VHPT - Hóa ra, trên hành trình thiên di, Du Già không chỉ là nơi nuôi dưỡng những tâm hồn chất phác, hồn nhiên, nên thơ của các tộc người sống giữa lưng chừng trời hay dọc bên đôi bờ Ba Tiên của cao nguyên đá mà còn là một chốn trải nghiệm cho những ai yêu thích thiên nhiên muốn trở về với cội nguồn nguyên thủy, nơi có bà mẹ vĩ đại vẫn còn giữ lại được những nét nguyên sơ của đại ngàn hoang dã; là một điểm đến lý tưởng cho người nào đó muốn “reset” (cài đặt lại) tâm hồn, di dưỡng lại tinh thần.
1. Trên những nẻo đường thiện nguyện.
Chúng tôi trở lại cao nguyên đá Hà Giang lần này nhằm thực hiện một chương trình thiện nguyện có tên “Áo ấm vùng cao năm 2024”. Với tôi, sơn nguyên này vốn đã khá quen thuộc nhưng chẳng hiểu sao cứ mỗi lần đặt chân đến vẫn thấy là một lần mới lạ. Nhiều người gặp lần đầu nhưng cứ ngỡ như rất quen. Nhiều con đường đi rồi nhưng cảm xúc vẫn như vừa mới biết. Tất cả đong đầy thương nhớ. Cứ thế, lang thang trên những cung đường vốn được xem là hiểm trở và hùng vĩ vào loại bậc nhất của đất nước trên những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn với các đỉnh núi tựa như những kim tự tháp, cao vun vút lên trời xanh sóng đôi cùng những khe núi hẹp với những vách đá dựng đứng cao ngất tạo thành các hẻm vực sâu thăm thẳm ta mới thấy thích thú, tự hào về một dải non sông gấm vóc hùng vỹ, tráng lệ. Đi giữa trập trùng núi cao vực sâu như thế ta chỉ thấy trong tầm mắt hun hút một con đường độc đạo với “núi một bên” và “vực một bên” hiện lên như một dải lụa quanh co, vắt vẻo giữa lưng trời để nối núi này với núi kia, dẫn từ hẻm vực này sang hẻm vực khác trên bãi đá khổng lồ, rộng hơn hai ngàn ba trăm năm mươi ki lô mét vuông đầy thú vị. Cảm xúc và cảm nhận ban đầu của hành trình trên cao nguyên đá lần này trong tôi là vậy!
Hành trình thiện nguyện của chúng tôi đến với cô và trò trường mầm non Thắng Mố theo sự giới thiệu của Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy Biên phòng tỉnh Hà Giang. Khỏi phải kể nhiều về những khó khăn của xã biên giới nơi địa đầu Tổ quốc này thì người ta vẫn biết bởi thiên nhiên nơi đây được trời phú hầu như chỉ có đá và đá, người dân “sống trong đá chết vùi trong đá”. Nghe kể, Thắng Mố là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh. Trước khi chúng tôi đến, Thắng Mố đã từng có rất nhiều đoàn thiện nguyện, nhiều mạnh thường quân đến để chia sẻ khó khăn với đồng bào các dân tộc. Người ta đã từng có các chương trình trao “cần câu” để bà con tự làm kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Nhưng khổ nỗi ở một nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc, nhận thức còn rất nhiều hạn chế và trong một điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt: mưa ít, đá nhiều hơn đất thì cái đói cái nghèo hẳn không dễ gì xóa bỏ trong một sớm một chiều. Bởi vậy ở Thắng Mố người dân ăn mèn mén quanh năm, có nhà cũng không đủ cho nên cô và trò trường mầm non Thắng Mố sẽ không tránh được những khó khăn là lẽ thường tình. Trong sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với giáo dục ở Thắng Mố như vậy, thầy trò Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hoài Đức đã xây dựng chương trình “Áo ấm vùng cao năm 2024” để góp sức đồng hành với Thắng Mố, chung sức xây dựng quê hương nơi biên giới tiền tiêu ở Hà Giang, nơi biển đá địa đầu Tổ quốc.
