link tải gowin99 mới nhất

Chuyến tàu đêm

Quê tôi là một thị trấn nhỏ, cách Hà Nội chừng 250 cây số, có ga xép để tàu hỏa dừng chờ tránh nhau hoặc tiếp nguyên liệu. Tàu nào trả khách tại ga, thường là tàu chậm (hay còn gọi là tàu chợ). Mà đã là tàu chợ, thì bất kể giờ giấc, có khi tàu bị chậm 4 - 5 tiếng là bình thường.
chuy-taudem-1634185686.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Bây giờ, tàu không còn dừng ở những ga lẻ như quê tôi nữa mà chỉ đỗ ở những ga chính. Nếu đi tàu về quê, tôi lại phải thuê taxi chạy hơn trăm cây số nữa, rất bất tiện. Vì vậy, có lẽ, những chuyến tàu về quê chỉ là ký ức trong tôi.

Về quê, tôi thường chọn đi tàu đêm, vừa mát, lại tranh thủ được thời gian. Đi tàu thời bao cấp, người ta chỉ soát vé lên toa, chứ không bắt ngồi đúng ghế. Vì thế, tôi phải ra ga sớm để chọn chỗ ngồi gần cửa sổ. Tàu chạy, ánh đèn đô thị lùi dần, một khoảng tối mịt mùng trùm lấy không gian tĩnh lặng hai bên. Tối vậy, nhưng tôi vẫn dán mắt qua cửa sổ để tìm những tia sáng le ló từ ánh đèn dầu hắt ra bên nhà dân. Cũng chính vì thói quen thích ngồi gần cửa sổ, mà tôi đã gặp một tai nạn nhỏ. Hồi đó, các cửa sổ của toa tàu không có lưới chắn, rất thông thoáng; thông thoáng đến mức, khi tàu dừng bánh hoặc đến đoạn đường xấu chạy chậm, nhiều người trốn vé còn nhảy lên tàu, thậm chí họ chui qua các ô cửa sổ để vào toa. Những tiểu thương buôn bán đường dài thì ném những bao tải hàng thình thịch xuống qua ô cửa sổ để tránh bị thuế vụ và công an phát hiện khi tàu vào ga.

Bỗng, có âm thanh va đập thình thình vào toa tàu, một viên đá bằng nắm tay ném trúng tay tôi đau điếng. Có tiếng nhân viên đường sắt thét to:

- Đề nghị hành khách đóng cửa sổ lại. Trẻ con nó ném đá đấy!

Thời điểm ấy, tình trạng trẻ con nghịch ngợm ném đá lên tàu hỏa diễn ra khá phổ biến, một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra với khách đi tàu. Đến mức, ngành đường sắt phải phối hợp với công an có đường sắt chạy qua để tuyên truyền vận động, xử lý một số trường hợp; đồng thời đã chế tạo lưới chắn để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Tàu tới ga Đồng Văn thì dừng lại để chờ một đoàn tàu khác chạy qua. Đi tới ga Phủ Lý hoặc bất cứ điểm tránh nào, tàu cũng dừng lại như thế, ít thì 20 - 30 phút, nhiều thì cả tiếng. Cứ mỗi lần dừng đỗ, lại một lô một lốc người đùn lên, họ mang theo những bao tải, mà chỉ qua mùi vị cũng biết đó là hàng gì. Lúc thì thơm phức mùi thuốc bắc, hương nhang, lúc thì tanh nồng mùi cá khô... Rất may, thời điểm đó, nếu mang theo gia súc, gia cầm phải để ở một toa riêng.

Những người mới lên đa số là lậu vé hoặc "làm luật" với nhân viên đường sắt để được đi tàu, nên họ không có ghế ngồi, họ ngồi bệt xuống hành lang hai bên dãy ghế mắt liu diu, có người chui vào dưới ghế, có người mang theo võng dù, mắc hai bên thành tàu và ngủ một giấc ngon lành...

Đêm đã về khuya, đoàn tàu tiếp tục chạy, tiếng ngáy khò khò đều đặn của ai đó. Mùa hè, không khí oi nóng, ngột ngạt đầy mùi hơi người, mùi hàng hóa làm mắt tôi cứ trong trong không thể ngủ được.

**

Xa xa, tiếng còi tầm vang lên, ánh sáng đô thị hiện ra. Ai đó nói to:

- Sắp tới ga Nam Định, ai có tài sản gì thì giữ lấy nhé. Một mét vuông, hai thằng ăn cắp đấy!?

Chẳng biết từ bao giờ, người ta lại có lời đồn về tình trạng trộm cắp tại ga Nam Định như vậy? Tàu dừng hẳn. Một quang cảnh tấp nập hiện ra, mặc dù đã nửa đêm.

- Ai bánh mỳ nóng giòn!

- Ai bánh khúc nào!

- Ai ăn xôi không? Xôi giò, xôi vừng đây!...

