link tải gowin99 mới nhất

 Đời lính thuỷ sôi sục của Phạm Trọng Vinh - Thuỷ thủ Đoàn tàu không số (Viết theo lời kể của thủy thủ Phạm Trọng Vinh)

LTS: Tiến tới ngày lễ chiến thắng 30/4/1975 - 30/4/2024 xin đăng các bài về CCB Sinh viên Hải Quân. Những người lính nhập ngũ tháng 5/1972 phục vụ tại quân chủng Hải quân.

Chiến dịch rà phá thủy lôi kết thúc, cũng là lúc kết thúc khóa huấn luyện. Tháng 10/1972 lính sinh viên được điều động về các đơn vị: E171 tầu mặt nước, E172 tầu phóng lôi, E125 tầu vận tải không số, E128 tầu đánh cá, C24 pháo cao xạ Hải quân... Hơn một chục chiến sỹ được giữ lại E126 đặc công nước Hải Quân để huấn luyện giai đoạn 2 bổ sung cho chiến trường.

dt1hq1-1711867360.jpg

Phạm Trọng Vinh tháng 10/2021.

 

Phạm Trọng Vinh được điều động về tầu V610 đoàn 125 đoàn tầu không số, đây là loại tầu to nhất, hiện đại nhất tại thời điểm đó. Lúc này con đường vận chuyển của đoàn đã bị lộ. Nhiều chuyến phải đi theo đường hàng hải Quốc tế, để chờ sơ hở của tầu chiến Mỹ thì chuyển hướng đâm thẳng vào bờ, bốc hàng. Có chuyến tầu phải đi vòng xuống vịnh Thái Lan rồi ngược về Cà Mau.

Khi được đọc tên về đoàn 125, A trưởng rỉ tai Vinh:

- Về đoàn 125 còn gian khổ, dễ " tỏi" hơn đoàn 126 đấy bạn ạ!

dt2hq2-1711867425.jpg

Phạm Trọng Vinh Tại buổi THTT của VTV3 " Kỳ tích đường HCM trên Biển

 

Cùng lính sinh viên về tầu 610 còn có Nguyễn Trung Thành sinh viên ĐH.KTQD, tại đây Vinh được giao nhiệm vụ Hàng hải số 2 ( Hàng hải là người lái tầu). Thành được giao nhiệm vụ thủy thủ mặt boong. Thật bỡ ngỡ, cậu thanh niên phố cổ: Làng đúc Đồng Ngũ Xã bên Hồ Trúc Bạch Hà Nội chưa bao giờ được lên con tầu to như thế, lại được điều khiển nó. Được hướng dẫn của hàng hải số 1( người lái chính ) Vinh đã làm chủ được con tầu, bắt nó tiến, lùi, quay trái, sang phải, cập bến, rời bến nhẹ nhàng.

Tầu đã chất đầy hàng, sẵn sàng nhận lệnh lên đường.

dt3hq3-1711867474.jpg

Các CCB Tàu không số với Thủ trưởng BQP.

 

Tháng 12/1972, khi hiệp đình Pari về Việt Nam chuẩn bị ký kết. BTL Hải quân thành lập tiểu đoàn 4 gọi là Hải quân giải phóng. Tiểu đoàn gồm 6 tàu: V610, V608, 609, 645, 641, 649. Lính sinh viên có Triệu Xuân Hoãn, Trần Đức Vui, La Bình, Nguyễn Văn Toản. Phạm Trọng Vinh, Tống Hồng Quân. Trần Quốc Quân, Đặng Vũ Đỗ. Nguyễn Trung Thành và một số người khác.

Chúng tôi được thay áo dải Hải quân bằng áo xanh bộ binh, mũ tai bèo như chiến sỹ giải phóng. 6 tầu rập rình khi ở sông Gianh, khi ở Hòn Si chờ thời cơ vào tiếp quản cảng Cửa Việt.

Các tầu vào cảng Cửa Việt thành công, từ đó tầu Vinh như con thoi đi về chở hàng từ Hải Phòng vào Sông Gianh, cảng Đồng Hới, cảng Cửa Việt.

