Thắng lợi của trận đánh sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, hệ thống đồn bốt địch quanh vùng bị lung lay, các trận địa pháo phía sau nó bị uy hiếp, và sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy đặt ở Biên Hòa bị đe dọa nghiêm trọng... Mãi sau này khi tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh, mọi người mới thấy tiến công vào Hốc Bà Thức là trận chiến đấu có ý nghĩa tạo thế, còn lúc ấy bằng vốn sống thực tế chiến đấu của mình, thấy rằng nếu thắng địch ở đây sẽ gây cho chúng nhiều xáo động, vì vậy mà ai nấy đã dồn công sức của mình vào làm tốt công việc phục vụ cho trận đánh. Ngoài yêu cầu chung của chiến dịch thôi thúc, đối với Trung đoàn 113 đặc công còn có cái “hậu” riêng bức xúc nữa.
Chính cái căn cứ này đã gây cho chúng tôi không biết bao nhiêu là khó khăn, thậm chí cả đổ máu nữa trong những năm tháng đứng chân ở đây. Đặt căn cứ ở Hốc Bà Thức, địch có thể thường xuyên uy hiếp vùng giải phóng của ta, đồng thời là hàng rào vững chắc ngăn chặn không cho ta thâm nhập vào vùng chúng tạm thời kiểm soát. Đặc biệt, về mùa mưa căn cứ này rất lợi thế, chung quanh là trảng trống, sình lầy, ta đột nhập vào cũng khó, ngược lại chúng có thể từ đây quan sát khống chế ta trong phạm vi xa, ngăn cản không cho ta di chuyển từ trong ra, từ ngoài vào. Với vị trí có tầm lợi hại như thế, nên sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, địch càng chú ý tăng cường sức mạnh cho nó.
Ngoài thiết đoàn 15 thường xuyên có mặt, địch còn điều thêm về đây liên đoàn 374 biệt động quân, hai đại đội biệt kích thuộc lữ đoàn 81 Biên Hòa. Vì vậy khi nhận nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ này, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 9 ai nấy đều phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm; thế là thời cơ rửa hận đã đến! Đánh như thế nào và đánh bằng cách nào? Đó là một câu hỏi chung mà tất cả chúng tôi đều có nhiệm vụ phải trả lời đúng và nhanh, không cho phép kéo dài trong việc tranh luận. Mọi ngƣời đều có quyền hiến kế nhƣng phải ngắn gọn, rõ, cụ thể, không được hô hào chung chung, không được lấy tư tưởng, nhận thức thay cho biện pháp. Với tinh thần ấy, chúng tôi tìm được cách đánh phù hợp dưới đây: Một, lực lượng đánh chia thành bốn mũi, theo bốn hướng, dùng kỹ thuật binh chủng mà đột nhập (mật tập chứ không cường tập), giải quyết gọn trong đêm.
Hai, tổ chức một số tổ hỏa lực tiến công “lai rai” về mọi hướng khác, nhằm đánh lạc sự phán đoán của địch về hướng đột nhập của ta, gây cho địch những ngộ nhận, cho rằng lực lượng đối phương đông, đâu đâu cũng tiến công, uy hiếp chúng. Ba, tổ chức một lực lượng đánh địch phản kích định chiếm lại mục tiêu đã mất. Bốn, trong khi đại bộ phận Tiểu đoàn 9 tiến công Hốc Bà Thức, thì đội vũ trang tuyên truyền của Trung đoàn và một bộ phận của đại đội 53 trinh sát cùng phối hợp nổ súng, đánh chiếm ấp Bình Trị, mở rộng địa bàn ra phía sau, bảo vệ Sở Chỉ huy trung đoàn. Lễ xuất phát bước vào trận đánh được tổ chức đơn giản nhưng rất trang nghiêm tại bìa rừng Bùng Binh. Đồng chí Hai Thoạn, Chính ủy sư đoàn (*) trao cờ Quyết thắng cho đơn vị vào cắm trên nóc căn cứ Hốc Bà Thức. Mỗi chúng tôi trào dâng lên một cảm xúc khó nói nên lời. Ai cũng phấn khởi nhưng rất nghẹn ngào vì được biết chiến dịch cuối cùng này là chiến dịch mang tên Bác. Thế là mỗi chúng tôi lại nghĩ về Bác với một tình cảm trân trọng thiêng liêng bội phần. Trong đội ngũ những người vào trận đêm nay tuổi đời còn rất trẻ, gần như không ai có cái vinh dự được gặp Bác, mà chỉ được biết cuộc đời của Bác, những mẩu chuyện đạo đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư của Bác qua những người anh, người cha kể lại, qua đọc sách, báo, qua nghe đài truyền thanh.
