Hoà Tiến là xã thuần nông của huyện Hoà Vang, Đà Nẵng. Ngoài đất đai trù phú ra, ở đây còn phát triển nhiều làng nghề truyền thống của tổ tiên, ông bà bao đời để lại. Nhưng hiện nay, các làng nghề như dệt chiếu, đan đát, chằm nón… có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhưng mấy câu ca về nghề đan đát vẫn còn vang vọng: “Yến Nê vốn thiệt quê nhà / Nông tang đan đát nghề ta sở trường…”.
Chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Liễu (77 tuổi, trú tại thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vào một ngày trung tuần tháng 6 để tìm hiểu nghề đan đát của Yên Nê có một thời hưng thịnh. Gặp lúc bà Liễu đang ngồi vừa đan rổ vừa chuyện trò với bà láng giềng Nguyễn Thị Bông trước hiên nhà.
Bà Nguyễn Thị Bông (73 tuổi, trú tại thôn Yến Nê 1) cho hay, nghề đan nong, rổ, mủng, giỏ… là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở làng Yến Nê nầy. Không ai biết nó có từ khi nào, chỉ biết từ lúc biết ăn, biết nói thì người làng Yến Nê đã biết đan nong, rổ rồi. Trải qua bao nhiêu đời cha truyền con nối, nghề đan lát vẫn được bảo tồn và duy trì cho đến ngày hôm nay đã gần như mai một. Ngày trước, để đa dạng các sản phẩm thì ngoài đan nong, rổ… những người thợ Yến Nê còn đan các loại thúng, mủng, nong, nia, sàng... và các mặt hàng đan đát cao cấp (đồ diễn) để phân phối trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Tâm sự với chúng tôi, bà Liễu cho hay, bà là một trong mấy người ít ỏi trong thôn còn giữ lấy nghề. Bà được cha mẹ truyền nghề đan thừ khi 12 tuổi nên bà có thể đan tất cả các dụng cụ như mủng, rổ, quạu, dừng, sàn, nia… Đối với nia thì đan hết 3 công, bán được 350.000 đồng, mủng diễn (mủng đan để trình diễn, trưng bày) thì 2 công, bán được khoảng 120.000 đông/cái. Mấy năm trước tôi còn khỏe, khi đan xong tôi gánh lên chợ Túy Loan hay chợ Lệ Trạch để bán, nay tuổi cao cùng bệnh tật nên tôi ít đan và có đan được sản phẩm nào thì bán ở chợ Lệ Trạch (trong xã) cho gần. Tính ra mỗi ngày công đan đát thu nhập khoảng 50.000 đồng trong thời “bão giá” hiện nay thì làm sao “bọn trẻ” yên tâm học nghề và theo nghề được.
Đến làng nghề đan đát Yến Nê, tận mắt chứng kiến những người thợ nơi đây vót tre, đan lát mới thấy hết sự kỳ công, tỉ mỉ của công việc này. Để tạo ra một sản phẩm bền và đẹp đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và tính nhẫn nại của người thợ đan. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu, người làm phải tìm chọn những cây tre, nứa thân to, thẳng, ít mắt đốn về cưa ra quy cách tùy theo sản phẩm.
Tiếp đến là chẻ tre thành những sợi nan và vành nhỏ có độ dày mỏng vừa phải rồi phơi khô. Khi nan và vành đã khô lấy vào vót phẳng và đan chúng lại thành mành rồi lận và nứt... Tuy nhiên, đó chỉ là các bước để hoàn thành sản phẩm, còn để sản phẩm có độ thẩm mỹ cao và sử dụng lâu dài thì còn phải dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ, có kỹ thuật chẻ nan với độ dày vừa phải, biết lựa chọn từng chiếc nan dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng thì lúc đan mới đều và đẹp.
Người thợ giỏi phải thạo mọi thứ, từ chẻ tre, vót nan cho đến cách đan, đát, lận, nứt. Có 4 cách đan là lông mốt, lông hai, mặt mủng, mặt nia. Khó nhất là đan mặt nia, đè năm bắt hai... đan cả hai mặt... Tuy nhiên hiện nay, tìm mua nguyên liệu tre rất khó bởi xóm làng đã dần “đô thị hóa nông thôn”.
Bà Liễu cho hay, còn nhớ ngày trước, công việc bận rộn của nghề đan như cót, ví, quả, nia, sịa, trẹt, gàu giai, gàu sòng, nong, rổ… của Yến Nê là vào mùa mưa, công việc đồng áng gác lại thì nghề đan nong, rổ cũng bắt đầu nhộn nhịp từ làng trên xóm dưới. Nhà đông có 5 đến 6 người thay phiên nhau, người đốn tre, người chẻ tre, vót nan, người thì ngồi đan, nhiều nhà làm từ chập tối đến khi gà gáy cho đủ hàng để kịp phiên chợ sáng mà giao cho khách, nên nhiều nhà có của ăn của để từ cái nghề này.
