Toán trinh sát các anh gồm: Anh Ngô Quang Cảnh (quê Tân Hưng, Đa Phúc, Vĩnh Phúc) làm toán trưởng, anh Phạm Minh Sơn (toán phó), anh Sơn cùng các anh Nguyễn Văn Xớn, Nguyễn Văn Loát, Nguyễn Đình Nhâm và Trần Thanh Hảo (đều quê Hà Tĩnh) Trong toán có hai đồng chí thông tin cơ yếu cùng nhận nhiệm vụ đặt Đài quan sát ở đỉnh điểm cao 300 đá. Ba trăm đá là hòn núi đá vôi có độ cao 300 mét so với mặt nước biển, có nhiều mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, dựng đứng hiểm trở, sườn núi có nhiều hàm ếch, có chỗ có hang sâu.
Ác nhất là sườn núi phía Tây có quả bom hóa học của Mỹ ném xuống chỉ vỡ đôi không nổ nên đi qua nước mắt, nước mũi cay xè. Đơn vị trinh sát chúng tôi chọn vị trí hiểm trở này để đặt đài quan sát. Từ đó có thể quan sát từ Đông Hà, Cam Lộ, cứ điểm 241, Ái Tử, động Ngô, động Toàn đến điểm cao 544. Động Toàn và điểm cao 544 là hai căn cứ có trận địa pháo của địch, đạn pháo của hai căn cứ này địch có thể phong tỏa một vùng rộng lớn từ Cam Lộ đến Tà Cơn- Khe Sanh. Vị trí đài quan sát của đơn vị trinh sát chỉ cách điểm cao 544 trong tầm đạn bắn thẳng, nên mọi hoạt động phải tuyệt đối bí mật song rất thuận tiện để quan sát toàn bộ diễn biến, hoạt động của địch.
Các anh đã vào sát nách địch nên bom và đạn pháo của địch đều bắn vượt tầm ra xa. Sáng 16 tháng 3 các anh men theo sườn phía tây điểm cao 300 đất vượt qua một nhánh của sông Cam Lộ nơi mà mấy ngày trước bom và đạn pháo trút xuống đây ngày đêm không ngớt để dọn bãi cho bọn thám báo Mỹ đổ quân. Lên đến lưng chừng núi đá thì các anh gặp một đại đội 12 ly 7 của Sư 320 ở trong hang lèn về phía Bắc cao điểm 300 đá.
Biết có bộ đội ta trong khu vực này nên các anh yên tâm hành quân tiếp. Đi dọc cao điểm về phía Nam không xa lắm thì nghe tiếng súng tiểu liên cực nhanh và tiếng súng M79 không biết của lính Mỹ hay lính Ngụy bắn xối xả vào đội hình của các anh. Đội hình tản ra rồi bị mất liên lạc. Ở phía sau chỉ còn lại anh Sơn và anh Nhâm, lúc này anh Nhâm bị trúng đạn bay mất phần cơ ở bắp chân nhưng vẫn cố bò đến ra khe cạn có bụi cây che khuất. Anh Sơn lấy băng cá nhân của mình băng cho đồng đội. Vừa băng vết thương cho anh Nhâm xong, nhìn lên trên đỉnh lèn đá thì thấy toán lính Mỹ cởi áo vẫy vẫy, ra hiệu cho máy bay OV10 tiếp tục quần thảo khu vực xung quanh. Lúc ấy đạn cối M79 và súng máy vẫn bắn xối xả vào khu bãi cháy, đất cát khói bụi mù mịt nơi anh Sơn và anh Nhâm nằm, xa xa hơn nữa thì pháo tầm xa bắn chặn. Đang suy nghĩ và tính toán nên bò ra hay bò vào để tìm cách liên lạc với đồng đội, bỗng dưng tiếng súng im bặt chỉ còn lại tiếng máy bay và tiếng đạn pháo tầm xa.
Kinh nghiệm cho thấy sau khi địch bắn phá dữ dội chúng sẽ đổ quân sục sạo, quả vậy anh Sơn nghe có tiếng chân đạp lạo xạo, anh quay sang thì thầm với anh Nhâm "Không biết ta hay địch, nếu ta thì tốt rồi còn nếu địch thì khi nào tao bắn, mày chạy ra phía yên ngựa rồi tìm về nơi hang đại đội 12 ly7 ém quân lúc sáng ta đi qua nghỉ chân nhé".
