link tải gowin99 mới nhất

Đón và bảo vệ nữ tướng (Kỳ 1)

Tôi không phải là nhà văn, nhà báo, nhà viết lịch sử, chỉ là anh lính Đặc công Biệt động đánh giặc trong Kháng chiến. Rong ruổi khắp chiến trường Tây Nam bộ và Sài Gòn mỗi nơi ở vài ngày hay nửa tháng, được cơ sở cách mạng, du kích, các má che chở.

Qua nửa Thế kỉ những tên người, tên địa phương, tên kênh rạch, ân nghĩa đồng bào không thể nào quên. Thôi thúc trong tôi khi đã ở nửa bên kia cuộc đời, được kể về những ngày tháng, những con người ấy.

Đơn vị tôi (279 Đặc công) đang chém dè (tức trú quân) tại Kênh Bằng Lăng, Tỉnh Kiến Tường nay là Tỉnh Đồng Tháp. Lúc đó vào tháng 9/1973 đang là mùa mưa. Mùa mưa nước nổi, mêng mông trắng xóa nhìn ra cánh đồng như nhìn ra Thái Bình Dương. Những cây tràm, cây trâm bầu mọc rất nhiều ven kênh che chở chúng tôi. Bộ đội du kích di chuyển dưới nước mà địch thì dõi theo: tầng thấp là máy bay Trực thăng "pành pạch" soi mói những lùm cây ngoi lên mặt nước, tầm trung là máy bay Đầm già và cào rồ (L19 và C130 cải tiến), còn tầng trên cao là thằng V010.

dh3qa1x-1668821922.jpg
Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

\Đơn vị chọn 6 cán bộ chiến sĩ, những chiến sĩ giỏi lội (bơi), giỏi bắn điểm xạ, có nhiều kinh nghiệm trong tác chiến. Chúng tôi lên đường ngay trong đêm.

Đoàn chúng tôi gồm :

- hai xạ thủ B41

- hai xạ thủ M79

- hai xạ thủ AK47 báng gập

Một máy bộ đàm của Đức sản xuất để liên lạc nội bộ. Mỗi anh thêm khẩu K54 dắt trong người với hai băng đạn.

Tôi nghĩ thầm không biết cấp trên giao đi đánh địch khu vực nào đây? Mùa mưa địch co cụm về đồn bốt hết rồi, mà đi tập kích địch thì không phải "nghề" của Đặc công, Biệt động. Lệnh là đi đánh địch nhưng cũng rất lạ không được biết mục tiêu là gì.

18h xuất phát từ kênh Bằng Lăng. Đón chúng tôi là các nữ du kích rất trẻ, lên xuồng và bơi bằng dầm chứ không gắn máy. Vượt qua nhiều kênh rạch. Lúc ngồi xuồng, lúc lội bì bõm qua cánh đồng lúa dân vừa mới gặt nước ngập lút cả rạ.

Đến một con kênh, tạm nghỉ chờ lệnh trên mới đi tiếp. Kênh này tên kênh Xáng, còn gọi kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Tôi hỏi tại sao con kênh này có hai tên gọi vậy? Mấy cô chèo xuồng trả lời cũng không rõ.

Cách bọn tôi nghỉ vài chục mét cũng có một đoàn đang chờ vượt kênh, dưới ánh trăng bốn người tuổi ngoài 40 đang ngồi chụm nhau dưới gốc cây tràm. Tôi nghĩ đây là đoàn cơ sở Cách mạng của địa phương nào đi công tác. Tôi đến chào các chú. Các chú đang ăn.

Không có bát chỉ mỗi người một đôi đũa. Tôi mạnh dạn tiến sát nhìn cho rõ. Riêng cơm mỗi người một gói, tôi thấy cứ một miếng cơm vào miệng thì họ cầm đôi đũa quẹt vào cái nồi nhôm bên trong chẳng có gì đưa vào miệng.

Ăn gì kỳ lạ vậy? Tôi mạnh dạn hỏi chuyện.

Một ông trả lời lúc chiều từ dưới huyện Cái Bè nấu cơm không kịp ăn nên mỗi người một nắm bỏ vào bồng (ba lô buộc túm). Bây giờ các chú tranh thủ ăn lấy sức hành quân về R.

- Các chú ăn gì quẹt vào nồi không vậy?

Một ông trả lời đó là "kho mắm quẹt". Ôi thế là đang muốn hỏi sao con kênh lại có tên Nguyễn Văn Tiếp, giờ lại thắc mắc Kho mắm quẹt.

Và tôi đã biết. Nguyễn Văn Tiếp là tên đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Mĩ Tho, hi sinh năm 1947. Còn có kênh Nguyễn Văn Tiếp A và Nguyễn Văn Tiếp B nữa, đủ thấy được sức lan toả gương người cán bộ này.

Món mắm kho quẹt rất thông dụng với cán bộ Kháng chiến. Nguyên liệu gồm mắm, nước cơm và muối hạt nấu cô lại, rất mặn, dính chút đáy nồi trông tưởng không có gì.

