link tải gowin99 mới nhất

Cử tri đặc biệt quan tâm “Chất vấn và trả lời chất vấn” hai lĩnh vực thuộc lĩnh vực Tư pháp và Nông nghiệp, phát triển nông thôn

Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn hai lĩnh vực thuộc lĩnh vực Tư pháp và Nông nghiệp, phát triển nông thôn tại phiên họp thứ 25.

Tham dự phiên chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

b1-ctqhdieuhanhchatvan-1692092893.jpg

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

 

Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của UBTVQH khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất của các Đoàn ĐBQH, cân đối các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề, xuất phát từ tình hình thực tế và thống kê trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, UBTVQH đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại phiên họp này. 

Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các nhóm vấn đề: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp. 

b1abtlethanhlongtraloi-1692093771.jpg

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Phiên chất vấn. Ảnh: TTXVN

 

Trả lời về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng sợ trách nhiệm, và việc này không chỉ xảy ra ở Bộ Tư pháp. Ông cho biết Tổng bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói nhiều về khâu yếu là tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng "tiện cho mình", hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa. Ong nêu thực tế: Những yếu tố đó cộng với ảnh hưởng của việc nọ việc kia nên các bộ ngành chưa chủ động, nên có những trường hợp cực đoan. Như đáng lẽ ban hành thông tư như trình tự bình thường, cứ trao đi đổi lại làm để theo thủ tục rút gọn, mất 4-5 tháng để quyết định xem có rút gọn hay không, thì thà làm chính thức ngay từ đầu" .

Ông cho biết Bộ Nội vụ được giao ra nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định, còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.

Đây đều là những vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, nhân dân và các vị ĐBQH đặc biệt quan tâm, gắn chặt với hoạt động giám sát văn bản QPPL của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản QPPL. 

Trong phiên buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các vị ĐBQH chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về các nhóm vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. 

b2tleminhhoan-1692093885.jpg

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

 

Mặc dù lĩnh vực NN&PTNT đã có những nội dung được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành Nông nghiệp thời gian tới.

Trả lời câu hỏi về an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết đã báo cáo và Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo, làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta.

Bộ trưởng đề nghị trong tình hình như vậy cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt. Nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

Ông nhắc lại công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới. Không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. 

Về thực tế giá lúa gạo bị đẩy lên cao, Bộ trưởng Hoan phân tích giá nông sản được quyết định bởi cung cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung cầu còn có tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn.

Từ đó, ông mong bà con nông dân và doanh nghiệp tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, "mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt".

Ông chỉ rõ hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 20% diện tích trồng lúa có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác để bền vững.

Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản là một trong những nhóm vấn đề chất vấn dành cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Về nội dung này, Bộ trưởng đã nhận được gần 10 chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) liệu rằng, Việt Nam có thể gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10/2023 tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, “mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác”.  

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo: “Buổi sáng, giá lúa gạo đang đà tăng, chiều có thông tin về các nhà xuất khẩu của Ấn Độ sớm gỡ bỏ việc cấm xuất khẩu gạo.

Các nội dung này không chỉ quan trọng với công tác chỉ đạo điều hành mà mỗi tin tức về giá cả, dự báo đều gắn với nỗi thấp thỏm, lo âu hay niềm vui của bà con dày công làm nên hạt lúa, hạt gạo".

Ông Hoan khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đã, đang gắn liền với "3 chữ biến" gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu hướng tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 54 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm và khẳng định: “Phiên chất vấn là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của UBTVQH; đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản QPPL, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”.

“Tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị ĐBQH, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.