"Ông ơi cắm cho con cái nạp pin điện thoại", tiếng thằng cháu năm tuổi lại kéo tay ông Sáu.
"Hượm đã, để ông pha trà, con sang mời ông An sang đây, uống trà đánh cờ với ông rồi ông cắm nạp pin cho".
"Vâng ạ"!
Thằng cháu nội chạy sang hàng xóm. Lúc này tầm tám giờ sáng, giờ vàng của ông bà, các cụ hưu.
Ngoài đường, lác đác từng tốp học sinh đi xe đạp học thêm hè, vài ba bà chợ về muộn, tay sách nách mang, vừa đi vừa buôn chuyện. Thỉnh thoảng một chiếc công nông ì ạch chở vật liệu xây dựng chạy qua.
Tự nhiên ông nhớ lại, đã mấy chục năm rồi, ngày đó còn là anh Sáu, bộ đội về làng.
Bà con họ hàng kéo đến chật ních.
Chẳng ai nhận ra anh. Khi xưa "nó" khoẻ mạnh cường tráng...
Bà bác nhất quyết bảo: "Hay là giả, báo tử rồi kia mà".
Mẹ không tin cái giấy đó, chưa bao giờ tin cả. Hiển hiện là con mẹ ngồi đây, nhưng khác quá...
Chị họ đẩy cháu bé vào và hỏi: "Em biết đứa này là con ai không? "
Anh Sáu đáp: "Con chị chứ con ai, giống mẹ như đúc, khi em đi bộ đội cháu mới ba tháng trong bụng mẹ".
Chị reo mà như gào lên: " Đúng... cậu em, đúng rồi mọi người ơi".
Thường sau Hòa bình, các địa phương vẫn có trường hợp báo tử nhầm.
Điện làng, điện sinh hoạt nông thôn lúc đó phập phù lắm, lúc có lúc mất. Cái chính là dùng miễn phí, nên có quy định mỗi hộ chỉ được thắp hai bóng, ở nhà chính và công trình phụ. Nếu có bóng ở bếp thì thôi chuồng trại, nếu có bóng chuồng trại thì thôi bếp.
Anh Sáu bộ đội mới về ưu tiên cho chạy thêm cái quạt, cái đài đĩa do anh rể mang lên phục vụ bà con tới chơi.
Các cụ, các ông các bà trò chuyện gần xa làng xóm, còn cánh thanh nên xoay quanh cái đài nghe các tình khúc hấp dẫn: "Nỗi buồn hoa Phượng, căn nhà màu tím"...
Thập niên 80 đấy. Rồi anh Sáu thoát ly xa nhà...
Tại đứa cháu nội đòi sạc điện thoại, làm ông nhớ điện nông thôn xưa. Nhớ ngày từ chiến trường về...
Quê hương từng ngày thay đổi. Điện đã có cột chính vào tận ngõ. Đồng hồ điện từng hộ được lắp tập trung ra đầu ngõ. Đường xá đổ bể tông sạch đẹp thông thoáng. Đường dây điện thay hoàn toàn cáp mới có bọc nhựa, cột tròn vươn cao thẳng tắp. Cùng đường điện làng, dây mạng internet nối đến mọi nhà phục vụ sinh hoạt giải trí.
Giờ đi trong làng như đi trong thành phố, hai bên đường san sát nhà cao tầng. Làng làm kinh tế. Tiếng máy thêu, tiếng máy sát gạo, tiếng guồng quay nước lấy oxy cho cá thở rộn rã suốt ngày đêm.
Sau mấy chục năm trở về, anh Sáu đã trở thành ông Sáu, sống giữa tình thân, tình thương yêu của họ hàng làng xóm, ông cảm thấy thật mãn nguyện.
Thằng cháu kéo tay ông An đi vào :"Ông ơi! Ông An đây ạ".
Trái Tim Người Lính