Đó là Ted Engelmann. Ông không chỉ là một cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, mà còn là người gần 20 năm trước đã đến Hà Nội tìm kiếm, để chuyển nội dung cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Mỹ về với gia đình. Ted Engelmann cũng là một nhà Sử học, một Nhiếp ảnh gia có nhiều duyên nợ và rất yêu mến Việt Nam. Nghe tin mẹ Doãn Thị Ngọc Trâm qua đời, Ted đã vội vàng lấy vé máy bay, vượt qua cả vạn cây số, bay từ Mỹ sang Việt Nam. Vừa xuống sân bay Nội Bài đêm qua, sáng nay ông đã kịp tới xin dự đám tang mẹ Doãn Thị Ngọc Trâm – Thân mẫu của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, như với bổn phận của một người con trong gia đình.
*
Ted Engelmann tham gia lực lượng Không quân Mỹ khi mới 19 tuổi. Ba năm sau, anh được cử đến Việt Nam tại căn cứ Biên Hòa, làm nhiệm vụ trong thời hạn một năm, từ tháng 3/1968 đến tháng 3/1969. Khi đó anh lính 21 tuổi, nhưng đã là già dặn hơn so các binh sĩ khác, thường mới chỉ mới 18 - 19 tuổi. Hầu hết họ chưa hiểu gì về Chiến tranh Việt Nam, chỉ đơn giản là lính thì phải tuân lệnh cấp trên. “Đối với những binh lính trẻ tuổi như chúng tôi, chiến tranh là thứ hoàn toàn xa lạ. Tại sao chúng tôi lại ở đây? Điều gì sẽ diễn ra? Mục đích duy nhất của chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ ở đây đó là tồn tại để được về nhà.” – Ted nhớ lại.
Hồi ấy, Ted trực thuộc Đội không quân kiểm soát hỗ trợ Sư đoàn bộ binh số 1 thuộc Lữ đoàn 3 của Mỹ, đóng ở vùng Lai Khê, cách Sài Gòn 35 dặm về phía Tây Bắc. Công việc chính Đội lính Mỹ này là phát hiện, kiểm soát và thông báo cho các phi công lái máy bay địa điểm thả bom xuống phía dưới. “Có lần, tôi ngồi trên máy bay rải thuốc diệt cỏ tại vùng Biên Hòa, những vệt rừng xám xịt phía dưới khiến tôi hoảng sợ. Trong phút luống cuống, ngón tay tôi che mất một phần ống kính, nhưng tất cả cảnh vật đều hiện rõ trên bức hình in ra. Chúng tôi đã rải mà không biết đây là một thứ hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho môi trường và để lại di chứng khủng khiếp cho con người sau này.” – Ted kể lại.
Người cha của Ted là một phóng viên chuyên ảnh cho báo chí, nên ông đã học được nghề này từ rất sớm. Khi được cử sang Việt Nam, anh đã mang theo một chiếc máy ảnh chụp phim trong túi để ghi lại những ảnh trong khi làm nhiệm vụ. Ted chụp khi đang lái xe, chụp khi ở trên máy bay, chụp khi đang rải hóa chất xuống làng mạc Việt Nam... như một thú vui và đam mê. Những bức ảnh này, nhiều năm sau đã được dùng như bằng chứng về việc rải chất độc da cam ở Việt Nam. Khi Ted tham gia các đoàn cựu chiến binh Mỹ và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam trong hành trình không mệt mỏi, đi tìm công lý.
Khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nhiều năm, nhưng nỗi ám ảnh về những tội lỗi mà vô tình mình chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai. Ông nói rằng chưa bao giờ hết hối hận vì những sai lầm tuổi trẻ, đó là những ký ức đau lòng và không dễ vượt qua. Bởi vậy, nhiều năm qua, Ted đã đi tới nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm câu trả lời về sự phi lý của cuộc chiến tại Việt Nam, mà ông là một người trong cuộc.