Không kể hành trình từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang ngót ba trăm cây số, đường đi từ cây số 0 của thành phố Hà Giang lên đến trường mầm non xã Thắng Mố dặm dài cũng gần một trăm cây. Nhưng đấy là một trăm cây đáng nhớ, nhất là đoạn đường bắt đầu từ Quản Bạ, rất hiểm trở và hùng vỹ, nên thơ. Thắng Mố hình như chưa có tên trên bản đồ du lịch ở Hà Giang. Tìm trên google tôi chỉ thấy cột mốc 358 (còn gọi là mốc 9) ở chợ cửa khẩu Bạch Đích là nơi ít nhiều cũng có dân du lịch khám phá. Nhiều người đam mê xê dịch đến Yên Minh cũng ít đi qua hướng này. Chỉ cuối năm, khi đã đi qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên cao nguyên đá rồi họ mới bắt đầu trải nghiệm các phiên chợ vùng biên và mới biết đến Bạch Đích. Đến với vùng cao biên giới Bạch Đích, hầu như người ta không chỉ chơi chợ mà còn tham quan, chụp hình lưu niệm bên cột mốc thiêng liêng hoặc vào thăm đồn biên phòng Bạch Đích, một vọng gác tiền tiêu nằm trên một đỉnh núi, giữa bốn bề mây trời thăm thẳm với núi biếc non xanh hùng vĩ.
Đường vào Thắng Mố phải đi qua Bạch Đích. Từ Na Khê, trên quốc lộ 4C, cách thị trấn Yên Minh khoảng hai mươi cây số, rẽ trái đi khoảng gần bốn mươi cây số nữa, theo hướng về Bạch Đích sẽ tới Thắng Mố. Cung đường này vòng vèo, vắt vẻo bên những núi đồi, đi qua các bản làng, nương rẫy, đặc biệt là những cánh đồng ruộng bậc thang hùng vĩ cũng không kém gì cung đường 4C đi Đồng Văn và có không ít đoạn cũng rất thơ mộng. Có cung đường nối hai dải núi liền nhau, vắt từ đầu bên này sang đầu bên kia của hai mặt núi đối diện, từ trên cao nhìn xuống trông giống ý hình chuỗi vòng ngọc trai trên cổ nàng sơn nữ, trông rất bắt mắt, đầy quyến rũ lòng người. Từ Bạch Đích đến Thắng Mỗ khoảng gần hai mươi cây số, đi sâu vào trong núi, con đường có vẻ khó đi hơn và khá vắng người qua lại, cảm giác như là một độc đạo, hai bên trập trùng những thửa ruộng bậc thang dài miên man. Tiếc rằng bây giờ không phải mùa lúa chín. Thi thoảng ngước lên nhìn bầu trời trên cao bất giác chúng tôi cũng không khỏi nao lòng bởi những vòm thiên thanh hiện ra giữa lô nhô đá xám gợi nên cái tĩnh lặng mơ màng của một chiều biên giới.
Trao quà xong cho cô và trò trường mầm non Thắng Mố chúng tôi tạm chia tay các đồng nghiệp và học trò trong những nụ cười thánh thiện và cặp mắt nhìn trong veo. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy của những cột mốc di động trên cao nguyên đá hoang sơ đã sáng lên trong tôi một niềm tin vào tương lai ở vùng phên dậu chót cùng cực Bắc. Rồi từ Thắng Mố theo Quốc Lộ 4C, đường tỉnh lộ 182, tỉnh lộ 176 chúng tôi đến xã Du Già để trải nghiệm xứ sở mà dân phượt mách bảo chốn ấy là thiên đường trên mặt đất. Theo cung đường này chúng tôi đi qua Suối Thầu, phố Cáo, Vần Chải, Mậu Duệ, Lũng Hồ … Với hơn bảy mươi cây số, quãng đường tuy không dài nhưng để đến được xứ tiên của Yên Minh cũng mất khoảng ba giờ đồng hồ. Xe liên tục phải đổ đèo với những khúc cua nín thở. Trong đó dốc Thẩm Mã với chín khúc cua đi giữa “hai bức tường đá” là một thách thức với những người lần đầu đặt chân lên cao nguyên đá. Dù đường đi có hiểm trở do địa hình núi đá thì bù lại ai nấy trong đoàn đều cảm thấy mãn nhãn bởi cảnh quan vừa kỳ vĩ vừa hoang sơ nhưng rất thơ mộng của mảnh đất nơi địa đầu đất nước. Phải nói ngay rằng, đường đến Du Già đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm đầy thú vị. Những đoạn đèo dốc hay các chỗ cua hình chữ M khiến cho chúng tôi không chỉ thấy được địa hình hiểm trở của một vùng núi cao mà còn được tận nhìn sự phong phú đa dạng của thiên nhiên đất nước với từng dải núi đá tai mèo xám đen như những mũi chông giăng trên mặt đất hay bãi đá Hải Cẩu với muôn dáng hình kỳ thú hoặc những núi đất xếp chồng lên nhau xen giữa là các bản làng với những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc phía dưới các thung lũng trông rất nên thơ khiến không ít người phải lặng im vì xúc động. Khung cảnh thiên nhiên đúng là ngoạn mục trong tầm mắt.
