Đi họp tổ cựu chiến binh, lão muốn khoe lắm, nhưng chưa tìm được cách xen vào câu chuyện của mọi người.
Bỗng lão Cẩn hét lên:
- Ôi! Có bài của lão Bổn trên phê-tê-bốc này?
Đúng ý đồ quảng bá của mình, nhưng lão Bổn lẳng lặng giả vờ vào toilet đi "giải quyết nỗi buồn", mục đích là phải lánh đoạn đầu ồn ỹ đã. Tai lão vẫn hóng lên, nghe hết mọi người nói gì.
Mọi người đang nhao nhao nhao lên, nhiều khi không nghe rõ là ai nói nữa:
- Đâu, đâu?
- Đây!
- Ơ... lão Bổn điếc tổ mình ấy à? Làm nhà văn ấy hả? Hố hố hố!
- Chứ ai nữa? Ảnh lão đây chứ ai nữa?
- Ừ nhẩy, đúng rồi.
Lão Cẩn bắt mọi người ngồi im để nghe lão đọc. Câu chuyện chỉ có 300 từ, kể đưa chó đi đái gặp một bà đái bậy, với thông điệp chính là lời kêu gọi giữ phố xanh sạch đẹp.
Lão Cẩn vừa đọc xong là ồn hết cả lên:
- Giời ạ, đưa chó đi đái cũng thành truyện.
- Ối, lại còn nhòm một mụ đái bậy nữa chứ, thật xấu hổ!
- Học đòi, thấy người ta viết văn, mình cũng viết, rởm đời. Voi đú, chó cũng đú, chuột chù chạy vòng quanh.
- Viết cái đơn không xong, giờ muốn thành lều văn, có mà lều vịt thì có.
- Úi, giữ gìn phố phường xanh sạch đẹp ấy à? Hãy gương mẫu đi đã trước khi kêu gọi. Chính lão Bổn hôm đi nhậu về chìa chờ-im ra đái vào cột điện chứ ai!
- Về mà dạy vợ lão trước, vợ lão hôm trước vất con chuột chết ra đường, chính mắt tôi nhìn thấy.
- Mà lão trốn đâu rồi? Gây thảm hoạ văn chương rồi trốn hả?
- Ừ nhỉ, vừa mới đây mà?
- …
Không được một câu khen tất cả là công kích thẳng vào “nhà văn Facebook Bổn”. Vậy nên lão Bổn không dám đương đầu với lũ lắm mồm ấy nữa, lẻn từ toilet ra lối cửa sau của hội trường, chuồn luôn.
Đâu dễ thoát, vừa về đến nhà lão đã bị mụ vợ đợi sẵn với khuôn mặt rất hình sự:
- Tại sao lão viết nhăng cuội lên phây-búc để đám bạn tôi nhắn tin đến tơi tới trêu chọc đủ thứ, hỏi từ việc lão nhìn thấy mụ ấy đái thì có thấy lông đen hay lông hung, lông thẳng hay xoăn,…
- Mụ lảm nhảm vừa thôi, văn học phải gắn với cuộc sống!
- Giời ơi là giời, văn cái con khỉ! Lão ngu hết phần người khác, giờ thì tôi mặt mũi nào mà đi chợ, mà bước ra đường đây, hả?
Lão nhanh chân chạy trốn cơn thịnh nộ của mụ vợ.
Về phòng đóng kín cửa, lão mở điện thoại ra xem. Cũng có mấy tin nhắn trên Facebook, Zalo gửi đến liên quan đến câu truyện, thật may, đa số chúc mừng lão đã có tác phẩm văn chương đầu tiên, mọi người đùa vui thôi chứ không có phê phán nghiêm trọng như ở hội cựu chiến binh.
Lão run run mở nhóm văn yêu thích trên Facebook, nhưng không đến nỗi căng như ở đời thật. Cũng vài câu dè bỉu, chê văn vẻ, nhưng đa số bàn tích cực, ủng hộ quan điểm tác giả và nhất là đóng góp ý kiến cần sửa bài viết.
Lão Bổn vội lấy bản gốc ra sửa lại, rồi thay thế vào bài cũ, phải chờ đến cả tiếng mới thấy nội dung sửa được duyệt. Phản ứng của bạn đọc đa số rất thân thiện, không cực đoan nên lão thấy bình tĩnh hơn.