Tiếng bước chân lạo xạo mỗi lúc một gần, căng thẳng, hồi hộp, anh Sơn nhẹ nhàng nâng súng lên mở khóa an toàn hướng về phía có tiếng động. Cách khoảng năm đến sáu mét, xuất hiện một tên lính Mỹ cao to, mặc áo rằn ri, đầu đội mũ lưỡi trai, tay xách khẩu súng AR15 đang đi về phía anh, anh giương súng nhắm thẳng vào thằng Mỹ bóp cò. Ba loạt điểm xạ giòn giã vang lên tằng tằng, tằng tằng, tằng tằng! Tên lính Mỹ rống lên như bò bị chọc tiết rồi đổ gục ngay tại chỗ, anh định chạy lại cướp khẩu súng AR15 của nó nhưng vướng anh Nhâm bị thương nên phải dìu anh Nhâm rút lui.
Ra đến lưng chừng yên ngựa (điểm võng giữa hai mỏm núi), các anh gặp phải một bãi mìn, vừa chạy vừa tránh bãi mìn thì bị một loạt đạn bắn thẳng, anh Nhâm chạy sau lại bị một viên đạn xuyên qua cẳng tay. Vết thương ở tay anh Nhâm chảy nhiều máu, thương quá mà băng ko còn, anh Sơn đành cởi áo lót xé ra băng vết thương cho bạn. Đạn pháo địch tiếp tục bắn cấp tập về sườn phía bắc làm hai anh bị lạc
Anh Sơn đã ra khỏi tầm đạn của địch, tìm được về đơn vị bạn trú quân còn anh Nhâm mặc dù bị hai vết thương mất nhiều máu lại vừa đói vừa mệt mãi cũng tìm được về đúng điểm hẹn. Lúc này xung quanh khu lèn đá máy bay vẫn quần thảo, bắn phá điên cuồng nhằm hộ tống cho máy bay hạ cánh lấy xác tên lính bị anh Sơn bắn hạ. Khi gặp địch đánh nhau các anh phải bỏ lại ba lô gồm lương thực và quân tư trang, trên người chỉ còn súng đạn, may mà gặp đơn vị bạn có được nơi ăn nghỉ.
Đêm ấy nằm bên đồng đội bị thương, vết thương hành hạ anh Nhâm làm cả hai không ngủ. Trắng đêm lo lắng, phần vì lo bốn anh kia có vào được cứ an toàn, phần lo vì anh Nhâm to cao, nặng ký lại bị thương nặng một mình anh Sơn không thể dìu hoặc cõng được. Làm sao mà liên lạc về đơn vị đưa anh ấy về tuyến sau? Đang lo lắng suy nghĩ đến gần sáng thì đơn vị bạn nhận được lệnh rút quân về tuyến sau, các anh nhận giúp cáng anh Nhâm ra cùng, hai anh mừng rơi nước mắt. Trời chưa sáng rõ các anh đã hành quân để kịp vượt sông Cam Lộ trước bảy giờ sáng, tránh giờ trọng điểm bắn phá của địch. Sau một ngày hành quân các anh đã về được hậu cứ của sở chỉ huy đơn vị bạn. Anh Sơn nhờ thông tin liện lạc về Phòng 2, qua máy bộ đàm anh gặp thủ trưởng Ngọc được biết bộ phận đi cùng đã vào được cứ an toàn và Phòng cũng đã biết anh em gặp địch phải chiến đấu nhưng chưa biết ai nổ súng gây cho địch thiệt hại.
Anh Sơn phấn khởi báo cáo: Chính anh là người nổ súng bắn trả và băng bó cho đồng đội bị thương. Thủ trưởng Ngọc biểu dương và thông báo cho anh Sơn biết: Anh đã tiêu diệt được ba tên thám báo Mỹ! Anh Sơn rất ngỡ ngàng, tưởng rằng chỉ có một tên ngã gục tại chỗ hóa ra loạt điểm xạ của anh đã xuyên táo thêm hai tên nữa. Anh Sơn đã cùng đội TNXP đưa anh Nhâm về tới trạm cứu thương của Mặt trận ở Động Nóc, bên bờ Bắc sông Bến Hải an toàn. Nghĩ lại cuộc đụng độ với lính Mỹ, giữa cái sống và cái chết xảy ra trong giây lát song các anh đã là người chiến thắng!
Tổng kết chiến dịch Đường 9 - Nam Lào anh Sơn được tặng danh hiệu Dũng Sỹ Diệt Mỹ Cấp 1 đồng thời được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký tặng HUÂN CHƯƠNG CHIẾN CÔNG hạng Ba và Chủ tịch UBMTDTGP Miền Nam Nguyễn Hữu Thọ ký tặng HUÂN CHƯƠNG CHIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG hạng Ba nữa. Do anh Sơn lập công xuất sắc trong chiến đấu và cũng có năng lực nên được điều lên làm trợ lý đồ bản cho thủ trưởng Nguyễn Văn Ngọc, trưởng Phòng 2 Bộ Tham mưu QK Trị-Thiên-Huế cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trái tim người lính