Con đường đi vào Du Già uốn lượn mềm mại như dải lụa với một bên là vách núi dựng đứng một bên là vực thăm thẳm sâu. Từ trên cao nhìn xuống Du Già đẹp như một bức tranh thủy mặc với bốn bề là núi rừng bao quanh. Những con đường nối từ bản này sang bản khác trông như những sợi dây thừng vắt ngang, vòng quanh bên các sườn núi, giữa lưng chừng trời để gợi lên cái cảm quan hùng vĩ mà hoang sơ; bình yên mà thơ mộng … Cái cảm giác ấy thực sự đã làm cho chúng tôi như thể đã bị “phải lòng” ngay từ cái nhìn đầu tiên. Con đường chưa hẳn đến mùa xuân nên chưa có hoa mận hoa đào, chỉ loáng thoáng những đám tam giác mạch còn sót lại xen lẫn với hoa cải, hoa ngô nhưng chẳng sao bởi bao trùm lên cả vẫn là một màu xanh mát của cây lá và rừng già nguyên sinh choáng ngợp cả không gian gợi lên cái cảm giác yên lành, thoáng mát. Cũng con đường này, chỉ ít thời gian nữa thôi, đợi sang mùa xuân trong tiết tháng ba, những hàng mộc miên trụi lá khẳng khiu đứng dọc bên đường kia và khắp cả một dải thung sâu sẽ bật chồi trỗi dậy thắp lửa giữa trời xanh biếc thay cho những cánh hoa đào làm mê mẩm lòng người, khiến cho cao nguyên đá không bao giờ hết mời gọi và cũng không bao giờ tĩnh tại trong một sắc màu.
2. Bạch Đích, một chiều biên giới.
Xã vùng biên Bạch Đích có sáu bản giáp ranh Trung Quốc với tổng chiều dài đường biên giới là hơn bảy cây số. Trong số sáu cột mốc (ba cột mốc chính và ba cột mốc phụ) từ 355/1 đến 358 ở Bạch Đích, mọi người biết đến nhiều nhất là cột mốc số 358. Cột mốc này có nét độc đáo là nằm ở ngay cửa khẩu và có chợ phiên cách đó khoảng mười mét. Từ hồi dịch Covid 19 đến nay cửa khẩu này tạm đóng cửa, phía bên Trung Quốc có rào dây thép dọc suốt tuyến biên giới. Chợ phiên ở cột mốc 358 còn có tên gọi là chợ Mốc 9. Nghe nói chợ này được thành lập từ năm 2007 và đây là nơi giao lưu buôn bán hàng hóa của đồng bào ở địa phương với người dân bên Trung Quốc. Bình thường chợ họp từ khoảng sáu giờ sáng đến khoảng một giờ chiều, thu hút rất nhiều người tham gia. Những ngày cuối năm chợ rất nhộn nhịp. Ngoài người dân địa phương, chợ cũng có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước cùng tham gia để khám phá bản sắc chợ vùng cao biên giới Hà Giang.
Chúng tôi đến vùng biên giới Bạch Đích vào một chiều mờ sương gần cuối ngày để đưa trước một số hàng thiện nguyện đến trường mầm non Thắng Mố. Khi trở ra, theo chân một chiến sĩ biên phòng của đồn Bạch Đích chúng tôi được lên thăm cột mốc số 358. Con đường lên cột mốc đi qua những rừng thông rất đẹp nhưng uốn lượn khá quanh co bên các sườn đồi. Trong chiều mờ hơi sương vẻ đẹp của rừng thông tất nhiên sẽ không được lung linh như rát vàng bởi sắc màu của ánh hoàng hôn lấp lánh xiên qua những tán rừng lá kim nhưng cũng không phải vì thế mà nó mất đi vẻ quyến rũ, kiều diễm của một nàng thơ xứ ôn đới trên vùng đất nhiệt đới. Chiều mờ hơi sương cuối năm khiến rừng thông ở Bạch Đích khoác lên mình một vẻ đẹp mờ ảo tựa như một Đà Lạt mộng mơ trong sương mù. Màn sương cứ bàng bạc thấp thoáng trên các vạt đồi, bồng bềnh trôi theo các làn gió làm nên một không gian bảng lảng, huyền ảo mà không kém phần trữ tình, lãng mạn để dư sức gây thương nhớ trong lòng mọi người qua.