Mỗi người bằng trí tưởng tượng của mình, đều hình dung hình ảnh Bác về dự lễ thành lập Binh chủng (19 tháng 3 năm 1967) và chính mình như được nghe Bác huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt”. Giờ đây chúng tôi mang theo lời Bác dạy đi vào trận đánh hiệp đồng chính thức với đại quân ta trong chiến dịch mang tên Người với một tình cảm bồi hồi nhớ Bác, nhƣng cũng rất lạc quan, rất vững tin vì vẫn có “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Đêm nay 28 tháng 4,chúng tôi hành quân dưới làn pháo cỡ lớn của quân ta đang bắn dữ dội vào sân bay Biên Hoà, vào sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy. Mặt đất rung lên từng hồi và bầu trời chao đảo. Sau những tiếng nổ dữ dội là những ánh chớp xanh, đỏ tung toé, đan vào nhau, tất cả đều chụp xuống các đồn bót địch.
Đêm 28 tháng 4 là “Đêm chiến tranh”! Đúng là như thế! Không gian của miền Đông Nam Bộ, ở vùng cửa ngõ bắc Sài Gòn này đan dày những tiếng nổ! Vậy mà chúng tôi không hề có cảm giác là ác liệt! Ngược lại thấy mình đang sống trong tâm trạng phấn chấn và náo nức. Đội hình hành quân đến cách mục tiêu chưa đầy một km thì dừng lại triển khai Sở Chỉ huy và dồn lực lượng làm công tác chuẩn bị lần cuối trước khi các mũi thực hành đột nhập. Vừa lúc ấy đội vũ trang tuyên truyền cũng hoàn thành nhiệm vụ kịp thời trở về phối thuộc với Tiểu đoàn 9 đảm nhận công việc bảo vệ Sở Chỉ huy. Đồng chí Nguyễn Văn Tuyến, Tiểu đoàn phó chỉ huy trận đánh. Ở Sở Chỉ huy, chúng tôi theo dõi đến từng phút về phía mục tiêu, nghe ngóng động tĩnh. Kim đồng hồ chỉ 24 giờ. Lúc này tiếng súng chung quanh im hẳn, chỉ thoáng nghe tiếng đại bác cầm canh từ xa vọng lại. Địch thầm đoán có thể sắp qua một đêm hãi hùng. Chúng mong trời sáng đến từng giây. Nhưng chính lúc không gian có vẻ yên ắng là lúc các binh đoàn chủ lực của ta đang ầm ầm chuyển động, báo hiệu một ngày căng thẳng mới bắt đầu. Số phận bi thảm của đội quân đánh thuê cho Mỹ đã bị rút ngắn, chờ giờ cáo chung. Đúng vào lúc 2 giờ sáng, từ đầu dây bên kia, đồng chí Phùng Truyền(*), Chính trị viên gọi điện báo cáo: - Các mũi đã lọt vào trong căn cứ. - Động viên các đơn vị bí mật khẩn trương triển khai đến từng mục tiêu đã được phân công cho kịp giờ nổ súng! -
Tôi ra lệnh tiếp. Bỗng có tiếng súng nổ! Súng nổ trước giờ quy định một tiếng. Rõ ràng là bị lộ! Rồi tiếng nổ dồn dập hơn! Sở Chỉ huy chuyển động, ai cũng đổ dồn vào câu hỏi: tại sao súng nổ sớm? Nếu lộ thì đối phó thế nào? Có dùng mật tập nữa hay phải dùng cường tập, và như vậy thì lấy đâu ra lực lượng? Hàng loạt câu hỏi cứ đặt ra trước mắt chúng tôi... Riêng tôi đứng ngồi không yên. Mặc dầu đồng chí Tuyến và Truyền chưa có báo cáo cụ thể, nhưng tôi trở nên hơi lúng túng. Đánh trước giờ quy định đối với bộ đội đặc công là tối kỵ. Như vậy sẽ có thương vong! Thế có nghĩa là người chỉ huy đã không làm tròn trách nhiệm vì không dự kiến trước tình huống này có thể xảy ra để có kế hoạch chủ động đối phó...! Tôi như đang lên cơn sốt, đầu nóng ran, trán lấm tấm mồ hôi, ngực như có vật gì đè nặng; tôi chộp lấy máy điện thoại định gọi xuống Tiểu đoàn 9 xem sự thể ra sao thì vừa lúc chuông réo đổ hồi, nghe inh cả tai. Không chờ tiếng nói từ đầu dây bên kia, tôi nói như thét trong máy mặc dầu biết rằng có thét to thì máy điện thoại cũng vẫn giữ âm lượng đủ nghe: - Làm sao! Làm sao lại có súng nổ trước giờ quy định? - Báo cáo thủ trưởng! Cánh quân đột nhập vào hướng nam bị lộ. - Bị lộ? Tôi hỏi lại như sợ mình nghe nhầm. - Rõ! - Tiếng đồng chí Truyền khẳng định. Tôi như gắt lên: - Phải vượt khó khăn, xốc lên mà đánh! Chần chừ lúc này là chết! Rõ chưa! Rõ chư...a!... Rồi chợt nghĩ thấy mình gắt là vô lý. Dù sao thì việc đã rồi, lúc này đừng làm cái gì gây rối cho cấp dưới, như thế càng rối thêm, sẽ mất bình tĩnh, mất sáng suốt đối phó...
