link tải gowin99 mới nhất

Đỉnh cao không còn hoang vắng

Hồi ức của những cựu chiến binh trở lại chiến trường Tây Nguyên ác liệt, gian khổ năm xưa, nay có những đổi thay, trong đó con đường đi lên 1015, 1049 (Kon Tum), để đỉnh cao này không còn hoang vắng.

1. Cao điểm búng báng và măng le

Bốn mươi lăm năm sau, Cựu chiến binh thành Vinh - Lê Mạnh Hải cùng anh em lính cựu f320 Nghệ An mới trở lại nơi này. Người trẻ nhất hồi Kon Tum 72 nay cũng đã 65 tuổi. Còn hầu hết là tuổi 68, 70.

Sự ra đi về “chiến trường xưa” của những người lính chiến không phải ngẫu nhiên, mà nó day dứt bao năm nay, như tự thân nợ thì phải trả, như tất yếu lương tri con người. Đến nỗi trong những bữa cơm tháng cuối năm các bà vợ già của lính cứ dò hỏi, bao giờ thì ông đi Kon Tum? Trong tâm tưởng của người thân lính 320 ai cũng biết đến chuyện cao điểm 1015 …1049 …. những câu chuyện bi hùng nửa thế kỉ nay vẫn còn trong mỗi gia đình người lính từng tham gia chiến dịch mùa hè năm 1972 trên Tây Nguyên.

dh1ac1d-1667697284.jpg
Chú thích ảnh

Câu chuyện về trận đánh trên đồi Charlie tháng 4 năm 1972 chả lạ lẫm gì với báo giới phía VNCH một thời. Một thời bài hát “Người ở lại Charlie” của phía bên kia họ hát về Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo của họ tử trận. Còn bộ đội giải phóng thì sự hi sinh của Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp người chỉ huy mũi chính diện trận đánh hôm ấy cứ như một lẽ bình thản. Bởi không những lính mà ngay cả cán bộ chỉ huy thậm chí chỉ huy cấp nào cũng có thể hi sinh vì nhiệm vụ. Mọi sự hi sinh đều như nhau, bình đẳng trước mắt lính, đều vì dân vì nước. Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải nói rằng: “Với tôi cao điểm 1015 Charlie còn là kỉ niệm của một cao điểm ăn búng báng và măng le thay cơm”. Trong ngày xuất phát từ Nghệ An đi Kon Tum xây bia tưởng niệm 1015 anh nghẹn ngào nói với vợ:

- Anh đi vào trong nớ xây bia tưởng niệm cho các anh ấy, gần tết anh về. Rồi anh ngắc ngứ: … Không biết cao điểm ấy có còn búng báng và măng le không?

Hôm ấy 18 người cựu chiến binh Nghệ An đều nghe thấy anh Hải nói với vợ và hôm ấy ai cũng ngân ngấn nước mắt.

2. Cuộc xuất phát dưới chân Rú Quyết.

Sáng 24 tháng 12 năm 2017. Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng đoàn BLL bạn chiến đấu Sư đoàn 320 từ Hà Nội vào Vinh rất sớm. Hôm nay tại chân núi Quyết hai tấm bia đá nặng hơn 3 tấn sẽ được dâng hương và làm lễ rước vào Kon Tum để đưa lên đỉnh núi Ngọc Rinh Rua.

dh2ac1q-1667697425.jpg

Trên xe ai cũng im lặng, bởi tất cả những tướng lĩnh sĩ quan ngồi đây đều từng chiến đấu ở đó ngày xưa. Nay họ già yếu nhưng đều muốn làm điều gì đó với đồng đội của mình. Người tướng già đăm chiêu nhìn qua cửa xe. Vùn vụt trôi lại phía sau là làng mạc là đồng ruộng là núi đồi y hệt như gần năm mươi năm trước ông còn là trung đoàn trưởng ngồi xe ra trận. Bên ông những người lính trẻ măng ngày ấy nay cũng đã ngoài sáu mươi. Ông đang đi về với anh em CCB sư đoàn, đi về một vùng đồng đội.

Khi Trung tướng Khuất Duy Tiến đến nơi thì ở chân núi Quyết đã có hai trung tướng ngồi chờ với gần 100 CCB Nghệ An - Hà Tĩnh. Đó là Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và Trung tướng Nguyễn Văn Minh. Họ ôm nhau dàn dụa nước mắt trong khói nhang và lễ khẩn cáo hương hồn liệt sĩ, khẩn cáo anh linh Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ phù hộ cho anh em Nghệ An - Hà Tĩnh đưa tiễn bia Liệt sĩ 1015, 1049 tại đất Trung Đô núi Phượng Hoàng về chiến trường Kon Tum.

