(Sông nước Đồng Nai)
Đồng Nai sông nước mênh mang
Hỡi người đồng đội tôi đang mong chờ.
Mong anh từng phút từng giây
Đạn về ta bắn sân bay tan tành!
Hạ tuần tháng 10 năm 1972, trong khi tôi đang cùng các đồng chí cán bộ Tiểu đoàn 174 ( Đoàn Đặc Công 113) nghiên cứu phương pháp hiệu chỉnh bắn cho pháo ĐKB ở khu sân bay Rang Rang (Mã Đà) thì nhận được điện của anh Chín Tùng từ Bầu Hàm, huyện Trảng Bom, nội dung: “Theo lệnh của Miền, các anh nhanh chóng tổ chức cho 174 đánh M1 (mật danh sân bay Biên Hòa) cơ sở x đạn đánh ngay, đây là một trận đánh quan trọng cần nỗ lực vượt bực để hoàn thành nhiệm vụ, N, G theo quy ước của người chỉ huy”. Tôi và anh Chín (Nguyễn Thanh Tùng) thời gian công tác với nhau chưa lâu, nhưng các trận đánh vừa qua chúng tôi rất tin và hiểu nhau, tôn trọng quý mến nhau xuất phát từ công việc chung.
Khi nhận điện của anh, tôi đã hình dung được tầm quan trọng của trận đánh sắp tới. Chỉ mấy từ: “Cần nỗ lực vượt bực” mà anh nhấn mạnh là chúng tôi đã hiểu rằng: anh đã nắm được, hiện nay địch đang phong tỏa toàn bộ trận địa bắn của ta vào sân bay của chúng.
Thật nan giải! Ngày N suy ra là ngày 22 tháng 10 năm 1972.
Nếu tình hình bình thường thì với cơ số đạn đã có và thời gian quy định thì có thể hoàn thành được. Nhưng trong tình thế này, địch phong tỏa như vậy thì làm sao đây? Bó tay ư? Không thể được.
Qua bàn bạc kỹ lưỡng chúng tôi đi đến thống nhất là sử dụng lực lượng đặc công nước chuyển đạn theo đường sông thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Phương án được chấp thuận, tôi giao nhiệm vụ cho anh Ba Lượng, Tham mưu phó của Đoàn, tổ chức cho đại đội 22 đặc công nước vận chuyển đạn. Đồng chí Đinh Xuân Nghiêm, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Minh Hiển, Đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 174 pháo nghiên cứu trận địa bắn. Trận địa này ngay sát bên bờ sông Đồng Nai là nơi địch sơ hở, ta có thể lợi dụng đặt trận địa.
Cán bộ chiến sĩ đại đội 22, những con “cá kình” của biển Đông, trên sông nước Đồng Nai của chúng tôi vừa qua đã lập được nhiều chiến công.
Mới đây nhất như: ngày 10 tháng 9 năm 1972 đã đánh chìm hai tàu chở dầu ở cảng Long Bình Tân. Giờ đây nhận nhiệm vụ vận chuyển đạn cho pháo bằng đường sông, anh em rất phấn khởi, bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị.
Bên bờ Sông Bé dưới những lùm tre rũ bóng đôi bờ không khí thật nhộn nhịp. Các pháo thủ, quân khí hối hả ghép phao chở đạn. Dưới sông các chàng trai đại đội 22 rẽ nước ngược xuôi ôn luyện kỹ thuật. Chặng đường vận chuyển dài khoảng 30 ki-lô-mét đường sông. Từ bến Thuộc Nghĩa xuôi dòng Sông Bé đến ngã ba Hiếu Liêm, nơi con Sông Bé gặp sông Đồng Nai, nơi dòng sông Đồng Nai vào trận địa bắn dự kiến đặt ở cầu Rạch Gốc sát bờ bắc sông.
Trên tuyến đường này anh em phải vượt qua các đồn bót địch đóng sát bờ sông như: Đại An, Rạch Tôm, Rạch Lăng, Thiện Tân, Cây Khô... Trên mặt sông thường xuyên có tàu tuần tiễu của địch và trực thăng bay dọc bờ sông pha đèn soi rọi sẵn sàng bắn phá những điểm chúng nghi ngờ. Chúng tôi sử dụng 12 đồng chí đảm nhiệm chuyển 50 quả đạn H12.