Thế là tôi vội hạ giọng, cố trấn tĩnh lại, ôn tồn nói: - Đồng chí Phùng Truyền đâu? Nghe rõ tôi nói không? - Rõ! - Cố gắng động viên anh em đánh thật tốt. Bằng giá nào cũng phải chiếm cho được Hốc Bà Thức! Đây là trận đánh có quan hệ đến diễn biến chung của chiến dịch. Tôi nghe rõ tiếng nói chậm rãi, tự tin của đồng chí Phùng Truyền từ đầu dây bên kia: - Thủ trưởng cứ yên tâm! Bộ đội đang bám chắc từng góc chiến hào để triển khai đội hình chiến đấu. Tôi ngồi xuống cạnh máy điện thoại một cách nặng nề, tay vẫn không rời máy nghe. Toàn thân vẫn nóng ran như đang lên cơn sốt. Đầu óc tôi lúc này như sợi dây đàn lên căng hết cỡ. Tiếng anh Thịnh, Chính uỷ Trung đoàn như văng vẳng đâu đây, nghe sao mỉa mai chứ không phải là lời chúc mừng chân thành trong buổi chia tay nhau trước khi đi vào trận đánh: “Ráng lên Ninh nhé! Bọn mình tin tưởng ở Ninh đấy. Cả Trung đoàn hiện nay số người có kinh nghiệm tổ chức đánh đặc công như Ninh không còn nhiều đâu. Ninh gắng hoàn thành nốt những công việc cuối cùng của trận đánh...” Nghĩ đến đây, người tôi tự nhiên run lên bần bật. Chả nhẽ thần sốt rét lại lợi dụng lúc này để hoành hành cơ thể mình hay sao? Rồi tôi tự trách sự thiếu bình tĩnh của chính mình. Trong lúc ở căn cứ Hốc Bà Thức tiếng súng mỗi lúc một rộ lên, thì ở Sở Chỉ huy lại lắng xuống. Ai cũng lộ rõ trên khuôn mặt vẻ lo lắng, đứng ngồi không yên. Riêng tôi buồn đến mức không đánh diêm hút thuốc nữa! Miệng tôi đắng ngắt, cổ như tắc nghẹn lại.
Tất cả mọi người hồi hộp mong tin kết quả chiến đấu. Tôi lại quay một vòng điện thoại, gọi: - Phùng Truyền đâu! Tình hình thế nào rồi, mũi hướng nam đã vào được bên trong căn cứ chưa? - Báo cáo! Các mũi đánh tốt, có nhiều triển vọng kết thúc thắng lợi trước lúc trời sáng. - Nhưng tôi muốn biết mũi hướng nam hiện nay ra sao? Khoảng 30 phút sau, tiếng súng thưa dần, rồi lặng đi, không gian gần như trở lại yên tĩnh. Hồi chuông điện thoại réo lên bất ngờ. Tôi cầm vội ống nghe: - Ba Ninh đâu! Anh Ninh đâu! Báo cáo anh, quân ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ! Tôi đặt ống nghe xuống máy và thở phào nhẹ nhõm, như trút được một gánh nặng, người thanh thản, lâng lâng. Sau này khi nhắc lại, anh Phùng Truyền (*)đã làm mấy câu thơ nhạo tôi: Trăm trận dư bình tĩnh Trận cuối cùng bỗng “run” Tiếng “thở phào” bên ấy Bên này tưởng là “bom” Gọi điện giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 9 xong, chúng tôi tranh thủ xuống tổ chức lại lực lượng làm nhiệm vụ chiếm giữ căn cứ. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng của người chỉ huy lúc này, cần phải tập trung mọi cố gắng tối đa để làm cho tốt. Bởi vì đánh đã khó, giữ càng khó hơn.
