Trong lần đi “phượt” cùng bạn đồng môn đại học Đào Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Tiếng Việt Trường ĐHKHXH&NV Quốc gia Hà Nội vừa qua ở mấy tỉnh miền Tây gồm Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… Những chuyện nhặt dọc đường về tình cảm nồng ấm của người phương Nam, nghĩa khí hào hiệp, hào sảng đậm chất Nam Bộ và sự trân quý các loài động vật, chim chóc, giữ gìn vệ sinh môi trường … để lại trong tôi ấn tượng mạnh.
Được cho xăng dọc đường
Sáng ấy, từ thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) hai anh em ăn sáng xong và nhấm nháp ly cà phê đen thơm ngào ngạt mà giá cả rất bình dân chỉ 10 ngàn đồng, sau đó chúng tôi đi xe máy về thị xã An Thới (phía Bắc đảo) chơi và thăm thú một số điểm du lịch nơi đây. Thời tiết Phú Quốc mấy hôm nay rất đẹp nhưng cứ tầm 10h là nắng rực rỡ, trời trong xanh không một gợn mây, chiếc xe máy nổ êm ru do Đào Hùng cầm lái trên con đường nhựa phẳng lỳ, hai bên đường những khu nghỉ dưỡng cao cấp nép bóng bên những rặng dừa xanh dọc bãi biển càng tô điểm cho đảo Ngọc thêm lung linh… Mải ngắm cảnh hai bên đường bỗng chiếc xe khựng lại, máy tắt hẳn Đào Hùng đề lại, nhấn ga hai, ba lần nhưng vẫn không nổ được , mở bình xăng ra thấy cạn trơ đáy, tôi buột miệng: “Chết rồi, mải đi quên đổ xăng giờ phải dắt bộ đến cây xăng, mà không biết cây xăng có gần đây không?”. Dưới trời nắng chang chang của nắng hè Phú Quốc chúng tôi thay phiên nhau dắt xe đi tìm cây xăng. Đi được độ vài trăm mét, bỗng thấy một cháu thanh niên đang dùng máy cắt cỏ ven đường, thấy chúng tôi dắt xe đi bộ, cháu thanh niên hỏi:
- Xe hai chú hết xăng phải không? Từ đây đến trạm xăng phía trước khoảng 5 km nữa. Nghe thế chúng tôi quá thất vọng vì mới đẩy vài trăm mét mà đã bở hơi tai, thấy vậy, cháu thanh niên nói:
- Hay là hai chú lấy tạm ít xăng của máy cắt cỏ dùng, tuy nó không tốt như xăng dùng cho xe máy nhưng bảo đảm là đi được đến trạm xăng. Thấy vậy, chúng tôi mừng quá và cháu thanh niên nghiêng bình xăng của máy cắt cỏ rót vào bình xăng xe máy khoảng nửa lít. Đào Hùng ngồi lên và đề, tiếng máy nổ giòn, tôi nói, chúng ta được cứu rồi. Lau vội những giọt mồ hôi giữa trưa hè Phú Quốc, tôi mở ví lấy tờ 50 nghìn và đưa cho cháu thanh niên để cảm ơn, cháu thanh niên vội xua tay lia lịa:
- Ấy chết, giúp các chú thôi, ai lại lấy tiền và lại cặm cụi với những vạt cỏ ven đường. Chúng tôi cảm ơn cháu một lần nữa và phóng xe đi đến trạm xăng phía trước, đang đi Đào Hùng nói:
- Mình thật vô tâm, quên không hỏi tên của người thanh niên đó….
Được chiêu đãi café và hủ tiếu.
