...

Dù có yêu thời bao cấp bao nhiêu, Lãi nguyên cũng như Trực đều thấy phải dứt bỏ những ung nhọt của nó để hướng tới một mô hình lành lặn hơn. Miễn là biết giữ lại những gì tốt đẹp vốn có của nó. Trực bảo rằng cái giá trị lớn nhất mà thời bao cấp để lại là giá trị về tình người, là đạo làm người. Cái đó muôn đời vẫn quý giá, vẫn dẫn hướng cho hành xử của con người. Anh còn bảo, sở dĩ Hàn Quốc phát triển kinh tế rất nhanh mà tình hình xã hội lại ổn định là nhờ họ biết tôn trọng đạo lý. Một Tổng thống xuất thân từ binh nghiệp, lòng dạ sắt đá như Pắc Chong Hy mà còn đau quặn lòng khi nhận được đơn tố cáo một ông chủ tập đoàn kinh tế hàng đầu, trong đó người đứng đơn là con trai của ông chủ ấy. Giải pháp của vị Tổng thống này là gọi ông bố đến, đưa cho tập đơn, bảo về phải dạy con chu đáo. Bỏ qua một vụ phạm pháp để cứu cả một đạo lý dân tộc, vị Tổng thống này đã biết bỏ cái nhỏ để giữ cái lớn. Còn ở nước ta, có những người đang nhầm rằng luật pháp có thể thay thế đạo lý, làm cho đạo lý bị chà đạp, thì cái nền cho một xã hội sống theo pháp luật cũng còn yếu lắm.

Trên đời đúng là khó học hết chữ ngờ. Giải quyết xong việc căn nhà kho, tưởng đã êm xuôi, ngờ đâu lại có thông tin rằng nếu bán cổ phần theo phương án hiện nay, sẽ nguy to. Điều tra kỹ, thấy thông tin này là thực. Hoá ra, trên đời cũng lắm anh khôn. Có một nhóm đang nhăm nhe tung tiền ra mua toàn bộ số cổ phiếu bán tự do và đẩy giá lên cao, thôn tính nốt số cổ phiếu của người lao động trong Công ty. Nhà nước mà chiếm giữ hai mươi phần trăm vốn, thì họ không ngại. Họ sẽ nhảy vào tham gia Ban Lãnh đạo, thay đổi định hướng kinh doanh, dần dần biến Công ty thành của riêng họ, lúc ấy cổ phần hoá sẽ trở thành tư nhân hoá. Cái đích mà họ muốn đạt tới không phải là cổ tức sẽ được chia sau này, cũng chẳng phải là phát triển ngành nghề đặc thù đang kinh doanh, mà chính là những nhà, những đất của Công ty đang yên vị ở những địa điểm vàng, địa điểm kim cương. Ngay tại khu vực Bờ Hồ cũng có hai ba cơ sở. Rồi đất ở Đông Anh, Chùa Hà... Đó mới là món tài sản kếch sù cần nuốt gọn. Chứ cái chức năng phục vụ văn hoá, xin lỗi, dẹp được rồi.

Lãi Nguyên Râu lúc này mới thấy rằng Trực nói đúng. Nghĩ tốt về người khác là một điều tốt, nhưng cũng có khi trở thành không tốt. Sự thiếu cảnh giác coi chừng dẫn đến tan nát sự nghiệp. Thời buổi thị trường này, xã hội đâu còn giầu tình người và chân thật như xưa. Vì thế, đừng quá tin người. Nhiều khi, còn phải biết nghĩ theo kiểu nghĩ của kẻ xấu mà đề phòng tai hoạ. Đấy, có một nhóm người đang rình rập vồ mồi đấy, thấy chưa?

Nhóm người ấy là ai? Không xa lạ. Quanh quẩn trong Công ty thôi. Có người đang là quân ông đấy Râu ơi. Có người là quân cũ, đã ra làm ngoài, tích luỹ được kha khá tiền, nay quyết tâm quay lại làm ông chủ ở ngay cái nơi mà anh ta đã ra đi trong vị thế một nhân viên sập sệ. Ông chủ hẳn hoi chứ không phải là làm chủ tập thể vô lối đâu nhé. Nhóm người này đã bàn tính kỹ, sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao, tung tiền ra mua hết...

