Mùa mưa nước nổi nên biển nước mêng mông trắng xóa nhìn ra cánh đồng như nhìn ra Thái bình dương. Bộ đội du kích di chuyển dưới nước mà địch dõi theo: tầng thấp là máy bay trực trực thăng "pành pạch" soi mói những lùm cây ngoi lên mặt nước, tầm trung là máy bay Đầm già và cào rồ ( L19 và C130 cải tiến ), còn tầng trên cao là thằng OV10 vè vè bay.
Đơn vị chọn 6 cán bộ chiến sĩ lên đường, những chiến sỹ giỏi lội (bơi), giỏi bắn điểm xạ hạ gục đối thủ và cũng trãi qua nhiều trận đánh có nhiều kinh nghiêm trong tác chiến. Lên đường nhận nhiệm vụ trong đêm.
Đoàn chúng tôi gồm :
- hai xạ thủ B41
- hai xạ thủ M79
- hai xạ thủ AK47 báng gập
Một máy bộ đàm của Đức sản xuất để liên lạc nội bộ. Mỗi anh thêm khẩu K54 dắt trong người với hai băng đạn.
Tôi nghĩ thầm không biết cấp trên giao đi đánh địch khu vực nào đây? Mùa mưa địch co cụm về đồn bốt hết rồi, mà đi tập kích địch thì KHÔNG PHẢI NGHỀ CÙA ĐẶC CÔNG BIỆT ĐỘNG. Lệnh là đi đánh địch nhưng cũng rất lạ không được biết mục tiêu là gì.
18h xuất phát từ kênh Bằng Lăng. Đón chúng tôi là các nữ du kích rất trẻ, lên xuồng và bơi bằng dầm chứ không gắn máy Cole. Vượt qua nhiều kênh rạch có lúc chúng tôi lội bì bõm qua cánh đồng lúa dân vừa mới gặt nước ngập lút cả rạ. Trong đêm...
Đến con kênh Xáng nhưng lại có tên là Kênh Nguyễn văn Tiếp, tạm nghỉ chờ xem địch có tuần tra trên kênh không và chờ lệnh trên mới đi tiếp.
Tôi hỏi tại sao con kênh này có hai tên gọi vậy? Mấy cô chèo xuồng trả lời cũng không rõ.
Cách bọn tôi nghỉ vài chục mét cũng có một đoàn đang chờ lệnh vượt kênh, dưới ánh trăng khoảng 4 người tuổi ngoài 40 đang ngồi chụm nhạu dưới gốc cây tràm. Tôi nghĩ đây là đoàn cơ sở cách mạng của địa phương nào đi công tác. Tôi đến chào các chú.
Nhìn mấy chú đang ăn gì có vẻ như đang ăn cơm, không có bát chỉ mỗi người một đôi đũa thôi. Tôi mạnh dạn tiến sát nhìn cho rõ, riêng cơm mỗi người một gói riêng rồi.
Nhưng tôi thấy cứ một miếng cơm vào miệng thì họ cầm đôi đũa quyẹt vào cái nồi nhôm bên trong thấy chẳng có gì đưa vào miệng.
Còn trẻ mà , tôi tò mò lắm, ăn gì kỳ lạ vậy? Tôi mạnh dạn hỏi chuyện.
Một ông trả lời lúc chiều từ dưới huyện Cái bè nấu cơm không kịp ăn nên mỗi người một nắm bỏ vào bồng ( từ nam bộ chỉ cái ba lô buộc túm). Bây giờ các chú tranh thủ ăn lấy sức hành quân về R tiếp.
- Các chú ăn gì quẹt vào nồi không vậy?
Một ông trả lời đó là "kho mắm quyẹt".
Ôi thế là đang muốn hỏi sao con kênh lại có tên NGUYỄN VĂN TIẾP, giờ lại thắc mắc chuyện MẮM KHO QUẸT...