Rừng chiều Bạch Đích hôm nay khá yên tĩnh, vắng vẻ. Con đường lên cột mốc dường như không một bóng người, thi thoảng mới gặp một vài cô gái lững thững đi làm rừng về với một bó lá cỏ xanh gùi trên lưng (chắc mang về cho trâu, bò ăn). Ngước nhìn sang sườn núi trước mặt chúng tôi thấy thấp thoáng một vài nếp nhà sàn thưa thớt ẩn hiện trong sương mù. Đôi lúc cũng có những sườn núi tan sương, ngó được xuống chân núi phía đằng xa, chúng tôi thấy nhà cửa hiện lên có vẻ đông đúc hơn nhưng nhạt nhòa cùng các thửa ruộng bậc thang đã đi qua mùa gặt còn vương lại mấy luống cải hoa vàng rung rinh trong gió nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là một cảm giác tĩnh lặng của miền sơn cước. Bất giác ngước lên bầu trời qua những vòm xanh của rừng thông Bạch Đích chúng tôi nhìn thấy chỉ một màu đùng đục hơi sương trong làn gió mang đầy hơi lạnh, bỗng nhiên trong lòng thấy ngân lên mấy vần thơ tha thiết mà xao xuyến, bâng khuâng của nhà thơ Lò Ngân Sủn:
“Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta ngọn núi
Như đất trời biên cương…”
(Chiều biên giới)
Hôm sau, đoàn công tác của chúng tôi chính thức trở lại trường mầm non Thắng Mố để tặng quà cho các cô giáo và các cháu học sinh. Đi cùng đoàn lần này chúng tôi có thêm các chiến sĩ của đồn Biên phòng Bạch Đích. Phải nói rằng cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Bạch Đích rất cẩn thận, chu đáo. Do bận công tác nên lãnh đạo của đồn là anh Bình Minh đã phân công anh Phạm Mạnh Hùng (Phó đồn trưởng) trực tiếp đưa chiến sĩ và dẫn chúng tôi đến trường mầm non Thắng Mố để giúp đỡ anh em trong đoàn. Những chiến sĩ quân hàm xanh sôi nổi và rất tình cảm đã đem lại nhiều cảm hứng cho chúng tôi về một vùng biên ải. Khi đến trường chúng tôi được sự đón tiếp rất thân thiện của lãnh đạo xã, đoàn thanh niên, bộ đội biên phòng, các cô giáo và đồng bào ở Bạch Đích. Những tấm lòng của chúng tôi được mọi người đón nhận một cách trân trọng, nghĩa tình. Nhìn bao cặp mắt trẻ thơ vui sướng chúng tôi thấy hạnh phúc đong đầy. Tuy vật chất chẳng là bao nhưng đó là tấm lòng của “miền xuôi” với “miền ngược”, với một vùng biên ải xa xôi … Cứ thế thấy mọi người vui là chúng tôi rộn lòng sung sướng. Và, sau khi chia tay với Thắng Mỗ, chúng tôi được các anh biên phòng đưa trở về thăm “nhà” (với bộ đội biên phòng thì “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”) của các anh cũng trong một chiều rộn ràng niềm vui với những nghĩa tình “cá nước” (tình quân dân như cá với nước) thắm thiết. Con đường trở ra không bị sương mù như chiều hôm trước mà quang đãng một màu thiên thanh. Gió reo rừng thông vi vu trong những nồng nàn, ấm áp khiến mọi người quên đi cái lạnh của tiết trời lất phất mưa phùn cuối năm. Những chiến sĩ biên phòng hát tặng chúng tôi những ca khúc của biên phòng, về biên cương; kể cho tôi về công việc làm thầy giáo của những người lính mang quân hàm màu xanh … Im lặng và lắng nghe tôi bỗng nhận ra lính biên phòng đâu chỉ có là bộ đội ... để rồi chia tay với các anh nhưng trong lòng mỗi người vẫn ấm áp bên mình những tiếng ca mộc mạc nhưng chất chứa bao ân tình trong những nỗi gian lao không thể nào nói hết bằng lời:
“Vượt bao cánh rừng mênh mông
Vượt núi cao đến với bản làng
Lội qua suối và khe sâu
Đội nắng mưa
Đến cùng đàn em thơ
Những người lính biên phòng
Làm thầy giáo giữa gió núi mây ngàn
Luyện nét chữ dáng ngay
Dạy từng trang sách với bao điều hay …”
Và như thế, trong tôi có cả một chiều biên giới của Bạch Đích xa xôi mà khó lòng nào có thể lãng quên.
