Chao ôi, Ngô Thừa Ân viết truyện này đã gần 700 năm rồi; nhưng giờ đọc lại càng thấy “Tây Du ký” ắp đầy những thông tin thời hiện đại! Quả là, những tác phẩm có giá trị lớn thường vượt qua thời gian, không gian để đến với chúng ta!.
Tôi đọc “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân cách đây dễ chừng hơn 4 thập kỷ. Nhớ ngày ấy, say sưa đọc đến quên cả ăn. Có lúc, còn trốn mọi người; leo lên tấm ván che nối giữa 2 xà nhà để đọc. Lúc ăn cơm, không thấy tôi; bà nội, bố mẹ và các em gọi mãi, đi tìm nháo nhác... Tôi mê chàng Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông, luôn chiến thắng trong cuộc đấu tranh với những yêu ma, quỷ quái để bảo vệ Đường Tăng an toàn trên đường đến đất Phật (Tây Thiên) lấy kinh đem về giáo hóa dân chúng còn ngu muội. Nhưng cũng cảm thấy bất bình với ông thầy của chàng ta – Đường Tăng, cứ thấy khó khăn chỉ biết kêu Phật; thậm chí còn nhiều lần mắc phải yêu ma, chước quỷ để rồi đuổi đại đồ đệ của mình (Tôn Ngộ Không) về Hoa Quả sơn, chỉ đến lúc sinh mạng nghìn cân treo sợi tóc mới nhận ra sự cần thiết của anh ta...
Giờ, đọc lại; mới thấy sự lão luyện của nhà văn thiên tài Ngô Thừa Ân... Phải thừa nhận, lối viết phục bút đã khiến cho người đọc chỉ biết ca ngợi Phật pháp vô biên (khi để Phật Tổ Như Lai trấn áp con khỉ thành tinh:Tề Thiên Đại Thánh – kẻ không sợ trời, không sợ đất làm náo loạn cả Thiên Đình; rồi hàng phục, bắt nó phải theo đạo Phật); tinh thần quật cường, dũng cảm trước cái ác; mà quên rằng văn học – dù viết gì đi chăng nữa, vẫn kể chuyện đời, chuyện người; vẫn phản ánh hiện thực khách quan đời sống con người...
81 nạn mà thầy trò Tôn Ngộ Không gặp phải, có thể chia làm 4 loại: Loại thứ nhất là thú dữ, loại thứ 2 là yêu ma quỷ quái thành tinh, loại thứ 3 là bọn yêu quái đã có nhiều pháp thuật, loại cuối cùng là loại xuất phát ngay từ đất Phật...
Loại nạn thứ nhất: Gặp thú dữ - thực ra thầy trò Tôn Ngộ Không gặp chỉ có 1, nhưng vẫn tạo nên ý tưởng nghệ thuật của nhà văn. Ngay khi vừa được Đường Tăng giải thoát khỏi sự trừng phạt của Phật tổ Như Lai, thầy trò gặp hổ dữ thì Tôn Ngộ Không ngay lập tức đã thể hiện sự đắc lực của mình khi lập tức giết con hổ ấy để bảo vệ cho sư phụ an toàn. Đường Tăng hết lời ca ngợi sức mạnh của tên đồ đệ mà mình vừa thu phục. (Xin phép được gọi thế, vì TNK là khỉ). Sau đó, da của con hổ được Đường Tăng dùng khâu quần áo cho Tôn Ngộ Không! Nhà Phật vốn kiêng sát sinh, việc làm của Đường Tăng, phải chăng là sự tiếp tay?
Loại nạn thứ 2: Gặp yêu ma, quỷ quái thành tinh. Loại này có tới 76 lần thầy trò Đường Tăng gặp phải. Nhưng, lại cần chia nhỏ đối tượng này để hiểu lối viết cực kỳ sâu sắc của Ngô Thừa Ân: loại mới thành tinh; loại thành tinh có nhiều phép thuật, có một số “quan hệ đặc biệt”; loại yêu ma xuất thân từ chính nơi ở của các bậc Đại Phật, Đại Tiên...
