ĐẦM VẠC
Đầm Vạc bao bọc thị xã Vĩnh yên, nay là TP Vĩnh Yên - Trung tâm Hành chính, gowin99 , Xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm 70, Đầm Vạc nổi tiếng với chim chóc, cò, vạc. Có lẽ vì vậy nên nó có tên ĐẦM VẠC. Ở bán đảo cách khu Thị ủy Vĩnh Yên vài chục m, trên đó có rất nhiều búi tre, là nơi trú ngụ của hàng ngàn con cò. Những hôm ra hồ tắm muộn, khi hoàng hôn đã tắt, vô vàn cò trắng, cò lửa, cò đen ở các nơi kéo về. Tiếng kêu tìm con, tìm tổ, tranh nhau tổ ... dáo dác. Những cánh cò chấp chới đậu xuống, bay lên in trên mặt hồ tím sậm thật là huyền ảo.
Đầm Vạc còn nổi tiếng về một giống trai. Trai Đầm Vạc to, béo, ngọt nước. Mò trai Đầm Vạc thật dễ và lý thú. Lội nước đến ngưc, đến cổ, chân rê rê trong bùn đáy hồ. Thấy gợn gợn lòng bàn chân là ngụp xuống, móc bùn, lôi lên một con trai to, dày đen hoặc vàng sậm. Có con to hơn cả bàn tay người lớn. Long tun lớp tôi mò trai rất điệu nghệ. Chỉ thấy nó kêu:
- Thấy một chú rồi!
Quay lại vừa kịp nhìn cái mông to đùng chổng trên mặt nước vài giây rồi mất hút. Lát sau một cánh tay chòi lên. Trên tay là một con trai to, dày vẫn còn dính bùn đầm vạc.
Thằng Thái Xuân Nhi dân Nghệ An cũng chẳng thua. Nó không rê chân xuống bùn như chúng tôi mà lặn một hơi ra xa. Nó cần mẫn như con vạc, chồi lên, lặn xuống. Khi chúng tôi ý ới gọi nhau về, nó mới bơi vào, móc ở cạp quần bà bô( quần lót của lính) ra dăm, bẩy con trai vứt vào chậu hoặc xô của tổ. Kết quả của buổi bơi chiều chủ nhật là một chậu đầy trai. Lão Việt già chọn những con bé vứt trở lại hồ. Chiều nay tổ tôi có bữa tươi rồi. Sẵn rau cải cúc xanh mướt trồng ngoài vườn, chúng tôi nổi lửa. Anh Hy già phân công:
- Đào Vình nhóm lửa!
- Hoàng Hòa dẻo mỏ đi xin váng mỡ.
- Thắng lé, Hà tồ, Hoàng cận đóng góp tý mỳ chính( chẳng là mấy thằng đó là con bộ trưởng, tướng tá trong QĐ nên có mỳ chính)
Chờ thằng Hòa mang được váng mỡ về ( váng mỡ là thứ nổi lên trên chậu " nước chấm đại dương " có công thức là: Hành phi cháy + nước lã + muối + nước hàng( có nơi gọi là kẹo đắng ).
Tại thời buổi bao cấp ngày ấy thì váng mỡ cũng là quý lắm rồi.
- Thằng Khánh dân Phú Thọ luộc trai!
Nhớ để ý nước vừa sủi là phải đổ trai ra ngay kẻo dai! Anh Hy nhắc.
Chờ cho mẻ trai đổ ra đỡ nóng. Khánh lấy ruột trai ra, thái nhỏ, sào với váng mỡ rồi đổ nước luộc trai vào. Lấy cái muôi nếm thử nước trai. Anh chẹp chẹp:
- Ngọt lừ!
Rồi chậm dãi thả từng nắm rau cải cúc vào, lấy đũa ấn xuống, để một lát là vớt ra, cho rau khỏi nát và tiếp tục cho mẻ rau khác vào. Tay này quả là có kinh nghiệm nấu ăn. Rau cải cúc xanh non, búng vào là gãy vì được tưới phân tươi. Thằng Nghiệm phụ Khánh
thả rau vào nồi.
Anh Hy quát hỏi thằng Nghiệm hôi:
- Nghiệm rửa rau sạch chưa đấy?
