link tải gowin99 mới nhất

Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử  “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 7.

Về lực lượng tham chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện có 4 Đại đoàn bộ binh, trong đó có 10 trung đoàn, tổng số chiến sĩ hiện có là 53.800, 1 Đại đoàn công binh, pháo binh, cao xạ, trong đó có 2 Trung đoàn Cao xạ, 1 Trung đoàn pháo binh, 1 Đại đội công binh, 261.451 dân công vận tải hậu cần.

-Tôi đã trình bày xong sơ đồ và thế trận của Điện Biên Phủ giữa ta và địch. Có đồng chí nào có ý kiến?

  Im lặng. Đại tướng nói tiếp:

-Không đồng chí nào có ý kiến tại sa bàn, vậy mời các đồng chí lại bàn chúng ta làm việc tiếp.

ch1muong-phang-dien-bien-phu-7520-1661083560.jpg
Một góc vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng từng là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN

 

  Sau khi đã an tọa và mọi người uống nước xong, Đại tướng nói:

-Về phương pháp tác chiến, chúng ta đã cân nhắc giữa phương án “Đánh nhanh thắng nhanh" với phương án “Đánh chắc tiến chắc", lựa chọn phương án nào thì chúng ta phải căn cứ vào thực tế thế trận của ta và của Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm bao gồm nhiều cứ điểm rất kiên cố với những hầm ngầm, bê tông cốt sắt, hỏa lực rất mạnh và nhiều vũ khí loại tối tân hiện đại, có sức tiêu diệt đối phương tấn công rất lớn. Dựa vào ưu thế đó, quân Pháp ở Điện Biên Phủ dùng phương án tác chiến chủ yếu là phòng thủ chờ quân ta tấn công để tiêu diệt. Ngược lại, ở Điện Biên Phủ, quân ta làm nhiệm vụ tấn công để tiêu diệt địch cố thủ trong những hầm ngầm lô cốt kiến cố, hỏa lực mạnh. Nếu đánh nhanh thắng nhanh, quân ta phải rải đều lực lượng cùng một lúc tấn công toàn bộ các cứ điểm trên toàn mặt trận, phơi mình không có gì che chắn và làm mục tiêu cho hỏa lực của Pháp trong các lô cốt hầm ngầm, rồi pháo binh, không quân tiêu diệt, và như vậy sẽ tổn thất nặng nề, khó mà thắng lợi. Chính quân Pháp cũng rất mong chúng ta đánh nhanh thắng nhanh để sa vào cạm bẫy của chúng. Lúc đầu chúng ta đã chuẩn bị phương án “Đánh nhanh thắng nhanh", nhưng sau khi nghiên cứu kỹ phương án tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh" với phương án “Đánh chắc tiến chắc", tôi quyết định chuyển sang phương án “Đánh chắc tiến chắc”, lý do là quân ta ở Điện Biên Phủ là người đi tấn công, mà người tấn công thì bao giờ cũng phải phơi mình trên công sự kiên cố với hỏa lực dày đặc của quân Địch. Cho nên “Đánh chắc tiến chắc"  chúng ta sẽ tạo ra trận địa bảo vệ mình trong khi tấn công bằng những chiến hào. Chiến hào giúp chúng ta bảo vệ mình, chia cắt bao vây quân địch để tiêu diệt. "Đánh chắc tiến chắc" còn có nghĩa là chọn từng phân khu của địch mà lần lượt tiêu diệt, nhờ đó trong mỗi trận, chúng ta có thể dùng lực lượng nhiều gấp 3 đến bốn lần quân địch về nhân lực, hỏa pháo áp đảo để tiêu diệt địch, có nghĩa là chúng ta dồn ưu thế binh lực lần lượt tiêu diệt từng cứ điểm, từng phân khu một và cuối cùng mở toang cánh cửa tiêu diệt phân khu Trung tâm, trong đó có Sở chỉ huy Điện Biên Phủ của De Castries. Theo phương án này, cả chiến dịch có thể chia làm 3 đợt tấn công: Đợt 1 từ 13 đến 17 tháng 3 năm 1954. Nhiệm vụ của quân ta trong đợt 1 là tiêu diệt phân khu phía Bắc gồm đồi Độc Lập, Him Lam, Bản Kéo. Đợt 2 từ ngày 30 tháng 3 đến 26 đến tháng 4 năm 1954, ta có nhiệm vụ tiêu diệt A1, các cứ điểm phía đông và phân khu Trung tâm Hồng Cúm. Đợt 3 từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta tiêu diệt Phân khu Trung tâm. Thay đổi phương án tác chiến là một quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của tôi. Nhưng vì bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi, các đồng chí và toàn quân phải tuân thủ.