Một sáng ở thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) chúng tôi dậy sớm đi bộ tập thể dục. Hai anh em lang thang ra khu vực ngoại thành vừa đi vừa ngắm cảnh và dự định ăn sáng ở ngoại thành, tiện thể quan sát, tìm hiểu đời sống của nhân dân. Đi bộ chừng 3 cây số, cả hai thấm mệt bèn tìm mộtquán café để ngồi nghỉ. Trong quán nhỏ có độ hơn chục khách, chúng tôi ghé vào một bàn có người đàn ông khoảng bảy mươi tuổi dáng người vạm vỡ với vẻ phong trần, ông nhanh nhảu:
- Hai anh đi chơi à, các anh ở vùng nào ngoài Bắc? Chúng tôi nói ở Hà Nội và Hải Dương. Qua câu chuyện mới biết ông trước năm 1975, ông bị bắt đi lính Sài Gòn 2 năm, sau giải phóng đi cải tạo 6 tháng rồi về lao động tự do. Đến nay hai ông bà có cuộc sống khá ổn định vì các con đều trưởng thành và có thu nhập khá… Lan man câu chuyện ông hỏi chúng tôi đã ăn sáng chưa và bảo ông đưa đi ăn hủ tiếu ở đây vừa ngon vừa rẻ mà chỉ có 15 nghìn đồng, trong khi đó trong thành phố đều từ 30 - 40 nghìn đồng. Rồi ông xăng xái dắt xe đèo hai anh em chạy dọc con hẻm độ 500 mét và vào quán hủ tiếu rất đông khách và gọi 2 tô hủ tiếu cho chúng tôi, còn ông đã ăn rồi. Phải nói tô hủ tiếu ở quán này chất lượng chả kém gì những tô hủ tiếu ở trung tâm Sa Đéc, cũng nhân tôm, mực, chả, giò, rau sống , giá đỗ, nước dùng trong nhưng rất ngọt và ngậy đúng vị hủ tiếu tôi đã từng ăn ở miền Tây. Chờ chúng tôi ăn xong, ông nhanh nhẹn trả tiền rồi lại đèo chúng tôi về quán café cũ. Ông gọi cho hai chúng tôi 2 cốc café nữa. Uống café xong ông lại xăng xái trả tiền rồi lấy xe đưa cả hai về khách sạn, lần này rút kinh nghiệm phải nhớ tên người đàn ông hào hiệp này, TS Đào Hùng đã cẩn thận lấy số điện thoại và hỏi tên ông. Ông tên là Út Anh, có lẽ ông là con trai út trong gia đình và khi chúng tôi về đến nhà, ông vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Chúng tôi nhủ thầm, nếu có dịp trở lại Sa Đéc lần nữa thế nào chúng tôi cũng tìm gặp anh Hai Út Anh nghĩa khí, hào hiệp.
Uống dừa xiêm miễn phí.
Trở lại miền Tây lần này chúng tôi ghé thăm quê hương Đồng Khởi, vùng đất biểu tượng của Người Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã đi vào thơ ca nhạc họa trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ở Bến Tre hai ngày chúng tôi đã đi khá nhiều điểm du lịch, nhưng canh cánh nhất vẫn chưa thăm được Đền thờ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, niềm tự hào của quê hương Bến Tre và dân tộc Việt Nam. Sáng ngày thứ ba, sau khi ăn sáng xong, hai chúng tôi khởi hành đi Ba Tri. Qua cầu Hàm Luông trên quốc lộ 57 C qua huyện Giồng Trôm đến trung tâm huyện ba Tri khoảng hơn 30km, đường xá rất đẹp, hai bên đường hầu như chỉ có dừa và dừa. Những mái nhà nhỏ nép mình dưới những vạt dừa xanh mướt. Ở đây người dân trồng các loại dừa rất phong phú như dừa xiêm xanh, dừa xiêm lục, dừa xiêm lửa, dừa xiêm xanh ruột hồng...một phần bán cho các đầu mối cung cấp cho các dịch vụ bán lẻ còn chủ yếu cho thương lái thu mua làm bánh kẹo, dầu dừa... Đi đường khát nước, ở giữa rừng dừa mà tuyệt nhiên không có một quán ven đường nào bán nước dừa tươi, chỉ toàn cafe và các loại nước ngọt... Cả hai chúng tôi đều thèm uống nước dừa bèn mạnh dạn vào một nhà dân ven đường hỏi mua dừa. Nhà chỉ có hai mẹ con ở nhà, người mẹ tầm trên 50 tuổi dáng người nhỏ nhắn và anh con trai ngoài hai mươi tuổi đang ngồi uống dừa. Thấy khách vào, cậu thanh niên hỏi:
- Hai chú khát nước phải không? Các chú uống nước dừa nhé? Nói rồi cháu vào góc nhà xách ra một buồng dừa xiêm khoảng hơn chục quả và chặt cho mỗi người 2 trái đặt trên mặt bàn. Đang khát nước, chúng tôi uống hết mỗi người hai quả, tôi còn uống thêm một quả mới đã. Ngồi trò chuyện với hai mẹ con, biết chúng tôi là khách du lịch trên đường đến huyện Ba Tri, cháu thanh niên nói, trời nắng như thế này các chú nên mang theo mấy trái dừa đi đường, lúc khát thì uống nhưng chúng tôi từ chối. Trước khi tạm biệt hai mẹ con, tôi mở ví định gửi ít tiền nhưng cả hai mẹ con đều một mực từ chối và còn khẳng định, nếu các chú khát nước thì vào bất cứ nhà ai cũng có dừa uống thoải mái…