Chúng tôi cùng nhìn lên núi Quyết xanh ngát những thông, những bạch đàn. Đại tá Nguyễn Thế Tân nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 đọc lời hứa với hương hồn Liệt sĩ. Anh nói: “…Chúng tôi những người lính Sư đoàn sẽ nguyện làm hết sức mình vì lương tâm với đồng đội, vì trách nhiệm với lịch sử vẻ vang của Sư đoàn. Chúng tôi làm tất cả công việc này vì chính trái tim người lính chúng tôi…”.

Nhìn những khối đá đồ sộ chạm khắc công phu và những dòng chữ trên bia, chúng tôi hiểu rằng máu và nước mắt người lính tạc thành văn bia. Tiền có thể mua nhiều khối đá, mua được nhiều sản phẩm kiến trúc nhưng tiền không thổi hồn người vào trong những hiện vật tâm linh nhất là những biểu trưng đổi bằng máu người lính chiến.

Chúng tôi đứng trước tấm bia kính cẩn thắp nén nhang để chiều hôm ấy xuất phát cuộc hành quân về cao điểm 1015,1049 trong Kon Tum mà cứ như thấy hàng chục hàng trăm đồng đội mình lướt qua rồi họ đi nhanh vùn vụt lên núi Quyết, họ vác đạn, họ khiêng pháo, họ bám nhau leo lên núi mà nổ súng. Trong sáng mùa đông thành Vinh cảm thấy như một sáng mùa khô năm 1972 nơi trận đánh 1015 và 1049 đang diễn ra ác liệt. Hôm ấy mưa rét lắm mà không khí thật là ấm áp như cuộc ra trận ngày nào,cuộc ra trận với tấm lòng tri ân người đã khuất và tôn vinh chính xương máu của đời mình. Chiều nay đồng đội tôi hành quân về Ngọc Rinh Rua. Các anh sẽ lên 1015, 1049 các anh sẽ làm công việc cho đỉnh cao này không hoang vắng.

3. Đêm trên Charlie.

Trở lại ngọn Ngọc Rinh Rua lần này gồm 28 cựu chiến binh sư đoàn tất cả đều quê Nghệ An. Người chỉ huy là Đại tá Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đoàn trưởng 320 nghỉ hưu năm 2012. Nhưng người thủ lĩnh trực tiếp là Đại úy Lê Mạnh Hải người thành phố Vinh. Hải trông trẻ hơn cái tuổi 67 của mình. Cặp mắt sáng và tác phong nhanh nhẹn lúc nào cũng muốn cười. Lê Mạnh Hải vừa làm lái xe, vừa làm thợ, vừa chỉ huy xây dựng. Bản thiết kế nhà bia 1015 và nhà bia 1049 là do anh và cán bộ Công ty của anh thiết kế . Thiết kế rồi. Nguyễn Thế Tân và Lê Mạnh Hải lại là người đi thực thi suốt mấy tháng trời trong nắng gió mùa khô Tây Nguyên.

Ở tuổi gần bảy mươi mà hơn hai chục người lính già lên xuống ngọn núi cao trên một nghìn mét để làm công trình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thật là một kì tích. Đứng trên đỉnh Ngọc Rinh Rua nhìn về Đak Tô - Tân Cảnh, con sông Pô cô như dải lụa trắng vắt lên một thảm cỏ xanh. Từ cao điểm 1015 nhìn xuôi hướng nam là nối tiếp các điểm cao 1049 (delta), 1055, 1088. Nó là hàng loạt các căn cứ bố phòng của lính dù án ngữ thành hành lang phía tây bảo vệ cho Kon Tum. Phòng tuyến này gọi là phòng tuyến tây sông Pô Cô. Nơi đây ngày 30/3/1972 tiếng súng mở màn phá toang phòng tuyến sông Pô cô bắt đầu. Đại úy Lê Mạnh Hải lúc ấy là chiến sĩ vận tải đi với Trung đoàn 52. Anh nói, tôi ước tìm được người chiến sĩ bị thương vào chân đêm 30/3/1972 quê Thanh Hóa quá. Đêm ấy anh ở cùng hầm với tôi gần sáng, anh lại bò lên trận địa… Ngày hôm sau, các chiến sĩ vận tải lên cao điểm đưa tử sĩ và thương binh về. Máu đỏ cả ven suối Rờ Cơi. Hải khóc rưng rức vì thương đồng đội. Chàng trai thành Vinh lần giáp trận 1049 với bao nhiêu là nước mắt. Đánh 1049 (Delta) vừa được mấy ngày thì trận đánh Charlie diễn ra. Tiểu đoàn 11 dù Song Kiếm Trấn ải bị trung đoàn 64 Sư đoàn 320 vây hãm suốt 3 ngày. Charlie cháy bùng bùng vì những trận bom B52 và bom hủy trận địa của QL VNCH.