Một kỷ niệm không thể nào quên là khi chuyển sang tầu 665, tàu bị mắc cạn tại cửa sông Thạch Hãn. Gần một tháng vật vã trong sóng gió, tầu được lệnh thả các kiện hàng xuống biển cho nhẹ. Hàng được sóng đánh dạt vào bờ để Bộ đội, nhân dân ra vớt vào.

Tầu đã nhẹ đi một phần nhưng sóng cứ đánh, đẩy tầu vào sâu trong doi cát. Thuyền trưởng cho tầu lùi, thủy thủ đo sâu, nhảy xuống biển bới cát cho tầu lùi ra, gọi tầu bạn tới kéo, kéo đến đứt cáp tầu vẫn không ra khỏi doi cát. Cuối cùng Chỉ huy đoàn 125 phải điều động tầu kéo có sức kéo lớn từ Hải Phòng vào mới kéo được tầu 665 ra khỏi bãi cạn.

Cũng thời gian này, Bộ tư lệnh Hải quân có chủ trương chiến lược là: " Đánh chiếm tầu địch, dùng yếu tố bất ngờ tiến công các cảng, căn cứ hải quân của địch. Dùng tầu địch đón, chở bộ đội đặc công đi giải phóng Trường Sa". Muốn vậy cần điều động các thủy thủ chuyên ngành hàng hải, thợ máy, mặt boong về đội 1 đoàn 126 huấn luyện.

Lính sinh viên có Phạm Trọng Vinh, Triệu Xuân Hoãn và một số chiến sỹ khác được điều động trở lại đoàn 126.

Đội 1 đoàn 126 là đội anh hùng, toàn đội có tới 6 anh hùng Quân đội. Vinh được tập luyện chiến thuật, kỹ năng đánh chiếm tầu, đánh chiếm căn cứ hải quân ngụy với những người anh hùng đoàn 126.

Không bút nào tả hết sự gian nan, vất vả của các chiến sỹ đội 1 trong tập luyện.

Mỗi tuần Vinh cùng các chiến sỹ đội 1 có hai buổi bơi dã ngoại. Tầu của đoàn 125 chở họ ra ngoài đèn biển Long Châu, các chiến sỹ đặc công bắt đầu bơi về Cát Hải, khoảng cách gần 30km. Mỗi tổ có ba người bơi theo hình chữ V. Hai chiến sỹ bơi trước kéo theo kiện hàng nặng khoảng 50kg tượng trưng cho thuốc nổ, mìn, súng đạn vv . Người thứ ba bơi sau đẩy kiện hàng. Mỗi chiến sỹ chỉ được mang theo một phong lương khô 702 và 01 dao găm gài ở ống chân để cạo gỉ trên thân tầu địch khi gắn mìn lên thân tầu. Có buổi bơi đêm, bầu trời đầy sao, trăng sáng vằng vặc, có đêm mưa phũ phàng quất vào mặt rát bỏng. Sóng đẩy người lên xuống như quả bóng bồng bềnh trong nồi nước sôi. Bơi đến Cát Hải chúng tôi mệt nhoài, mỏi rã rời. Chân tay trắng bợt, nhăn nheo, người sút đi vài kg. Nghỉ ngơi một buổi hôm sau lại bơi tiếp từ Cát Hải về Đồ Sơn Hải Phòng, tập đánh căn cứ pháo bờ biển. Có chiến sỹ ngất trên đường bơi được tầu kéo lên cấp cứu.