Tối, ông bạn Quýnh rủ uống bia "Nhân dịp ông bạn viết được bài đầu tiên". Sau ly bia khai cuộc, thấy Bổn mặt mày nhớn nhác, thần sắc xấu, Quýnh hỏi:
- Có chuyện gì à?
- Ừ, chuyện viết bài cho Facebook, nhiều người chửi kinh quá ông ạ.
- Ôi giời, thị phi là một phần của cuộc sống, chấp gì?
Thế rồi lão Bổn kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thì chính lão Quýnh khuyến khích, động viên lão Bổn thử viết bài mà. Bởi thế, lão Quýnh không chê, không bài bác mà còn động viên bạn mình nữa:
- Chuyện ở cuộc họp cựu chiến binh ấy, có người chỉ đùa thôi, có người thì chọc ngoáy, nhưng đừng ngại, kệ họ. Mình cũng rút tỉa ra điều đừng viết thật, mà thay đổi địa chỉ, thời gian, hoàn cảnh, tên tuổi đi để tránh va chạm.
- Vâng, tôi hơi mất bình tĩnh nên đã không dám đối mặt.
- Còn chuyện bà vợ, chắc cô ấy nhạy cảm quá, họ khen đấy, có người đùa chứ ác ý gì đâu mà ầm lên.
- Đúng, tôi vừa bị giáng đòn ở cuộc họp nên mất tự tin.
- Tất cả cứ bình thường, đối đầu với thị phi.
- Cảm ơn ông.
Kết thúc buổi tập huấn 30 phút, lão Quýnh bảo:
- Đa số các ý kiến đóng góp online trên Facebook cũng như offline ở đời thực là động viên chân tình, cần khiêm tốn tiếp thu. Đặc biệt ngữ pháp, câu cú cố gắng đừng sai căn bản.
- Nhất trí!
- Người chê ta, lại còn góp ý cho ta chính là THẦY ta đấy.
- Vâng tôi cũng tiếp thu rất cầu thị. Có còn điều gì khác nữa không ông?
Nhấp chút bia, rồi ông Quýnh bảo:
- Cũng phải chấp nhận thị phi trong văn đấy ông Bổn ạ.
- Nghĩa là sao?
- Cũng như ngoài đời, những nhà chuyên môn giỏi thì khiêm tốn, kiệm lời và bao dung, nhưng khá nhiều kẻ dở ông dở thằng lại to mồm bài bác, chê bai đấy.
- Thế ư?
- Cũng như ở ngoài đời ấy thôi.
Lặng một lúc, chính ông Quýnh kể chuyện mình bị ghen ghét, đố kỵ thế nào, rồi xử sự ra sao. Cuối cùng ông bảo:
- Nếu họ giỏi, chính họ đã nổi danh rồi, nhưng không nổi nghĩa là cũng thường thôi, nên họ cay cú, hận đời. Các điều họ nói ra cũng có thể đúng hoặc gần đúng, nhưng chưa chắc chính họ đã làm nổi, mà họ vẫn cứ chọc ngoáy lung tung.
Đã có một điểm tựa để không hoang mang nữa, ông Bổn nói:
- Tôi biết rồi. Thực ra, anh giỏi chuyên môn này, người khác lại giỏi chuyên môn khác, vốn sống chắc gì anh hơn ai, ông nhỉ? Theo ông khi gặp loại người ấy cần xử sao cho phải?
- Thì mình cứ chân thành học hỏi, sửa những lỗi người ta chỉ ra, nhớ để không bị sai nữa.
- Điều này tôi làm được.
- Cứ vậy thôi, nhất định họ làm được mình cũng làm được, quan trọng nhất là TỰ TIN, CẦU TIẾN và CẦU THỊ, KHÔNG CẦU TOÀN.
- Vâng, cảm ơn ông.
Từ hôm đó, lão Bổn tự tin viết, đăng, sửa. Lão Quýnh cũng góp ý chút nhưng chủ yếu là chính Bổn tự mình. Cứ mỗi ngày một bài, khi thì thấy bức xúc chuyện rác bẩn ngoài đường, khi thì vui vui do đứa cháu ngoan. Nghĩ gì viết nấy, không câu nệ.
Thế rồi dần dần không viết không chịu được, giờ cứ bắn tằng tằng. Không cầu kỳ thể loại gì hết, cứ viết, vẫn có công chúng bình dân cho kẻ nghiệp dư viết.
Thế thôi, bạn cũng cứ thử đi! Nhé!
Theo Chuyện Lang Quê