3. Bên những cột mốc thiêng liêng.
Đã không ít lần chúng tôi đứng bên các cột mốc nơi địa đầu Tổ quốc, khi thì chót cùng cực Nam ở Hà Tiên - Kiên Giang, lúc ở ngã ba Đông Dương cửa khẩu Bờ Y - Kon Tum, rồi cửa khẩu Lóng Sập – Sơn La, nơi biên giới Việt – Lào và ngay cả nơi chót cùng cực Bắc trên Lũng Cú - Đồng Văn … nhưng quả thực mỗi lần, mỗi nơi lại một cảm xúc mà cảm xúc lần nào cũng thấy xúc động và thiêng liêng. Dường như cứ mỗi lần đi đến những nơi vùng biên thì chúng ta điều muốn đến và quyết đến bằng được chỗ các cột mốc, có lẽ không có nơi nào thiêng liêng bằng nơi cột mốc đánh dấu chủ quyền đất nước, cho dù con đường đi tới đó dễ hay khó, điều kiện thời gian ít hay nhiều … Cứ mỗi lần như vậy, cảm xúc và cảm giác được chạm tay hoặc đứng bên những cột mốc ấy thật khó tả. Nó sung sướng và tự hào, thậm chí là cả vỡ òa hạnh phúc. Cứ thế, đứng bên cột mốc đưa mắt nhìn ra bốn phương tám hướng chúng ta sẽ thu vào trong tầm mắt biết bao cảnh quan hùng vĩ của vùng biên ải xa xôi, khi thì sóng đá xôn xao, rì rào con nước lúc thì trời xanh thăm thẳm, phơ phất một vài chòm lau lắc lư trong gió. Và như thế, mỗi một cột mốc là một kỷ niệm thật thú vị, khó quên.
Lần này cũng vậy, từ trường mầm non Thắng Mố, chúng tôi đến với cột mốc số 367 cách trường vài khoảng hai cây số trên núi trước mặt và trên đường trở ra chúng tôi không quên đến bên cột mốc 358, cách đồn biên phòng Bạch Đích khoảng hơn mười cây số. Đứng bên cột mốc thiêng liêng, giơ tay chào cờ đỏ sao vàng năm cánh giữa đất trời biên cương trái tim trong lồng ngực lại rộn ràng với nhịp đập có vẻ như nhanh hơn. Niềm kiêu hãnh như thể đang trào dâng. Hơn bao giờ hết ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc trong tôi được cảm nhận một cách rất cụ thể, rõ ràng. Bên này là của ta; là đất Việt yêu thương. Vài ba bước chân sang bên kia là đất người; bước sang cũng có nghĩa là xuất ngoại. Trên cao bầu trời vẫn vậy, xanh biếc màu mây; dưới mặt đất thổ nhưỡng cũng thế, chẳng khác chi nhau nhưng “Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Như thế, cái cột mốc thiêng liêng nơi biên ải xứ xa đang ở bên mình này chính là cái chỗ dùng để phân định danh giới giữa nhà ta và nhà người khác: “Núi sông bờ cõi đã chia”. Nói như Lý Thường Kiệt, cái sự phân chia ấy đã được minh định tại thiên thư “Rành rành định phận tại sách trời”. Nghĩ thế càng thấy tự hào và trân trọng máu xương của biết bao anh hùng đã đổ xuống trên đất dài biên cương để bảo vệ cái cột mốc chủ quyền thiêng liêng ấy.
Vượt gần bốn trăm cây số để đến biên giới quốc gia nếu nói không mệt thì không phải nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn thấy cái cột trụ màu trắng trên ghi hai chữ Việt Nam dưới có đánh số thứ tự của các cột mốc và được đặt trang trọng trên bệ gạch giật cấp; đặc biệt khi được đứng bên cạnh, rồi sờ tay vào cái cột trụ ấy thì bao nhiêu mệt mỏi bỗng tan biến. Trong tôi khi ấy chỉ còn lại một niềm tự hào khó tả xen lẫn tâm trạng bồi hồi xúc động. Cái cột mốc nhìn giản dị vậy thôi nhưng đó là “nơi bắt đầu Tổ quốc, cũng là nơi bắt đầu của lịch sử một dân tộc”. Đứng bên cột mốc tiền tiêu bất chợt trong tôi lại vang lên lợi căn dặn của vua nhà Trần: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” (Trần Nhân Tông) và lời huấn thị của ông vua hay chữ Lê Thánh Tông với Lê Cảnh Huy (quan phụ trách biên giới): "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di". Thế đấy, bảo sao đứng bên cột mốc ta không khỏi rưng rưng. Có lẽ chẳng phải riêng mình. Con dân nước Việt nào đến đây cũng vậy cả thôi!