Lãi Nguyên đau đầu nhức óc. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời anh lâm vào tình trạng như vậy. Anh gọi Minh xuống bàn bạc. Không dám bàn bạc qua điện thoại. Nghe đâu vì những lá đơn tố cáo của Đản và Phu, Minh đã bị cơ quan Chức năng nghe trộm điện thoại. Có lần, Râu gọi điện cho Minh định trao đổi công việc, Minh nói khẽ: "Thôi, để gặp nhau hẵng nói. Kẻo họ nghe trộm". Râu điên tiết, quát vào điện thoại: "Thằng mặt lợn nào nghe trộm, ông chấp cả mười hai đứa. Cho nó nghe càng tốt, ta toàn nói chuyện vui đời, sợ cái con khẹc gì!".  Bây giờ, Râu oang oang gọi Minh xuống giúp Công ty gỡ mối bòng bong. Mặc dù đang bị mấy tay nhà báo bồi bút tấn công, khá mệt mỏi, nhưng nghe Nguyên gọi, Minh cũng bỏ việc, tất tả chạy sang. Minh đưa ngay ra cho Lãi Nguyên giải pháp: trở lại tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm năm mốt phần trăm. Tại sao? Bởi vì khi Nhà nước vẫn còn vốn quá nửa thì có nghĩa là Nhà nước vẫn nắm quyền ở Công ty, bên ngoài khó thao túng. Liệu trên có cho phép không. Có thể. Thế thì phải thực hiện khẩn trương ý đồ xoay chuyển này. Cả bộ máy của Công ty và của Ban đổi mới doanh nghiệp Tập đoàn chụm vào, miệt mài xây dựng lại hồ sơ. Lãi Nguyên lúc này càng tự hào về đội ngũ cán bộ của mình - quả thật là họ trung thành, tận tuỵ. Sự cố vừa qua chỉ là chuyện vặt, do vài người tạo ra, không là cái đinh gì so với khí thế chung của tập thể người lao động nơi đây. Lãi Nguyên cũng vô cùng cảm kích trước tinh thần làm việc chí công vô tư của các cán bộ Ban Đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn. Họ cũng không kể ngày đêm cùng Minh, Nguyên tính toán, thống kê, lập biểu, làm sổ sách... trõm cả mắt xuống mà miệng vẫn nở nụ cười tươi. Xong hồ sơ, Minh và Nguyên nháo nhào đi làm các thủ tục. Yêu cầu Công ty dịch vụ thông báo tạm hoãn việc bán cổ phần. Trình anh Trực việc thay đổi tỷ lệ phần trăm vốn. Anh Trực giải quyết nhanh quá. Đem hồ sơ lên Bộ xin ý kiến. Bộ cũng giải quyết nhanh quá. Nhờ Công ty dịch vụ thông báo về sự thay đổi này cho các cổ đông tương lai. Thông báo một cách công khai, minh bạch. Tình thế xoay chuyển được rồi. Số cổ phiếu được đăng ký mua trước kia gấp gần trăm lần số cổ phiếu dự định bán, nay xuống còn xấp xỉ nhau. Làm tiếp các thủ tục bán cổ phần. Rồi bán cổ phần. Mọi việc diễn ra êm xuôi. Qua sự việc này, Trực suy nghĩ nhiều về cách vận dụng tinh thần chỉ đạo của Nhà nước về cổ phần hoá. Cần chống việc bán cổ phiếu mang tính khép kín, để các nhà đầu tư bên ngoài tung vốn và tung năng lực vào tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp theo tinh thần năng động, thông thoáng. Nhưng, nếu mở cửa mà không biết canh cửa, có khi không đón được gió lành, mà lại bị gió độc thổi vào đầu độc cả doanh nghiệp. Coi chừng, cả một doanh nghiệp của Nhà nước sẽ rơi vào tay vài ba người khôn ranh lắm tiền, dẫn đến việc hàng loạt người lao động sẽ bị sa thải không chính đáng.

