Tất nhiên, tôi chủ ý tránh cả hai. Trong con mắt của nhiều Việt kiều tôi là cái anh gàn dở chỉ biết vùi đầu vào sách vở, chẳng có niềm ham mê gì ngoài toán học, ăn mặc thì lôi thôi lếch thếch. Tôi rất ít bạn, hầu như cô độc giữa chốn náo nhiệt phồn hoa. Vào năm 1960, Nikita Khruschev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lên nắm quyền ở Moscow, công khai bài xích Staline và ông trở thành biểu tượng của “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Ông có chuyến công du Pháp. Đôi khi tôi cũng không kiềm chế được bản thân, lại lộ ra cái thói hay chọc ghẹo bạn bè có từ hồi bé. Lần ấy, tôi cố tình phiên âm “Khruschev” trệch đi thành “Cu-treo” và hỏi phe thân miền Bắc:
- Cu-treo đến Paris, Việt Minh có đem cờ đi đón không?
Không ngờ “giễu chơi” vậy mà làm họ tức khí, họp ban chấp hành để đánh giá quan điểm chính trị của anh gàn Nguyễn Đình Ngọc. Chỉ có hai ý kiến bảo lưu, còn lại đánh giá tôi “phản động”, mà phản động có cỡ vì thấy anh ta từng nghiên cứu một cách hệ thống, nghiêm túc bộ Tư bản của Karl Marx; còn ý kiến bảo lưu thì nói chưa bao giờ thấy anh ta đi lại với phe thân ngụy quyền Sài Gòn.
Một lần Bùi Trọng Liễu hỏi:
- Sao anh tham gia hội ông Quân mà không tham gia hội ông Quế?
Ông Quân bảo vệ tiến sĩ nhà nước trước ở Đại học Paris, còn ông Quế là đồng nghiệp với anh Liễu ở Đại học Lille. Ông Quân lập ra Hội Khoa học và gowin99 cho Việt Nam, ông Quế lập Hội Sinh viên khoa học và kỹ thuật Việt Nam tại Pháp. Vợ ông Quân là em gái Phan Khắc Hy, Đại sứ của chính quyền Diệm tại Pháp, có lẽ vì thế mà ông thân chính quyền Sài Gòn và Việt kiều thường gọi ai tham gia hội của ông ta là phái hữu, còn hội ông Quế được coi là phái tả. Thực ra anh Liễu cũng chẳng theo phái nào, song thâm tâm không ưa ông Quân nhiều hơn, anh không khoái khi thấy một người bạn của mình lại chơi với “phái hữu”. Tôi khó mà giải thích cho anh hiểu, chỉ còn cách đánh bài lảng. Tôi tỏ ra hơi thiên “hữu”, muốn “cái vỏ bọc” tốt hơn nữa mà thôi.
Vì bị tiếng “phái hữu” mà mùa hè năm ấy, vợ con tôi đi dự trại hè do phong trào Việt kiều Pháp tổ chức, chẳng may vào dịp đó có mấy sinh viên du học Pháp bị chính quyền Diệm cắt kinh phí, nhiều người nghi tôi “chỉ điểm cho địch”.
*
* *
Khi tôi đến Paris đã được nghe bà con Việt kiều kể nhiều giai thoại về bà Hoàng Thị Thế, người con gái út của cụ Hoàng Hoa Thám. Cụ Hoàng Hoa Thám đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân ở núi rừng Yên Thế, bền bỉ chống Pháp suốt gần 30 năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồn điền Phồn Xương thất thủ, bà Thế bị bắt sang Pháp làm con nuôi khi mới 8 tuổi và bà từng là minh tinh màn bạc ở Anh, rồi về già làm nghề bói toán. Mấy lần nấn ná vì bận, lần này cố dứt ra để đến thăm bà. Tôi đến vì tò mò. Bà như người của thế kỷ trước còn sót lại, ai đã ở Paris chẳng muốn diện kiến một lần con gái của vị anh hùng dân tộc. Lúc đó bà ngoài sáu mươi tuổi, đã chia tay người chồng Pháp, ở một mình trong một căn hộ xềnh xoàng trong một hẻm nội ô.
Bà dáng cao, đi lại nhanh nhẹn. Nước da trắng, gương mặt bà đã có nhiều nếp nhăn, song vẫn còn lưu lại chút nhan sắc của một thời minh tinh màn bạc. Khi nghe tôi xưng danh, bà nở nụ cười tươi tắn, hiền hậu bảo:
- Nom mặt thì biết, em thông minh, lanh lợi lắm. Dân An Nam mình nhiều người thông minh tài trí lắm chứ...