Tập ngậm ống bơi ngầm tiếp cận tầu, cảng địch còn vất vả khổ luyện hơn cả bơi hành quân. Một đầu ống thở ngậm vào miệng, một kẹp nhỏ kẹp mũi để nước không vào mũi. Một đầu ống thở thò trên mặt nước. Thở hoàn toàn bằng mồm. Mặt ngửa lên trời song song mặt nước. Toàn thân chìm dưới nước, tay khỏa nước giữ thăng bằng, chân đạp nước cho người tiến về phía trước. Những ngày đầu uống no nước biển mặn chát, về nhà không buồn ăn cơm. Hồi đầu tập ở ao vào ban đêm. Bị đỉa bám, hút máu, có con bám vào cổ, con bám vào tai, hút máu tròn như quả chuối mắn. Các chiến sỹ không dám tập ban ngày vì ao dân còn tắm rửa, giặt giũ.Chỉ khi đã quen thuộc bài tập thả ống ở ao thì mới ra tập bơi chìm ở đập Thủy nguyên. Tại đập chúng tôi còn tập vượt rào thép gai, hào chông, tường cao có gắn mảnh chai, tại bãi diễn tập của lính đặc công cạn 305. Tháng sau chúng tôi tập đánh cầu Phú Lương tỉnh Hải Dương. Tập đánh kho xăng dầu tại khu vực Hải Phòng, tập đánh đảo tại khu vực Đồ Sơn, theo phương án bơi từ Cát Hải sang. Tập đánh tầu neo ngoài biển ở Cát Hải. Tập tấn công chiếm lĩnh tàu địch, đưa tầu về căn cứ của ta...

Tôi còn nhớ hôm bơi hành quân dọc sông Chanh. Vinh đã gặp lại Nguyễn Tiến Mạnh, Đường Vinh Sường tại phân đội 10 trường Sỹ quan Hải Quân. Sau này khi gặp mặt hội Tàu không số Hà Nội, Vinh đã gặp lại Nguyễn Thịnh báo vụ tàu 662 là con tầu đã phục vụ đội 1 đoàn 126, cấp cứu các chiến sỹ bị ngất...

Kết thúc khóa huấn luyện Vinh trở về đoàn 125 tiếp tục những chuyến chở hàng vào Nam ra bắc.

Tháng 1 năm 1975 Vinh lại được điều động về đoàn 971 là đoàn tầu gỗ hai đáy, căn cứ tại đảo Vạn Hoa Quảng Ninh. Tầu gỗ 2 đáy được thiết kế 2 đáy. Đáy phía dưới chở vũ khí đạn dược, phía trên là hàng thông thường phủ lưới và ngư cụ. Phương thức hoạt động là hợp pháp. Khi vào biển VNCH, tầu phải treo cờ ngụy đeo số giả của VNCH. Thủy thủ phải ăn mặc như dân đi biển miền Nam, mang căn cước miền Nam, Tầu trà trộn vào tầu đánh cá, tầu hàng của dân biển miền Nam để đưa hàng vào chi viện cho chiến trường.

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một giải. Lính sinh viên trở lại trường tiếp tục học tập. Phạm Trọng Vinh vẫn ở hòn đảo xa xôi vùng Đông Bắc mà không biết các bạn đã trở về trường.

Tháng 10/1975 Vinh và một thợ máy, một thủy thủ lái tầu 2 đáy về cảng K20 gần Bến Bính Hải Phòng nhận hàng. Khi đó Vinh mới biết tin lính sinh viên đã quay về trường học tiếp. Vinh lên trung đoàn bộ gặp anh Sửu quân lực hỏi tình hình. Mấy ngày sau Vinh khoác ba lô bịn rịn chào tầu, chào cảng, chia tay đồng đội về Hà Nội học tập tiếp.

Ra trường Vinh ở lại làm giảng viên dạy môn Tài chính kế toán của trường ĐH.KTQD. Năm 1988 Vinh chuyển sang công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nôi( Seaprodex Hà Nội) giữ chức kế toán trưởng rồi Phó tổng giám đốc cho đến ngày về hưu.

Vinh sống hạnh phúc với vợ và hai con, một trai một gái. Cháu trai lập nghiệp tại Mỹ.

Với lính sinh viên Hải Quân chúng tôi Phạm Trọng Vinh là con người đương đầu với nhiều gian khổ, nguy hiểm sống còn nhất. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc!

T.H.Q