Ông thực chất là một điệp viên mang bí số 110 của Trung ương Cục miền Nam, được cài cắm và ẩn mình trong quân lực VNCH hơn 10 năm để rồi làm cú chốt: dẫn đơn vị mang đầy đủ vũ khí, khí tài đi thẳng vào vùng giải phóng để “đầu hàng” ngày 28/4/1975.
Lê Quang Ninh sinh năm 1942, tại xã Đạo Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Cha ông là một cán bộ tiền khởi nghĩa đã từng bị Pháp bắt 3 lần. Ông là con áp út trong số 8 anh chị em. Tất cả các anh chị của ông đều tham gia hoạt động cách mạng kháng Pháp, chống Mỹ. Sau này, mẹ ông được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông được kết nạp Đảng năm 1963.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông được ông Mười Hòa - Trưởng ban Binh vận tỉnh yêu cầu phải đăng ký học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức để hoạt động nội tuyến. Cuối năm 1964, tốt nghiệp khóa sĩ quan ở Thủ Đức, ông trở thành sĩ quan thuộc Sư đoàn 25 VNCH. Một buổi chiều đầu tháng 4/1975, thiếu tá Lê Quang Ninh nhận được chỉ thị mật của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam: "Từ ngày 25 đến 28/4, phải tổ chức tiểu đoàn làm binh biến, về với cách mạng".
Ngày 25/4/1975, từ hai hướng Phước Chỉ (Trảng Bàng) và Trung Hưng (Trung Lập Thượng, Củ Chi) Quân đoàn 3 đã tạo thành gọng kìm áp sát tuyến phòng thủ của Sư đoàn 25 VNCH. Khi các máy bay L.19 do thám bay trên bầu trời Trảng Bàng, Gò Dầu báo cáo đã nhìn thấy "Cộng quân". tướng Lý Tòng Bá vội đưa lực lượng ứng cứu cơ động (Tiểu đoàn 1/50 và Thiết đoàn 10) lên án ngữ Lộc Giang.
Sáng ngày 28/4/1975, nhận được lệnh rút quân về Đồng Dù, "thiếu tá" Lê Quang Ninh biết đã đến lúc lật lá bài tẩy. Ông đề nghị cho tiểu đoàn mình đi trước mở đường, 2 tiếng sau các xe tăng của Thiết đoàn 10 mới di chuyển theo. Đề nghị này được chấp nhận. Khi dừng lại ở đình Gia Lộc, ấp Gia Huỳnh (Trảng Bàng). Thiếu tá Ninh thấy đây là địa điểm thuận lợi để tổ chức ly khai phản chiến. Ông mời các sĩ quan trong ban chỉ huy tiểu đoàn, 4 sĩ quan đại đội trưởng hội ý tại chỗ.
Bằng lời lẽ chân thành, thiếu tá Ninh phân tích tình hình chính trị Sài Gòn: "Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm đã bỏ chạy tháo thân ra nước ngoài, Bộ Tổng tham mưu không còn ai. Ta tiếp tục chiến đấu thì chiến đấu cho ai, có ích lợi gì? Tình hình này ta phải tự cứu lấy mình. Tôi yêu cầu các anh em cùng với tôi ly khai quân đội VNCH trở súng về với quân Giải phóng". Mọi người bất ngờ nhưng chẳng ai có ý kiến gì. "Thiếu tá" Ninh tự giới thiệu mình là người của Mặt trận Giải phóng miền Nam rồi đọc chính sách 7 điểm của Mặt trận. Ông kết thúc bằng câu hỏi: "Anh em có đồng ý phản chiến không?". Tất cả đồng loạt giơ tay.
Đại úy Tiểu đoàn phó Bùi Văn Nam Sơn được ông cử đi bắt liên lạc với Quân Giải phóng. Đại úy Nam Sơn và hai người lính đeo máy truyền tin vô tuyến, không vũ khí, cột võng lên cây tre làm cờ ám hiệu, chạy xe Jeep hướng về phía Quân Giải phóng đang đóng quân. Bùi Văn Nam Sơn được các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 (Quân đoàn 3 QĐND Việt Nam) tiếp đón.
Hầu hết các đơn vị khác của tuyến phòng thủ Tây Bắc đều mất tinh thần khi nghe tin lực lượng ứng cứu cơ động đã phản chiến. Các đơn vị tuyến phòng thủ Củ Chi tan rã dần. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 50 lui về rừng cao su cạnh chợ Củ Chi rồi tan hàng. Thiết đoàn 10 rời Lộc Giang, chia ra từng tốp nhỏ ba bốn chiếc chạy về Chà Rầy, đâm thẳng về hướng Củ Chi rồi cũng tự giải tán. Tiểu khu Tây Ninh, Chi khu Trảng Bàng, Chi khu Gò Dầu tự tan hàng mà không có giao tranh gì. Trung đoàn 49 và một số binh sĩ địa phương quân Đức Hòa lùi về tuyến phòng thủ của Biệt khu thủ đô, rồi tan rã trên cánh đồng An Hạ.
Sau chiến tranh, điệp viên Lê Quang Ninh được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất và hạng ba. Ông mất ngày ngày 20/6/2018 tại TPHCM.
(Theo Tổ quốc Việt Nam đất thép thành đồng)
Theo Trái tim người lính