Tối 24/2/2023, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam công diễn buổi Hoà nhạc số 151 “Liszt & Tchaikovsky” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ tài năng.
FRANZ LISZT
Piano concert No.1 in E flat-major, S.124
Mở đầu chương trình là bản Concerto số 1, giọng Mi giáng trưởng của F.Liszt được nghệ sỹ piano tài năng Ngô Phương Vi trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài ba Trần Vương Thạch.
Tác phẩm lần đầu được công diễn lần đầu tại Weimar vào năm 1855. Với Liszt, viết ra một bản nhạc mới hay chơi ứng tác chỉ đơn giản như một trò chơi, nhưng với những tác phẩm nghiêm túc cho đời, ông lại rất trăn trở, lâu công. Bản Concerto số 1 cho Piano của Franz Liszt đã được sáng tác, sáng tác lại và sửa đi sửa lại trong hơn một phần tư thế kỷ - 26 năm.
Năm 1830, khi mới 19 tuổi, Liszt đã ghi nhanh một ý tưởng âm nhạc ra phác thảo và dự định dựng thành một bản concerto cho cây đàn yêu quý với dàn nhạc. Hai năm sau, trong một lá thư, ông viết: “Tôi đã chuẩn bị và soạn thảo một số bản cho khí nhạc rất lâu rồi, trong số đó có một kế hoạch concerto mà tôi nghĩ sẽ mới mẻ và tôi vẫn đang soạn phần đệm”. Năm 1834, bản concerto đã được phác thành ba chương theo đúng tiêu chuẩn thường lệ của thể loại vào thời Cổ Điển và đầu Lãng mạn. Nhưng phiên bản ban đầu đã bị bỏ lại, tới năm 1839, Liszt chỉ giữ lại chủ đề chính ấn tượng để viết lại toàn bộ tác phẩm. Theo tư duy âm nhạc cơ bản, tác phẩm có thể được phân chia thành bốn chương, nhưng trong thực tế trình diễn, nghệ sỹ có thể dẫn dắt người nghe theo một mạch liên tục không ngừng nghỉ. Sự thống nhất, tổng hợp liên chương thành một cũng là một đặc điểm của âm nhạc thời kỳ Lãng mạn, để khán giả thưởng thức ở trạng thái hoàn toàn tập trung, đi theo khối cảm xúc, tư duy nghệ thuật trọn vẹn hơn, không bị phân ngắt.
Tác phẩm gồm 4 chương:
Chương I: Allegro maestoso (nhanh, hùng tráng) đưa ra chủ đề chính bằng một mô-típ đầy uy lực, tiếp nối bằng màn trình diễn ngoạn mục của nghệ sỹ độc tấu với những kỹ thuật đàn bậc cao, biến hóa qua nhiều sắc thái, đặc trưng Liszt.
Chương II: Quasi adagio (khá chậm) có một phân đoạn piano chơi không dàn đệm tựa một bản dạ khúc Nocturne, có tính ca xướng êm dịu; song nối tiếp là không khí trăn trở, dữ dội của cả cây đàn độc tấu cùng dàn nhạc. Kết chương là khi cây piano tạo thành làn sóng lăn tăn, hỗ trợ giai điệu ngâm vịnh của clarinet.
Chương III: Allergretto vivace – Allegro animato có phần đầu Allegretto vivace - hơi nhanh và sinh động, khởi đầu bằng tiếng triangle; phần sau Allegro animato - nhanh và sống động. Chương nhạc này vui nhộn, như đùa giỡn ("capriccioso scherzando"), chứa những phân đoạn sóng đôi giữa piano và các kèn gỗ.
Chương IV: Allegro marziale animato (nhanh, uy dũng và sống động) tái hiện các nét chủ đề chính từ các chương trước, về cuối càng thêm hoạt náo bởi cách xử lý tiết tấu phức tạp.
PETER ILYICH TCHAIKOVSKY
Symphony No.4 in F-minor, Op.36
Nối tiếp chương trình là bản giao hưởng số 4, Op.36, giọng Fa thứ của nhà soạn nhạc Tchaikovsky, được viết từ khoảng năm 1877 đến năm 1878. Đây được xem như một lời hồi đáp gửi tới Beethoven…
Tchaikovsky đã từng mô tả cho hình tượng chương I, bản giao hưởng số 4 của mình: “Cuộc đời là một chuỗi liên tục đan xen giữa hiện thực gian khổ với những giấc mơ thoáng qua và ảo ảnh hạnh phúc… Không có thiên đường nào tồn tại, ta sẽ trôi dạt trong bể đời đó cho đến khi bị nhấn chìm vào thẳm sâu”.Ý niệm của ông là “chương đầu tiên đại diện cho Số Phận”, có lẽ vì vậy đó là lý do mà ở châu Âu người ta gọi nó bằng biệt danh “Fatum”, hay “Fate” (“Số Phận”).
Mở đầu khúc nhạc là tiếng kèn hiệu triệu, là "hạt nhân, tinh hoa, tư tưởng chủ đạo của bản giao hưởng" đại diện cho "Số phận", là "sức nặng chí tử ngăn trở con người ta đạt tới đích hạnh phúc...mà ta không thể làm gì khác, chỉ đành chịu khuất phục và than thở vô vọng".