Trong giữ có đánh, đánh quân địch phản kích lấy lại, chống lại phi pháo địch với âm mưu không ăn thì đạp đổ, dùng bom đạn tới mức cao nhất để huỷ diệt căn cứ và huỷ diệt cả lực lượng đối phương đánh chiếm giữ căn cứ đó. Thành ra chỉ huy chiếm giữ là rất phức tạp, phải lo chống đỡ với mọi tình huống ác liệt có thể xảy ra. Trước hết chúng tôi quyết định di chuyển Sở Chỉ huy vào trong căn cứ để nắm tình hình nhanh và cụ thể hơn; để kịp thời chỉ huy các mũi, các hướng đối phó với mọi diễn biến mà kẻ địch ngoan cố gây ra. Sở Chỉ huy vào đến địa điểm mới thì trời đã tang tảng sáng, chưa rõ mặt người. Phía chân trời xa ở hướng đông, một vầng hồng nhạt đã dâng lên, báo hiệu một ngày nắng đẹp, nhưng như thế đối với chúng tôi lại chẳng hay ho gì, vì địch dễ quan sát hơn, các phi vụ bắn phá vào nơi chúng tôi dừng chân, đang trụ bám này sẽ chính xác hơn, bởi vì không có mây mù che khuất. Tôi hội ý với các đồng chí cán bộ chỉ huy tiểu đoàn và chỉ huy các mũi để nhận định, phán đoán âm mưu thủ đoạn địch sẽ dùng trong ngày, biện pháp đối phó của ta. - Địch nhất định sẽ phản kích. - Điều đó khỏi bàn, nhưng địch phản kích như thế nào, bằng lực lượng gì? - Tôi hỏi lại. Đúng là trong quân sự, nhất là lĩnh vực chiến đấu, ở vào tình huống như hiện nay,không thể cho phép tác phong làm việc đại khái, không thể chỉ đưa ra những nhận định chung với những biện pháp cũng rất chung với lời lẽ hô hào phải quyết tâm, phải anh dũng tiến lên... Nhất nhất tất cả các vấn đề phải cụ thể. Chiến đấu là một trạng thái thiên biến vạn hoá, tưởng như không có quy luật, vì vậy muốn điều khiển được nó muốn bắt nó diễn biến theo chiều hướng có lợi cho ta, thì phải có biện pháp xử trí cụ thể. Không thể lấy ý chí thay cho biện pháp được! Chúng tôi thống nhất nhận định; địch sẽ dùng xe tăng cùng với tàn quân biệt kích còn sống sót từ hướng đông tiến ra phản kích chiếm lại căn cứ. Biện pháp đối phó của ta là: - Các mũi nhanh chóng ổn định lại tổ chức, bố trí lực lượng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, có khả năng đánh địch phản kích từ mọi hướng; tranh thủ cải tạo công sự, làm mới một số hầm hào phục vụ chiến đấu bảo vệ căn cứ. - Đội vũ trang tuyên truyền và một đại đội của Tiểu đoàn 9 làm nhiệm vụ chốt giữ ở hướng chính theo trục đường từ sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy vào Hốc Bà Thức.
Mặt khác chúng tôi tập hợp kết quả trận đánh rồi thông báo kịp thời xuống các mũi, để động viên khí thế bộ đội, phát huy tinh thần dũng cảm chiến đấu, đánh thắng mọi đợt phản kích của địch, giữ vững căn cứ, không cho địch chiếm lại. Theo con số tập hợp bước đầu, trận đánh đêm qua, ta diệt tại chỗ 60 tên, bắt bảy tên trong đó có tên đại tá thiết đoàn trưởng... Để tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ, tôi điện đề nghị lực lượng pháo Quân đoàn 1 của ta bắn chế áp trận địa pháo ở Dốc Ông Hoàng, đảm bảo cho Tiểu đoàn 9 làm nhiệm vụ chốt giữ căn cứ, tạo thế cho chủ lực của ta nâng cao tốc độ tiến công, trước mắt là đánh chiếm sân bay Biên Hoà và thị xã Biên Hoà, làm bàn đạp triển khai lực lượng hoàn thành nhiệm vụ tiếp sau. Sở Chỉ huy của chúng tôi đặt ở căn hầm nằm phía đông nam căn cứ. Hầm hình chữ nhật, khá rộng, có lỗ châu mai quan sát ra chung quanh rất tốt, tiện cho việc chỉ huy bộ đội.