Từ kênh Nguyễn Văn Tiếp bỏ xuồng đi bộ.

Quần áo vũ khí bọc trong túi ni lông, chúng tôi được lệnh lội kênh (bơi qua sông).

Nói là đi bộ nhưng bì bọp dưới nước, lúc chỉ ngập chân, lúc gần ngang thắt lưng, đi hàng dọc bám chặt đội hình theo mấy cô du kích. Bám sát nhau vì chỉ chệch ra ngoài 20cm là ăn ngay trái gài (lựu đạn gài) của du kích Nam bộ. Im lặng, chỉ nghe tiếng pháo sáng từ các đồn bốt địch từ xa.

Hành quân như vậy hơn một tiếng thì dừng lại, qua bốt địch phải chờ lượt pháo cầm canh theo quy luật. Du kích yêu cầu hết sức giữ bí mật, ai ở đâu chờ nguyên đấy. Hết đợt pháo, chúng tôi đi tiếp.

Vượt qua bao nhiêu kênh rạch, bao đồn bốt địch, đến kênh Bảy Ngàn đoàn dừng lại, bỗng xuất hiện một ông trạc ngoài 40 tuổi. Tôi đoán là cán bộ cao cấp trên R xuống. Ông phổ biến: Bà Nữ tướng phó Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Giải phóng Miền Nam đang trên đường xuống khu 8, đoàn chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ Bà trong thời gian Bà đi thị sát chiến trường.

Như vậy đoàn bảo vệ chúng tôi sẽ tiếp nhận bà Nữ tướng tại kênh Dương văn Dương.

Từ kênh Bảy ngàn ra kênh Dương văn Dương đoàn 6 người chia làm hai tổ cách nhau 50m.

Đến bờ kênh Dương văn Dương chúng tôi chém dè. Hai bên bờ kênh, pháo sáng đồn địch bắn lên, đèn pha tàu địch tuần tiễu dọc kênh quét sáng như ban ngày. Địch trên tàu vu vơ bắn, nước bắn tung tóe lên cùng bùn đất cày lên mặt lên người chúng tôi.

Sợ nhất là trên tàu địch được Mỹ trang bị tạc đạn M79 dây bắn liên thanh.

Trong lúc đang chờ, nhìn xa sang bờ kênh bên kia tôi biết, đó là cánh đồng Ba Thu hay còn gọi là Chó Ngáp, mùa mưa mênh mông biển nước, mùa khô thì không giọt nước đất trắng xóa như sa mạc.

Từ miền Đông xuống phải mất hai ngày đêm qua cánh đồng Chó Ngáp mới tới được kênh Dương văn Dương. Qua đồn bốt, rồi trực thăng, đầm già... Mười đoàn xuống ít nhất ba đoàn bị lạc. Năm 1972, Sư 5 xuống hai Trung đoàn bị địch xoá sổ gần hết vì không quen đánh giặc vùng sông nước. Trải dài từ kênh Vàm cỏ Tây đến kênh Mười Bà đâu đâu cũng có mộ lính Sư 5. Tôi khi trên Miền xuống đã bị lạc bốn ngày trên cánh đồng Chó ngáp, những tưởng thân quân Giải phóng này bón cho cây cỏ.

Vừa suy nghĩ về cánh đồng Chó ngáp tôi vừa chăm chú theo hướng đoàn cán bộ trên R sẽ xuống. Đây rồi, thoáng thấy qua ánh pháo sáng từ đồn địch bắn lên, một đoàn hơn chục người toàn mặc áo bà ba đen xuống xuồng. Đi giữa là một phụ nữ cao to, Bà Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Từ lúc này chúng tôi có nhiệm vụ tháp tùng và bảo vệ Bà Nữ tướng đến nơi Đoàn trú chân là Kênh Bùi (Kiến Tường) và trong thời gian Bà đi thị sát chiến trường khu 8- Tây nam Sài Gòn.

Trước đây Khu 8 tại kênh Bích. Trải dài 2km, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp ba thứ quân. Hàng quán trù phú sôi động. Nhưng chỉ sau một đêm tên Mười Tân phản động đã dẫn quân ngụy cùng xe lội nước M113 đã đốt phá san phẳng căn cứ địa này.

Đoàn của Bà có mười hai người nhưng mười một người là nữ (kể cả Bà), các cô còn rất trẻ. Yêu cầu của cấp trên là chúng tôi ai cũng chỉ biết việc mình làm, không được quan tâm công việc của người khác ngoài nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ .

Đến kênh Bùi là 6 giờ sáng. Bên bờ kênh rậm rạp, những cây tràm và cây trâm bầu cao 8 đến 10 mét. "Lán trong Lâm" (dưới tán cây) làm bằng lá dừa nước.