Để đảm bảo hàng tới đích an toàn, ngoài việc vật lộn với sông nước, từ Đại An về người và hàng phải đi chìm dưới nước. Người nhiều lúc phải bơi ngầm nên sức cản càng lớn, hàng càng nặng, tốn rất nhiều sức. Về mùa mưa càng về khuya, trời càng se lạnh, phải ngâm mình dưới nước suốt 10 tiếng liền, chịu cái lạnh thấu xương, nhưng anh em vẫn quyết tâm kiên gan chịu đựng, kể cả việc xử lý tình huống bất trắc như gặp địch...
Trong thời gian đạn đi đường sông, thì trên bộ các trinh sát và pháo thủ do đồng chí Nguyễn Minh Hiển chỉ huy cắt rừng đi về hướng trận địa. Từ cửa rừng ra điểm hẹn đón đạn (cũng là trận địa bắn) rất trống trải, nhiều trảng trống, đồi trọc. Địch thường rải quân đóng chốt nhiều nơi. Tranh thủ trời còn sáng anh em quan sát kỹ địa hình và nắm địch để đêm xuống hành quân tránh lạc hướng.
Một vấn đề không kém phần nguy hiểm là khi qua các trảng trống mà gặp phải bầy “te te” một loài chim ban đêm khi nghe tiếng động chúng bay lên kêu inh ỏi, bọn địch ở bót và các chốt nắm được quy luật cứ thế nã pháo, cối vô tội vạ vào khu vực có tiếng chim kêu (vì chúng phán đoán là có lực lượng ta đi qua).
Tuy hết sức đề phòng, nhưng trên đường đi anh em cũng gặp phải bầy chim quái ác này hai lần, mà mỗi lần đều “được” các loại pháo cối của địch không hẹn mà “nghênh đón” ra trò. Tuy rằng, cánh lính chiến gặp những trận mưa lửa như thế chẳng phải là cá biệt.
Chặng đường phải vượt qua nhiều trảng, đầy gai góc sình lầy, chân tay mặt mũi, quần áo ai nấy đều rách bươm nhưng vẫn không chùn bước. Chúng tôi kiên quyết đến điểm hẹn đúng thời gian quy định. Cây cầu sắt bắc qua Rạch Gốc trên lộ 8 sát bờ sông Đồng Nai đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Anh em nhanh chóng triển khai làm công tác chuẩn bị.
Một bộ phận cảnh giới, số còn lại đo đạc, dọn trận địa, một tổ ra tận mép nước bắt liên lạc với bộ phận tải đạn. Mới 23 giờ! Chúng tôi đến sớm hơn một tiếng đồng hồ theo hợp đồng.
Đêm càng về khuya càng yên tĩnh. Hai bên triền sông, sóng vỗ ì oạp đều đều như khúc hát ru đầy âm điệu trữ tình, nhưng ai nấy đều chả còn lòng dạ nào để tận hưởng...
Thời gian thật nặng nề chậm chạp. Đã quá giờ hẹn 30 phút rồi 1 tiếng, mắt chúng tôi ai nấy đều căng ra để quan sát. Trong bóng đêm lờ mờ chỉ có sóng và ánh sao trời đuổi nhau trên mặt nước dòng sông Đồng Nai như thách thức sự chờ đợi của chúng tôi. Mọi người đều bồn chồn lo lắng, tín hiệu nhận nhau phát đi liên tục mà chẳng thấy hồi âm. Cuối cùng tôi quyết định cử một tổ trinh sát đi ngược dòng về phía Lạc An nắm tình hình và bắt liên lạc với bộ phận tải đạn. Ba mươi phút sau anh em quay lại, báo tin vui, đã gặp được anh em đang xuôi dòng về điểm hẹn...
Từng tốp, từng tốp kéo theo những “kiện hàng” lần lượt cặp bờ. Những vòng tay tiếp những vòng tay ôm chặt lấy nhau. Trong bóng đêm không nhìn rõ mặt nhau, nhưng nghe rõ tiếng lập cập của những hàm răng, ai nấy trào lên tình cảm thương yêu, mến phục.