Bằng thắng lợi này, tiểu đoàn 9 đã góp phần nhỏ bé của mình tạo thế cho chiến dịch, ngược lại các cánh quân của chiến dịch cũng đang tạo thế cho các chiến sĩ Trung đoàn 113 đặc công hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm nhiệm vụ chốt giữ căn cứ Hốc Bà Thức, chúng tôi có điều kiện đƣợc biết các cánh quân của chiến dịch đang hợp đồng ăn ý qua âm thanh của các loại súng vọng về mà chúng tôi nghe đƣợc. Phía bên trái, Quân đoàn 2 đang vượt qua căn cứ Nước Trong; bên phải, chúng tôi nghe rất rõ pháo 130mm của Quân đoàn 1 đang nổ, chi viện cho bộ binh đang tiến quân trên đường 16 về hướng Tân Uyên, Lái Thiêu... Trời càng nắng, không khí chiến đấu càng khẩn trương. Tiếng súng hiệp đồng của các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trên vùng đất miền Đông phát ra một âm thanh hài hoà nghe náo nức lòng người, có sức thôi thúc những bàn chân người chiến sĩ đi nhanh, thật nhanh về phía trước. Tranh thủ giữa hai trận đánh, chúng tôi ngắm lại quang cảnh nơi đơn vị đang dừng chân. Cái căn cứ mà địch vẫn cho là “bất khả xâm phạm” này đã hết thiêng. Giờ đây chúng tôi đã đi vào trong lòng nó, trước mắt mọi người nó không còn gì là oai phong lẫm liệt nữa. Nó nhƣ con thú mang thương tích đầy mình; lác đác vài chiếc nhà cháy dở hoặc sập hẳn xuống, mấy chiếc xe 113 bị trúng đạn hôm qua vẫn âm ỉ cháy, thỉnh thoảng một tràng đạn nhỏ ở trong xe nổ lẹt đẹt nghe đến lạc lõng. Không gian yên tĩnh xảy ra không lâu. Biết như thế nên chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng. Phấn khởi với thắng lợi nhưng không quá say sưa mà quên nhiệm vụ tiếp sau của mình. Đúng 6 giờ 15 phút ngày 29 tháng 4 năm 1975, địch mở đầu cuộc phản kích bằng một loạt pháo dồn dập vào đội hình Tiểu đoàn 9 kéo dài hai giờ đồng hồ. Đạn pháo các cỡ 100, 105 và 155 mm trùm lên căn cứ, tạo thành những cột khói bay lên toả ra vẩn đục bầu trời. Nhà cửa lại đổ thêm, những vạt cỏ hiếm hoi bị cháy và trốc luôn cả gốc bay vật vờ trước khói bụi. Sau đợt pháo bắn dọn đường là bộ binh địch có xe tăng yểm trợ chia làm ba mũi tiến vào căn cứ. Không gian càng bị dồn nén bởi có thêm tiếng xe tăng địch gầm rú, địch muốn bằng tiếng gầm rú đó uy hiếp đối phương trước giờ giãy chết của chúng. Về phía ta, vẫn im ắng, cái im ắng khiến địch cũng phải sợ. Chúng vừa tiến vừa rụt rè nghe ngóng. Bởi đây không phải là trận địa không người. Các mũi của ta đã ở trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Tôi cầm ống nói, gọi trực tiếp xuống các hướng nhắc lại nhiệm vụ đã giao, và nhấn mạnh: - Chờ địch đến thật gần mới nổ súng! Phải tiết kiệm đạn và nước uống để đánh địch được lâu hơn. Như trên đã kể, căn cứ Hốc Bà Thức dài và rộng, trong khi lực lượng của chúng tôi chỉ có một tiểu đoàn, không đủ quân mà rải khắp được.
Vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đến mất còn của địa bàn mà chúng tôi vừa mới giành được là phán đoán chính xác hướng tiến công chủ yếu của địch để tập trung lực lượng bảo vệ; phải tỉnh táo và cảnh giác không bị địch nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của ta. Chúng tôi đã thành công trong việc này, đồng thời cũng thành công cả việc đánh lạc hướng địch, nghi binh khéo, làm cho chúng không biết lực lượng cụ thể của ta. Ta ít địch tưởng nhiều, vì vậy chúng tiến quân rất dè dặt. Trên tất cả các hướng, chúng tôi chờ địch vào cách 10 mét mới nổ súng. Bị đánh bất ngờ, xác địch nằm ngổn ngang ngay trước mặt các chiến sĩ, địch lùi ra xa gọi pháo bắn vào trận địa ta. Tiếp sau, bộ binh địch lại bị những tên ác ôn hò hét, thúc lưng buộc phải tiến lên. Trận đánh cứ giằng co rất ác liệt trước mép trận địa của các chiến sĩ ta. Mãi cho đến 9 giờ 15 phút mới kết thúc. Thế là những chiến sĩ đặc công chúng tôi từ chỉ quen tiến công địch bằng phương thức mật tập với lực lượng nhỏ lẻ nay lần đầu tiên đánh địch đi theo lối dàn trận giữa ban ngày với nhiệm vụ chốt giữ không phá hủy rồi rút như trước đây. Khí thế cán bộ chiến sĩ lên rất cao sau khi đã đánh lùi đợt phản kích thứ nhất của địch định chiếm lại căn cứ Hốc Bà Thức. Chúng tôi lại củng cố trận địa, sửa chữa lại hầm hào và xốc lại đội hình chuẩn bị đánh địch phản kích tiếp theo. Một giờ sau đó địch lại bắt đầu tiến công. Thoạt đầu địch bắn cối 81 mm vào cổng chính của căn cứ. Cối chuyển làn, hai tiểu đoàn địch xông lên. Xe tăng địch từ hướng sở chỉ huy quân đoàn 3 nguỵ vận động ra vừa gầm rú vừa bắn xối xả đạn vào đội hình quân ta trợ oai cho bộ binh địch chiếm lại mục tiêu đã mất.
