link tải gowin99 mới nhất

Chuyến xe đêm về trường cũ

Năm 1968, trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa sơ tán tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội.
chuyen-xe-dem-ve-truong-cu-1637225585.jpg
Ảnh trường Đống Đa và ảnh của Thọ Xuân ( đầm nước và nơi ngày xưa dựng lán học) và cả quán thịt chó ngày nay khi cùng Hữu Hằng “ôn nghèo kể khổ”

 

Ba cấp học 8,9,10 nằm rải rác ở các đạc (tên gọi đơn vị thôn của xã Thọ Xuân, một xã vùng bãi ven sông của huyện Đan Phượng).

Học sinh chia thành nhóm nhỏ ở nhờ nhà dân, các lớp học được dựng trong các lán nửa nổi nửa chìm lợp lá cọ, có hào dẫn ra hầm trú ẩn khi báo động máy bay đến.

Có bếp ăn tập thể của nhà trường và thầy quản lý bếp ăn mỗi ngày đều đạp xe về nội thành Hà Nội lấy hàng tiếp phẩm.

Đến bữa, nhóm cử người đến bếp ăn, lấy khẩu phần cho nhóm, mang về nơi đang ở trọ.

Học sinh của trường đều đã đi sơ tán từ những năm trước đó, nhưng theo gia đình hoặc cơ quan của bố mẹ. Nay vào cấp 3, được sinh hoạt tập trung với các bạn cùng trang lứa nên rất phấn khởi và chăm chỉ học tập. Các hoạt động văn thể của trường được các thày quản sinh chú trọng, tạo nhiều hình thức sinh hoạt tập thể cuốn hút sự tham gia của tất cả học sinh trong trường.

Đêm đến, nhà bạn nào có đàn ghi ta, lại trở thành nơi tập hợp của những bạn tâm giao cùng nhớ Hà thành.

Cũng có lúc có bạn nghêu ngao những bài hát mà ngày đấy gọi là nhạc vàng, nhưng các thày quản sinh đều không quở trách.

Ngày 31/3/1968 Tổng thống Mỹ Johnson bất ngờ tuyên bố chấm dứt ném bom phía Bắc vĩ tuyến 19 của Việt Nam. Không quân và hải quân Mỹ dồn toàn bộ lực lượng, tăng cường đánh phá khu vực giữa vĩ tuyến 19 và 17. Ngày 3/4/1968, chính phủ VNDCCH đồng ý gặp chính quyền Mỹ tại Paris để đàm phán về chiến tranh. Ngày 25/1/1969, phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị 4 bên về Việt Nam tại Paris khai mạc. Ngày 1/11/1969 Mỹ tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc.

Ngay ngày hôm sau, trường PTCN cấp 3 Đống Đa được phép của thành phố cho chuyển về trường cũ ở Hà Nội để học tập.

Tin mừng lan nhanh khắp các đạc của xã Thọ Xuân.

Học trò rủ nhau về Hà Nội ngay trên các loại phương tiện nhờ được, chỉ còn một số học sinh nữ ở lại nơi sơ tán, chờ người nhà lên đón.

Tôi và một số học sinh nam của trường được cử vào đội vận chuyển bàn ghế và đồ dùng học tập của trường về Hà Nội. Do to xác và là người sống ở Hàng Bột, ngay sát trường nên tôi được cử phụ trách nhóm này

Thầy Hiệu trưởng giao chúng tôi đi theo và dẫn đường cho đoàn xe bò và cả xe trâu, từ nơi sơ tán ở xã Thọ Xuân về trường ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng).

Suốt buổi chiều chúng tôi chia tay với các bạn người Thọ Xuân theo học ở trường. Bọn nó chuyển về trường cấp 3 Đan Phượng ở Phùng nhưng có mấy đứa như Lê Hữu Hằng, Vũ Lới lại ra Hà Nội ở trọ để tiếp tục theo học trường Đống Đa. Vũ Lới đến ở nhà Đặng Quốc Bình ở đầu phố Khâm Thiên. Khi sơ tán Bình ở nhà Vũ Lới thì bây giờ, Vũ Lới lại đến ở nhà Quốc Bình để học tiếp. Hữu Hằng may hơn. Nó được cô giáo Kim trọ ở nhà nó cho ra ở cùng gia đình cô trong tập thể trường, nơi bây giờ là khu Thể chất của trường.

Hôm vừa rồi tôi có dịp về thăm Thọ Xuân. Nhà Hữu Hằng ở đối diện với nhà bà Be, nơi có bếp ăn tập thể của lớp. Cùng với Hữu Hằng, hai đứa lại ra quán thịt chó ở Thọ Xuân ngồi nhâm nhi ôn lại chuyện xưa. Ông chủ quán không còn nhưng cháu của ông vẫn giữ nghề của gia đình. Thọ Xuân có lẽ là nơi có món thịt chó ngon nhất huyện Đan Phượng. Hồi sơ tán trọ học nơi đây, mỗi lần muốn “ăn tươi” là chúng tôi lại ra quán này mua xáo chó về ăn với bún. Tôi không nhớ cảm giác miếng thịt chó luộc hoặc miếng chả chó ngày xưa ở Thọ Xuân như thế nào nhưng cảm giác húp ngụm nước xáo chó ngày xưa ngọt nhức cả chân răng. Mấy đứa trai lộc ngộc chia nhau chút nước xáo với bún mua thêm ở ngoài chợ, cảm giác như mình đang là bậc đế vương đang “Ngự thiện”.