4. Du Già, nàng tiên giáng trần.
Giờ đây trên cao nguyên đá Hà Giang nếu Đồng Văn đã rất náo nhiệt, Mèo Vạc cũng không kém phần bởi sự hút hồn du khách trong những đêm chợ rực rỡ sắc màu thì Du Già vẫn còn khá bình yên giữa những nét hoang sơ, giản dị. So với những người anh em kia, trên tấm bản đồ du lịch, Du Già giống đứa con sinh sau đẻ muộn. Sở dĩ có sự chậm trễ này có lẽ do chinh phục Du Già ở miền biên ải xa xôi của Yên Minh chưa bao giờ dễ bởi đường đi vô cùng hiểm trở, nhất là trong điều kiện thời trước. Tuy thế ai đã từng đến một lần với mảnh đất này hẳn sẽ bị phải lòng ngay từ cái phút đầu tiên bởi những điều mới lạ của cảnh sắc núi rừng, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng với bầu trời trong xanh và những biển mây trắng bồng bềnh khi thì lững lỡ trên các đỉnh núi lởm chởm đá tai mèo khi thì ôm ngang lưng núi quấn quýt trên những thửa ruộng bậc thang đều đặn như những vành khăn quấn bên sườn núi trải dài miên man cùng những ngôi nhà thâm nâu mái gỗ thấp thoáng giữa lưng trời khiến cho người qua cứ ngỡ mình như đang lạc bước vào một xứ sở thần tiên nào đó chứ không phải đang bước đi trên mặt đất trần ai.
Từ trên cung đường như những sợi chỉ vắt ngang các vách núi nhìn xuống thung lũng xanh biếc ta sẽ thấy thấp thoáng những ngôi nhà của các bản làng ở Du Già đẹp đến nao lòng. Những nếp nhà sàn lợp lá truyền thống của đồng bào Tày ẩn hiện giữa nương ngô xen lẫn đá tai mèo nhấp nhô trong một màu mướt xanh hòa cùng mây trời sắc núi rạo rực bởi ánh vàng mê mải trên luống cải đang trổ hoa rực rỡ làm người qua không khỏi bị hút hồn. Cứ nao nao trong lòng nỗi niềm thích thú xen lẫn sự ngỡ ngàng như thế trên dọc hành trình khám phá chốn tiên trên hạ giới này chúng ta sẽ thấy bên các sườn đồi, dọc theo khe suối từng cụm nhà giống như các xóm với dăm bảy ngôi nhà vách gỗ lợp lá hoặc phủ tấm lợp Fibro xi măng, chất đầy củi khô bên hè của đồng bào Dao. Chưa hết, giữa lưng chừng trời, chênh vênh trên những ngọn đồi gần khu rừng già là bản H’Mông cổ xưa vẫn còn đó cùng với khu bảo tồn hoang dã vào loại bậc nhất ở Hà Giang. Ai đó lỡ bị lạc vào bản tiên này hẳn sẽ không thấy luyến tiếc thời gian bởi sẽ được tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương hay ngôi nhà lợp mái gỗ đã ngả màu thời gian ẩn hiện sau các hàng rào xếp bằng đá tựa như “môi ai khép hờ” nhìn rất cũ kỹ nhưng lại khơi gợi, trào dâng bao nỗi niềm cảm xúc. Dạo bước giữa những bản làng bình yên đến tĩnh lặng lạ thường ấy người ta cứ ngỡ mình như đang thoát được phàm trần để lạc lối vào cõi thiên thai trên thượng giới. Khung cảnh huyền ảo, thơ mộng của Du Già đẹp như thiên đường như thế nhưng hoàn toàn tự nhiên. Vẻ đẹp ấy được dựng lên bằng chính nét nguyên sơ như những gì vốn có chứ không phải bằng sắc màu của sự sắp đặt, trang trí đầy hoa mỹ. Lạc trôi trong những bản làng đẹp như tranh vẽ ấy người ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi diệu kỳ của cảm xúc; thân tâm sẽ thoải mái, nhẹ nhõm. Ngắm cảnh Du Già, dù chỉ một lần ngang qua như thế thì lữ khách hẳn sẽ nhớ mãi cái cảm giác an yên tưởng như tuyệt đối ấy bởi không phải chịu sự nhiễu phiền của khói bụi hay tiếng ồn ào, ầm ĩ của những thanh âm khó nghe. Trái lại ta còn có được cái cảm giác thích thú khi được hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ cùng lối sống rất nhẹ nhàng, chậm rãi của những con người còn ăm ấp chất mộc mạc, thô sơ, chân chất, hiền hòa của xứ tiên cao nguyên đá Hà Giang.