Như vậy 6 lính Đặc công chúng tôi nhận nhiệm vụ chỉ biết là rất quan trọng, trong đêm, được các nữ du kích đưa bằng xuồng, đã đến kênh Xáng chờ chỉ thị tiếp theo. Tại đây tôi có hai thắc mắc đã được bạn đọc giải đáp thoả đáng. Thứ nhất Kênh Xáng còn mang tên Nguyễn Văn Tiếp là tên đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Mĩ Tho, hi sinh năm 1947. Còn có kênh Nguyễn Văn Tiếp A và Nguyễn Văn Tiếp B nữa, đủ thấy được sức lan toả gương người cán bộ này. Còn thắc mắc thứ hai là món mắm kho quẹt, nguyên liệu gồm mắm, nước cơm và muối hạt nấu cô lại, rất mặn dính chút đáy nồi trông như không có gì là đủ cho nhiều người ăn rồi... Xin tiếp tục câu chuyện.
Quần áo vũ khí bọc trong túi ni lông, chúng tôi được lệnh lội kênh (bơi qua sông). Lúc này bắt đầu bỏ xuồng đi bộ.
Nói là đi bộ nhưng bì bọp dưới nước, lúc chỉ ngập chân lúc gần ngang thắt lưng, đi hàng dọc bám chặt đội hình theo mấy cô du kích. Bám sát nhau vì chỉ chệch ra ngoài 20cm là ăn ngay trái gài (lựu đạn gài) của du kích Nam bộ. Im lặng , chỉ nghe tiếng pháo sáng từ các đồn bốt địch từ xa. Hành quân như vậy hơn một tiếng thì dừng lại chờ lượt pháo cầm canh theo quy luật, rất gần bốt địch rồi. Du kích yêu cầu hết sức giữ bí mật. Ai ở đâu chờ nguyên đấy, hết đợt pháo, chúng tôi mới đi tiếp.
Vượt qua bao nhiêu kênh rạch đồn bốt địch đến kênh Bảy Ngàn đoàn dừng lại, bỗng xuất hiện một ông trạc ngoài 40 tuổi . Tôi đoán đây có lẽ ông là cán bộ cao cấp trên R xuống. Ông phổ biến: Nữ tướng đang trên đường xuống khu 8, đoàn chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ Bà trong thời gian Bà đi thị sát chiến trường. Ông chỉ nói ngắn gọn. Như vậy đoàn bảo vệ chúng tôi sẽ tiếp nhận bà Nữ tướng tại kênh Dương văn Dương.
Từ kênh Bảy ngàn ra kênh Dương văn Dương đoàn 6 người chia làm hai tổ cách nhau 50m.
Đến bờ kênh Dương văn Dương chúng tôi chém dè (trú ẩn) chờ, hai tổ chia nhau như phương án, mọi người tuyệt đối bí mật không được nổ súng khi chưa có lệnh. Pháo sáng đồn địch bắn lên, tàu địch tuần tiễu đi dọc kênh đèn pha chúng quyét sáng như ban ngày hai bên bờ. Địch trên tàu thi nhau nhả đạn, nước bắn tung tóe lên cùng bùn đất cày lên mặt lên người chúng tôi. Vẫn yên tâm ở vị trí này đich khó mà phát hiện được.
Nhưng sợ nhất là trên tàu địch được Mỹ trang bị tạc đạn M79 dây bắn liên thanh. Chúng mà nhả đạn M79 dây liên thanh bộ đội ta chỉ có chúi đầu chịu trận.
Trong lúc đang chờ nhìn xa sang bờ kênh bên kia tôi biết, đó là cánh đồng Ba Thu hay còn gọi là Chó Ngáp. Kỉ niệm về cánh đồng tôi này làm tôi ớn lạnh cả người.
Chao ôi cánh đồng chó ngáp bắt đầu từ kênh Vàm cỏ tây Long an, mùa mưa thì mênh mông biển nước, mùa khô thì không giọt nước đất trắng xóa như sa mạc.
