Ở Trung ương cục, Cô giáo Trâm được phân công làm việc tại nhà in Trần Phú của báo Giải Phóng trực thuộc Ban tuyên huấn. Cô thầm nghĩ:
- Sao mình là giáo viên lại phân công làm ở nhà máy in nhỉ? Tưởng vào đây lại được dạy học chứ? Song với tinh thần của người đảng viên, cô vui vẻ nhận nhiệm vụ. Đến nhà in rồi cô mới biết mình được phân công dạy học cho công nhân của nhà in. Cô thật sự vui và hạnh phúc vì ước mơ được mang gowin99 cho đồng bào miền Nam đã được thực hiện. Học sinh của cô là những thanh niên từ Sài Gòn lên R tham gia chiến đấu. Là bà con dân địa phương làm việc trong nhà in. Lứa tuổi khác nhau, có bác già 40, 50 tuổi chứ không như ở miền Bắc. Lớp học trong hội trường, bàn ghế cũng từ gỗ xẻ ra ghép lại nhưng khang trang hơn thời cô dạy ở cấp 2 Minh Bảo -Yên Bái. Còn người yêu cô thầy Đậu Hùng, sau gần một năm cô mới gặp lại. Anh được giao làm phóng viên của báo Giải Phóng.
Tình yêu của cô giáo Trâm quê Ninh Bình và thầy Đậu Hùng quê Thanh Hóa, được thử thách và vun đắp bằng những kỷ niệm trên con đường Trường Sơn. Lại được tô thắm bởi màu xanh của cây lá, của tiếng bom gào, đạn réo liên tục trên đầu, của những buổi chạy biệt kích nhảy dù. Bằng những bữa cơm chưa kịp chín và ăng gô canh rau rừng còn nóng bỏng phải bỏ dở. Bằng tiếng mưa rừng Trường Sơn rào rào trên mái tăng trong đêm. Bằng những nhọc nhằn vượt núi, lội sông. Bằng cả cái chết cận kề ngày đêm bởi sốt rét rừng và bom đạn Mỹ. Tất cả đã gắn kết hai tâm hồn trai trẻ. " Họ yêu nhau, họ cần nhau, họ khát khao hạnh phúc". Cơ quan, đoàn thể ủng hộ, vun đắp cho họ. Họ ước mơ đến ngày chiến thắng...
Cùng làm việc ở báo Giải Phóng, họ có nhiều điều kiện chăm sóc nhau hơn. Ngày 6 tháng 6 năm 1971 nhân ngày thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được sự đồng ý của cấp trên, Cô Trâm và thầy Hùng làm đám cưới tại R. Chi đoàn báo Giải Phóng và nhà in báo tổ chức đám cưới cho họ. Đám cưới trong R rất vui. Có những bài ca cách mạng miền Bắc, có ca vọng cổ Nam bộ, có điệu nhảy Lâm thôn Khơ me. Nhà văn, nhà báo Thép Mới khi đó là Tổng biên tập báo Giải phóng đã chúc vợ chồng cô một câu đại ý:
- Các thày các cô từ miền Bắc xung phong vào chiến khu miền Nam. Yêu nhau trên đường Trường Sơn. Dũng cảm làm đám cưới trong chiến khu giữa muôn vàn khó khăn, ác liệt. Tôi chúc các bạn sẽ gìn giữ, vun đắp tình yêu, hạnh phúc, chúc tình yêu đơm hoa kết trái.
Lời nhắn nhủ ấy không chỉ cho vợ chồng cô giáo Hoàng Trâm, thày Đậu Hùng mà cho cả thế hệ trẻ đang làm việc ở Trung ương cục miền Nam. Hình như đây là đám cưới đầu tiên trong R lại là đôi cán bộ miền Bắc xung phong vào Nam nên được mọi người rất quan tâm. Bác Tư Dụng khi đó là lãnh đâọ Bộ giáo dục Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, gửi quà mừng 20 riên( tiền Campuchia. Khi đó lương cô 4 hay 5 riên gì đó), và giao cho ông Chánh Văn phòng Bộ làm đại diện nhà gái.
Đám cưới ở chiến khu đơn giản chỉ có trà, thuốc lá Hara của Campuchia, còn kẹo thì do chị em của nhà in tự làm bằng chuối và đường thốt lốt. Cô xúc động kể.
Chi đoàn dựng cho họ một chòi hạnh phúc, bằng 4 cây gỗ gõ, mái lều lợp bằng lá trung quân. Xung quanh ken bằng cây rừng, ngoài cùng là lớp ny lon che mưa. Người Bắc không biết lá trung quân. Đó là loại lá rừng, hình dạng giống lá cây trứng gà, to dài hơn bàn tay. Lá này dai và có đặc tính khó cháy. Khi châm mồi lửa vào nó chỉ cháy lún phún, khi rút mồi lửa ra là tắt ngay. Truyền thuyết kể rằng:
- Có vị tướng dấy binh khởi nghĩa trong rừng. Khi kẻ thù càn vào, hòng tiêu diệt. Họ di chuyển vào sâu trong rừng. Kẻ thù đã châm lửa thiêu hủy doanh trại.
Thật không ngờ những căn nhà lợp bằng loại lá rừng này không cháy. Quân giặc sợ quá phải rút lui. Từ đó người ta gọi loại lá rừng này là lá " trung quân " để ca ngợi sự trung thành của loài cỏ cây với vị tướng quân.