Bà đã xa nước hơn nửa thế kỷ mà giọng không hề lơ lớ, nói tiếng Việt rất chuẩn.
- Việt Nam chứ - Tôi chữa lại.
Bà cười, tự gọi mình “dân Annamese” và cứ nhất quyết xưng chị, gọi tôi là em dù tôi chỉ đáng tuổi con bà, cháu bà. Bà xua tay bảo gọi “chị” để chị được trẻ. Tôi phải chiều lòng bà.
- Thưa chị, - Tôi nói - mộ tiếng chị đã lâu hôm nay em mới được gặp. Cụ Hoàng Hoa Thám xưa là một vị anh hùng, trong cuốn sách giáo khoa lịch sử bậc trung học, người Pháp không ưa gì cụ mà vẫn phải nhắc tới cuộc khởi nghĩa do cụ lãnh đạo, tuy gọi “bọn giặc cỏ ngoan cố”.
- Phải rồi. - Bà gật đầu nheo đôi mắt tinh anh nhìn tôi tiếp lời - Chị lúc nào cũng cảm thấy tự hào khi nhắc đến cha mẹ. Mới rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh tiếng mời con gái của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám về thăm quê hương và có thể được định cư ở Việt Nam. Có lẽ chị sẽ thu xếp hồi hương, em bảo có nên không?
Câu hỏi bất ngờ của bà làm tôi lúng túng, rồi tôi gật đầu đồng tình. Bà rót nước mời, nói tiếp:
- Thực ra chị đã gặp Hồ Chủ tịch từ cách đây hơn ba mươi năm rồi. Cuối năm 1909 chị bị bắt đưa sang Pháp. Lần ấy vào đầu năm 1920, chị thăm Bảo tàng Louvre, gặp một người Việt Nam trạc ngoài ba mươi tuổi, dong dỏng cao, hơi gày, khuôn mặt sáng sủa, đặc biệt có đôi mắt to sáng. Người đó chủ động đến gần chị và nhẹ nhàng hỏi: “Cô Thế ơi, cô có biết cha mẹ mình là ai không?” Chị lúc đó chưa đầy hai mươi tuổi, lại mới tham gia đóng bộ phim đầu của điện ảnh Anh, tuy là vai phụ nhưng đã rất hãnh diện rồi. Nghe hỏi thế, chị hơi giật mình, nhưng kịp trấn tĩnh, trả lời: “Chẳng lẽ tôi lại không biết cha mẹ tôi là ai ư!”. Người đó cười, nói tiếp: “Người Việt Nam nào có lòng yêu nước thương nòi đều khâm phục tinh thần quả cảm, kiên cường của cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn, thưa cô. ..” Hai bên làm quen, người đó xưng tên là Nguyễn Ái Quốc, thợ ảnh. ô, chị nhớ rồi, một con người nổi tiếng! Năm ngoái, anh đã có hành động dũng cảm đưa bản “Yêu sách của dân An Nam” tới lâu đài Versailles, nơi các đồng minh thắng trận trong Thế chiến thứ nhất đang họp về một hiệp định hòa bình với phe thua trận; còn mãi về sau này chị mới biết Hồ Chủ tịch chính là anh Nguyễn Ái Quốc mình đã gặp ngày ấy.
Nói rồi bà dừng lại, hỏi tôi, đến đây thích nghe kể về cha mẹ chị hay xem bói? Tôi cười trả lời:
- Em muốn biết về giờ phút cuối cùng của cụ Hoàng Hoa Thám và bà Ba cẩn, thực ra chưa có sách nào viết cụ thể về giai đoạn cuối đời của hai người cả.
- Chuyện của cha mẹ chị dài lắm, hay để khi khác vậy - Bà nói - Chị đang định viết một cuốn hồi ký đấy. Mình còn minh mẫn, có những chuyện trong nhà chỉ mình biết, nếu không nói ra hậu thế không biết thì uổng lắm. Nhưng có lẽ để khi về nước chị sẽ viết, Paris nhộn nhạo không còn tâm trí nào mà viết nữa. Cũng có mấy người đến đây hỏi như em, nhưng chị đều từ chối vì nhìn mặt họ gian giảo, không biết chừng đến giăng bẫy mình. Nhưng với em thì chị kể, người như em không thể là người xấu. Linh cảm của chị không mấy khi nhầm lẫn đâu. Chị làm được nghề bói toán cũng là do trời cho có nhiều linh cảm.