Nếu trên miền Đông xuống từ sông Vàm cỏ Tây qua cánh đồng Chó ngáp thời đó mất hai ngày hai đêm mới tới được kênh Dương văn Dương. Mà phải bí mật tránh đi qua đồn bốt rồi tránh trực thăng, đầm già, cào rồ, OV10 v v... Mười đoàn xuống ít nhất ba đoàn bị lạc. Năm 1972 Công trường 5 ( tức sư 5) xuống hai trung đoàn bị địch xoá sổ gần hết vì không quen đánh giặc vùng sông nước. Trải dài từ kênh Vàm cỏ Tây đến kênh Mười Bà đâu đâu cũng có mộ lính Sư 5. Còn tôi khi trên Miền xuống đã bị lạc bốn ngày trên cánh đồng Chó ngáp đáng sợ này.
Đoàn tôi xuống vào mùa mưa, lúc đầu còn đeo bồng đeo súng . Nhưng rồi tôi bỏ tất cả vào túi ny lông buộc túm vào cho thật chặt ko để nước vào lấy dây võng buộc vào thắt lưng mặc cho bồng bêng trên nước tùy cho nó trôi ngang dọc trôi theo tôi di chuyển hành quân.
Vừa đói, vừa mệt bơi lội dưới nước bốn ngày liền đến lúc đã kiệt sức. Tôi quyết định nằm ngữa đầu gối lên túi bồng đồ rồi trôi đi đâu thì đi mặc cho số phận...Tưởng rằng sẽ là thân quân giải phóng bón cho cây cỏ ở cánh đồng Chó ngáp , cứ thế tôi trôi dạt vào gò đất cao giữa cánh đồng, trên gò có một chòi che bằng lá dừa nước.
Mách bảo nghề nghiệp là mình sống rồi, nhưng phải cảnh giác không nên vào chòi vì đây sẽ là mồi cho trực thăng tóm sống. Ra cách đó khoảng vài chục mét nằm nghỉ may ra có du kích đi tìm...Vừa suy nghĩ về cánh đồng Chó ngáp tôi vừa chăm chú theo hướng đoàn cán bộ trên R sẽ xuống. Đây rồi, thoáng thấy qua ánh pháo sáng từ đồn địch bắn lên, một đoàn hơn chục người toàn mặc áo bà ba đen xuống xuồng. Đi giữa là một phụ nữ cao to, Bà Nguyễn Thị Định Phó Tổng Tư Lệnh các Lực lượng Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Đoàn bảo vệ chúng tôi nhận nhiệm vụ tháp tùng bà Nguyễn thị Định Nữ Tướng đến Kênh Bùi tỉnh Kiến tường (nay là tỉnh Đồng tháp) trong thời gian bà đi thị sát chiến trường Khu 8 và phía Tây Nam Sài gòn.Trước đây, vào cuối năm 1972 đầu năm 1973 thủ đô kháng chiến của Khu 8 tại kênh Bích. Trên bến dưới thuyền nhộn nhịp tiếng cười nói trẻ thơ trải dài 2km. Dân, bộ đội quân giải phóng, du kích với ba thứ quân, hàng quán trù phú sôi động là vùng lõi Khu kháng chiến. Nhưng chỉ sau một đêm tên Mười Tân việt gian phản động đã dẫn quân ngụy cùng xe lội nước M113 đã đốt phá san phẳng căn cứ địa Khu 8 này.