Suốt từ 12 tháng tư đến 15 tháng tư năm bẩy hai các mũi tấn công lên 1015, liệt sĩ nằm gối lên nhau. Trận đánh vô cùng ác liệt nhưng không một mũi nào chùn bước.

Ngày 15/4/1972 cả tiểu đoàn dù 11 bị tiêu diệt, phòng tuyến tây sông Pô cô phá toang. Hướng tấn công từ phía tây vào Đak tô - Tân Cảnh mở tung. Nhưng cao điểm 1015 đã thấm máu của hơn hai trăm chiến sĩ e64 và chỉ cách 5 cây số là 1049 cũng với hơn hai trăm chiến sĩ e52 nằm lại với mùa khô 1972 máu nhuộm đỏ đất đỏ ba zan.

Vậy là sau 42 năm những người lính f320 quê Nghệ An - Hà Tĩnh lại ngủ đêm trên 1015 và 1049. Gió hun hút, gió mùa khô trên đỉnh núi trọc lốc như ngựa hoang cuồn cuộn quằn quại từ đông sang tây. Gió khô nứt da người dưới nắng ban ngày và lạnh cóng về ban đêm. Đêm nay sau 43 năm, ông Quyền (Đặng Văn Quyền) lại ngủ trên vùng núi Kon Tum. Quanh ông là CCB cùng thời nay đều ngót 70 tuổi. Ông Quyền thao thức không ngủ, nhớ đến năm 72 khi ông là lính 12,7 li của sư đoàn. Ông nhớ những ngày tháng 4 năm 1972 bắn máy bay ở đây đến đỏ nòng súng. Ông nhìn sang góc lều bạt vợ chồng già đồng đội của ông tên Quỳnh cũng trằn trọc. Bà Hồng đi theo để chăm sóc ông Quỳnh và thành người nấu cơm trên 1015 suốt 21 ngày. Hai ông bà cùng tuổi Nhâm Thìn. Con cái đi làm ăn xa tận trong nam. Cũng giống như các cựu chiến binh khác có mặt trên 1015 vợ chồng người lính già quê Hưng Nguyên này chỉ ước nguyện mang công sức của mình góp một viên gạch xây vào tấm bia tưởng niệm liệt sĩ trên đồi Charlie. Đêm khuya lắm. Ông Quyền không ngủ được. Đỉnh cao này giờ không còn hoang vắng như hôm các ông mới vào hạ trại. Cỏ khô vàng úa đỉnh núi xác xơ ràm rạp dưới gió khơ khấc. Không một bóng cây, không một dòng suối, không có tiếng chim muông. Chỉ có gió và nắng. Gió cuồn cuộn, gió vun vút từ phía Đak Tô sang Chư Mom Ray, gió làm bạc đầu cả đá Charlie. Ông nhớ hôm đào móng khởi công, trời xanh đến lạ thường, mâm lễ nhòa nước mắt của những người lính già, gió cũng ngừng thổi, ông Quyền nhắm mắt lại và bỗng thấy tiếng súng hôm 12/4/72 dội về. Đỉnh núi như quay quay, và tiếng người ồn ào rộn rã, tiếng hô xung phong, tiếng truyền lệnh và sâu thẳm là tiếng khóc của những đồng đội ông ở sườn dốc dưới kia…

4. Công trình làm bằng tiền gom góp của cựu chiến binh.

Từ suối Rờ Kơi nhìn lên 1015 thấy ngọn núi trọc đầu sáng lên dưới nắng. Ấy vậy mà 16 ki lô mét mới lên đến điểm cao đặt bia liệt sĩ. Theo chỉ huy của đại tá Nguyễn Thế Tân và Lê Mạnh Hải ngày khởi công móng nhà bia cũng là ngày dựng cột cờ trên cao điểm này. Gió nhiều đến nỗi cứ 2 tháng là anh em lại phải thay cờ. Đứng dưới lá cờ trên đỉnh cao hoang vắng này bao khó khăn cũng thấy vơi đi. Những người trong Ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn đã phải trải qua hàng chục cuộc họp, bao nhiêu là khó khăn, bế tắc, bao nhiêu là day dứt để có được cuộc bắt tay vào xây dựng công trình trên đỉnh núi này.