Lãi Nguyên nói với Trực là số hai người hợp nhau hay sao ấy, từ khi Trực về làm Chủ tịch Tập đoàn, thì Công ty của Nguyên bỗng có nhiều hợp đồng quá. Trang trí không biết bao nhiêu là nội thất, ngoại thất cho các Bộ, Ngành. Lại được chỉ định trang trí cho Đại hội thi đua toàn quốc. Lại được chỉ định thầu làm tượng đài Danh tướng Trần Quốc Tảng. Việc nhiều, bận túi bụi, mà vui. Cái tính ưa chất lượng cao trong công việc của Lãi Nguyên đã thấm vào máu anh, và đã lây sang cả đội quân của anh, cho nên công trình nào làm xong cũng được trầm trồ khen ngợi, các bên A cười hoan hỉ. Nhờ vậy, người này giới thiệu người kia, thương hiệu Lãi Nguyên và Công ty Đại Hoạ trở nên nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, công việc càng đến ào ào. Vào dịp trước đó, Công ty Mỹ thuật Quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng, cho nên nhiều công trình tượng đài và mỹ thuật bị ách tắc. Nay nổi lên Công ty Đại Hoạ, như một cứu cánh cho các chủ công trình. Râu khoe có thể sẽ được chỉ định trang trí cho Đại hội Đảng toàn quốc, trang trí toàn bộ nội thất cho Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khoe rồi cười hềnh hệch với Trực, khen Chủ tịch lắm phúc đức cho nên thành viên được hưởng lây. Trực cười, tự nhận nhà mình là nhà đại hồng phúc, suốt mấy đời chỉ làm điều thiện, chưa gây ác bao giờ, thế nhưng không dám nhận là đã tưới tắm hồng phúc cho Công ty Đại Hoạ. Anh nói một cách chân thành: "Chính nhờ ông và anh em trong Công ty đấy. Làm ăn có uy tín, quan hệ có tình người, ai chả muốn hợp tác." Nỗi vui mừng của Trực có tầm xa hơn Nguyên. Anh hiểu rằng, với những công trình, dự án sắp được nhận, Công ty cổ phần của Râu nhất định sẽ làm ăn khấm khá ngay từ buổi đầu thành lập, đảm bảo cổ tức tốt, đánh dấu thắng lợi của chủ trương cổ phần hoá. Từ thắng lợi bước đầu ấy, củng cố uy và lực, bán tiếp cổ phiếu. Dần dần, Công ty Đại Hoạ sẽ là Công ty cổ phần một trăm phần trăm. Từ đấy, Đại Hoạ thả sức vẫy vùng trên thương trường đầy sóng gió...

Trong số những công trình đang thực hiện, Đại Hoạ sĩ lếu tếu tâm đắc nhất với công trình tượng đài Trần Quốc Tảng. Như đã nói, giới mỹ thuật trong nước ai cũng kính nể và yêu quý Râu lếu tếu, phong cho anh danh hiệu Đại Hoạ sĩ giống như ngày xưa người ta phong danh hiệu hiệp sĩ cho những chàng trai đại nghĩa, cho nên anh rất dễ mời họ tham gia những công trình quan trọng. Tham gia với nhiều danh nghĩa: Tác giả. Uỷ viên hội đồng nghệ thuật. Cố vấn. Người phản biện... Anh làm việc thẳng thắn, rõ ràng, chi thoả đáng, cho nên nhận được sự cộng tác có hiệu quả của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và do vậy, công trình của anh có chất lượng tốt. Tượng Trần Quốc Tảng là tác phẩm của nhà điêu khắc hàng đầu Trần Quang Bảo. Tượng được đúc ngay tại Hà Nội. Râu kéo bằng được Mai Chính Trực và Lý Ngồ Ngộ đến xem. Gần đây, Râu rất chú ý cải thiện quan hệ với Ngộ. Thực ra, quan hệ cũng chẳng có gì tệ hại. Chỉ vì tính khí nhỏ nhen, hay ghen tỵ của Ngộ mà ra. Chẳng là hồi mới thành lập Tập đoàn, Râu mời Chủ tịch Trực đi Nga để bàn về việc xuất khẩu tranh. Anh nghĩ Trực là người lãnh đạo cao nhất Tập đoàn, công việc lại mang tính chủ trương, cho nên mời Trực là phải đạo. Thế nhưng, Ngộ cho là Râu dám coi thường mình, qua mặt mình. Từ đó, Ngộ đối xử nhạt nhẽo với Râu.