Thành phố thân thiện môi trường
Ai đã đến thăm thành phố Hà Tiên một lần thôi cũng có ấn tượng rất đẹp về một thành phố êm đềm, thơ mộng và xinh đẹp nơi miền biên viễn có nhiều danh thắng đẹp, hút hồn du khách như biển Mũi Nai, Lăng Mạc Cửu, Hòn Phụ Tử, Thạch động… và bao sự tích về một thời ông cha ta mang gươm đi mở cõi. Nhưng, du khách còn có cảm tình hơn khi tham gia giao thông trên đường tuyệt nhiên không có bóng dáng của cảnh sát giao thông ở các chốt hoặc ngã ba, ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Nhưng, nếu du khách đi lạc đường, hỏi đường thì lúc nào cũng nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân nơi này với nụ cười thường trực trên môi. Những con đường trong thành phố rất sạch làm người ta có cảm tưởng như lúc nào cũng có bộ phận làm vệ sinh môi trường trường trực, bởi mỗi đoạn đường đều có đặt thùng rác công cộng để mọi người gom rác. Tôi đã mấy lần thấy các cháu nhỏ ăn kem hoăc bánh trái gom rác tự đem bỏ vào thùng rác công cộng bên lề đường. Điều đặc biệt ở Hà Tiên là ở các quán ăn bình dân hoặc ở những nhà hàng sang trọng đều thấy có rất nhiều chim chóc như sáo mỏ đen, sáo mỏ vàng, chim sẻ, chim ri đá đến kiếm ăn. Chúng rất dạn dĩ sà xuống len lỏi dưới gầm bàn, gầm ghế hoặc đậu trên những cành cây gần quán ăn theo dõi những mẩu thức ăn mà thực khách làm rơi vãi là sà xuống ăn. Chúng chỉ giật mình bay lên khi có ai đó đi tới gần. Điều thú vị là người dân nơi đây không ai xua đuổi, chả ai săn bắt nên đàn chim tự nhiên như vật nuôi trong nhà cứ ngày ngày tha thẩn kiếm ăn và sinh sôi ngày càng nhiều. Có những nhà hàng ăn vào tầm chiều thường mở băng catset thu âm tiếng chim hót ríu ran là chỉ ít phút sau hàng đàn chim bay về khu đó… Hiện tượng chim chóc tha thẩn kiếm ăn gần gũi với con người có lẽ chỉ có ở Hà Tiên…
Chú rái cá bị thương được trợ giúp
Một buổi chiều, tôi và anh bạn đồng hành đi thăm khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt (Đồng Tháp). Nơi đây vốn là căn cứ cách mạng từ năm 1960-1975 của Tỉnh ủy Đồng Tháp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt với diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long thuộc huyện Cao Lãnh. Đây là khu di tích lịch sử kết hợp với khu du lịch sinh thái luôn luôn hấp dẫn du khách trên mọi miền đất nước. Ở đây khách du lịch có thể tận hưởng không gian, môi trường sinh thái hoang dã trên những kênh rạch chằng chịt trong rừng tràm nguyên sinh hoặc đi bộ trên những con đường bằng bê tông trong rừng và tận mắt chứng kiến từng đàn sóc, vẹt. các loại chim trời bay trắng cả khu rừng. Sau hơn một giờ đồng hồ đi trên con xuồng ba lá do cháu hướng dẫn viên chèo đi thăm các di tích lịch sử như nhà làm của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp, phòng tiếp khách, trạm gác, nhà ăn… Vừa chèo xuồng cô cháu còn giới thiệu khá tỉ mỉ các loại động thực vật ở đây thật hấp dẫn. Điều đặc biệt là những người làm du lịch ở đây luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm để bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Một chi tiết rất thú vị trong chuyến đi này là khi chở chúng tôi đi tham quan, cháu hướng dẫn viên phát hiện một chú rái cá khá lớn bị thương trong khi đi kiếm ăn không trèo vào hang được (loài rái cá thường làm hang cao hơn mặt nước). Sau khi đưa chúng tôi về, cháu liền báo với cán bộ kiểm lâm. Ngay sau đó, mấy cán bộ kiểm lâm xuống ngay vị trí hang của rái cá, họ đào một rãnh khác để chú rái cá bị thương kia bò được vào hang an toàn… Hỏi chuyện người cán bộ kiểm lâm và bác thương binh trông bãi xe, cả hai người đều cho biết, nhiều năm nay, khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt không có trường hợp người dân nào săn bắt, khai thác động thực vật ở đây nên các loại chim chóc, động vật hoang dã ngày càng sinh sôi nhiều hơn trước. Chính vì thế, ngoài khách du lịch trong nước, Xẻo Quýt còn là điểm du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách nước ngoài…