Đến Kênh Bùi, đoàn cán bộ Bà phó Tổng tư lệnh trú chân. Trong đoàn có mười hai người nhưng mười một người là nữ ( kể cả Bà), các cô còn rất trẻ. Yêu cầu của cấp trên là chúng tôi ai cũng chỉ biết việc mình làm, không được quan tâm công việc của người khác ngoài nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ.Chúng tôi sáu anh em cũng chỉ ngoài tuổi 20, lính trẻ chưa biết chưa gần con gái bao giờ, chưa ai có mảnh tình vắt vai. Đang ngồi trên ghế nhà trường gác nghiên bút lên đường ra trận. Bây giờ gặp những cô gái cũng còn trẻ lại bị cùng sinh hoạt ăn ở chung. Việc thì riêng nhưng rảnh là các cô trêu chọc ăn hiếp. Lính Đặc công cao to sáu múi vậy mà như gà mắc tóc giữa rừng phụ nữ, gốc Sài gòn Nam bộ phóng khoáng các cô không biết e thẹn đâu.
Cả đoàn đang ăn, thì thư ký của bà:
- Thưa Thủ trưởng, có đoàn cán bộ của tỉnh Vĩnh Long xin được tiếp kiến bà.
Thế là Bà tướng lại bỏ dở bữa cơm:
- Mời vào chờ tôi chút.
Chị xếp nói thư ký:
- Để bà ăn xong hãy báo cáo chứ!
Thư ký định nói... nhưng lại thôi.
Tôi nghĩ tận bên Vĩnh Long khu 9 rất xa mà biết được và đi đường nào nhanh như vậy? Phải qua nhiều con sông lớn, nhiều đồn bốt địch. Chắc chắn phải đi xuồng cao tốc của ngụy mới nhanh, mới tới được thế này.
Đâu phải lúc nào có dịp gặp được Bà nữ tướng Phó tổng Tư lệnh được đâu. Đây là chuyến đi của Bà thị sát chiến trường, thăm hỏi cán bộ chiến sỹ khu 8 cùng các gia đình giữ đất bám trụ quê hương làng xóm vùng giải phóng.
Được nghe phổ biến hành quân đêm nay. Tôi đoán đêm nay còn quyết liệt, khó khăn hơn đêm qua. Nhiệm vụ rất cụ thể cho từng người. Một Trung đội trinh sát của khu đi tiền trạm trước, bảo vệ dẫn đầu khóa đuôi.
Tổ sáu đặc công chúng tôi được chia hai luôn bên cạnh Bà, hai khẩu của xạ thủ B41 được giao lại và nhận hai khẩu K63 bắn đạn AK47.
Bà đi rồi bữa cơm chiều không còn nghiêm trang như lúc trước, vui cười nhộn nhịp cả lên, bắt đầu mấy cô gái hậu cần, thông tin chuyển chỗ ngồi ăn, các cô xen vào sáu anh em chúng tôi. Bị bất ngờ anh em tôi lúng túng nhưng được mấy cô gắp thức ăn cho. Tôi nghĩ đêm nay đi con đường nào. Xuống Châu Thành là phải đi hai con đường mà hai con đường kênh rạch đều nguy hiểm qua hai đồn bốt căn cứ địch, phải lội qua hai con kênh lớn mà tàu địch thường xuyên kiểm soát cả ngày đêm.
Bỗng một tràng đạn đại liên M60 từ một căn cứ địch khoảng 1km bắn vu vơ theo qui luật. Bọn tôi thì quen những tràng đạn thường xuyên hàng ngày.
Các cô thì ít được chứng kiến tiếng súng địch như vậy hay là cơ hội? bỏ chén đũa ôm mấy anh em chúng tôi. Một cô nói: trốn tránh đạn ở đâu được anh?
Tôi bảo: "đạn địch tránh ta rất tốt mà, chúng ta không phải tránh đạn địch".
Bị kẹp giữa chị xếp của đoàn bên trái, cô bên phải bỏ chén đũa ôm, tôi khó thở, mắc cỡ.
Chú xếp của Miền nói: "Hôm nay bữa cơm vui nhưng các cô vui hơn được ôm mấy chú đặc công giải phóng, may mà thằng địch ngoài bốt chọn giờ này bắn cầm canh".
Tôi tìm cách thoát ra gần chú, ghé tai nói nhỏ đủ nghe:
- Thủ trưởng đêm nay ta biết đi đường nào chưa?