Nhà soạn nhạc khẳng định đây vừa là nhạc chương trình vừa là lời phản hồi Bản giao hưởng 5 của Beethoven. Mô-típ bốn nốt mở đầu Giao hưởng 5 của Beethoven cũng có phần tương đồng với giai điệu hiệu triệu (fan-fare) mở đầu Giao hưởng 4 của ông. Giai điệu hiệu triệu này cũng là điểm nhấn có vai trò chính trong cấu trúc tác phẩm, giống như cách làm của Beethoven.
Tác phẩm gồm 4 chương:
Chương 1: Andante sostenuto (hơi chậm) - Moderato con anima (vừa phải, linh động) - Moderato assai, quasi Andante (vừa phải, gần như chậm) - Allegro vivo (nhanh, linh hoạt).
Phần mở đầu là “mầm mống”, là ý chính của toàn bộ bản giao hưởng. Đây là Định mệnh, thế lực không thể lay chuyển ngăn cản những khát vọng hạnh phúc. Tchaikovsky miêu tả sức mạnh không thể lay chuyển của Định mệnh đó bằng những màn trình diễn tuyệt đẹp của âm thanh bộ đồng và bộ gỗ. Đây là một trong những phần mở đầu hấp dẫn và kịch tính nhất trong tất cả các tác phẩm văn học giao hưởng.
Phân đoạn thứ hai của bản giao hưởng thể hiện một giai đoạn trầm đọng khác: Cảm giác u sầu đến vào buổi tối, khi bạn đang ngồi một mình, mệt mỏi với công việc, và bạn cầm một cuốn sách nhưng nó lại rơi khỏi tay bạn. Những kỷ niệm tràn về. Thật buồn khi có quá nhiều thứ qua và đã qua; thật thú vị khi nhớ lại tuổi trẻ của một người.
Chương 2: Andantino in modo di canzona (khoan thai, như hát).
Chương thứ hai của bản giao hưởng thể hiện một giai đoạn trầm đọng khác: cảm giác u sầu đến vào buổi tối, khi bạn đang ngồi một mình, mệt mỏi với công việc, và bạn cầm một cuốn sách nhưng nó lại rơi khỏi tay bạn. Những kỷ niệm tràn về. Thật buồn khi có quá nhiều thứ qua và đã qua. Thật thú vị khi nhớ lại tuổi trẻ của một người.
Chương 3: Scherzo - Pizzicato ostinato — Allegro (phần đầu scherzo: nền gảy dây – phần sau nhanh).
Phân đoạn thứ ba không thể hiện bất kỳ cảm xúc chính xác. Đây là những hình ảnh uốn lượn quanh nhau, những hình ảnh khó nắm bắt lướt qua trí tưởng tượng của một người khi người ta đã uống một chút rượu và đang ở giai đoạn đầu của cơn say. Tinh thần của một người không vui, nhưng họ cũng không buồn.
Chương 4: Finale - Allegro con fuoco (kết: nhanh, rực lửa).
Hình ảnh của một “Lễ kỷ niệm Nông dân” hiện ra qua cách trích dẫn một bài hát dân ca nổi tiếng của Nga: “The Little Birch Tree”. Sau đó, lễ kỷ niệm bị gián đoạn bởi sự trở lại của mô-típ "Số phận" đã được nhắc đến ở chương đầu tiên của bản giao hưởng.
NHẠC TRƯỞNG TRẦN VƯƠNG THẠCH
Sự thành công của buổi hoà nhạc không thể không nhắc đến NSUUT, Nhạc trưởng Trần Vương Thạch. Ông sinh ngày 5 tháng 7 năm 1961 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu học đàn violin từ năm 10 tuổi, tốt nghiệp violin bậc Đại học tại Nhạc viện TP.HCM năm 1984 và được giữ lại làm giảng viên môn violin tại Khoa Giao hưởng Nhạc viện TP.HCM.
PIANIST NGÔ PHƯƠNG VI
Điểm nhấn đáng chú ý trong đêm hoà nhạc là màn trình diễn Piano đến từ nghệ sĩ trẻ Ngô Phương Vi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc: Bố là nghệ sĩ Ngô Phương Đông, Trưởng khoa Kèn gõ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; mẹ là nghệ sĩ Trần Vân Cơ, giảng viên đệm piano khoa Kèn gõ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Vì vậy, “tính nhạc” trong Phương Vi đã được thấm nhuần và hiện hình rõ ràng ngay từ lúc còn nhỏ.
Phương Vi từng theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS.TS Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà. Sau đó, Vi nhận được học bổng đại học danh giá, chuyên ngành Cử nhân Biểu diễn Piano tại Trường  nhạc Jacobs, Đại học Indiana, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Jean-Louis Haguenauer. Trong thời gian đó, cô đã có một năm tham gia chương trình trao đổi âm nhạc tại Vienna, Áo. Hiện tại, cô đang theo học Chương trình Thạc sĩ Âm nhạc, chuyên ngành Biểu diễn Piano tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Biểu diễn ở Vienna, Áo.
Chương trình được đồng hành bởi các nhà tài trợ Mitsubishi Corporation, Canon Inc, Eneos Corporation, Roygent Parks Hanoi.