Một buổi sáng, một tốp lính phát xít dẫn cô ra một bãi trống ngổn ngang đất đá, nơi không hiểu sao cỏ cũng không nhú mầm lên nổi. Chúng xúm vào lột sạch quần áo cô, và tên chỉ huy ném cho cô chiếc xẻng:
-Mày hãy tự đào mồ cho mày đi.
Cô đã hiểu. Lặng lẽ cầm chiếc xẻng, và bắt đầu xắn đất, bình thản tự đào huyệt cho mình. Ngay cả những tên lính Đức mặt mũi lạnh tanh và sát khí đằng đằng, cũng không ngờ cô gái Nga ấy bình thản đến như vậy trước cái chết…
Và rồi chính chúng không chịu nổi sự bình thản ngạo nghễ ấy nữa, khi nấm huyệt cô gái mới đào chưa tới đầu gối, chúng hốt hoảng giương súng lên, và những lọat đạn tàn ác bay về phía cô gái. Có những viên đạn bay vọt lên cao vì kẻ bắn run tay. Nhưng cũng có những viên đạn tàn nhẫn cắm vào ngực cô, làm máu trào ra ướt đẫm lồng ngực. Chúng vội đẩy cô xuống nấm mồ, lấp vội đất lên, và vội vã bỏ chạy …
Người con gái Nga ấy tên là Elena Shirman, sinh ngày 3/2/1908 tại thành phố Rostov trên sông Đông. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học sư phạm Rostov trên sông Đông năm 1933, cô say mê sưu tầm gowin99 dân gian. Năm 1937, Elena nhập học tại trường viết văn Gorky (Moskva) và tốt nghiệp năm 1941. Khi chiến tranh nổ ra, 6/1941, Elena quay trở lại quê hương Rostov trên sông Đông và làm biên tập viên cho tờ Pryamoi Navodkoi "Прямой наводкой» và Molot (Молот).
Năm 1964, cả đất nước Xô viết xúc động khi cuốn Nhật ký của Elena Shirman được tìm thấy và công bố. Năm 1969, các bài thơ trong cuốn Nhật ký này được in vào tuyển thơ "Sống!" (Жить).
Nhà thơ Hồng Thanh Quang, một sỹ quan quân đội, cũng là một nhà thơ, những năm học ở Nga đã say mê dịch “ Đợi anh về” của Si Mô nốp, và cũng là người say mê dịch thơ Elena Shirman, trong đó có bài Trở về của bà:
“KIỂU GÌ ANH CŨNG VỀ.
"Đợi anh, anh sẽ về,/ Hãy đợi chờ anh nhé"/(Konstantin Simonov)
Rồi sẽ thế, em biết/ Có thể phải còn lâu/ Anh bước vào, khang khác/ Cả dáng người, tóc râu/ Đôi môi anh hiền dịu/ Khô lại những niềm đau,/ Thời gian và chinh chiến/ Rèn yếu mềm giúp nhau/ Nhưng nụ cười vẫn vậy./ Đúng anh là anh xưa/ Không phải trong thơ viết,/ Không còn là trong mơ/ Em bật dậy, lao ra/ Có lẽ em òa khóc,/ Như thuở nào, úp mặt/ Vào tấm áo sương sa/ Anh đỡ mặt em lên/ Và nói, chào em nhé/ Rồi bàn tay là lạ/ Vuốt ve gò má em /Mắt em nhòa trong lệ,/ Hạnh phúc đẫm hàng mi/ Phải còn lâu, nhưng chắc/ Kiểu gì anh cũng về…”
*
Cũng chính năm tháng người nữ thi sỹ Nga ấy ngã xuống, có một nhạc sỹ tương lai của chúng ta chào đời. 15 tuổi ông tham gia du kích, 17 tuổi ông cầm súng, cầm đàn lên đường, với cuộc đời thực thụ của một người chiến sỹ- nghệ sỹ trong những cánh rừng, những bưng biền Nam Bộ, với những buổi ” Gót mòn hành quân hối hả/ Làm bạn cùng trăng ngồi ôm súng ngắm sao khuya”, với những “ Mùa nước đổ,/ em chống xuồng vượt qua pháo nổ/ Chỉ một lần quen mà mang nỗi nhớ mênh mông”, với "Bước dồn đường khuya đói lả/ Gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi”...
Một cuộc chiến tranh Vệ quốc đi qua, lại những cuộc chiến tranh Biên giới phía Tây Nam, phía Bắc. Người nhạc sỹ cũng không ngừng trưởng thành với nền nghệ thuật Giải phóng, nền nghệ thuật Cách mạng. Âm nhạc ông vươn tới những chủ đề lớn lao hơn, như về khát vọng của con người, của tuổi trẻ để có ích cho đời, cho Tổ quốc ” Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội/ Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao/ Hãy sống như biển trào, như biển trào, để thấy bờ bến rộng/ Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông ”. Và đặc biệt là những bài hát tầm cao về Tổ quốc, đất nước, quê mẹ yêu thương:” Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,/ Các anh không về mình mẹ lặng im./ Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi/ Từ thuở còn nằm nôi,/ Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa/ Lao xao trưa hè một giọng ca dao”…
“Các anh không về, mình mẹ lặng im”. Như nhói buốt trong tim ta những nổi đau của người mẹ Tổ quốc, những người mẹ một nắng hai sương của chúng ta. Như nhói buốt trong tim ta nỗi đau những người lính ra trận, chỉ mong ngày chiến thắng trở về, lợp cho mẹ mái nhà gianh mưa bão đã giột, nấu cho mẹ bát cơm gạo mới, mua cho mẹ nắm nhang mẹ thắp trên bàn thờ của cha…Nhưng rồi những người lính ấy đã không trở về. Có một cái gì rất cao cả, nhưng cũng rất nghẹn ngào, nhức nhối trong tâm hồn nhạc sỹ. Khi trên con đường kia, những người lính vẫn tiếp tục ra trận, những cuộc chiến tranh biên giới vẫn nổ ra, những cuộc chia ly “ chói ngời sắc đỏ” và những người con gái vẫn thầm thì với người ra trận” Anh sẽ về, sẽ về phải không anh?”