Cơ sở đúc tượng nằm ngay bên bờ sông Hồng lộng gió. Một cái lán mái lá không mấy rộng rãi là chỗ trú cho những người quản lý việc đúc tượng. Bức tượng thu nhỏ của bản chính đã hoàn chỉnh, đẹp đúng là như tượng, báo hiệu bức tượng lớn sẽ rất dẹp. Bức tượng lớn cũng đã được đúc, chia làm ba "thớt". Trông vĩ đại quá. Riêng vạt áo vị tướng đã rộng như một cánh buồm, còn thanh gươm thì to như một mái chèo. Râu bảo anh đã cho mua đồng chất lượng cao, lại pha cả vàng khi đúc tượng, đảm bảo không xuống nước như một số tượng khác đúc bằng đồng phế liệu. Hôm đúc tượng, khá nhiều nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp, và cả dân thường đến thả vàng vào lò nung tỏ lòng ngưỡng mộ vị tướng tài ba họ Trần có công bảo vệ biên cương Tổ quốc. Lãi Nguyên lúc này nghiêm trang hẳn lên, không lếu tếu như thường khi. Đứng bên lò nung, anh chắp tay lầm rầm khấn vái rồi bỏ vào đó một cây vàng. Anh lo chuyện đúc tượng đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Anh lo chuyện chuyên chở tượng về Quảng Ninh. Anh lo dựng tượng lên bệ. May mắn thay, mọi việc đều xuôn xẻ. Nhờ Ngài phù hộ, tượng của Ngài vừa được cẩu lên đặt vào bệ là đứng vững như bàn thạch, các "thớt" khớp vào nhau chằn chặn. Tướng quân dáng oai phong, đứng vươn mình hướng mặt ra biển Đông lồng lộng gió. Hôm làm lễ hô thần nhập tượng để lại trong Nguyên ấn tượng không phai mờ. Cảm động vô cùng. Linh thiêng vô cùng. Hàng vạn người dân quanh vùng đã đến lễ bái, thành kính dâng lên Ngài tấm lòng kính trọng, cầu mong Ngài phù hộ độ trì cho dân an quốc thịnh. Nhìn đám đông quần chúng sì sụp lễ bái, lầm rầm khấn khứa với tấm lòng chân thành cung kính trước bức tượng của một vị tướng có công giữ nước, Lếu tếu ta cảm động rơm rớm nước mắt. Có lẽ, lòng chân thành của Râu lếu tếu đã thấu đến Ngài nên Ngài luôn luôn phù hộ, giúp cho quá trình cổ phần hoá của Công ty Đại Hoạ vượt qua được những đợt tấn công của kẻ có ý đồ xấu, đạt kết quả tốt đẹp. Đối với đời sống tâm linh, Lãi Nguyên một lòng cung kính, nhưng không dựa dẫm. Vào các ngày lễ tết hay giỗ chạp, khi biện mâm cỗ, thắp nén nhang khấn vái trời đất, thần phật, tổ tiên, bao giờ Lãi Nguyên cũng kết thúc bằng câu: "Con cầu mong các Cụ yên nghỉ nơi chín suối và nhớ về thăm con cháu trong các dịp lễ trọng. Các Cụ cứ yên tâm vui vầy nơi tiên cảnh, còn ở trần thế, chúng con tự lo liệu, các Cụ không phải lo gì cả!". Khi tiến hành làm tượng các vị danh nhân có công với nước, Lãi Nguyên căn dặn cấp dưới: "Các chú phải làm cho tốt. Cấm tơ hào, bớt xén một xu. Đứa nào tham lam, làm ăn gian dối, các Cụ vặn cho gãy cổ đấy!".