- Đi đường kênh Mười Bà, chú rành không?
- Dạ con rành.
Ông bảo tôi: "ăn xong nói anh em chuẩn bị sẵn sàng. Đi giãn cách không được dồn đội hình, đã có đội trinh sát dẫn đường tiền trạm không phải lo nhé con". Tôi nghĩ ông không cần động viên vì tôi đã đi qua nhiều lần con đường này rồi.
Đoàn của bà Nữ tướng lên đường xuất phát lúc nhá nhem tối.
Pháo sáng các đồn bốt thi nhau bắn lên soi mói, thỉnh thoảng tràng đạn AR15 bắn lên bầu trời những vệt sáng chớp xanh.
Đến kênh Băng Dầy, con kênh này là rốn nước của Đồng tháp Mười nên mùa khô rất nhiều cá lớn, chỉ cần đứng một chỗ chọn con cá nào to bắt, sợ nhất không khéo là bị cá trê đánh sưng hết mình mẩy.
Cả đoàn dừng lại chờ lội kênh, nhưng vào giờ con nước ròng (xuống), không thể bơi được, lội sình lầy.
Sình lầy của các con kênh có chỗ ngập đến cổ. PhảI khẩn trương đưa bà qua nhanh chóng không nước lớn lên là tàu địch tuần tra.
Thế rôi sau 15 phút sau trinh sát khu kéo một chiếc xuồng tới mời bà ngồi lên, thêm hai ông chỉ huy trong đoàn.
Hai chúng tôi cùng hai trinh sát đẩy xuồng trên sình lầy đưa ba người qua kênh an toàn.
Nhóm ba chúng tôi đưa Bà cách con kênh khoảng 200m, chỉnh đốn đội hình, thấy đội nữ vẫn còn thiếu chưa qua hết.
Tôi và một đồng đội đem xuồng quay lại giúp.
Còn 4 cô cùng hai máy PRC25. Nước thủy triều đang lên. Lội qua kênh bùn nước đã ngập đầu, tôi bảo 4 cô lên xuồng cho lẹ nước lớn rồi nguy hiểm lắm.
Hai cái máy PRC25 tôi xách, lội sình ngập cổ ra xuồng.
Con kênh Băng Dầy rộng khoảng bốn, năm mươi mét gì đó nhưng mớm nước trong lòng kênh lúc nước ròng còn khoảng mười mét thôi, còn là sình lầy.
Đẩy được con xuồng trên có 4 cô gái còn khoảng 10m nữa là đến mép bờ kênh. Tôi bảo bốn cô xuống lội. Sình ngập cổ chúng tôi không đẩy được nữa.
Qua miền sông nước chúng tôi đều biết quần dài phải có thắt lưng và dưới ống quần buộc túm bằng dây thun dưới cổ chân, mục đích rút chân cho dễ và bùn sình lầy không chui vào trong ống quần.
Các cô thì không biết và lúc này xảy ra tình huống thật khó xử.
Bốn cô xuống xuồng bò trên sình lầy được khoảng 5m thì hai cô kêu: "đỡ em với...kéo em với...lôi em với.." Rồi rất tự nhiên: "anh Sáu kéo quần em...mau không tuột mất rồi... "
- Trời ạ..sao khổ vậy....cô rút chân lên xem nào.
Qua đèn pháo sáng từ xa, nửa thân cô đến ngực ngập trong bùn.
- Cô dẫm chặt quần dưới bùn rồi kéo quần lên làm sao được... thôi bỏ đi lên bờ tôi cho mượn quần tôi mặc, lẹ đi không nước lớn tàu địch qua đây đó.
Thật may chiếc áo bà ba của dân Nam bộ dài hơn các áo khác vùng miền. Nên che được cái mông trắng của cô.