Đấy cũng là lúc tác giả “ Bài ca không quên” gặp bài thơ “ Kiểu gì anh cũng về” của nữ thi sỹ người Nga Elena từ cuộc chiến tranh Vệ quốc của Nga năm xưa. Ông lặng đi, thao thức suốt đêm vì bài thơ . 41 năm đã trôi qua, vẫn những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vẫn những lứa đôi xa cách và những người lính ra trận. Mới hôm qua ông còn tự dằn vặt mình mà không thể khác, vì những người mẹ “ ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im”, thì hôm nay, vẫn là chiến tranh, vẫn là ly biệt. Nhưng các anh phải trở về, chắc chắn các anh phải trở về như lời hứa với mẹ, và ước hẹn với người mình yêu. Ông thầm nghĩ, và những nốt nhạc vang lên. Và từ đấy, ” Kiểu gì anh cũng về” của cô gái người Nga ấy, đã thành tuyệt phẩm “ Mùa xuân” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, mà những lôi cuốn của cảm xúc, những lãng mạn của tâm hồn, cùng với tinh nhân văn cao cả mà âm nhạc ông hằng hướng tới, đã làm bài thơ thêm những đôi cánh lãng mạn và có thể nói là đẹp tuyệt vời, mà chỉ có thể là trái tim và cuộc đời người Nghệ sỹ- Chiến sỹ của Phạm Minh Tuấn mới có thể viết ra được như thế :
“Điều đó rồi xảy ra/ Em biết và em biết/ Một mai anh chiến thắng trở về/ Đôi vai gầy và đôi mắt sâu/ Tóc đã điểm bạc/ Làn da nay rạm màu sương gió/ Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa/ Và từ đấy em nhận ra anh / Và từ đấy em nhận ra anh/ Không phải trong thơ/ Không phải trong mơ/ Em chồm dậy chạy đến, chạy đến rồi khóc/ Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu/ Anh người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu/ Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím/ Và anh nói tặng em mùa xuân/ Ôi Ngày ấy sẽ đến/ Ôi ngày ấy sẽ đến/ Anh sẽ về, sẽ về phải không anh?Anh sẽ về, sẽ về phải không anh?”
*
Năm 2014, bên lề lễ phát Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2009-2014, tôi được gặp Nhạc sỹ Phạm MinhTuấn khi Nhạc sỹ được mời đến nhận lãnh giải thưởng cho một sáng tác mới ( Phổ thơ Lê Tú Lệ). Mừng cho thành công mới của ông, nhưng hai anh em vẫn tâm đắc nhắc lại những chuyện xưa, những giọng hát đã từng hát rất hay những nhạc phẩm Bài ca không quên( Cẩm Vân), Đất nước ( Ngọc Tân) hay Mùa xuân ( Ngọc Tân)
Tôi tâm sự với ông một điều rất chân thành rằng, lẽ ra Hội nhạc sỹ VN ( Có thời gian nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn là Phó chủ tich Hội), nên mở rộng giao lưu với bạn bè quốc tế nhiều hơn, nhất là các bạn Nga, giới thiệu nhiều bài hát hay của chúng ta cho bạn bè cùng biểu diễn, cùng hát. Ví như bài hát Mùa xuân của Phạm Minh Tuấn và nhà thơ Nga Elenna. Những dip kỷ niệm chống Phát xít của bạn, tôi đồ rằng nếu những người nghệ sỹ Nga biết bài hát và biểu diễn bài hát Mùa xuân, thì chắc chắn sẽ có hàng triệu trái tim những cựu chiến binh Nga từng đi qua chiến tranh sẽ rơi lệ, sẽ hết sức xúc động nhớ nhiều hơn về những năm tháng hào hùng của cuộc chiến tranh vĩ đại của họ, của Việt Nam, như khi những nghệ sỹ chúng ta vẫn thường hát Ka chiu sa, Chiều hải cảng, hay Giờ này anh về đâu của các nhạc sỹ Nga.
Và tôi tin sẽ có một ngày, bài hát “ Mùa xuân” sẽ vang lên trên nước bạn Nga như thế, trong những buổi lễ kỷ niệm cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, nhắc nhở cho các thế hệ những năm tháng hào hùng, mà" Chiến tranh không phải trò đùa!"
( Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà báo Phan Việt Hùng và nhà thơ Hồng Thanh Quang)
Theo Trái tim người lính