Cô và thày Hùng chọn ngày cưới vào 6/6 là ngày thành lập Chính phủ lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, để anh em trong cơ quan về dự cho đông đủ. Cơ quan mổ bò và một con lợn to làm cỗ, nhưng thật đáng tiếc khi mổ ra nó là con lợn gạo. Đành phải chôn, vứt bỏ. Đó cũng kỷ niệm đặc biệt, khó quên về ngày cưới đối với cô và anh chị em R.
Ngôi lều hạnh phúc được lợp lá trung quân có chiếc giường đôi bằng gỗ rừng, mọi người đặt tên là giường chung thủy. Trong phòng còn có cả hầm để chui xuống tránh pháo, bom. Phải chăng đám cưới của cô là cảm hứng để nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác bài hát đi cùng năm tháng" Xuân chiến khu " ?
Nghe cô kể ngôi nhà hạnh phúc của cô, tôi lại nghĩ đến " Ngôi nhà hạnh phúc " của bác Lê Văn Nhược đồng đội Tàu không số của tôi. Vừa đăng ký, chưa kịp cưới thì được lệnh về đơn vị lên đường chở hàng vào chi viện cho miền Nam. Gần một năm sau, khi đi công tác về. Vợ bác mới được xuống đơn vị thăm. Do công tác bí mật, không được lên tàu, nên các thủy thủ đã dựng một chòi nhỏ bằng những cây phi lao, bên bờ đê, sát làng Hoa Động trên sông Cấm Hải Phòng cho đôi vợ chồng trẻ hưởng" tuần trăng mật ".
Tình yêu, tình vợ chồng thời chiến tranh thật là thánh thiện, cảm động.
Cô kể tiếp:
R là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ
Không ngày nào là không có báo động máy bay B52 trải thảm, pháo bày và càn quét. Ở Trường Sơn đã khổ, ở R còn khổ hơn, ngoài khổ về vật chất còn khổ về tinh thần. Đối phương tìm mọi cách để chiêu hồi, chiến tranh tâm lý để chia rẽ, làm tan giã cơ quan, báo Giải Phóng.
Khi nghe tiếng máy bay thì dù đang ngủ, đang làm việc cũng phải nhanh chóng nhảy xuống hầm. Một đêm máy bay B52 giải thảm gần đó, cô nhảy vội xuống hầm nên bị xảy thai khi được 4 tháng. Đôi vợ chồng trẻ buồn lắm. Thày Hùng ôm vợ an ủi:
- Mình còn trẻ mà em! Ráng bồi dưỡng sức khỏe ta sẽ có con tiếp thôi!
Tháng 1 năm 1973, Hiệp Pari về Việt Nam được ký tắt, hai bên ngừng bắn tạm thời. Báo Giải Phóng chuyển về Tây Ninh phía thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Thời kỳ này giặc càn quyét mạnh. Nguồn tiếp tế gạo thường xuyên gián đoạn. Cơ quan báo Giải phóng phải tự túc tìm khoai mỳ, đỗ xanh ăn thay gạo. Đúng lúc khó khăn đói kém ấy, tháng 11/1973 cô sinh con trai Hoàng Nam. Không bút nào tả hết niềm vui của vợ chồng cô và anh chị em trong R. Mọi người thay nhau đến chăm nom, giúp đỡ, đòi được bế, được ôm, hít hà khuôn mặt thơm mùi sữa của bé, vì đây là cháu đầu tiên được sinh ra tại R. Tiếng khóc trẻ thơ như ngọn lửa bừng lên xua bóng đêm đen. Như ánh bình minh rọi sáng lên hoa lá, như tiếng chim rừng ríu rít hót vang.
Gạo không có, bữa cơm của " gái đẻ " chỉ có củ mỳ, đậu xanh. Anh Hùng thương vợ, không quản gió mưa. Ngày nghỉ anh lên thượng nguồn sông Vàm Cỏ, vợt tôm, bắt cá, cua, ốc, tìm rau mang về nấu cho vợ ăn. Có hôm trượt chân, bị dòng nước cuốn đi. Anh cố sức bám vào cành cây mà thoát chết.
Lúc ban đầu, theo kinh nghiệm và phong tục người miền Bắc, anh không dám cho vợ mới ở cữ ăn cua ốc, cá vì sợ tanh và lạnh bụng. Nhưng cái đói chẳng kể gì đến phong tục. Cô bảo:
- Anh cứ nấu đi, có cái ăn là tốt rồi. Cua, ốc có nhiều can xi, con càng cứng cáp.
Anh nghẹn ngào biết vợ động viên mình nhưng cũng chẳng kiếm đâu ra gạo nấu cơm cho vợ. Cháu Hoàng Nam lớn lên bằng dòng sữa chắt từ củ khoai mỳ (sắn), từ đỗ xanh, từ con cua con ốc, con cá của dòng sông Vàm Cỏ. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, của các ông bà, cô bác trong R và cả tiếng bom đạn, pháo bày bất cứ lúc nào cũng có thể đến.
Có hôm, lệnh cấp trên:
- Rời cơ quan thật nhanh! Có càn!
Mọi người vội vàng thu dọn tài liệu, tư trang di chuyển đến địa điểm mới. Chưa đầy hai giờ đồng hồ sau đó, pháo đã cày tung cả vùng. Ngôi nhà hạnh phúc thành một hố sâu hoắm. Mấy chiếc tã, áo của cháu, bố mẹ không kịp thu đi, bị bom đạn tung cả lên cành cây, lẫn cả vào bùn đất. Cháu Hoàng Nam lớn lên trong R như một minh chứng cho lòng tin sắt đá của lớp trẻ về thắng lợi: " Cách mạng miền Nam dù có gian lao vất vả bao nhiêu lâu nhưng nhất định thắng lợi "
(Còn tiếp)
T.H.Q