  Đại tướng nói tiếp:

-Trên toàn chiến trường, số lượng quân và vũ khí của Pháp là ưu thế hơn ta, nhưng đây là trận đánh mà Pháp cố thủ, ta tấn công. Điều đó cho phép ta trong mỗi trận đánh ở mỗi cứ điểm, mỗi phân khu, ta phải bảo đảm binh lực và hỏa lực hơn nhiều lần, chiếm ưu thế áp đảo để tiêu diệt địch. Các đồng chí Đại đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Chính ủy về phải quán triệt cho các đồng chí từ Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội, Trung đội, Tiểu đội và từng chiến sĩ  phải dũng cảm và sáng tạo trong cách đánh, trong chiến thuật, kỹ thuật thật linh hoạt để giành thắng lợi.

  Đại tướng đứng dậy và nói:

-Trước khi chúng ta ra mặt trận, Bác Hồ có trao cho mỗi Đại đoàn một lá cờ mang dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng” để các đồng chí đem theo ra trận và cắm trên các nóc cứ điểm mà chúng ta chiếm được. Lá cờ mà Bác kính yêu đã trao cùng ra trận với các đồng chí và các chiến sĩ, là nguồn động viên to lớn đối với chúng ta.

- Bộ chỉ huy chiến dịch trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác cho các Đại Đoàn:

-Đại đoàn bộ binh 308, đồng chí Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ.

-Báo cáo Đại tướng, có tôi.

-Đại đoàn bộ binh 304, đồng chí Đại đoàn trưởng Hoàng Minh Thảo.

-Báo cáo Đại tướng, có tôi.

-Đại đoàn bộ binh 312, đồng chí Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn.

-Báo cáo Đại tướng, có tôi.

-Đại đoàn bộ binh 316, đồng chí Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba.

-Báo cáo Đại tướng, có tôi.

-Đại đoàn công binh-pháo binh 351, đồng chí Đại đoàn trưởng Đào Văn Trường.

Năm Đại đoàn trưởng đứng nghiêm, 5 chiến sĩ cầm 5 lá cờ đứng đối diện. Đại tướng lần lượt cầm cờ từ tay 5 chiến sĩ trao cho các Đại đoàn  trưởng.  Đại tướng nói:

-Về nhiệm vụ cụ thể, Đại đoàn nào đánh Trung tâm đề kháng, cụm cứ điểm nào, Bộ chỉ huy sẽ nghiên cứu và giao cụ thể sau. Các đồng chí về lãnh đạo Đại đoàn kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, giành thắng lợi, cắm lá cờ của Bác lên nóc những cụm cứ điểm mà Đại đoàn đã tiêu diệt.

Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt cho các Đại đoàn trưởng nói:

-Kính thưa Đại tướng, kính thưa các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch, chúng tôi xin hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, kiên quyết cắm là cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác lên các cứ điểm và nóc hầm Sở chỉ huy De Castorie.

Đại tướng nói:

- Đại Đoàn công binh, pháo binh nghe lệnh.

  Đại tá Đào Văn Trường bước ra:

-Có tôi, thưa Đại tướng:

-Nay giao cho Đại đoàn đồng chí phải hoàn thành những nhiệm vụ công binh mà các trận đánh yêu cầu, pháo binh phải chi viện tốt và hỗ trợ cho các Đại Đoàn bộ binh chiến đấu, phải bắn chính xác phá tan các lô cốt, hầm ngầm, bắn tiêu diệt pháo binh và máy bay ở sân bay của địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm, pháo cao xạ phải bắn rơi máy bay địch từ Gia Lâm, Cát Bi, Đồ Sơn lên ném bom, thả dù tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phải tuân theo nguyên tắc bố trí phân tán nhưng hỏa lực tập trung, bắn chính xác và có hiệu quả, phải tiết kiệm đạn, bắn bao nhiêu, bắn vào đâu phải được Bộ chỉ huy chiến dịch cho phép.

  Đào Văn Trường đáp:

-Thưa đồng chí Đại tướng, chúng tôi kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ mà Đại tướng đã giao phó.

-Chúc các đồng chí thắng lợi.

  Tất cả cùng đáp:

-Chúng tôi sẽ thực hiện mệnh lệnh của đồng chí Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch, sẽ đem thắng lợi về dâng Bác kính yêu nhân ngày sinh nhật của Người.

VI

  Đã bước sang đầu tháng 3, nắng chan hòa rải xuống khu rừng đóng quân của Đại đoàn 312, chan hòa rừng núi Điện Biên Phủ. Cây cổ thụ, cây không tên, dây leo rậm rạp, nhưng nhiều nhất là giang, nứa, tre luồng phủ trên lán trải kín mít. Nắng chui lọt qua các kẽ lá tạo nên những giọt li ti rơi xuống. Gió thổi lá rung xào xạc, lá vàng rơi lả tả. Những ngọn đồi núi nhấp nhô xanh màu lá và trắng màn sương mỏng bao quanh.

  Sở chỉ huy của Đại đoàn 312 là ngôi nhà 3 gian lợp lá cọ, vách nứa đan. Trong nhà kê những chiếc bàn gỗ đơn sơ, hai bên bàn là những chiếc ghế gỗ dài. Quanh nhà có những chiếc hầm tránh bom đạn giành cho Đại đoàn bộ. Trên bàn có những chiếc xoong đun nước và chén uống nước màu nâu. Đại đoàn Trưởng Lê Trọng Tấn đang ngồi xem lại sơ đồ Điện Biên Phủ, chợt chuông điện thoại vang lên. Đại tá vội cầm máy:

-Alô, tôi Lê Trọng Tấn xin nghe.

  Bên kia đầu dây, tiếng Đại tướng ấm áp:

-Tôi Võ Nguyên Giáp đây, chào đại tá.

-Xin chào Đại tướng.

-Đại tá nhận lệnh cụ thể của trận đánh mở màn.

-Dạ, tôi nghe, thưa Đại tướng.

-Tôi giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 312 tấn công diêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Về thời gian tấn công, 17 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954. Mở đầu trận đánh, tất cả pháo của ta gồm 40 khẩu 75 ly, 120 ly đồng loạt bắn vào Him Lam, bắn vào pháo binh Pháp, bắn vào sân bay Mường Thanh. Số đạn được bắn 1000 viên để tiêu diệt hỏa lực, lô cốt, hầm hố, công sự. Dứt đợt pháo thì bộ đội của đồng chí tấn công. Còn tấn công như thế nào, Trung đoàn nào, Tiểu đoàn nào, Đại đội nào tham gia đánh ở đâu thì đồng chí bàn cụ thể với Ban Chỉ huy Đại đoàn và các Ban Chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn. Lưu ý là ở Him Lam có thể hình thành thế bao vây mà tiêu diệt địch, thứ hai, đây là trận mở màn nên phải thắng lợi. Đồng chí họp Ban Chỉ huy Đại đoàn triển khai và báo cáo về Bộ Chỉ huy. Chúc các đồng chí thắng lợi.

-Thưa Đại tướng, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí giao phó, sẽ cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác trên đồi Him Lam. Chào Đại tướng.

  Buông máy điện thoại, Lê Trọng Tấn gọi liên lạc viên:

-Đồng chí đi mời đồng chí Trần Độ, đồng chí Hoàng Kiên và các đồng chí Trung đoàn trưởng trung đoàn 141 Quang Tuyến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 Lê Thùy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Hoàng Cầm tới họp.

-Dạ, tuân lệnh Đại tá.

  Một lát sau, Ban Chỉ huy Đại đoàn và 3 Trung đoàn trưởng đã có mặt. Đại tá Lê Trọng Tấn nói:

-Tôi vừa nhận được lệnh của đồng chí Đại tướng hạ lệnh cho Đại đoàn ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến dịch. Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch thì thời gian mở màn là 17 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954. Trước khi bộ đội của Đại đoàn ta xung phong thì thì Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho tất cả pháo của ta sẽ bắn phá dữ dội vào Him Lam, vào sân bay, vào pháo binh Pháp, tiêu diệt tất cả hỏa lực, máy bay của chúng. Đặc biệt pháo sẽ bắn dữ dội vào Trung tâm đề kháng Him Lam, tạo thuận lợi cho Đại đoàn ta tấn công. Đồng chí Đại tướng nhấn mạnh đây là trận mở đầu nên phải quyết thắng, với Him Lam phải tạo thế bao vây để tiêu diệt địch.

(Còn nữa)

CVL