Ngay từ sáng, học trò của trường đã xúm vào lau rửa bàn ghế, đồ dùng học tập và hàng trăm thứ bà rằn của trường. Không khí lao động vui như hội. Chiều tối khi những chiếc xe bò, xe trâu đến, chúng tôi phụ các bác nông dân chất bàn ghế và đồ dùng học tập lên những chiếc xe. Xe được huy động từ cả mấy xã quanh Thọ Xuân mới chở hết bàn ghế, đồ đạc của trường.

Chờ trời tối đoàn xe mới khởi hành về Hà Nội. Xe đi xuyên đêm để hôm sau còn kịp quay về lo việc đồng áng cho hợp tác xã. Đám con gái của trường tất tả chạy theo xe, dúi cho lũ phụ xe bò chúng tôi những chai nước lọc. Đám học sinh chúng tôi được ngồi xe bò về nhà thì sướng rơn, chẳng đứa nào để ý đến đoạn chuẩn bị nước uống cho cả một đêm dài.

Từ xã ven sông Thọ Xuân ra thị trấn Phùng, đoàn xe phải leo dốc lên đê. Từng chiếc xe bò chở kềnh càng những bàn và ghế được đám chúng tôi bâu lại phụ đẩy. Chiếc xe đầu tiên đã gần đến đoạn ra phố Phùng mà đám chúng tôi vẫn còn phải cùng những chiếc xe cuối vật lộn với triền đê. Vất vả vậy nhưng ra đường nhựa, ngồi trên xe mà không đứa nào ngủ được. Lũ chúng tôi cứ thoăn thắt trèo từ xe này sang xe khác để gặp nhau, rồi suy luận, rồi tranh luận. Đứa bảo sao Mỹ ngừng ném bom mà lại phải đi đêm, đứa lại bảo đi đêm đường mới vắng, không phải tránh ô tô. Việt “cồ” ( tên là Việt nhưng vì có tên nước Đại Cồ Việt và nó cũng hay xửng cồ nên gọi luôn nó là Việt “cồ” ) lại khẳng định chắc nịch : Xe phải lấy từ nhiều Hợp tác xã nên phải đi đêm để hôm sau còn về làm ruộng. Hết chuyện này sang chuyện khác, cứ râm ran suốt cả quãng đường. Cả bọn mệt nhưng phấn chấn khi chỉ sáng mai thôi, chúng tôi sẽ được ổn định học tập ở trường cũ, được thoát cảnh sơ tán và nhất là lại được sống và sinh hoạt cùng gia đình, lại được bát phố dưới ánh đèn điện lung linh.

Xe qua thị trấn Phùng, qua Trạm Trôi, Nhổn, Cầu Giấy rồi theo đường đê La Thành về đến Ô Chợ Dừa để rẽ vào trường.

Xe đi đêm, đường vắng. Thỉnh thoảng mới gặp chiếc xe ô tô bật đèn gầm, lầm lũi đi trong đêm.

Từ Ô Chợ Dừa, theo phố Hàng Bột để vào trường nằm trong ngõ Quan Thổ, cũng ít thấy bóng người trên đường.

Hà Nội vẫn chưa trở lại nhịp sống bình thường ngay sau ngày Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Về đến trường ở ngõ Quan Thổ 1, trời mới chỉ tờ mờ sáng mà các thầy cô đã đứng đông trong sân trường, phụ giúp dỡ bàn ghế và đồ đạc của trường.

Ở Thọ Xuân, từ đạc này sang đạc nọ (đạc là từ địa phương chỉ đơn vị thôn) toàn đường đất. Lớp là những lán lợp mái rạ hoặc lá cọ, đào sâu dưới đất và có tường đất bao quanh để tránh bom.

Về đến trường cũ được xây nguy nga mấy tầng, cả lũ học trò theo xe chạy ùa vào các lớp học, cố nhìn, cố nhớ, và cố tưởng tượng lớp mình sẽ được xếp học phòng nào.

Khi đấy không đứa nào nhớ cảnh mới hôm trước còn rủ nhau ra tắm sông hoặc chia nhau miếng bánh bột mỳ luộc, được nặn tròn như những nắp hầm cá nhân, hoặc những đêm trăng thanh, ngồi nghêu ngao nhớ về Hà Nội..

Nửa thế kỷ nhớ lại, những kỷ niệm tuổi thơ cứ đan xen và lạ một nỗi chỉ nhớ những chuyện vui, chuyện xúc động, chuyện ân tình.

Mọi người đều đã già, đã nghỉ hưu nhưng những kỷ niệm tuổi học trò không thể nào quên.

Theo Chuyện làng quê