Kho đạn của địch trong căn cứ trúng đạn pháo của địch nổ theo.... Đầu óc chúng tôi ong ong lên vì tiếng đạn pháo của ta và của địch nổ liên hồi. Căn cứ Hốc Bà Thức phút chốc lại chìm trong đạn khói. Đúng như phán đoán của chúng tôi, lần phản kích thứ hai, địch vẫn tập trung lực lượng đánh vào hướng cổng chính. Vì vậy ở đây đã diễn ra cuộc đọ sức giữa một bên là địch ngoan cố theo kiểu “chó cùng cắn dậu” còn ta thì với tư thế chiến thắng, đánh địch rất đàng hoàng, mưu trí và cũng rất anh dũng. Tôi nhắc đồng chí Khuê phụ trách chốt giữ hướng cổng chính luôn luôn liên lạc bằng điện thoại về Sở Chỉ huy, báo cáo mọi diễn biến phức tạp xảy ra để kịp thời xử trí. Đường dây liên lạc giữa Sở Chỉ huy và mũi do đồng chí Khuê chỉ huy vẫn thông suốt, nhờ đó mà chúng tôi nắm được đầy đủ những gì đã diễn ra ở đây.
Trận đánh bắt đầu và mức độ ác liệt cũng xảy ra ngay từ đầu. Đồng chí Nguyễn Đức Hoà, y tá đại đội liên tục bắn bảy quả đạn B40 vào đội hình quân địch đang uy hiếp sườn trái đại đội đồng chí Xuân. Hết đạn, đồng chí Hòa nhảy lên đỉnh lô cốt dùng đại liên của địch đặt sẵn ở đây bắn lại địch. Bị đòn bất ngờ, đội hình phản kích của địch bị xáo trộn và buộc chúng phải rút ra xa, gọi pháo tiếp tục bắn chế áp vào trận địa của ta. Nhưng ở hướng khác, địch đã cùng một lúc bắn 15 quả đạn M72 vào khu vực đồng chí Hòa chốt giữ để cứu nguy cho đồng bọn đang bị quân ta uy hiếp. Một mảnh đạn bay vào mắt trái Hòa, đồng chí Khuê lao lên bế Hòa xuống và nói như ra lệnh: - Hòa lui về phía sau! Mắt phải Hòa vẫn mở to nhìn về phía trước - phía có địch. Mặt Hòa đen sạm vì khói đạn địch, nhưng vẫn rạng rỡ niềm phấn khởi, lạc quan, trả lời: - Không việc gì đâu anh Khuê ạ! Còn một mắt vẫn nhìn thấy địch... Bộ binh địch được xe tăng dẫn đường nhưng vẫn không nhích thêm được bước nào. Chúng lùi ra và lại gọi pháo bắn thị oai vào phía cổng chính. Một chiến sĩ có mặt ở khoảng không gian đầy ác liệt này đã nhận xét hóm hỉnh sau mỗi lần pháo địch bắn thị oai: “Sức lực của địch như một cơn mưa rào ào ào trút nước rồi tạnh hẳn, không đủ nước để làm thấm rễ cây”! Trời về trưa. Tiếng súng thưa dần và tắt hẳn. Các mũi tranh thủ củng cố hầm hào và rút kinh nghiệm trận đánh.
Mũi ở hướng cổng chính theo đồng chí Khuê và đồng chí Xuân báo cáo: đạn đã hết! Chúng tôi hội ý chớp nhoáng và thống nhất xử trí: điều lực lượng và dồn đạn ở hướng khác, hướng nam sang chi viện cho hướng cổng chính, chỉ để lại ở đây một lượng đạn rất ít, đủ để làm nhiệm vụ phân tán địch. Xong việc, tôi tranh thủ xuống thăm đại đội đồng chí Xuân đang làm nhiệm vụ chốt giữ ở hướng này. Trời nóng. Không khí oi bức. Đạn nổ. Lửa cháy. Đủ các thứ mùi bốc lên nồng nặc. Nước uống cạn dần, nhiều đồng chí yêu cầu chi viện nước. Đầu óc mọi người căng thẳng vì phải dồn trí lực vào việc đối phó với quân thù. Địch lại tập trung giội pháo vào căn cứ. Pháo dứt, một chiến sĩ liền chửi đổng: - Đ. mẹ! Không còn gì chịu chơi hơn là pháo à.