Đoàn tàu lại tiếp tục lăn bánh. Nhưng trên toa tàu, vẫn có những người bán hàng rong lên từ bao giờ. Họ bán những gói mía đã được róc vỏ, tiện sẵn từng khúc. Bánh mỳ, bánh khúc, bánh nếp, tẻ ; rồi thuốc lá, thuốc lào, trà xanh, trà mạn đủ cả. Một vài ông khách nhìn thấy thuốc lào thì sáng mắt lên, mượn điếu, xuống cuối toa hút sòng sọc... Tới ga xép, họ lại nhảy xuống, rồi lại bám lên những đoàn tàu chạy ngược lại để trở về ga đã xuất phát...

Tàu tới ga Thanh Hóa, đây là ga lớn lên dừng lại khá lâu. Nhiều người đã xuống tàu để nghỉ ngơi ăn uống. Tôi cũng xuống tàu để xem quang cảnh sân ga. Trời rạng sáng là lúc mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Nhưng rất nhanh, khi đoàn tàu tới. Những chủ quầy sạp bán hàng tại ga đã thức dậy để mời chào khách mua hàng. Ai cũng thấy mua nem chua Thanh Hóa vốn là đặc sản của xứ này để làm quà. Khác với nem chua Hà Nội, nem ở đây gói hình vuông vuông, có lá ổi và nhiều lát ớt cay sè bên trong. Nhìn chiếc nem thì to, nhưng bóc ra toàn lá, nhân bên trong chắc chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay cái.

- Phải mặc cả đấy, ở đây họ nói thách lắm! Mọi người hỏi nhau giá trước khi mua để tránh bị hớ.

Tàu tiếp tục chạy nhưng "hơi thở" có vẻ ỳ ạch vì được nối thêm toa hàng. Tới một đoạn đường sắt có ray tránh thì dừng hẳn lại. Người ta cắt đầu tầu ra khỏi đoàn tàu? Hành khách cứ ngồi yên trên tàu suốt 2 tiếng đồng hồ mà không hiểu nguyên nhân vì sao? Tới rạng sáng, mới có một đầu tầu từ đâu chạy ngược lại, khớp nối với đoàn tàu. Cuộc hành trình lại tiếp tục!

***

Tôi về tới quê cũng đã khoảng 1 giờ chiều. Như vậy, nếu chiếu theo thông lệ giờ tàu đi và đến, đoàn tàu tôi đi đã chậm mất 5 tiếng. Cũng chẳng có lời xin lỗi hay lý do gì để giải thích cho sự chậm trễ này. Ngày đó, ngành đường sắt gần như độc quyền. Vận tải hàng không còn rất lạ lẫm. Vận tải hành khách bằng ô tô thì ít do chưa có thành phần tư nhân tham gia nên chưa đáp ứng đủ. Chỉ có đường sắt vẫn là vận tải chủ lực.

*

Mấy thập niên đã trôi qua. Giờ đây, nhiều lúc bắt gặp những đoàn tàu mà nhiều toa không có một bóng người vụt qua.Cũng thấy xót xa, chạnh lòng và nhớ về những đoàn tàu đầy ắp người năm xưa... Xã hội đã thay đổi, vận tải hàng không đang bùng nổ mạnh mẽ. Vận tải đường bộ thì cũng phát triển không kém, với nhiều loại xe đời mới, đắt tiền, tiện nghi đầy đủ với nhiều thành phần tham gia phục vụ "thượng đế". Chỉ có vận tải đường sắt là không thay đổi bao nhiêu. Vẫn những đầu tàu, toa tàu đó; vẫn tốc độ chạy tàu chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và tụt hậu xa so với quốc tế. Nhân lực đường sắt thì quá đông, riêng các điểm chắn đường ngang đã hút một số lượng nhân viên đáng kể. Khách đi tàu ít, thu nhập người lao động chắc không cao, không biết ngành đường sắt sẽ đi về đâu? Nhưng có một nghịch lý là, mùa du lịch đến, nhiều người muốn "đối gió" đi tàu thì vé tàu lại rất đắt, nếu nằm toa có điều hòa, đệm mút thì vé gần như ngang bằng với giá vé máy bay?!

Phải làm gì để vực dậy một loại hình vận tải truyền thống, rất quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng là trách nhiệm của cơ quan chức năng và ngành đường sắt. Bởi đường sắt ở nước ngoài thì vẫn đang rất phổ biến và phát triển, chỉ có ta là vẫn đứng yên với hệ thống đường ray đã tồn tại từ thời Pháp thuộc.

Đừng để, những chuyến tàu chỉ còn là ký ức, gợi nhớ về một thời xưa cũ. Hãy để "cái cũ" trở thành những kỷ niệm của thời gian, để xốc tới cái mới, để đổi mới, vươn mình, bắt kịp với công nghệ của thời đại; thu hút hành khách trở lại với những đoàn tàu đầy ắp người chạy qua những làng quê êm ả hôm nay.

Theo Chuyện quê