Dòng sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Thái Nguyên từng có cái tên thật huy hoàng Nguyệt Đức Giang còn vang vọng giọng ngâm hào sảng bài thơ thần của tướng quân Lý Thường Kiệt đánh đuổi giặc Tống thuở xa xưa. . .
Dòng sông quê tôi như một dải lụa màu thanh thiên thướt tha uốn lượn giữa lòng thành phố Thái Nguyên như bức tranh thủy mạc do thiên nhiên ban tặng. Dòng sông là nơi in bóng mái "Trường con gái" * thân yêu của tôi, ôm ấp con đường tuổi thơ nâng bước chúng tôi đến trường dưới bàu trời đầy nắng, đầy hoa. . . dòng sông ấy vắt vẻo nhịp cầu Gia Bẩy là nơi nên hẹn, nên chờ của bao chàng trai cô gái Thái Nguyên, nhưng cũng là dòng sông nhuộm thắm máu đào một ngày định mệnh. Ngày giặc Mỹ ném bom phá cầu trong cuộc chiến tranh phá họai miền Bắc năm 1965, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội ở đây biến nơi đây thành dòng sông Hoa và Máu. Dòng sông còn là nơi đưa tiễn những chàng trai Thái Nguyên theo cây súng xa nhà trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.
Ngày ấy, tôi còn là cô bé tóc vổng đuôi gà, nép sau cánh cửa ngơ ngác nhìn anh trai nhà bên "xếp bút nghiên" tình nguyện Nam tiến lên đường năm 1945, để lại một nụ cười, một cái xoa đầu, và một lời tạm biệt:
- Ở nhà ngoan nhé, anh đi!
Dòng sông ấy, cũng là nơi cho tôi thời tuổi hồng áo lính, cây súng khoác ngang lưng để theo bước đoàn quân ra trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Qua bao nhiêu lở bồi, dâu bể dòng sông lại hiền hòa tươi mát, chói chang nắng ấm mây lành vào một sáng đầu xuân đón hai người lình cùng quê trở về trên bến sông xưa. Không biết cơ duyên nào hai người lính ấy lại chính là cô bé tóc vổng đuôi gà và anh hàng xóm năm xưa. Chàng trai ấy giờ là một thương binh trở về từ chiến trường xa . Thật tình cờ, họ cùng sang một chuyến đò, cùng về một bến, cùng lên một bờ. Có lẽ, họ còn nợ nhau một nụ cười, một cái xoa đầu, một lời tạm biệt năm nào.
Vào một ngày cuối xuân năm ấy, chàng trai ấy đã đón cô bé "tóc vổng đuôi gà" về mảnh vườn quê nghiêng bóng sông Cầu bên bến đò ngang. Mảnh vườn quê rộng mênh mông, bát ngát trồng toàn cây lưu niên, mít, nhãn, bưởi, hồng, đào, na, mận và rất nhiều cau. Người thương binh dựng lên ba gian mái lá giữa mảnh vườn đầy hoa thơm trái ngọt để những đêm xuân nồng nàn hương bưởi, hương cau, dạt dào sóng nước hát ru. Với tâm hồn đam mê tình đất, người lính ấy với đôi tay quen cầm súng đã ươm hồn cho đất lên xanh hàng trăm gốc chuối và vài chục cây bưởi đường với ước mơ lấy ngắn nuôi dài, phụ vào nguồn lương của hai vợ chồng nuôi bầy con lít nhít 6,7 đứa ăn học nên người. Những đứa con người lính biết hoàn cảnh gia đình đã sớm biết bảo nhau chăm học, chăm lao động giúp bố mẹ nên bây giờ mỗi đứa con đều có một tấm bằng đại học giắt lưng để vào đời, cống hiến cho đời .
Dòng đời cứ lặng lẽ trôi đi qua phong ba, bão tố, muối mặn gừng cay bên dòng sông quê, trên mảnh vườn của cha ông rộng mênh mông đầy hoa thơm trái ngọt, gió lồng lộng gió trăng tràn ngập trăng ấy với bàn tay người lính đã ủ mái rạ thơm nồng, ươm vườn xanh huyền thoại để ngát hương đời mênh mông giữa trăng ngàn gió núi bao la đã nhen nhóm trong tôi đốm lửa "Tình thơ" lúc nào không biết nữa để dòng cảm xúc trào dâng nên những câu thơ mộc mạc cỏ nội hương đồng, ca ngợi sẻ chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống và thơ đã thành người bạn tri âm , tri kỷ cùng tôi đi trọn con đường đắm say, bình dị. . .
. . . Nhưng đến một ngày, người lính tình nguyện năm xưa, anh hàng xóm của tôi đã hoàn thành tâm nguyện của một người lính, một người chồng, một người cha, trọn tình nhà nghĩa nước anh đã ra đi tìm cõi non bồng nơi chân trời góc biển mênh mông, thanh thản, để lại bao nỗi nhớ niềm thương.
. . . Dòng sông từ đó thành dòng sông ký ức, dòng sông hoài niệm trong tôi để mỗi vần thơ của tôi hình như lúc nào cũng lấp lánh một dòng sông, thấp thoáng ba gian mái lá thơm nồng hương bưởi, hương cau tràn ngập gió và trăng, vời vợi bóng hình một người lính với tấm áo bạc màu. . . Dòng sông ấy khi vui có màu xanh thăm thẳm, lúc nhớ thương dòng sông chuyển màu tím biếc thủy chung, lúc buồn dòng sông bỗng trắng xóa, đôi bờ lau lách đìu hiu. Dòng sông ấy đã thành dòng sông hư ảo, cứ chơi vơi chìm nổi tận đáy lòng. . .
"Hình như, có một dòng sông
Mãi hư ảo chảy trong lòng . . . Mình ơi !
Bể dâu, dâu bể lở bồi
Năm chìm, tháng nổi . . .
Chơi vơi nỗi niềm !"
__________
* Thời Pháp thuộc học sinh trai, gái học riêng trường
11/9/2021
Theo Chuyện làng quê