Trong ánh chiều rơi bản làng ở Du Già lung linh trong màu vàng của nắng đông sắp tàn. Những thửa ruộng bậc thang rộn ràng với màu xanh của lá ngô, màu trắng, màu vàng của hoa cải, màu tím phơn phớt của hoa tam giác mạch đang khe khàng rung rinh theo gió, đan xen trong ngọn nắng cuối ngày không chỉ đem đến một vẻ đẹp mơ màng mà còn toát lên một bầu nhựa sống căng tràn làm lòng người cứ miên man, lạc trôi trong nỗi niềm mê đắm. Giữa bức tranh thần tiên của chiều sơn cước như thế, dạo quanh bản làng để khám phá cuộc sống nơi địa đầu đất nước, bất chợt gặp một vài cô gái H’Mông vai mang quẩy tấu ngang qua với chiếc váy thêu hoa văn rực rỡ sắc màu, tròn xoe căng phồng, đung đưa theo nhịp bước uyển chuyển cùng đôi mắt trong veo như biết nói ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng mà quên đi mọi thứ với trái tim dường như đang đập lỗi nhịp để rồi rất có thể dễ bị lạc lối đến quên mất đường về.
5. “Chốn mơ” trên sơn nguyên đá.
Nằm khép mình dưới chân dãy núi Ba Tiên, giờ đây Du Già không còn ngủ quên trong rừng già nguyên sinh mà đã thực sự thức giấc trở thành một “nàng tiên” giáng trần sau một giấc nồng say. Bằng chứng là cái tên Du Già không còn ẩn khuất trên tấm bản đồ du lịch của Hà Giang. Trái lại, nó đã nổi tiếng vượt gia ngoài phạm vi biên giới lãnh thổ và trở thành một “địa chỉ đỏ” của dân đam mê xê dịch, một cái tên cực hót, một điểm đến thuộc hàng “chất” vô cùng trên cao nguyên đá.
Dân xê dịch chính hiệu thích ngắm cảnh sơn kỳ thủy tú của rừng sâu núi thẳm cùng đèo cao dốc đứng trong những đường nét còn nguyên vẹn dáng vẻ hoang sơ huyền bí thì mỗi khi đặt chân đến cao nguyên đá cực Bắc họ không thể không biết đến với Du Già. Câu chuyện “nàng tiên” Du Già thức giấc được bắt đầu từ khoảng mươi năm trở lại đây, khi dân phượt lùng sục và phát hiện ra thác nước Ba Tiên ở bản Thâm Luông rồi truyền tai nhau kéo đến. Thế rồi họ tung ảnh, đưa clip về ngọn thác với những cảnh đẹp vô cùng tuyệt mỹ, hùng vỹ và thơ mộng, nước tuôn xả ào ạt ngày đêm, gầm réo vang động đất trời, tung bọt trắng xóa từ trên những vách đá nhấp nhô ở độ cao khoảng sáu, bảy mét đổ xuống một lòng suối tựa như hồ bơi thiên tạo nho nhỏ, sâu chừng bốn đến năm mét, nằm kề bên dưới chân thác với một mặt nước trong xanh, nhìn xuyên thấu từng vỉa đá đầy quyến rũ ở dưới tận đáy sâu, đẹp mê hồn. Và thế là mạng facebook hết lời hỉ hả, tung hô; báo chí cũng thoải mái đưa tin, giật tít với đủ các từ ngữ hoa mỹ … Kết quả, cảnh đẹp của Du Già đã chính thức bước ra ngoài phạm vi của Hà Giang, đặt chân vào thế giới của những thiên đường du lịch.