Trong những năm gần đây, các mặt hàng rổ, rá nhựa bắt mắt, đa chủng loại xuất hiện tràn lan trên thị trường nên các mặt hàng thủ công như nong rổ Yến Nê không còn được ưa chuộng như trước. Dẫu vậy, hiện nay vẫn còn một số rất ít các hộ đan cầm chừng để giữ lấy nghề truyền thống của ông cha…
Ông Đặng Xuân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Tiến, cho hay, cách đây khoảng 15-20 năm, hơn nửa làng này có nghề đan đát với khoảng 50 hộ, trong đó có vài ba hộ đan chuyên nghiệp như các cụ: Nguyễn Phú Chính, Huỳnh Thị Biết, Nguyễn Thị Đích… còn đa số toàn là những cụ già yêu nghề, đan đát lấy công làm lời và cho khuây khoả tuổi già. Bởi thu nhập chẳng là bao so với thời gian và công sức mình bỏ ra nên nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề để đi buôn ve chai, làm công nhân, một số khác chỉ xem như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Bám nghề là các cụ ông, cụ bà… “thất thập cổ lai hi”. Hiện nay, làng đan đát Yến Nê nay chỉ còn một số ít các ông, bà cao tuổi như: Nguyễn Phú Hay (72 tuổi), Trần Đình Quốc (69 tuổi), Nguyễn Thị Hiền (74 tuổi)… là còn duy trì nghề đan, số còn lại khoảng trên 10 người cao tuổi không đan thường xuyên mà chỉ đan khi có ai đặt hàng.
Cách đây gần 8 năm, chúng tôi có dịp gặp “nghệ nhân đan đát” Nguyễn Phú Chính đang ngồi đan mủng (nay ông đã qua đời). Lúc sinh thời ông Chính rất vui và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đan đát rất là vui như sau: Nghề đan đát truyền thống cùng với các nông cụ đi vào các hình thức văn nghệ dân gian, nhất là hát hò khoan đối đáp.
Trong các buổi hát đó, nam nữ hay lấy hình ảnh đan đát để đưa vào câu hát nhằm châm chọc, trêu ghẹo, bông đùa, tạo ra tiếng cười cho vui, gọi là “hát xạo”. Có 1 lần, khi hát, các cô “tấn công” các chàng trai trước: “Liệu bề đát được thì đan / Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười”. Lúc nầy, các chàng trai cũng không phải dạng vừa liền “tung ra” mấy câu hát xạo: “Các cô ơi tui không phải trai hư / Tui đát được, tui đan được, tui lận chừ cho cô coi / Lận rồi tui “cột chặt” hẳn hoi / Ở trên tui rấn xuống ở ngoài tui đè vô / Nói ra sợ mất lòng mấy cô / Ngó trong cái mủng chỗ mô tui cũng dùi...”. Ông Chính giải nghĩa, nhóm con trai dùng mấy cụm từ “trên rấn xuống”, “ngoài đè vô”, “chỗ mô tui cũng dùi”, nhất là “cột chặt” (nói lái theo kiểu Quảng Nam) một cách rất chi là... xạo nên các cô “quá mắc cỡ”, chỉ còn nước “bỏ của chạy lấy người”. Ông Chính kể xong, chúng tôi và nhóm đan cười té lăn thật là vui.
“Thời gian qua, chính quyền cùng các ngành chức năng, các hội, đoàn thể… có những chương trình, dự án nhằm động viên, thúc đẩy, khôi phục lại các làng nghề nơi đây. Tuy nhiên, với cơ chế thị trường, các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại như cao su, sợi hóa học, nhựa polymer… chiếm lĩnh, mẫu mã đẹp, giá lại rẻ, bền.... Và thế hệ yêu nghề đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, lớp trẻ bước vào đời bằng những nghề nóng có thu nhập cao. Rồi đây, các làng chiếu (Cẩm Nê); đan đát (Yến Nê); nghề nón (La Bông) sẽ đi vào dĩ vàng với bao làng nghề khác mà lớp ông cha đã chắt chiu gìn giữ bao đời…” - ông Đặng Xuân tiếc nuối.
Tồn tại từ đời này sang đời khác, nhưng nay trước thực trạng trên nghề đan đát Yến Nê đang đứng trước nguy cơ bị mai một. “Truyền thống quê tôi nghề đan lát / Ông cha để lại đã bao đời / Tuy không giàu sang vốn thảnh thơi / Nắng mưa mặc kệ ngồi trong mát...” - bà Liễu ngâm nga câu ca về nghề truyền thống của làng mình rồi nhìn xa xăm về phía bờ tre, bụi chuối nay đã thưa dần để thay vào “phố quê” đã lấn dần đến gần những thửa ruộng ven làng, nuối tiếc một thời làng nghề hưng thịnh, “xe ngựa” dập dìu đến chở hàng đi./.