Hành quân qua các cánh đồng lúc nước ròng chỉ còn xấp nước đọng lại, chờ nước lớn lại thành một vùng mênh mông. Từ xa có ánh đèn căn cứ địch, thỉnh thoảng vài quả pháo sáng bắn lên như nhắn nhủ: Việt cộng đừng chui vào đây bọn tao đang còn thức gác đề phòng đó...
Đoàn tạm nghỉ trong một con kênh nhỏ dưới rặng cây trâm bầu. Tôi nhìn đồng hồ 24h.
Ông chỉ huy thông báo giờ chúng ta sẽ vượt kênh Mười Bà, giữ bí mật, chờ cho con nước lớn là đội trinh sát khu sẽ đưa qua bằng xuồng. Tư trang, vũ khí, quân dụng cho gọn gàng. Ông cũng đề nghị sáu anh đặc công hỗ trợ hai cô gái thông tin mang hộ PRC25.
Mặc dù yêu cầu giữ bí mật nhưng 9 cô gái vẫn mí mẫn xì xèo chuyện vượt kênh Băng Dầy bị tụt quần, nhờ kéo quần, rồi mượn quần của đặc công.
Ông nhắc: "mấy cô xì xèo vậy không nghe rồi lại có cô mượn quần mấy ông con trai mặc đó".
Trinh sát báo: nước lớn rồi ta hành quân đến kênh Mười Bà vượt kênh bằng xuồng, dầm lái.
Kênh Mười bà có địa lý chiến lược quan trọng nên nơi đây Sư đoàn 7 ngụy đã xây dựng một căn cứ.
Vượt kênh mau lẹ và an toàn không xảy ra sự cố gì. Đoàn tiếp tục hành quân.
Hai giờ đến xã Bình Phú, huyện Cai Lậy bắc, tỉnh Định Tường. Bình Phú đã được giải phóng khoảng bốn tháng. Đang đêm mà bà con ra đón. Người cho quả dừa, người cho quả cam nải chuối, người cho bánh kẹo... thật ấm tình quân dân.
Trước khi trời sáng, còn phải vượt kênh Mười Hai và lộ Mười Hai nữa.
Rồi cũng đến Kênh 12. Bên cạnh Kênh 12 là con Lộ 12 chạy song song.
Đoàn dừng lại làm khâu chuẩn bị, tư trang cá nhân bỏ vào túi ny lông buộc túm làm thay phao, trừ vũ khí để ngoài. Nơi làm công tác chuẩn bị là sát bờ kẽm gai Khu Trù Mật 12 của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Tôi tự hỏi mình sao lại vượt chỗ rất nguy hiểm này, còn nhiều chỗ xa nữa mà chúng tôi đi công tác thường xuyên vượt. Đây đoàn lại có những cán bộ cao cấp trên R xuống.
Vị trí công tác chuẩn bị cách mép kênh khoảng 50 m.
Tôi và hai đồng chí nữa được gọi lên đầu để đưa Bà nữ tướng qua (bằng xuồng cao su bơm hơi của Thủy quân lục chiến Mỹ).
Chuẩn bị kéo xuồng cao su ra bờ kênh thì trinh sát bỗng quay lại :
"Có tàu địch sắp chạy qua đây", tất cả mọi người trong đoàn chạy ào dồn phía sau không hiểu lý do gì. Tôi nói nhỏ mọi người bình tĩnh.
Khoảng 5 phút sau tàu địch tuần tra chạy tới, sáng cả khúc kênh.
Chờ cho trinh sát báo lại, đưa Bà và hai cán bộ lên xuồng cao su. Tôi lội xuống nước, ôi sao con kênh này nước lạnh thế. Lúc này ba giờ sáng. Chờ cho Bà lên xuồng xong tôi bỏ hai máy PRC25 lên xuồng, bơi dưới nước đưa Bà qua bờ kênh, rồi đưa Bà vượt lộ 12. Cách con lộ khoảng 100m, tôi bảo bốn người đây cảnh giới bảo vệ Bà, tôi quay lại hỗ trợ các cô trong đoàn qua Kênh.