- Em rửa sạch lắm rồi, anh yên tâm. Thằng dân thuốc lào này làm gì là chu đáo chứ không vớ vẩn đâu - Nghiệm trả lời. Tuy vậy anh Hy già vẫn cẩn thận kiểm tra từng lọn rau trước khi cho vào nồi.
Của đáng tội là, ngày đó ăn rau không sợ phun thuốc như bây giờ, mà sợ nhất nhặt rau, rửa rau không sạch, để dính mẩu báo QĐND thì chỉ có mà đổ nồi canh ấy đi.
ĐỒI THÔNG
Phía Nam thị xã Vĩnh Yên có một đồi đất nhỏ, nằm trên một bán đảo của Đầm vạc. Vì trên đồi toàn cây thông nên gọi là ĐỒI THÔNG. Có thể nói đấy là nơi " Bồng lai tiên cảnh ". Hàng thông xanh vươn mình thẳng lên bầu trời. Tán lá nhỏ của nó không che được nhiều ánh sáng nhưng thông trồng dày nên phía dưới vẫn râm mát. Len vào dãy thông là những bụi sim, mua, cây gai đùm đũm. Khi ra hoa sim và mua khoe hoa tím, còn đùm đũm khoe chùm quả đỏ tươi chín mọng. Ở đồi thông nhiều loài chim. Chim khiếu và bìm bịp hay kiếm ăn ở hàng đùm đũm. Chào mào, chim ri, chim sâu thì sà vào bụi sim, mổ những quả sim chín sậm. Chào mào rất thích quả sim chín vì nó ngọt, ruột có vô vàn hạt nhỏ như hạt vừng. Chúng ăn xong, bay nơi khác thả những cục phân, lẫn hạt sim, mua để một chu trình sinh trưởng mới bắt đầu.
Phủ lên toàn bộ mặt đồi là cỏ may. Mùa thu chúng trổ cờ, đâm tua tủa lên lời. Dưới chân đồi hoa cỏ may tạo thành một dải hồng ngả vàng rất nên thơ. Nhưng nên thơ và lãng mạn nhất phải là câu chuyện dưới đây mà bọn tôi gọi là chuyện tình đồi thông.
Nó yêu cô sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2 ở Xuân Hòa . Đó là cô gái " bốc lửa ". Hay phì nhiêu, hay màu mỡ, hay đậm đà... gọi thế nào cũng được.
Làn da trắng hồng, tóc dày đen nhánh. Thân hình đẫy đà, đương nhiên là tòa ... thiên nhiên cũng phải sừng sững rồi. Em mặc chiếc áo sơ mi gụ chiết ly, làm cái eo bé lại, bộ ngực căng ra, nhô về phía trước như muốn giật đứt phăng hàng khuy áo ngực mỏng manh, gò bó. Nàng quả là biết ăn mặc, hầu hết áo đều màu thẫm vì thế càng tôn thêm nước da và cặp môi đỏ tươi như chùm đùm đũm chín, gợi cảm mời gọi.
Thằng Hà lớp tôi chết cô bé ấy. Chẳng biết nó cưa vào lúc nào, chúng tôi đồ rằng: Trên chuyến tàu Vĩnh Yên - Hà Nội vì đến ga Hương Canh, Phúc yên rất nhiều học sinh, sinh viên lên chuyến tàu chiều, tàu tối ngày thứ bảy.
Ngày ấy " Tàu Việt Nam bám chặt đất anh hùng" nên tàu hay chậm giờ và đi như bò trên đường ray. Có lẽ gọi là đu tàu, chen tàu, ngồi nóc tàu thay cho từ đi tàu, vì tàu chật như nêm cối hoặc chật không thở được. Người may mắn đi từ đầu tuyến mới có chỗ ngồi, mà đã ngồi thì phải ngồi tại chỗ 8 tiếng,10 tiếng thậm chí 24 tiếng, nếu đi từ Lào Cai, Yên Bái về Hà Nội. Bởi đứng dậy đi vệ sinh hoặc bất cứ lý do gì, chỉ 30 giây sau đã mất chỗ. Người ngồi còn được đặc ân ngửi đít, kể cả cái mùi khó chịu từ hậu môn của người đứng quay đít vào mặt mình. Được hưởng mùi hôi nách ngạt ngào nếu họ đứng úp mặt vào mình. Thỉnh thoảng tàu giật, tàu hãm phanh đột ngột còn có thể chết ngạt vì cặp bưởi của mấy bà mấy cô đè vào.