Cha chị họ Trương, không phải họ Hoàng. Trương Văn Thám, người Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên, chứ Yên Thế, Bắc Giang chỉ là nơi di cư sau này thôi. Ông nội chị, cụ Trương Văn Thuận trọng nghĩa khinh tài. Chị nhớ có lần hỏi, cha đổi sang họ Hoàng khi nào, thì cha trả lời khi phất cờ khởi nghĩa, đổi họ để về sau ngộ nhỡ thất bại người trong họ tránh khỏi họa tru di. Vậy ngay khi bắt đầu hành sự cha chị đã lường trước thất bại, cũng đúng thôi ngày đó quân Pháp mạnh lắm, súng ống đầy đủ, còn nghĩa quân có gì đâu, giáo mác, hỏa mai, súng kíp ấy mà. Nhưng em nhớ là cha chị tham gia mấy cuộc khởi nghĩa rồi mới đến cuộc khởi nghĩa do mình lãnh đạo. Đầu tiên, cụ tham gia khởi nghĩa với Đại Trận ở Sơn Tây khi mới mười sáu tuổi. Rồi khởi nghĩa của ông lãnh binh Loan ở Bắc Ninh. Năm 1885 cụ theo Cai Kinh lên Lạng Giang, đến khi ông này chết thì thành tướng của Đề Nắm. Đầu năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt giết, cha chị mới chính thức nắm ngọn cờ khởi nghĩa Yên Thế, trở thành “Hùm xám Yên Thế”...
Những điều bà kể đều hoàn toàn mới mẻ đối với tôi, đang hứng thú muốn nghe tiếp thì bà bỗng nheo mắt hóm hỉnh hỏi:
- Em không muốn chị bói cho thật à? Ai đến đây chẳng thích chị nói tiền vận, hậu vận. Thôi, để khi khác chị sẽ kể tiếp về cha mẹ. Giơ bàn tay đây.
Song tôi lắc đầu, nghe hết chứ không dở chừng! Bà Thế rộng lượng nhìn tôi bảo,
- Chị biết tính em rồi, dứt khoát, kiên định lắm, người như thế mà làm chính trị là thành công lắm đây.
Rồi bà nhẩn nha kể tiếp:
- Cha chị trong gần 30 năm đã đánh nhiều trận, trận thắng lớn nhất ở thung lũng Hố Chuối cuối năm 1890 và Đồng Hom đầu năm 1892. Còn các năm sau đó đều bị quân Pháp tập trung binh lục truy sát, nhiều phen thoát hiểm trong gang tấc. Cũng có kẻ phản bội như Đề Sặt, bị nghĩa quân kịp thời phát hiện đã trừng trị nghiêm khắc. Thấy chưa thể diệt được thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, bọn Pháp chủ động giảng hòa vào năm 1894, còn cắt nhượng cho bốn tổng thuộc đất Yên Thế. Cha mẹ chị quá biết tim đen của bọn chúng, nhưng vẫn đồng ý hòa hoãn để có thời gian hưu chiến củng cố lực lượng. Quả nhiên chỉ được nghỉ ngơi có vài tháng Pháp đã bội ước, huy động tổng lực đánh vào đồn điền Phồn Xương, đầu não của nghĩa quân, chúng còn treo thưởng ba mươi nghìn franc cho ai lấy được đầu Hoàng Hoa Thám. Nghĩa quân chống trả quyết liệt, hai cánh quân của anh Cả Trọng, Cả Huỳnh đều lập được chiến công đầu, quân Pháp bị tổn hao nhiều nên chúng lại xin hòa hoãn lần thứ hai. Thế rồi đến đầu năm 1909 Thống sứ Bắc kỳ huy động 15.000 quân, 400 lính dõng do Đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy tấn công ồ ạt vào Phồn Xương. Thế địch lớn quá, cha chị vừa đánh vừa rút. Anh Cả Trọng tướng giỏi nhất bị tử trận, chị bị bắt. Chị sang Paris làm con nuôi người ta, mà lòng vẫn để ở quê, ngóng tin nhà. Sau có người kể lại, đến cuối năm ấy lực lượng nghĩa quân hầu như tan rã, cha chị cùng hai người tâm phúc phải trốn lủi ở nhiều nơi. Khi cha chị ẩn náu ở vùng Hố Lày, địch bố trí hai người đến trá hàng, rồi thừa cơ hạ sát cha chị cùng hai thủ hạ. Đó là vào sáng mùng 5 Tết Quý Sửu, 1913...
Bà dừng kể hồi lâu, mắt long lanh nhìn ra xa. Tôi im lặng, không dám làm kinh động đến cõi lòng đang thương nhớ song thân thời máu lửa oanh liệt, đã phải chết thảm vì đại nghĩa. Có lẽ bà cũng còn chạnh nghĩ về thân phận trôi nổi nơi đất khách quê người của mình. Rồi bà như đã sực tỉnh trở về với thực tại, mắt lại nheo cười nhìn tôi bảo :
-Chị kể vắn tắt vậy thôi, em đã vừa ý chưa. Giờ có thích chị đoán cho tiền vận, hậu vận không?