Bắt đầu từ ý tưởng nung nấu của các cựu chiến binh trong bài bút kí TRỞ LẠI 1015 in trên Tạp Chí VNQĐ tháng 5 năm 2015. Những người trong BLL bạn chiến đấu mà đứng đầu là Trung tướng Khuất Duy Tiến quyết tâm phải trả món nợ với đồng đội mình. Món nợ là một nơi trú ngụ tâm linh ở chốn hoang vắng, mà nơi đó là một VÙNG ĐỒNG ĐỘI. Nơi đó hàng mấy trăm linh hồn trai tân không thêm tuổi nào suốt hơn bốn chục năm qua. Trong một cuộc họp BLL, Trung tướng Khuất Duy Tiến xúc động trao cho BLL số tiền tiết kiệm của ông là 450 triệu đồng để góp cùng các cựu chiến binh lấy quĩ xây dựng bia. Một cân xi măng một cân sắt đưa lên đỉnh cao trên một ngàn mét Ngọc Rinh Rua thành 5 cân. Một lít nước suối chở bằng xe máy lên đỉnh núi đắt hơn một chai nước La Vie. Những người lính già xây dựng bia mỗi ngày được dùng 2 lít nước rửa mặt đánh răng. 10 ngày được xuống núi tắm một lần.

Mỗi lần xuống núi lấy nước ông Quyền lại khóc. Ông khóc bởi cũng chính chỗ con suối này năm 1972 có nhiều đồng đội ông ra lấy nước bị lính tiểu đoàn 2 dù đóng trên 1049 phục kích mà hi sinh.

Mỗi lần lấy nước, mỗi lần chở vật tư lên núi qua bình độ 800 nơi có rừng thông rộn rã tiếng ve kêu là Lê Mạnh Hải lại ngồi nghỉ. Hải nằm xuống thảm lá thông, nhắm mắt lại để nhớ về đêm “Delta” của mấy chục năm trước. Đêm ấy lính ta hi sinh cũng được cáng về qua chỗ rừng thông này. Bây giờ rừng thông xanh mà đất thì đỏ, đất ba-zan có máu các anh. Một vùng hoang vu, một vùng bom mìn sót lại, một thời người dân sợ hãi không dám lên núi, vậy mà con đường lên 1015 và 1049 bây giờ không còn hoang vắng.

5. Đỉnh cao không hoang vắng

Tôi đã gặp những người cựu chiến binh sư đoàn tôi đang xây nhà bia trên 1015 hôm vào Gia Lai khánh thành bia chiến tích Chư Bồ - Đức Cơ. Chúng tôi ôm nhau cùng nói về trận đánh phá toang phòng tuyến tây sông Pô Cô ngày xưa. Cùng nhớ về những năm tháng lăn lóc đánh đường 19 giữ vùng giải phóng. Trong nắng gió Tây Nguyên những người lính sư đoàn Đồng Bằng lại thấy như mình trẻ lại. Hôm ấy chúng tôi lại dược gặp những người chỉ huy cũ của mình. Những người tướng già mà cuộc đời có tới chục năm gắn bó với Tây Nguyên. Hôm ấy khi biết lính 320 đang xây bia liệt sĩ trên đỉnh 1015 và 1049, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã nói với Trung tướng Khuất Duy Tiến :

- Anh Tiến ơi, ngày mai anh bố trí cho tôi lên 1015. Nếu xe không leo được thì cho tôi đến chân núi Ngọc Rinh Rua để tôi khấn anh em liệt sĩ. Còn nếu leo lên núi mà tôi có chết thì anh cho bộ đội 320 chôn tôi ở trên đó cùng các đồng đội của mình.

Ông Khuất Duy Tiến ôm chầm lấy ông Nguyễn Quốc Thước:

- Anh ơi ngày mai em sẽ đưa anh lên với anh em mình trên 1015 và 1049. Chúng ta phải xây cho được nhà bia trên ấy để anh em không lạnh lẽo cô đơn.

Quay sang Lê Mạnh Hải và Nguyễn Thế Tân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cảm động nói :

- Các cậu cho chúng tớ chụp tấm ảnh chung với anh em Nghê An đang xây dưng bia trên 1015. Không ở đâu như các anh em 320. Góp tiền để xây nhà bia liệt sĩ chứ không đi xin tiền, không dựa vào ngân sách nhà nước. Nhưng dù có tiền mà không có tấm lòng, không có tình yêu thương đồng đội, thì không thể cõng xi măng sắt thép lên đỉnh núi hơn ngàn thước mà xây được. Chỉ có tình yêu thương đồng đội của người lính chiến mới làm nên câu chuyện này. Đây không còn là câu chuyện dựng bia nữa mà đây là kì tích của cựu chiến binh Sư đoàn 320 anh hùng.

- Trở lại Tây Nguyên, trở lại 1015 là trở về một vùng đồng đội một vùng tâm linh rực sáng của người lính Tây Nguyên. Một ngày nào đó chúng tôi ước ao tỉnh Kon Tum sẽ làm được con đường đổ bê tông lên núi để những cuộc hành hương về nguồn của đời sau đến với sự hi sinh của thế hệ đi trước, con đường đi lên 1015, 1049, để đỉnh cao này không còn hoang vắng.

Trái tim người lính