Đầu năm 1989, lần đầu Ted Engelmann trở lại Việt Nam sau chiến tranh, với tư cách là một nhiếp ảnh gia, một nhà nghiên cứu lịch sử. Tại thời điểm đó, không nhiều cựu chiến binh Mỹ vượt qua được những sang chấn tâm lý và dám trở lại chiến trường xưa như thế. Với chiếc máy ảnh trên tay, Ted đi khắp các vùng miền ở dải đất hình chữ S, để chụp ảnh và cũng để nhắc nhở bản thân rằng: đất nước này đang vượt qua ký ức đau buồn, tự chữa lành vết thương và đứng lên.
“Những người dân Việt Nam thật nhân hậu, bao dung, đã cởi mở và chấp nhận, tha thứ cho chúng tôi - những cựu chiến binh Mỹ từng gây nhiều tội lỗi và luôn ám ảnh bởi quá khứ. Qua mỗi tấm ảnh, tôi cũng chụp được, thấy nhiều thay đổi ở mảnh đất và cả con người nơi đây.
Những tấm ảnh và các bài viết của Ted Englemann đã được công bố tại nhiều cuộc hội thảo chuyên đề và các cuộc triển lãm. Chúng hiện được lưu tại cùng hàng triệu trang tài liệu và hình ảnh khác về chiến tranh Việt Nam tại Trung tâm Việt Nam ở Trường đại học Công nghệ Texas (Mỹ).
Ted Englemann nhớ lại việc ông đã gặp được Fred Whitehurst, là người nhặt được cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ trong cuộc chiến và đã giữ suốt hàng chục năm trời. Sau khi nghe câu chuyện và tâm sự của Fred, tháng 4 năm 2005, chính “Trái tim người lính” đã thôi thúc Ted đến Hà Nội với chiếc đĩa CD, trong đó có nhiều bức ảnh và nội dung scan những trang sổ tay tiếng Việt của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, mà khi đó chẳng ai hình dung ra nó đã trở thành một cuốn sách nổi tiếng sau này. Bởi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ gây tiếng vang ở Việt Nam, mà cũng được đón nhận khi được nhà xuất bản Random House phát hành bằng tiếng Anh tại Mỹ, rồi sau đó còn được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác…
Cũng kể từ đó, Ted Englemann thường xuyên sang Việt Nam và giữ mối liên lạc với các em gái của nữ Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Là một người Mỹ quá yêu Việt Nam, không biết từ khi nào Ted đã coi cụ Doãn Thị Ngọc Trâm như người mẹ của chính mình. Có lẽ vì thế nên được tin mẹ Trâm mất, ông phải vượt cả vạn cây số, để về về chịu tang mẹ, cũng là chuyện đương nhiên!
*
Khi đến phúng viếng một đám tang ở thành phố, thường chỉ những người thân thiết và quan trọng mới ở lại dự Lễ truy điệu. Và sau đó, cũng chỉ có con cháu trong nhà, ruột thịt thân thiết mới đưa linh cữu người quá cố đến tận nơi hỏa tang hay chôn cất.
Gần trưa nay, Ted Englemann là người Mỹ, cũng là người nước ngoài duy nhất, đã cùng con cháu cụ Doãn Thị Ngọc Trâm lên xe tang, tháp tùng linh cữu người mẹ già thọ 100 tuổi đến nơi an nghỉ vĩnh hằng. Ông lặng lẽ chứng kiến các nghi thức cuối cùng vĩnh biệt thân mẫu của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ted lặng lẽ đứng bên mộ mẹ Doãn Thị Ngọc Trâm rất lâu. Trên đầu ông vẫn quấn khăn trắng, thắp hương và vái lạy, theo đúng phong tục Việt Nam. Ở nơi xa ấy, chắc chắn mẹ Doãn Thị Ngọc Trâm sẽ mỉm cười hài lòng và thanh thản ra đi...
Hà Nội, 20/4/2024
Đ.V.H