Chúng tôi không ai bảo ai đều tự động cởi áo khoác lên người đồng đội mặc đỡ qua cơn rét. Từng lọ dầu nóng, từng bánh lương khô chuyền tay nhau, ấm lòng đồng đội.
Ngâm mình dưới nước hơn 10 tiếng đồng hồ, vượt qua bao đồn bốt địch nhưng anh em vẫn giữ được bí mật. Một vấn đề không kém phần gay go là vật lộn với các luồng nước xoáy phải tốn nhiều sức. Càng về hạ lưu do ảnh hưởng của thủy triều nước sông như chững lại, có đoạn chảy ngược dòng, tốc độ di chuyển càng chậm, nên sai hẹn hơn một tiếng đồng hồ theo quy định.
Cảm phục tinh thần của đồng đội, và cũng là để thi đua với các đồng chí, anh em chúng tôi đều nhanh tay chuyển đạn lên bờ theo tuần tự, thao tác bắn. Sau một tiếng đồng hồ chuẩn bị, những dàn hỏa tiễn H12 đã sẵn sàng phát hoả như đã nắm phần chiến thắng.
03 giờ sáng ngày 22 tháng 10 năm 1972, từng loạt đạn liên tiếp dội xuống sân bay Biên Hòa.
Phía sau chúng tôi các chốt địch hoàn toàn bất ngờ, hoảng hốt, pháo sáng, súng các cỡ bắn loạn xạ. Các trận địa pháo ở Đại An, Hốc Bà Thức, chi khu Tân Uyên nhằm vào những chỗ nghi ngờ bắn “ liên hồi kỳ trận” nhưng đạn của chúng cách chúng tôi khá xa. Các tốp trực thăng vũ trang của địch soi đèn và bắn pháo loạn xạ vào các khu vực trận địa mà ta sử dụng các lần trước đây. Thật nực cười cho sự phán đoán chẳng chút thông minh nào của những tên chỉ huy địch.
Chúng không ngờ rằng: anh em chúng tôi vẫn ung dung rời khỏi trận địa ngay trước “mũi” mà chúng không hay.
Kết quả trận đánh: 22 máy bay các loại bị phá hủy. Đặc biệt là thực hiện được quyết tâm đánh phối hợp các chiến trường và liên tục đánh vào mục tiêu quan trọng (tấn công căn cứ, hậu cứ, diệt hàng trăm tên địch có 56 tên Mỹ, đốt cháy một kho bom Na pan, một kho xăng, một kho phụ tùng máy bay...). Mờ sáng ngày 22 tháng 10, toàn bộ đội hình về đến bìa rừng an toàn.
Trên đường về hậu cứ chúng tôi phải đi qua căn cứ du kích liên xã Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Đã thành thông lệ mỗi lần đi làm nhiệm vụ, trở về khi qua căn cứ, các bác, các anh chị em du kích cũng “bắt” dừng chân để trò chuyện (đơn vị đã sáu năm liền bám trụ địa bàn này). Nhưng lần này do trang phục của anh em quá lôi thôi nên có ý định “dong” luôn về hậu cứ.
Phát hiện ý định của chúng tôi, chú Năm Lửa người cao tuổi nhất gọi lại và nói lớn:
- Cho sắp nhỏ nghỉ chớ! Hồi hôm qua mới đột ấp có trà, thuốc dành cho tụi bay đây, định đi luôn hả? Đâu được? Tiếp sau câu nói của chú Năm Lửa, những tiếng cười khúc khích của mấy anh em bên kia góc lán. Nghe tiếng cười anh Hai Luồng xã đội trưởng Thường Lang, nhìn chúng tôi và bằng một giọng ngạc nhiên, anh nói: - Ủa? Sao kỳ vậy? Mất hết đồ rồi hả?
Ăn bận gì kỳ cục vậy nè, màng ơi... Chả là do sơ suất chưa tính đến tình huống này, không mang theo quần áo cho anh em tải đạn để khi lên bờ có đồ bận. Thành ra pháo thủ cởi trần nhường áo cho anh em đặc công nước mặc.