Hôm tổ chức Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Đại Hoạ, Trực đến dự. Có lẽ đây là một ngoại lệ. Bởi vì vừa qua khá nhiều Công ty thành viên tổ chức Đại hội, anh có dự đâu. Anh bảo quan trọng là lúc làm công tác chuẩn bị phía sau, chứ khi đã tiến hành Đại hội, thì không có gì phức tạp nữa. Lần này anh dự, chắc có gì đó phức tạp. Trong khi chờ đến giờ khai mạc, Đỗ Quang Văn xin gặp Trực. Trực vui vẻ kéo Văn ngồi xuống cạnh mình. Văn là Phó Giám đốc Công ty Đại Hoạ. Vừa qua, khi Tập đoàn chọn người để giữ phần vốn Nhà nước tại Công ty, Văn không nằm trong số ấy. Anh gửi thư đi nhiều nơi nêu thắc mắc về quy trình chọn người giữ vốn. Trực đã mời Văn lên, giải thích rõ lý do không chọn Văn, và nói rõ Nhà nước không có quy định nào về việc phải thực hiện quy trình chọn người giữ vốn từ cơ sơ theo kiểu đề bạt cán bộ; Tập đoàn có quyền chỉ định người giữ vốn Nhà nước thay mình. Sau đó, để đảm bảo tính dân chủ, công khai, Minh đã tổ chức họp giữa Lãnh đạo Tập đoàn với Lãnh đạo Công ty Đại Hoạ, trong đó có Văn. Trong cuộc họp này, các vấn đề đều được đặt lên mặt bàn. Văn nói rằng Tập đoàn đã không thực hiện lấy phiếu chọn người tại Công ty là sai. Nhưng Oanh, Kế toán trưởng Công ty, đã bác lại: Không có quy định nào bắt buộc như vậy. Vả lại, nếu lấy phiếu chọn người, chắc chắn anh Văn không được phiếu nào (cùng lắm là có một phiếu của chính anh). Bởi vì hơn chục năm qua, với tư cách Phó Giám đốc, anh đóng góp cho cơ quan không được là bao. Anh chỉ lo được cho bộ phận nhỏ là Trung tâm kinh doanh nhạc cụ mà anh phụ trách. Tổng cộng, anh nộp cho Công ty có ba chục triệu đồng. Ấy là chưa kể vừa qua anh đã vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai. Nhiều ý kiến phân tích cho thấy rõ Văn đã có nhận thức sai. Việc không giao cho anh tham gia giữ vốn Nhà nước không phải là hình thức loại trừ anh, bởi vì anh vẫn đang có cương vị Phó Giám đốc và nếu anh biết ủng hộ công cuộc đổi mới, anh sẽ vẫn ở vị trí ấy. Văn tiếp thu ý kiến nhưng không thoải mái lắm. Bây giờ, chuẩn bị Đại hội, Văn ngỏ ý xin Chủ tịch Trực quan tâm đến mình. Trực ôn tồn và thẳng thắn: "Quan tâm chứ, nhưng lúc này có việc đã muộn rồi!". Trực thừa biết những uẩn khúc trong quá trình cổ phần hoá Công ty Đại Hoạ. Nhóm sáu người có mưu đồ tiếm quyền mà Râu lếu tếu gọi là Nhóm đầu đinh đã thu gom được số cổ phiếu khá lớn. Nếu Đại hội theo luật cũ, thì không có gì phức tạp. Nhưng nếu Đại hội theo luật mới, sẽ rất phức tạp. Nhóm Đầu đinh kiên quyết đòi thực hiện luật mới trong khi luật chưa có hiệu lực. Minh phải lấy văn bản hướng dẫn của Ban Đổi mới doanh nghiệp Chính phủ khẳng định rằng trước ngày mồng một tháng bẩy năm hai nghìn lẻ sáu, tất cả Đại hội đồng cổ đông đều thực hiện theo Luật cũ, nhóm này mới chịu. Nhưng, nhóm đã gặp riêng Lãi Nguyên, mặc cả trước một số điểm. Họ dứt khoát không đồng ý đưa Đỗ Quang Văn vào Ban Lãnh đạo. Họ nói rằng anh ta rất cá nhân, có những việc làm vi phạm, nếu Lãi Nguyên cứ giới thiệu anh ta vào Ban Lãnh đạo, họ sẽ nêu lên những bằng chứng ngay trong Đại hội vạch mặt Văn. Họ đã hé cho Lãi Nguyên một vài chứng cứ không thể chối cãi về việc Đỗ Quang Văn đã làm ăn tư túi như thế nào, trong đó có việc trực tiếp móc ngoặc với họ nhập đàn Piano về bán riêng để hưởng lợi. Trời đất ơi, đi với ma có ngày ra nghĩa địa là thế này đây, ông bạn Văn ơi. Đành phải hy sinh ông bạn thôi, nếu không thì vỡ trận mất...

Đại hội đã được tiến hành xuôn sẻ, trong đó Đầu đinh đại diện cho nhóm sáu người đã đạt được mục đích là có chân trong Ban Lãnh đạo, còn Đỗ Quang Văn thì không.

Ngay sau Đại hội, Đỗ Quang Văn xin về hưu sớm. Lý do mà anh đưa ra là quê anh rất coi trọng cơ quan Nhà nước, nếu về hưu với danh nghĩa Phó Giám đốc một Công ty Nhà nước thì mới vinh dự, chứ với danh nghĩa một Công ty Cổ phần thì nhục suốt đời, làm sao ngẩng mặt nhìn hàng xóm láng giềng được. Trực bảo Ngộ cần hỏi ý kiến Nguyên vì đây là vấn đề rất tế nhị, mặt khác, thẩm quyền trước hết thuộc Công ty. Nếu thực bụng Văn muốn về nghỉ sớm, thì viết đơn và có sự đồng ý bằng văn bản của Công ty, Tập đoàn sẽ xem xét. Quả nhiên, Văn có đơn xin nghỉ hưu sớm và Công ty đã có văn bản trình Tập đoàn giải quyết. Trực cảm thấy bâng khuâng. Lẽ nào, mới đặt những bước đi đầu tiên vào chặng đường mới, đã có người thối lui!