Sang phía Đông là một vùng rộng lớn 4 xã thuộc huyện Cai Lậy Bắc mới được giải phóng đó là Xã Mỹ hạnh Trung, Xã Mỹ Phước Tây, Xã Tân Hội, Xã Tân Phú.
Ba xã Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Hội là nơi Chiến thắng Ấp Bắc 1963 nổi tiếng làm tốn nhiều giấy mực Thế giới hồi đó.
Đoàn dừng lại trú chân nghỉ ngơi lấy lại sức rồi tiếp tục hành quân.
Tôi thấy nếu ở trú quân ở xã Mỹ Hạnh Trung này không ổn các con kênh bị bom pháo tàn phá rất trống trải, dân trở về làm nhà, thực ra là dựng lều giữa cánh đồng. Không dám dựng nhà trong kênh nơi máy bay thường xả rốc két hoặc đạn 20ly xuống.
Không như trên Đồng tháp Mười không có dân sinh sống chỉ có quân giải và du kích, ở đây vùng Giải phóng quân dân ăn mặc lẫn lộn với nhau. Tuy là vùng Giải phóng, mọi nhu yếu phẩm từ thượng vàng hạ cám đều phải ra vùng tự do của Ngụy để mua.
Tôi báo với Thủ trưởng đoàn là ở trú quân xã Mỹ Hạnh Trung không an toàn, bây giờ trời chưa sáng ta chuyển lên phía Bắc sang xã Mỹ Phước Tây, ở đó có lâm bên bờ kênh.
Thủ trưởng chỉ huy của đoàn thấy tôi báo có lý. Mặc dù mệt, thức trắng đêm qua, nhưng do tính chất bảo mật của đoàn đoàn, ông thông báo chúng ta phải di chuyển tiếp.
Hành quân đến Mỹ Phước Tây, tất cả giãn cách đi, trong lâm của con kênh đào có từ thuở người Việt đi mở cõi lập ấp xa xưa, trên đất Giải phóng mà thấy bồi hồi.
Đến nơi Du kích và Bộ đội địa phương khẩn trương làm lán cho đoàn dưới tán cây bầu, cây tràm. Chỉ huy báo cho chúng tôi cảnh giác "Thiên nga, Phượng hoàng" trà trộn.
Lán dựng xong, trinh sát khu được trở về đơn vị, bổ sung đơn vị khác đến tiếp quản bảo vệ vòng ngoài. Sáu anh em tôi vẫn nhiệm vụ như cũ, nhưng lần này phải bốn người trực bảo vệ, chỉ được hai người ngủ thôi.
Đây là vùng Giải phóng rộng lớn. Chúng tôi căng mắt mọi hành động cử chỉ người qua lại, đầu óc luôn tỉnh táo phản ứng nhanh với mọi thứ xung quanh và với bất cứ ai được phép tiếp xúc với Bà nữ tướng.
Mặc dù là vùng Giải phóng rộng lớn, nhưng bầu trời, con kênh, đường lộ vẫn là địch kiểm soát. Không được có sai sót. Trên bầu trời cào rồ và đầm già đang ve ve soi mói nếu khả nghi là gọi máy bay các Chi khu pháo đến dội hủy diệt.
Các nữ quân Giải phóng, chín cô gái trong đoàn của bà đi tắm giặt, đêm qua bơi lội vùng vẫy dười sình lầy bê bết bùn. Còn chúng tôi đã quen.
Mọi di chuyển làm việc của Bà bốn anh em chúng tôi đều luôn bên cạnh. Cả ngày căng mình công việc của một vệ sỹ. Để ý nhất cử nhất động xung quanh vị trí nơi trú quân.
Đến chiều tôi mới được chợp mắt chưa đầy hai tiếng hồ, rồi chuẩn bị cho lộ trình công tác của Bà. Đêm nay vượt lộ 4 xuống Cai Lậy Nam, sang Châu Thành Nam.