Thử làm trò khác đi cho đỡ buồn nghen! Câu nói vui ấy trở nên có duyên, nhiều tiếng cười hưởng ứng rộ lên, kéo không khí chùng xuống, bớt căng thẳng Một đồng chí mặt đen nhẻm, vừa lắp băng đạn mới vào khẩu AK, vừa cƣời để lộ hàm răng cải mả nhem nhuốc như người nghiện trầu, đọc liền bốn câu thơ rất trôi chảy, vần điệu như bài thơ “con kiến mà leo cành đa”: Bọn địch muốn zô Hốc Bà Thức Chúng zô không được nên đành phải ra Chúng ra rồi chúng lại zô Chúng zô không được chúng thời lại ra. Liền đó là một trận cười thỏa thích. Mấy chiến sĩ vừa đấm vào lưng đồng chí đọc thơ vừa nói chọc: - Thơ con cóc! - Thơ thẩn. Xuân, Đại đội trưởng lúc này cũng đang ở cùng hầm với nhóm chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ, nhìn tôi, cười, rồi quay ra nói với mọi người:
- Cậu Lân dám múa rìu qua mắt thợ! Cậu không thấy “cụ Đỗ Phủ” Ninh nhà thơ lớn của trung đoàn xuống thăm chúng ta à? - Bỗng Xuân hạ thấp giọng, nghiêm chỉnh giới thiệu: báo cáo anh, đây là đồng chí Lân quê ở Lạng Sơn mới từ bộ binh chuyển sang. Lân quay lại nhìn tôi, cười nói rất thân mật và tự nhiên: - Đã nghe tiếng từ lâu, nay em mới biết thủ trưởng là thủ trưởng Ninh - ngừng một lát như quên một điều gì, Lân lấy giọng nói tiếp - à quên, nhà thơ Đỗ Phú Ninh ạ! Thế mà em lại dám bạo phổi... Mọi người lại cười rộ lên, quên hết mệt nhọc. Chuyến đi thăm ngắn ngủi ấy đã để lại trong tôi ấn tượng thật sâu sắc. Khi trở lại Sở Chỉ huy làm nhiệm vụ, đợt phản kích tiếp theo của quân địch lại bắt đầu, không khí chiến trường căng trở lại, nhưng hình ảnh các chiến sĩ vui chơi, ngâm thơ xen giữa hai trận chiến đấu cứ hiện ra trước mắt tôi, cổ vũ, động viên tôi Lúc này đạn dự trữ cạn dần. Nước uống cũng thiếu! Phải làm gì để khắc phục khó khăn này? Tôi đang suy nghĩ và tìm lời giải thì một luồng hơi nóng phả vào mắt tôi, tai ù đi, thì ra một viên đạn cỡ lớn rơi vào Sở Chỉ huy. Đồng chí Rảnh, liên lạc của tiểu đoàn bị thương nặng. Sau khi chuyển Rảnh cho đồng chí y sĩ băng bó, tất cả nhanh chóng rời khỏi nơi này lập Sở Chỉ huy mới.
Về chiều hơi nóng của mặt trời từ mặt đất bốc lên, của những đám cháy toả ra, hòa với mùi thuốc súng và khói bom cay nồng, gây nên cảm giác ngột ngạt khó chịu. Đạn pháo địch vẫn rít vèo vèo, nổ choáng tai nhức óc. Cổ họng chúng tôi khô rát và kèm theo cả đói nữa! Tiểu đoàn 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở căn cứ Hốc Bà Thức và đã một ngày chiến đấu liên tục, đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch định chiếm lại căn cứ này. Với tình hình cụ thể lúc đó, chúng tôi có thể rút khỏi Hốc Bà Thức vì đạn dược, lương thực đã cạn. Vả lại nhiệm vụ tiêu diệt địch, thì đã hoàn thành. Nếu địch có chiếm lại, chúng cũng không còn hơi sức đâu cản ngăn được bước tiến công của các binh đoàn chủ lực của ta. Nhưng ý nghĩ trên chỉ thoáng qua giây lát trong đầu chúng tôi rồi tan biến vào không gian đầy khí thế xốc tới từ các nơi dội về. Hơn lúc nào hết, làm bất cứ việc gì, dù là nhỏ bé góp vào chiến thắng lớn thì ta cần làm, tự giác mà làm. Kiên trì chốt giữ căn cứ Hốc Bà Thức lúc này là chiếm giữ cửa mở, tạo cho các mũi thọc sâu của chiến dịch rảnh tay, không phải dừng lại giải quyết “sự cố dọc đường”, để tiếp tục phát triển nhanh vào đánh chiếm các mục tiêu then chốt. Nhanh, chậm trong lúc này có ý nghĩa rất quan trọng, có tác dụng làm chuyển biến lớn tình hình hoặc ngược lại.
