Chúng tôi phải đi bộ lên tận Đại Sơn rồi vòng xuống Yên Thành rồi đi dọc Kênh Nhà Lê mà ra Quỳnh Thạch và đợi ở Trạm đón tiếp của Bộ ĐH hơn một tuần. Sau một đêm xe của Bộ ĐH đổ chúng tôi tại sân Ga Hàng Cỏ Hà Nội và tùy nghi di tản theo giấy gọi vào trường của mỗi người.
Lúc đó là 5 giờ sáng, ngồi tại cửa hàng Ăn Uống đối diện trước cửa Ga, tôi mua một bát Mì Sợi không người lái để ăn. Một mùi khác lạ vì lần đầu của mùi Mì Sợi mà tôi cố ăn mà không ăn được dù rất đói. Tiếc vì bát Mì Sợi to và đang bốc khói mà tôi chưa đụng vào, tôi gọi Bác bơm lốp Xe Đạp gần đó và khuyên Bác ấy ăn vì tôi vẫn để nguyên đó. Bác ấy cảm ơn và ăn ngon lành. Người ở HN họ quen ăn loại Mì Sợi nấu Canh như thế này rồi.
Sau một ngày sắp hàng tại Bến Xe Hàn Thuyên để mua vé lên Bến Xe Thiên Thai của Huyện Gia Lương Hà Bắc không được, 11 người Dân Xứ Nghệ lại rủ nhau đi bộ từ HN lên xã Lãng Ngăm, nơi trạm đón tiếp hs nhập trường của trường ĐHXD hơn 60 cây số. Thế là, chúng tôi vào học ngành Thủy Lợi của ĐHXD từ cuối tháng 9-1968, một cuộc sống trong trường nơi sơ tán bắt đầu đầy khó khăn, gian khó và đầy mọi chuyện mà các Trò Xứ Nghệ ra Bắc để học. Nhắc đến Xứ Nghệ là Dân Bắc Kỳ nhắc đến DÂN CÁ GỖ (trong ta hay gọi là Dân Cá Gộ), một cụm từ để chỉ tính tằn tiện, keo kiệt, nghèo mà Dân Bắc Kỳ hay trêu chọc Dân Xứ Nghệ, nhất là Dân Nghệ An. Thế là diễn ra bao chuyện xung quanh cụm từ đó, cãi nhau, và nhiều khi xô xát nhau. Nhưng kết thúc những chuyện diễn ra đó thì Dân Bắc Kỳ bao giờ cũng rút lui và ấm ức chịu thua Dân Xứ Nghệ. Bởi vì dù có nói gì đi nữa thì học giỏi nhất lớp cũng là Dân Cá Gộ, học nhì lớp cũng là Dân Cá Gỗ, lớp trưởng cũng là Dân Cá Gỗ, lớp phó học tập và Bí Thư chi đoàn cũng là Dân Cá Gỗ cả.
Nhưng Dân Xứ Nghệ đi học thời đó thật vất vả vì phần nhiều ai cũng xuất thân từ Nhà Nghèo đi học cả. Học Bổng lúc đó chỉ có 18 đ, nộp tiền ăn hết 15 đ còn lại chỉ 3 đ để mua sách vở mà thôi. Đói, đói triền miên. Đói khi đi học, đói trong giờ học, đói khi vừa ăn xong và cả đói đi vào giấc ngủ về đêm. Những năm học ở Hương Canh, chúng tôi không có tiền để về ăn tết ở quê dù vé tàu HN đến Vinh chỉ 6,4 đ. Ở lại tết tại trường, chúng tôi rủ nhau ra Ban kiến thiết trường xin việc làm trong những ngày nghỉ tết.
Tôi còn nhớ Bác Kiều lúc đó giao cho chúng tôi đóng Gạch Táp Lô, với công mỗi ngày là 1 đ. Tôi còn nhớ hôm đó là chiều 30 tết, chúng tôi đi làm về muộn, khi về phòng ở của SV, tôi thấy cô bạn tôi đang ngồi nấu cơm cho chúng tôi. Cô ấy là M..học lớp 13 Vật Liệu XD con một gia đình quan chức cao cấp gì đó. Cô ấy mua rau, thịt gà..nấu Cơm cho 4 đứa chúng tôi để đón lễ Tất Niên. Khi chuẩn bị ngồi lên tầng 1 của gường sắt hai tầng ăn cơm. Cô bạn tôi liền bảo: Ngày mai là mồng 1 tết, Sơn và 3 bạn không đi làm nữa và nghỉ luôn cả ngày mồng 2. Tôi sẽ chúc tết mỗi người 2 đồng để bù vào hai ngày nghỉ. Tôi nhớ bạn Nam người Hà Tĩnh lúc đó vội nói : Cám ơn Mai, chúng tôi không nhận đâu, chúng tôi sẽ đi làm, hai ngày tết ở đây vắng vẻ thế này nghỉ làm gì. Sau một lúc thuyết phục không được, M..khóc và bỏ về. Còn chúng tôi hai ngày đó cũng nghỉ không đi làm nữa, bởi vì mỗi đứa cũng được 3 ngày công có 3 đồng rồi.
Rồi cuộc đời học sinh cũng kết thúc. Trong 4 đứa nhà nghèo tết ở lại kiếm tiền để mua giấy và vở để học năm đó thì 3 đứa ở lại làm Thầy, một đứa sau này là GĐ công ty XD Thủy lợi 8. Dân Xứ Nghệ đi học gian khó thật nhưng ai cũng chăm chỉ và chịu khó học và đều học giỏi cả.
Theo Chuyện Làng quê