Từ Mỹ Phước Tây, qua Mỹ Hạnh Trung rồi đến xã Tân phú. Lúc này là 20h đoàn tạm nghỉ dừng chân chờ cho trinh sát bám đường an toàn cho đoàn vươt lộ 4.
Nhìn ra lộ 4 nhiều các loại xe ngược xuôi nối đuôi nhau xen lẫn xe nhà binh ngụy tuần tra, hơn 23h đoàn mới qua được hết.
Đến Cai Lậy Nam thì trời đã sáng (vùng đất Cai Lậy Nam đã hoàn giải phóng nên đi được cả ban ngày) đoàn di chuyển trong các con kênh, có cây dừa nước và cây trâm bầu che chở. Đến một ấp, con kênh có dân sinh sống, đoàn tạm nghỉ ngơi lấy sức hành quân tiếp.
Thấy đoàn lạ chủ yếu là nữ, bà con bổ dừa cho đoàn uống.
Đến 11h trưa đoàn đến xã Long Hưng- Châu Thành Nam, quê hương của Nữ anh hùng liệt sỹ Lê thị Hồng Gấm.
Nơi làm việc của Bà là tại Cơ sở Cách mạng là nhà ông Hai Long. Còn chúng tôi ở nhà kế bên, nhà ông Tư Đẩu, em của ông Hai Long.
Xã Long Hưng được coi như là an toàn khu của Khu 8 từ thời pháp thuộc.
Lúc này chỉ cần hai chiến sỹ Đặc công luôn ở cạnh bảo vệ Bà. Sáu anh em tôi được lần lượt tắm rửa bùn đất.
Được hai ngày nhà ông Hai Long, đoàn tiếp tục đưa Bà sang Châu Thành Bắc. Tại đây bàn giao nhiệm vụ bảo vệ Nữ tướng cho đơn vị khác. Sáu anh em tôi đã hoàn nhiệm vụ.
Bữa cơm chiều chia tay Bà cùng với 9 nữ thư ký, thông tin, y tá , hậu cần vui rôm rả. Có cả tiết mục văn nghệ của các cô. Tôi nhớ nhất bài hát "Anh nuôi" dễ thương trong tiếng các cô Giải phóng và cả đoàn cùng hát bài "Giải phóng miền nam".
Đặc biệt là tiết mục tự biên tự diễn của 9 cô gái "Chuyện vượt kênh Băng Dầy"... những cái hôn của các cô nữa.
Tôi có cơ may gặp bà lần thứ hai tại Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nơi tôi công tác. Lúc này Bà không phải là Nữ Tướng mà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam. Bà đến thăm nhà trẻ Hoa Sen do Thụy Điển giúp ta xây dựng không hoàn lại.
Đoàn công tác của bà đi trên chiếc xe cà tàng Latvia từ thủ đô Hà Nội. Lãnh đạo tỉnh mời Bà lên xe sang trọng của Nhật nhưng Bà từ chối.
Bà vẫn chân chất với chiếc áo bà ba khăn rằn vắt vai quấn cổ.
Tôi có hỏi Bà (lúc ngồi trên xe của đoàn) còn nhớ chuyến công tác đi thị sát chiến trường Tây Nam Bộ trong Kháng chiến không. Bà trả lời: "Có chứ, là chuyến đi đáng nhớ nhất đó con"!
- Vậy Bà còn nhớ Sáu Dân, và chuyện vượt kênh Băng Dầy không?
Bà trả lời có chứ! "Sáu Dân cho mượn quần một cô gái bị trôi tụt trong sình lầy".
- Vậy là Sáu Dân đang trước mặt bà đây.
Cả đoàn cười ầm... không khí trong xe vui hẳn lên.
Bà cười mà giọng xúc động: "Vậy là con hả Sáu Dân ơi! Hai má con lại gặp nhau rồi".
Chuyện làng quê