Đi tàu đu là chỉ có một chân được đặt lên thành tàu, một tay bám vào lan can tàu. Toàn thân còn lại treo phía ngoài tàu. Từ đàu tàu tới cuối tàu có hàng trăm người treo bám như vậy. Con tàu trông như con " sâu róm".
Đi tàu ngồi nóc là leo lên nóc tàu ngồi. Ưu điểm của loại vé ngồi nóc này là: Không phải chen chúc, không phải ngửi rắm, ngửi mùi hôi nách, không tê dại tay, chân để đu bám. Hơn nữa ngồi nóc, gió lộng mát tê người. Cái dở của vé loại này là nắng, mưa, gió và bụi than. Nếu mùa thu, mùa xuân thì đỡ bị nắng rọi vào đầu vào tai. Còn mùa hè thì 100% cơ thể phơi dưới nắng mặt trời. Nếu mưa thì khỏi phải nói: Tốc độ hạt mưa rơi cộng với tốc độ tàu chạy rất lớn, hạt mưa đập vào mặt rất mạnh, rất rát. Đi vé ngồi nóc còn phải biết ngồi quay ngược chiều tàu chạy và càng xa đầu máy càng tốt vì tro, than từ ống khói của tàu tuôn ra, bắn vào mắt, vào mặt rất đau, rát thậm chí mù.
Đối với học viên trường ĐHKTQS, Sinh viên các trường Đại học Xây Dựng Hương Canh, Kiến Trúc Xuân Mai, Tài Chính Phúc Yên, Sư Phạm Hà Nội 2 Xuân Hòa... thì VÉ TÀU là một khái niệm lạ lẫm và xa xỉ. Ai mua vé đi tàu sẽ bị mọi cười chê là Quê. Ga cuối của nhóm khách trên, không phải ga Hàng Cỏ, mà là ga CỬA NAM. Những người đi tàu bám, tàu treo, tàu đứng, tàu ngồi nóc, đều biết phải xuống ga Cửa Nam. Tàu đang chạy từ từ vào ga, thả chân trái xuống, đồng thời buông tay nắm lan can tàu ra, chạy vài bước theo quán tính là hạ cánh xong. Người mới " xuống ga Cửa Nam " rất dễ ngã úp mặt xuống đất, thậm chí gãy tay, gãy chân.
Chắc mối tình của Hà lớp tôi là từ những chuyến tàu xuôi.
Một tối thứ bảy, phải đến nửa đêm mới thấy chàng về. Chui vào giường, chàng vẫn chưa nguội lửa tình nên rủ rỉ kể:
- Đêm nay trăng sáng. Nàng từ trường lên. Chúng em dẫn nhau lên đồi thông ngồi tâm sự. Dưới ánh trăng đôi mắt nàng rực lửa tình. Ngực nàng phập phồng theo nhịp thở. Không kìm được cảm xúc, chàng học viên quân sự ôm chầm lấy nàng, bế thốc nàng lên lòng, đặt cái hôn đầu lên mắt, lên môi nàng. Trăng dừng đi, mây ngừng trôi, gió ngừng thổi, hàng thông ngừng reo. Rế, ếch đầm vạc ngừng kêu. Chỉ còn nhịp tim dồn dập, hổn hển của đôi tình nhân căng tràn sức sống.
Họ buông nhau ra, rồi lại quặp lấy nhau, hàng cúc áo vốn đã mỏng manh, bỗng bung ra. Đôi gò bồng của Ađam và Eva hiện ra ngồn ngộn dưới ánh trăng. Bỗng như có ai đẩy vào lưng. Đôi trai gái lăn cồng cộc từ đỉnh đồi xuống chân đồi. Họ kệ, môi không rời môi, tay không rời tay... Phải lâu lắm họ mới ngồi dậy, thẹn thùng. Anh đóng cúc áo cho nàng. Cả hai ngồi nhặt hoa cỏ may cho nhau. Hoa cỏ may bám từ đầu cho đến gấu quần của họ.
Trái tim người lính