Nhưng khi không có quần nên trở thành “táo quân” tất cả. Như đã hiểu ra “lý do” trục trặc, chú Năm cười rất xởi lởi và xua tay nói tiếp:
- Không sao, không sao hết, sáp vô tụi bây, vô cả đây. Có trà thuốc, có cả đường tán cầm tay nữa chớ.
Quay sang góc lán chú nới tiếp như ra lệnh:
- Cười gì cười hoài mấy nhỏ? Lẹ lên? Cười hoài vậy, Tất cả lại cùng cười râm ran hơn.
Sau tiệc “khao quân” rất lính, phần lớn anh em hành quân về cứ. Một số cán bộ và trinh sát ở lại để trao đổi tình hình có liên quan. Câu chuyện lại tiếp tục. Vừa mang nước lên cho chúng tôi,
Đông - cô con gái út chú Năm Quyết cán bộ mặt trận huyện Tân Uyên (sau giải phóng cô làm Huyện ủy viên huyện Tân Uyên) cười rất hồn nhiên và hỏi:
Anh Hai ơi! Đơn vị anh kỳ này có nhiều anh mới quá? Tôi hỏi lại: - Sao em biết? - Thì má Năm (má của Đông) trả lời thay.
- Hết thảy tụi bay có lạ gì? Nhưng mấy đứa đó (ý nói số anh em đặc công nước) má mỉm cười... thì... “lạ hoắc”. Chúng tôi lại cười. Anh Tám Năm xã đội trưởng Mỹ Lộc nói tiếp:
- Mấy anh lần này hay thiệt. Tụi nó (ý nói địch) chốt hết mọi chỗ kể cả đường tải đạn. Vậy mà các anh vẫn “thụt thụt” dữ vậy (ý nói bắn đạn hỏa tiễn) tụi nó ớn lắm đó.
Để đảm bảo bí mật chúng tôi đành lảng sang chuyện khác. Thì may quá chú Năm nói như gỡ bí cho chúng tôi:
- Thôi đừng hỏi vòng vo nữa để tụi nó uống trà. Miễn sao cứ “dọng” nhiều vào phi trường là đã rồi - chú lại giục: uống đi tụi bay!
Nhấp ngụm trà thơm thấm đượm tình nghĩa quân dân, không khí thật đầm ấm, tôi thầm nghĩ: bà con cô bác luôn dõi theo bước chân của chúng tôi trên chặng đường chiến đấu, với tình cảm rất mộc mạc, chân thành.
Chia tay các bác, các anh chị em ra về, lòng chúng tôi thấy lâng lâng.
Mãi đến bây giờ, mỗi chúng tôi vẫn không quên được kỷ niệm về trận đánh. Nhất là tình đoàn kết hợp đồng, tình thương yêu đồng đội. Tinh thần tất cả cho thắng lợi vượt lên khó khăn gian khổ của các đồng chí đặc công nước, tải đạn phục vụ trận đánh. Đặc biệt là tình cảm của bà con cô bác Chiến khu Đ dành cho chúng tôi.
Đồng chí Đỗ Văn Ninh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một cán bộ chỉ huy của Đoàn, anh em thường gọi quen bằng cái tên thân mật “Đỗ Phủ Ninh” đã cảm xúc ghi lại những vần thơ sau đây nói lên tình cảm của mình đối với các chiến sĩ mến yêu:
Vạc đi ăn đêm anh đi tìm giặc
Sương đêm lạnh ngắt tấm da trần.
Bao lần ra quân đầu trần, chân đất
Phút thầm lặng để cho đời ca hát
Đâu phải vĩ nhân, đâu phải thánh thần
Áo giáp anh đây tấm da trần
Lọt lòng mẹ đã bao bọc sẵn
Ánh trái tim hồng dòng máu Việt Nam.
Khi hồi tưởng để ghi lại những dòng này mà trước mắt tôi như hiện về cảnh sông nước Đồng Nai mênh mang, đầy thơ mộng và chan chứa bao tình.
VŨ QUỚ, nguyên Phó Trung trưởng Trung đoàn Đặc Công 113 (1972-1973 )
Trái tim người lính