Từ ấy, cũng chẳng biết chính xác bắt đầu khi nào, thác nước Ba Tiên trở thành một thiên đường “sống ảo” của dân du lịch. Mỗi khi hè đến, kẻ tây người ta ở khắp chốn cùng nơi tíu tít trở nhau bằng xe máy tìm đến ngắm nhìn dòng thác và tranh thủ hòa mình vào dòng nước trong mát để được thỏa sức vẫy vùng, tận hưởng sự mát ngọt trời ban. Có không ít thiếu nữ đến đây với các bộ bikini đầy sắc màu tung tăng uốn lượn trong dòng suối trong xanh khiến người qua ngỡ như được gặp những nàng tiên cá bước ra từ trong huyền thoại. Và cũng từng có kẻ vì thích quá lại ưa cảm giác mạnh nên không kìm nén được cảm xúc, nhất thời đã bất chấp nguy hiểm mà liều mạng nhảy từ mỏm đá cao xuống lòng suối sâu để rồi phải vĩnh viễn nằm lại với núi rừng thơ mộng khiến chính quyền sở tại phải ra cảnh báo và ban hành lệnh tạm dừng tắm thác một thời, khiến bao người đến nơi không được hòa mình vào con suối, phải thèm thuồng luyến tiếc khi chỉ được ngắm nhìn bức tranh thủy mặc như thể tuyệt tác của tạo hóa giữa biển đá mênh mông của miền nhân gian nơi địa đầu Tổ quốc.
Cái “chốn mơ” trên cao nguyên đá Hà Giang này không dừng lại ở hồ nước trong xanh mát ngọt, đầy mời gọi với ngọn thác hùng vĩ, nên thơ đẹp như tranh vẽ mà còn ở dòng suối trong vắt uốn lượn trên các ghềnh đá, tảng đá, vỉa đá; chảy dài, len lỏi vào sâu trong các bản làng bình yên dưới những tán rừng lặng lẽ. Chẳng thế, đến Du Già, lữ khách men theo đôi bờ của dòng suối sẽ được tận hưởng một bầu khí trời vô cùng tinh khiết của núi rừng miền biên viễn với dòng nước trong veo không một cọng rác cùng muôn dáng vạn hình sinh động của những phiến đá giống như tấm phản trong các kích cỡ khác nhau rất kỳ thú để người qua có thể ngồi xuống hay ngả lưng bất kỳ lúc nào. Đi giữa bao la non nước hữu tình tựa chốn bồng lai trên tiên cảnh như thế lữ khách vừa được mãn nhãn với cảnh sắc sơn thủy đường bệ, tráng lệ vừa được đắm chìm trong bản giao hưởng rừng xanh với tiếng nhạc róc rách, réo rắt của tiếng suối reo, với thanh âm trong trẻo, líu lo của tiếng chim hót và cả tiếng rừng êm ả trong những làn gió thoảng du dương. Hẳn là khi ấy, chắc chắn những ưu phiền, những mệt mỏi của cõi trần ai sẽ đều được rũ bỏ để thay vào đó là một niềm khoái cảm, sảng khoái, thích thú, say mê đến vô cùng.
Hóa ra, trên hành trình thiên di, Du Già không chỉ là nơi nuôi dưỡng những tâm hồn chất phác, hồn nhiên, nên thơ của các tộc người sống giữa lưng chừng trời hay dọc bên đôi bờ Ba Tiên của cao nguyên đá mà còn là một chốn trải nghiệm cho những ai yêu thích thiên nhiên muốn trở về với cội nguồn nguyên thủy, nơi có bà mẹ vĩ đại vẫn còn giữ lại được những nét nguyên sơ của đại ngàn hoang dã; là một điểm đến lý tưởng cho người nào đó muốn “reset” (cài đặt lại) tâm hồn, di dưỡng lại tinh thần. Cứ như thế mà cái suối nguồn tươi mát ấy ở Du Già nghiễm nhiên trở thành một “cỗ máy” khổng lồ của tạo hóa ban cho loài người để thực hiện cái thiên chức vạn năng trong việc cân bằng, bù đắp, tái tạo lại cho con người nguồn năng lượng đã bị mất đi hay hao hụt bởi nhịp sống hiện đại của cái thời công nghiệp hóa với bao bộn bề, gấp gáp, vội vàng. Thế nên bảo sao người ta ngày lại càng mến Du Già, ngày càng rủ nhau đến khám phá và trải nghiệm với nguồn nước diệu kỳ của thác nước Thâm Luông.