Với mong muốn “góp gió thành bão” đó, chúng tôi đã xác định quyết tâm chốt giữ Hốc Bà Thức và khẩn trương tổ chức thực hiện quyết tâm đó. Tất cả các mũi, các hướng nhanh chóng củng cố lại trận địa, lau lại súng, kiểm lại đạn, nước uống,... Nhưng kiếm được nước cũng không phải dễ dàng, vì kẻ địch tìm mọi cách phong tỏa các đường đi tới nguồn nước. Hai đồng chí liên lạc thay nhau hành tiến, người nọ yểm hộ cho ngƣời kia, vượt qua làn đạn địch mới đưa được về một bi đông và một túi bông nước chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu ở Sở Chỉ huy. Súng đạn; lương thực, nước uống rất thiếu, nếu đánh sang ngày thứ hai là gặp nhiều khó khăn.
Biết là như thế nhưng chẳng ai bận tâm về những thứ đó. Tất cả chúng tôi lúc này đều có chung một ý nghĩ, một mong muốn - giữ tốt cửa mở để đón đại quân tiến vào! Thời gian đã chiều lòng người ra trận. Giữa lúc chúng tôi mới chỉ bắt đầu mong mỏi thì cũng là lúc các binh đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công. Tàn quân địch từ Xuân Lộc rút về để cùng với lực lượng tại chỗ ở Hố Nai chưa kịp triển khai tuyến “tử thủ” mới đã bị xe tăng và bộ binh ta tràn qua. Pháo ta ở hướng Đồng Nai bắn cấp tập vào sân bay Biên Hoà và Sở Chỉ huy quân đoàn 3 ngụy.
Chúng tôi - những người chốt giữ Hốc Bà Thức reo lên, tay này giơ súng, tay kia giơ mũ cố nâng thật cao vẫy chào đoàn quân trùng điệp tiến về hướng Biên Hoà... Bọn địch nằm ngoài hàng rào căn cứ đang chuẩn bị đợt phản kích mới, hoảng loạn tháo chạy, quan bỏ lính, lính xô đẩy nhau chửi quan loạn xị. Lúc đó là 16 giờ ngày 29 tháng tư năm 1975. Tôi cho treo cờ lên đỉnh nóc căn cứ để đón đại quân. Lá cờ cách mạng phần phật tung bay trước gió, như vẫy chào, như thúc giục đoàn quân tiến nhanh về phía trước! Đoàn quân lần lượt đi qua trước mặt chúng tôi, đã dành cho chúng tôi nụ cười và cái nhìn trìu mến, giơ tay chào với một lời chúc ngắn gọn: - Cám ơn các đồng chí đi trước! Chúng tôi đón nhận lời chúc đó với một tình cảm xúc động và tự hào, nhưng vẫn thấy còn phải vươn lên nữa, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong đánh ra, ngoài đánh vào đánh chiếm và chốt giữ các cầu trên những trục lộ chính đi tới Sài Gòn.
Theo lời kể của đồng chí Đỗ Văn Ninh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Nguyên Trung đoàn trưởng 113 - Phó Tư lệnh TMT Binh chủng Đặc công...
NGUỒN :BLL Đoàn Đặc Công 113
(*) Ông Phùng Truyền tháng 4/1975 là Chính trị viên D9 E 113 Đặc Công , sau này là Thiếu tướng , Phó tư lệnh Chính trị Binh Chủng Đặc Công ( 1998-2004 )
(*) Sư đoàn 2 Đặc Công Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam gồm có 7 trung đoàn ( E 10, E113, E115, 116,117,119 , 429 )
(*) Thời điểm tháng 4/1975 Anh hùng Đỗ Văn Ninh đang giữ chức Trung đoàn phó 113 Đặc công. Chỉ huy trực tiếp đánh chiếm căn cứ Hốc Bà Thức.
- cùng chỉ huy Tiểu đoàn 9 , Đại đội trinh sát 53,tập kích phá hủy Tổng kho Long Bình. Đêm 14/8/1972.
Trái tim người lính