Nhiệm vụ của chúng tôi gác kiểm soát vòng trong, còn vòng ngoài là du kích và bộ đội địa phương. Dưới kênh các ghe xuồng đến khúc kênh này sẽ bị yêu cầu quay lại đi con kênh khác. Mọi người muốn vào được bên trong phải trả lời đúng mật khẩu.

Chúng tôi sáu anh em cũng chỉ ngoài tuổi 20, lính trẻ chưa biết chưa gần con gái bao giờ, chưa ai có mảnh tình vắt vai. Đang ngồi trên ghế nhà trường gác nghiên bút lên đường ra trận. Bây giờ gặp những cô gái cũng còn trẻ lại bị cùng sinh hoạt ăn ở chung. Việc thì riêng nhưng rảnh là các cô trêu chọc ăn hiếp. Lính Đặc công cao to sáu múi vậy mà như gà mắc tóc giữa rừng phụ nữ, gốc Sài gòn Nam bộ phóng khoáng các cô không biết e thẹn đâu.

Sự cố đến với sáu anh em chúng tôi, là cái lúng túng khó xử không thể nào quên đến từ mười cô gái đi trong đoàn cùng Bà. Lúc này trời đã sáng tỏ và ánh mắt dạn dĩ của các cô nhìn sáu chúng tôi như muốn ăn sống vậy. Đầu tiên thì không để ý, kệ họ.

Đứng trước các cô nhận nhiệm vụ, cô gái là "sếp" của 10 cô ghé sát tai tôi nói thầm:"Trời sao mấy chú đẹp dữ vậy? Trắng như con gái, chú bôi son đấy à? Rảnh cho bọn chị ôm tí cho biết mùi con trai ".

Chả biết thật hay đùa, tôi trả lời: "Này sếp ơi chúng tôi đang nhiệm vụ đặc biệt". Chị không do dự:" Này chú, bọn chị nhiệm vụ đặc biệt hơn mấy em đó". Và lại thì thầm: "Tin chị đi, chị ra lệnh là bọn em khốn đó". Nhanh như chớp là cái hôn trộm lên má tôi. Rồi cô ta lùi lại hai bước hô to:

- Đồng chí Sáu Dân thực hiện nhiệm vụ.

- Báo cáo rõ- Tôi trả lời như cái máy.

Bọn tôi được thông báo: hai đồng chí làm nhiệm vụ còn bốn đồng chí tìm nơi đi ngủ, cứ bốn tiếng thay nhau. Đêm qua thức cả đêm, tôi vào lán thì ba anh kia đã say mộng.

Tôi lấy trong bồng miếng ny lông trải ra nằm vũ khí luôn bên cạnh, gối đầu trên chiếc bồng.

Chưa kịp chợp mắt, thoáng nghĩ liệu tối nay sẽ bảo vệ tháp tùng bà đi đâu, thì một cô gái đến bên cạnh: "Anh đưa súng sang kế bển cho em quá giang bên anh".

Tôi trả lời: "Không được, em tìm chỗ khác hoặc xa cho anh ngủ".

Đúng là dân Nam bộ rất tự nhiên. Cô ta trả lời : "Xếp của em đồng ý rồi, em được nằm cạnh anh để ngủ và sếp em bảo là anh hãy ngoan ngoãn nghe lời ".

Tôi định rón rén chuồn ra chỗ khác thì cô ta nói: "Này, nằm im mà ngủ đi, không là tróc vẩy đấy". Tôi nằm im như đứng chào cờ, tim tôi đập còn nghe được vì nằm dưới đất. Rồi mệt quá thế là tôi ngủ say không biết trời đất gì hết.

Đến lúc có người lay tôi dậy ăn cơm xong tôi và một đồng đội nữa trực gác. Mới biết bà Nữ tướng làm việc với các đoàn đến, chưa ngơi nghỉ.

Khoảng 5h chiều. Có thêm hai chú tuổi ngoài bốn mươi, một người là người giao nhiệm vụ trên kênh Bảy Ngàn. Ông thông báo ăn xong tất cả bồng đồ sẵn sàng chờ lệnh xuất phát tiếp. Và thế là bữa cơm chiều có hai mươi người là bữa đầu tiên chúng tôi ăn cùng Bà. Trước lúc ăn Bà ân cần hỏi thăm sáu anh em tôi rất nhiều, giọng bà trầm ấm thân thiện.

Sếp nữ lúc trước hôn trộm cùng ngồi ăn bên cạnh tôi ghé tai nói: "Chú quê quá hổng biết làm gì"... tôi giả vờ mải nghe vì cấp trên phổ biến hành trình lên đường, không trả lời.

Lại thì thào: "Này, Sáu Dân có bê-đê không vậy"? Lần này thì không nhịn được, tôi nói nhỏ sếp đủ nghe: "Không, các bộ phận đầy đủ".

Nhiệm vụ nghẹt thở mà các cô cứ như thường. Càng sau tôi mới càng hiểu những người con gái gan góc ấy.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính