link tải gowin99 mới nhất

Đến với thi phẩm qua câu thơ lưu lạc

Ngạn ngữ phương Tây có câu "Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật" còn Việt Nam ta cũng có câu chuyện rất thú vị về việc đánh giá một sự vật, hiện tượng, đó là câu chuyện Thầy bói xem voi.

den-voi-thi-pham-1632640956.jpg

Khi ta đánh giá không đầy đủ về một sự vật, hiện tượng, có thể đi xa bản chất của nó, thậm chí đổi trắng thay đen, tốt thành xấu hoặc ngược lại. Tôi không dám gọi đây là bài viết, chỉ dám chia sẻ cảm nhận của mình về một câu thơ vốn không nổi tiếng, lại trở nên tai tiếng trong suốt mấy năm gần đây, đặc biệt cứ mỗi dịp hội thơ.

Tôi là dân "ngoại đạo" về thơ văn, vì vốn dĩ là dân khối A, nay lại làm công việc không liên quan gì đến văn thơ cả. Chính vì vậy, những chia sẻ của tôi cũng chỉ là bày tỏ cảm nghĩ của mình về câu thơ ấy mà không hề là tranh biện đúng sai hay phân tích cái hay cái đẹp như một người hành văn chuyên nghiệp, và dĩ nhiên, không thể thấy được đầy đủ cái hay cái đẹp và chỉ ra những chỗ còn thiếu sót.

Thực ra, tôi bắt gặp câu thơ của Trần Anh Trang rất tình cờ. Tôi không rõ đọc tự bao giờ nhưng mỗi dịp đầu năm mới, người ta thường chia sẻ bức ảnh chụp bức phướn có in câu thơ treo trong khuôn viên Quốc tử giám mà bôi bác. Nhiều người bình luận thậm tệ, và bản thân tôi nhiều lần đọc cũng không hề thấy cái hay, cái đẹp của câu thơ. Không hiểu sao người ta lại in mà tôn vinh nó:

"Đêm ôm vợ chợt thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ"

Cá nhân tôi cho rằng, đây là câu thơ không hay kể cả về nghệ thuật, nhất là rất vô duyên về nội dung. Ôm vợ mà giật thót thương đến một con thuyền, tôi cứ nghĩ người đàn ông trong bài thơ là một kẻ không đứng đắn, chắc lại thương bồ nhí bên ngoài lẻ loi. Tuy nhiên, tôi cũng thường lướt qua mà không đến mức comment vào chửi bới như nhiều người "tay nhanh" khác. Tôi nghi, chắc "tay" chọn thơ làm bức phướn "chơi" không đẹp!

Tôi không biết nhà thơ Trần Anh Trang là ai cả. Tôi chỉ học và đọc các bài thơ hầu như trong sách giáo khoa phổ thông. Những cái tên quen thuộc đến giờ tôi vẫn có thể kể tên như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu, Xuân Diệu... còn Trần Anh Trang thì tôi chưa nghe tên chứ đừng nói là đọc thơ của ông ấy. Thật tình cờ, vừa rồi tôi lại được đọc bài thơ của ông ấy cũng thông qua Facebook. Và, câu thơ vô duyên kia lại nằm trong một bài thơ mà đọc vào lại khiến tôi thích thú. Đó là bài thơ Tình biển cả của Trần Anh Trang viết năm 1966.

Mở đầu là một khổ thơ giới thiệu không gian sống của chủ thể, cái không gian mênh mông biển cả, đất trời:

Biển ta xanh như trời ta xanh thẳm

Đêm ta nằm mắt khép một vành trăng

Giấc ngủ đến, đâu màu đen sâu thẳm

Mà màu xanh ru mỗi giấc ta nằm

Qua khổ thơ đầu tôi thấy được một người đàn ông gắn liền với biển. Đây có thể là người ngư dân, cũng có thể là anh lính biển đang tự sự về mình. Cuộc sống gắn liền với màu xanh, đến trong giấc ngủ những hình ảnh biển xanh cũng hiện hữu. Tôi ấn tượng với câu:

Đêm ta nằm mắt khép một vành trăng

Tôi rất thích cụm từ "mắt khép", khác hoàn toàn những hành động tương tự nhắm mắt. Đôi mắt như cánh cửa, chỉ khép hờ ẩn hiện vành trăng trên trời cao lơ lửng. Đọc câu này, cảm giác như đây là tâm sự của một người thường xuyên lênh đênh trên biển, cô đơn như chính vành trăng trên trời cao kia vậy. Họ chỉ biết bầu bạn với biển xanh và vành trăng xa cao ấy.

Khổ sau chính là khổ chứa câu thơ tai tiếng:

Cuộc đời ta với con thuyền là một

Đau mỗi đợt sóng dồi, vui mỗi buổi ra khơi

Đêm ôm vợ chợt thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơi vơi

Đúng như cảm nhận ở khổ đầu, sang khổ này tác giả đã nói rất rõ. Cuộc đời vui buồn thăng trầm với con thuyền. Người với thuyền không chỉ là bạn, là thịt da, là sự sống... Người miền biền biển gắn đời với biển, và con thuyền đã như máu thịt của bản thân. Người yêu thuyền yêu biển, khắc khoải không ngừng, thậm chí:

Đêm ôm vợ chợt thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơi vơi

Vợ là người đầu ấp, tay gối, rõ ràng chiếm tình yêu thương lớn của người đàn ông. Tôi không phải người miền biển, nhưng tôi tin khi lênh đênh trên biển, hẳn họ sẽ luôn nghĩ đến vợ con đanh mong ngóng trong đất liền. Nhưng người đàn ông đêm ôm vợ vẫn giật thót thương xót đến con thuyền chơ vơ cô quạnh ngoài đầu bãi. Câu này khiến tôi tò mò, phân vân. Như vậy, con thuyền với người miền biển này không chỉ đơn thuần là phương tiện kiếm sống nữa. Và chắc chắn các khổ sau, anh ta sẽ trãi nỗi lòng ra cho độc giả biết.