Tôi vẫn kiên trì, nhắc:
- Chị chưa kể đến chuyện của bà Ba cẩn.
Bà Thế gật đầu ngay:
- Phải rồi, phải kể thêm về mẹ chị. Cụ cũng oanh liệt như bất kỳ liệt nữ nào trên đất Việt. Cha chị gặp mẹ chị ở làng Vạn Vân. Mẹ chị xinh đẹp, tên cúng cơm Nguyễn Thị Nhu, khi lấy cha chị do ông đã có hai bà, nên mọi người thường gọi là bà Ba cẩn. Mẹ chị cùng ba con trai của bà cả, bà hai các anh Cả Dinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh họp thành bộ tham mưu đắc lực bày mưu tính kế cho cha chị. Bà còn kiêm nhiệm việc hậu cần cho nghĩa quân. Cái năm Pháp đánh vào Yên Thế, Cả Trọng chết, chị bị bắt, mẹ chị đang định thoát khỏi vòng vây thì bị trung đội của Coucron đi tuần bắt được ở gần chợ Gồ, Yên Thế. về sau chị nghe nói, trên đường đầy sang Guyane, mẹ chị thừa lúc quân canh sơ ý đã nhảy xuống biển tự tử. Nhằm ngày 25-12-1910.
Bà dừng kể hồi lâu. Rồi lại nhìn tôi, ý như sẽ ban cho cơ hội lần cuối:
- Có thích xem tiền vận, hậu vận không?
Quả tôi đã từng nghe đồn đại về tài bói toán của bà, đến nỗi nhiều chính khách Pháp và cả chính khách các nước khác đến Paris mộ tiếng, thường tìm đến nhờ bà chỉ bảo sao cho đường hoạn lộ mà họ đang theo đuổi được hanh thông. Bà đã nói vậy, tôi cũng phải thuận theo.
Tôi giơ bàn tay trái, bà ghé sát mắt hồi lâu xem kỹ những đường chỉ trong lòng bàn tay, rồi bảo chuyển tay phải. Chưa hết, bà lấy trong ngăn kéo bàn ra một mẩu giấy nhỏ hình chữ nhật đưa tôi nói:
- Em ghi tên họ vào. Viết toàn chữ hoa thôi nhé.
Tôi ngỡ ngàng, một kiểu bói toán gì nữa đây? Song thấy không tiện hỏi, tôi ghi và đưa trả lại bà. Bà nhìn mẩu giấy, chỉ tay vào từng chữ, lẩm nhẩm đếm, rồi lấy bút khoanh tròn con số “5” bên cạnh họ tên tôi. Bà nói:
- Người số 5 thiên về công việc đầu óc và có chí tiến thủ cao, kiểu gì sau này em cũng làm nên và là người nổi tiếng. Đường sinh đạo và trí đạo của em khá đẹp song không tránh khỏi những cù lao cản trở, để đi đến thành công sẽ phải trải qua nhiều gian truân, vất vả, thậm chí có lúc nguy hiểm đến tính mạng. Chính nhờ hồng phúc của tổ phụ mà biến nguy thành an, bản mệnh vẫn vững. Nhưng em vất vả về đường vợ con, thể nào cũng phải hai lần đò và người con của em dẫu là đứa hiếu đễ cũng không thể gần gũi em lúc trái nắng trở trời. Em hiếm con và sẽ có con nuôi. Chị nói cụ thể thêm nhé, những tuổi gánh hạn là: 15, 38, 43, 53, 69, 75. Qua được 75 thì thọ đến 80. Chị ghi những ý chính vào đây nhé.
Nói rồi bà lấy mẩu giấy ghi lại những điều vừa nói, rồi ký “Hoàng Thị Thế” thật chân phương, mềm mại. Bà đưa mẩu giấy cho tôi, bảo:
- Em giữ lấy làm kỷ niệm.
Đầu năm 1965 tôi nghe tin bà đã hồi hương. Thời kỳ mới về nước bà lên Yên Thế làm việc và đã viết một cuốn hồi ký về cha mẹ. Sau ngày nước nhà thống nhất, tôi ra Hà Nội và tìm gặp lại bà tại khu tập thể ngõ Văn Chương, thuộc quận Đống Đa, lúc đó bà đã ngoài 80 tuổi, minh mẫn, còn nhớ cuộc gặp mấy chục năm trước ở Paris và vẫn xưng “chị”, gọi tôi là “em”. Bà qua đời tại Bệnh viện Việt Xô mùa hè năm 1992, thọ 91 tuổi.
Theo Trái Tim Người Lính