Gặp loại mới thành tinh: các loài cây sống lâu năm, tu thành chính quả, biến ảo thành người; chúng khôn ngoan, giỏi giang (cây đào, lê, tùng...). Loại này, bắt cóc Đường Tăng nhằm muốn thể hiện tài năng, trí tuệ khi ngâm vịnh thơ văn... Và ông thầy chùa nhà ta phải chào thua trước những câu thơ đầy trí tuệ của những loài cây đã tu thành chính quả... Đường Tăng chỉ đọc được bài kệ tán dương Phật pháp là hết vốn... May thay, lũ học trò tìm được. Kết quả, những loài cây thành tinh kia đã thành vong hồn dưới cây gậy Như ý của đại đồ đệ Đường Tăng, vì ông ta sợ bọn này làm hại dân lành! Bản thể của chúng là cây, làm sao đi được? Chao ôi, chúng chỉ ở nơi núi thẳm rừng sâu; chỉ vì dám thể hiện hơn nhà sư về tài năng thơ phú mà mất mạng sống. Sự ganh ghét đã khiến cho nhà sư đã tu thành chính quả đến 9 kiếp vẫn chưa vượt nổi những dục vọng thông thường... Nhưng đến ba lần giáp mặt Bạch Cốt tinh, ông thầy Đường Tăng niệm chú “khẩn cô nhi” trừng phạt Ngộ Không, khi anh ta nhận định Bạch Cốt tinh là yêu ma đã khiến cho cả thầy và lũ đồ đệ lao đao, suýt trả giá bằng mạng sống. Nhưng khi thoát hiểm, ông ta cứ khăng khăng đuổi Tôn Ngộ Không về Hoa Quả sơn; thậm chí dứt tình dứt nghĩa... Chỉ khi, chính ông ta suýt mất mạng mới tỉnh ngộ. Phải chăng, vì Bạch Cốt tinh quá quyến rũ?!
Loại thứ 3 là loại tu hành đắc đạo, có nhiều phép thuật; Tề thiên đại thánh và 3 đồ đệ khác của Đường Tăng (Trư Bát Giới, Sa Tăng, con Long mã – một hóa thân của Thái tử Đông Hải), thậm chí cả các bậc thần tiên, các vị Phật phải trổ hết tài năng mới có thể hàng phục. Đến khi kết liễu tính mạng chúng, thì loại yêu ma quỷ quái này lại được chính các vị tu hành đắc đạo cứu giúp; đưa về giúp việc hoặc “bảo vệ” cho chính họ: 7 con nhền nhện – được vị Phật gà mái già cứu đem về quét dọn nơi tu hành; con gấu đen, Hồng Hài nhi... được Phật Bà Quan Âm đưa về núi Lăng già... Nơi ở của các vị ấy, cần gì phải có mặt lũ yêu ma quỷ quái???
Loại thứ 4, chính là lũ yêu quái từ nơi các vị thần tiên xuống! Khi gặp loại xuất phát từ chính nơi ở của các vị Đại Tiên, các vị Phật đã tu trọn 10 kiếp cũng làm cho Thầy trò Đường Tăng lâm nguy, phải nhờ đủ mọi thế lực hàng phục; nhưng lúc chuẩn bị giết chúng, chính chủ xuất hiện. Rồi, chỉ một câu nói: Nghiệt súc, đi về! Thế là bọn nó thoát nạn... Các vị ấy là chủ, là người nuôi dưỡng, quản lý không nghiêm, ai truy cứu? Thầy trò Đường Tăng có uất ức đến mấy thì cũng phải chào thua...
Tất cả những nạn này đến từ chính cửa Phật! Ai biết Đường Tăng đã tu hành 9 kiếp là Kim Thiền Tử, sắp đắc đạo, kẻ nào ăn thịt Đường Tăng sẽ trường sinh bất tử? Chỉ có Như Lai Phật Tổ! Tại sao bí mật này lại được truyền lưu, để cho thầy trò ông ta khốn khổ như thế trên con đường thỉnh kinh? Đến khi tới đất Phật, lại được A Nan, Ca Diếp vòi hối lộ không được, nên trao kinh giả. Thầy trò tố khổ với Như Lai; thì lại được Như Lai “xử kín”. Như Lai bảo: “Chuyện ấy, ta đã hay rồi, hai người phát kinh không lỗi. Bởi kinh rất quý, lẽ nào thỉnh không mà được phúc hay sao? Khi trước, các sãi mới tu tại đây, có mang kinh xuống nước Xá vệ mà tụng cầu siêu cho Triệu Trưởng Giả. Triệu Trưởng Giả hườn công ba đấu, ba thăng gạo trắng và vàng bạc chút đỉnh, ta còn nói Triệu Trưởng Giả bỏn sẻn lắm, chắc sau con cháu phải nghèo nàn. Nay ngươi đến tay không mà thỉnh bấy nhiêu kinh, còn than thở gì nữa. Kinh giấy trắng chẳng phải là vô dụng đâu, ấy là kinh vô tự, quý hơn kinh hữu tự, ngặt chúng sinh coi không ra, nên phải đổi.”. Rồi, thầy trò Đường Tăng phải hối lộ cho A Nan, Ca Diếp – 2 vị Phật trông coi kho kinh cái bát ăn bằng vàng mới có được pho kinh Phật thật! Đi lấy kinh để quảng bá Phật pháp, giáo hóa dân chúng trở thành tín đồ của Phật, vậy mà...
Chao ôi, Ngô Thừa Ân viết truyện này đã gần 700 năm rồi; nhưng giờ đọc lại càng thấy “Tây Du ký” ắp đầy những thông tin thời hiện đại! Quả là, những tác phẩm có giá trị lớn thường vượt qua thời gian, không gian để đến với chúng ta!