1. THẦY THẰNG THÙNG/ Túng tiền tiêu/ Tối thứ tư/ Tết Trung Thu/ Toan tự tử/ Trên toa tàu/ Tầng thứ tám/ Toán Tây trắng trông thấy thích thật.
2. CHA CÔ CHANH cho cưới cô/ Cơm canh có cà, có cá, có cả canh cua.
3. TRẦN THỊ THU THUỶ tên thật Trần Thị Thỏ, trú tại thôn Tám, Trảng Tranh, tỉnh Thừa Thiên. Thuở thiếu thời, trí tuệ thì thường thôi. Tuy thế, tính Thuỷ thật thà, thủ thỉ thù thì, thỏn thà thỏn thẻn, thật thương. Tới tuổi trăng tròn, Thuỷ tròn trặn, tươi tắn, trắng trẻo, tay tròn trĩnh, tóc thơm thơm, thật tuyệt!…
4. BÀ BA BÉO/ Bán bánh bèo/ Bên bờ bể/ Bà bị bắt/ Ba bốn bận/ Bỏ bố bà.
v.v.
Trong 4 truyện liệt kê ở trên, duy nhất chỉ có truyện “Bà Ba Béo” được coi là “độc vận”. Bởi bài thơ có 18 âm tiết (tiếng) thì tất cả đều bắt đầu bằng âm vị /b/ (tức là b).
Còn truyện 1 (Thầy thằng Thùng), nếu lấy phụ âm đầu là âm vị /t/ làm chuẩn (túng tiền tiêu) thì đã thống kê nhầm với các phụ âm “th”/t’/ (tức th: thầy thằng Thùng), “tr” /ʈ/ (tức tr: trên, trắng, thu).
Truyện 2 (Cha cô Chanh), nếu lấy phụ âm đầu là âm vị /k/ làm chuẩn thì nhầm với âm vị /c/ (tức ch: cha, Chanh).
Tương tự, truyện 3 (Trần Thị Thu Thuỷ) thì có các phụ âm đầu là: 1) âm vị /t/ (tên, tại, Tám, tỉnh, tuệ, tuy, tính, tới…); 2) âm vị /ʈ/ (tức tr: Trần, trú, trảng Tranh, trí, trăng tròn, tròn trặn, trắng trẻo, tròn trĩnh…); 3) âm vị /t’/ (tức th: Thu Thuỷ, Thị Thỏ, Thừa Thiên, thuở thiếu thời).
Những người sáng tạo ra các truyện vui độc vận (có thể nói là còn rất nhiều) đã nhầm lẫn. Trong hệ thống âm vị tiếng Việt, có 22 phụ âm đầu, gồm (viết theo kí hiệu phiên âm quốc tế IPA): /b/, /m/, /f/, /v/, /t/, /t’/, /d/, /n/, /z/, /ʐ/, /s/, /ş/, /c/, /ʈ/, /ɲ/, /l/, /k/, /χ/, /ŋ/, /ɣ/, /h/, /?/. Tuy nhiên, nếu chuyển sang cách viết của chữ cái tiếng Việt (Quốc ngữ) hiện nay thì ta sẽ có các kí hiệu tương đương là: /b/, /m/, /ph/, /v/, /t/, /th/, /đ/, /n/, /d, gi/, /r/, /x/, /s/, /ch/, /tr/, /nh/, /l/, /k, q, c/, /kh/, /ngh, ng/, /gh, g/, /h/, /âm tắc họng/. Như vậy, sẽ có những âm vị được cấu tạo từ 2 hoặc 3 âm tố (mỗi âm tố biểu thị bằng một chữ cái), chẳng hạn âm vị /t’/ là 2 chữ cái “t” và “h” (như trong từ tha thứ), âm vị /c/ là 2 chữ cái “c”, “h” (như trong từ chăm chỉ), âm vị /ŋ/ là 2 hoặc 3 chữ cái “n”, “g” và “h” (như trong từ nghi ngại) (Lưu ý: phụ âm tắc /?/ không xuất hiện bằng văn tự, như trong từ ăn uống, ai ơi, anh em…).
THÔNG ĐIỆP 5K?
Gần đây, trong Chiến dịch chống covid, ta thường nghe nói tới “Thông điệp 5K” (Thông điệp 5 ca), viết tắt của các từ: Khử khuẩn, Khẩu trang, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế. Thực tế, các từ này không bắt đầu bằng âm vị /k/ mà bằng âm vị /χ/ (tức kh). 5K, dù sao, đó là một cách viết tắt cho tiện lợi, dễ nhớ và ít nhiều mang tính thẩm mĩ (nghĩa của “ca” hay hơn nghĩa của “khờ”), chứ đúng theo nguyên tắc âm vị học thì phải nói là “THÔNG ĐIỆP 5KH” (Thông điệp 5 khờ).
Lẽ ra “khờ” phải thay “ca”
Nhưng vì covid chúng ta tạm dùng.