Đến đây, hai câu thơ của Trần Anh Trang không còn "vô duyên" như trước kia tôi nghĩ nữa, mà là câu thơ ẩn giấu dụng ý, đòi hỏi người đọc phải đọc tiếp. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, câu thơ đó không thể là tinh túy của bài thơ, đến mức đem ra để trưng bày. Câu thơ đặt trong tổng thể thì hay, tách bạch ra thì quả là thô thiển. Nó như người ta bảo con voi là cái chổi xể, cái cột đình hay cái quạt...vậy.

Tuổi đời ta mỗi lần đi biển

Chẳng nhớ trăng tròn nhớ mẻ lưới nặng tay

Lưới ta giăng gọi đàn cá đến

Tăm reo vui mở rộng giữa ban ngày

Tiếng sóng chen vào trong tiếng mẹ ru con

"Trai là con cá kình, gái là con cá song"

Bài hát cũ ru ta hồi thơ ấu

Lại vỗ về quanh những chiếc nôi son

Những người chết xây đầu ra biển rộng

Ôm mảnh buồm như vạt áo che thân

Như những con thuyền cắm neo trong lộng

Ngóng vọng nước triều mỗi đợt xuống lên

Các câu thơ là bản tóm tắt cuộc sống của người dân biển. Không biết Trần Anh Trang có phải dân biển không, nhưng rõ ràng ông đã tái hiện được những hình ảnh cũng như tâm hồn người miền biển. Biển gắn liền với cuộc đời ngay từ thuở trong nôi, đến nổi tiếng sóng biển chen lời ru của mẹ. Và, bỏ mạng lại "dùng" mảnh buồm che thân mà xây đầu ra biển cả. Đến đây ông làm tôi nhớ đến hình ảnh người trai hùng thời cổ, sẵn sàng ra trận với "da ngựa bọc thây". Dĩ nhiên, mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng nó cũng cho thấy được thái độ lạc quan của người đi biển. Cách dùng ngôn từ của Trần Anh Trang cũng rất hay. Tôi không dám lấn sân của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Tôi kết mấy câu hay như "Lưới ta giăng gọi đàn cá đến" (cá tìm đến lưới mà chẳng phải bị ép buộc bắt đâu, thật độc đáo)

Biển là của ta cả những ngày biển động

Giặc Pháp bắn thuyền chẳng đắm được lòng ta

Cây san hô trên tường cũng đi tìm giặc đánh

Xác chúng chôn dài trên bãi biển quê ta.

Như cha anh người dân chài bám biển

Nghe đất liền gọi cá bạc tươi ngon

Chỉ một thuyền con đương đầu tàu chiến

Vững tay chèo khi giặc Mỹ quăng bom

Ta ra ngoài khơi, ta vào trong lộng

Buồm trắng, buồm nâu thuyền hợp tác đi về

Chờ kéo lưới ta nhìn trời mơ mộng

Cá lẫn xác thù trong mỗi mẻ lưới rê

Ba khổ thơ tái hiện hình ảnh quen thuộc của văn học thời kì chiến tranh và hậu chiến của văn học miền Bắc XHCN. Hình ảnh và cảm xúc không khác nhiều bài thơ, văn khác với chủ đề toàn dân đánh giặc, đến cây cỏ biển trời cũng căm hận giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, đặt bài thơ trong bối cảnh 1966 thì rõ ràng đây là những vần thơ mang hơi thở thời đại. Nó cổ vũ tinh thần toàn dân tộc bừng bừng khí thế chống giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lăng. Thậm chí, nói không ngoa, nó cũng vẫn có giá trị cổ vũ quân, dân bám biển, bám ngư trường khẳng định chủ quyền dân tộc trước gã khổng lồ phương bắc.

Bài thơ khép lại bằng cái kết thật đẹp và nhẹ nhàng nhưng cũng không thiếu bi thương. Trần Anh Trang thật khéo vuốt ve xúc cảm người đọc khi chốt những câu thơ điển hình tình biển cả:

Nhỏ giọt mồ hôi mến tình biển mặn

Thấm giọt máu hồng càng yêu sắc biển xanh

Buổi cập bến những khoang thuyền đầy đặn

Người đi về in những bước chân nhanh.

Mồ hôi trong biển mặn, máu đỏ với biển xanh, người đi biển với bao vất vả, thậm chí đổ máu vì giữ biển và có khi "xây đầu vào biển rộng", họ chỉ khát khao thật giản đơn là những chuyến thuyền đầy khoang, để lại "in những bước chân nhanh" về với gia đình đang ngóng trông.

Với tôi Trần Anh Trang không phải là nhà thơ nổi tiếng tầm Huy Cận, bài thơ Tình biển cả cũng không điển hình như Đoàn thuyền đánh cá hay Chút thơ tình lính biển...nhưng bài thơ của Trần Anh Trang xứng đáng được quảng bá rộng rãi để người đọc được sống trong cảm xúc người đi biển, có niềm tin hơn vào tình biển cả. Bài thơ đan xen sự lạc quan với biển nhưng cũng có pha chút tâm trạng của Vọng Phu. Tôi nghĩ đây là bài thơ hay.

Theo Chuyện làng quê