Trong đơn vị nhiều cán bộ, chiến sỹ đã sống, chiến đấu gần gũi bên Trung, đồng đội rất hiểu nhau nên quyết tâm bảo vệ anh, nhất là Đại đội trưởng Tấc người Hưng Yên , tại một cuộc họp Chi bộ Đảng, chính Đại trưởng đã mạnh dạn phát biểu: Đề nghị cấp trên kiểm tra xác minh sớm cho chiến sỹ Trung, đồng chí ấy là một Đoàn viên thanh niên rất dũng cảm, một lòng trung thành với Cách mạng, tôi biết như đồng chí Trung thì không bao giờ là kẻ phản bội.
Biết là vậy, nhưng nguyên tắc bảo vệ nội bộ trong chiến tranh càng chặt chẽ, thận trọng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu . Việc điều tra xác minh của cấp trên vẫn tiến hành một cách thầm lặng. Danh hiệu mà Lê Đăng Trung được tặng Huân chương chiến công hạng 3, tạm thời bị giữ lại .
Câu chuyện vì sao Trung bị nghi ngờ ( mặc dầu anh có giấy ra viện do Viện Quân y Giải phóng cấp qua bản viết tay không có dấu ), bắt đầu từ từ hé lộ: Gặp Trung lúc đó đang mê man bất tỉnh, anh em sơ cứu rồi chuyển từ Trạm giao liên Phong Điền, Thừa Thiên đến Trạm phẫu Tiền phương. Khi tiến hành băng bó tạm, các anh ở đây đã lấy cuốn băng cứu thương của lính Mỹ ( một chiến lợi phẩm) để băng vết thương cho Trung, đến Trạm phẫu có một cán bộ Bảo vệ trên mặt trận cũng đang ở đó thấy được, thế là mối nghi ngờ bắt đầu sinh ra. Sự việc thì đơn giản (!) vậy mà rắc rối thì không giản đơn.
Trận thử thách đầu tiên sau ngày trở lại đơn vị là trận đánh căn cứ quân Mỹ tại Tân điền, Hải lăng vào đêm 14 tháng 4 năm 1970. Đây là trận đánh phối hợp. Tổ chiến đấu của Trung gồm hai người, được giao hỏa lực B41 và năm viên đạn , các anh có nhiệm vụ bắn vào mục tiêu " lô cốt đầu cầu " địch đắp nổi bằng bao cát , bắn phá các lớp hàng rào thép gai , mở đường cho các mũi tấn công của bộ đội ta. Ở mũi phía Nam do Phân đội trưởng Đặng Thơ quê Hải phòng làm mũi trưởng chủ công chính ( sau này Dũng sỹ diệt Mỹ: Đặng Thơ là Đại tá, nay về nghỉ hưu anh làm Trưởng ban liên lạc CCB K10 Đặc công Quảng trị) tiến đánh cường tập như vũ bão, tiếng B40, B41 và pháo DKZ cùng lúc phát hỏa nổ tung căn cứ địch. Trận này Quân giải phóng tiêu diệt 200 tên lính Mỹ và trên 120 tên lính ngụy Sài gòn.
Do gặp phải địch có hỏa lực mạnh nên quân Giải phóng hy sinh 85 chiến sỹ, rất đau buồn khi phải để lại trong căn cứ địch 34 liệt sỹ , không kịp chuyển ra. Bọn giặc đã trả thù bằng cách tập trung thi thể chiến sỹ ta rồi kéo ra phơi nắng gần đường tàu, nhằm quảng cáo cho " thắng lợi " của chúng suốt 3 ngày trời, nhân dân xã Hải sơn phải kéo đến đấu tranh quyết liệt với chúng, dân ta mới đưa được các liệt sỹ đem mai táng tập thể ở gần đó ( Nay đơn vị K10 đã xây bia ghi công tại thôn Tân điền xã Hải Sơn, Hải Lăng, nhưng hài cốt các liệt sỹ thì bọn địch đem vào Phong Điền chôn nơi nào chưa rõ, ngay sau vài tháng ngày nhân dân ta mai táng các anh). Trận đánh cứ điểmTân điền ta thắng lợi tuy không bằng trận Coóc ba sai , bởi lực lượng quân Mỹ ở đây quá mạnh lại được trực thăng, kết hợp quân Ngụy Sài gòn kịp thời cứu viện nên ta phải kết thúc trận đánh sớm, để lại một nỗi hoảng sợ kinh hoàng cho cả quân Mỹ và ngụy Sài gòn, với cách đánh tổng lực của bộ đội Đặc công Quân giải phóng .
Cùng các chiến sỹ tham gia trận đánh, với chiến công trận này, chiến sỹ Trung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bình bầu đề nghị lên Bộ chỉ huy Mặt trận tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ cấp 2. Mối giải tỏa sự nghi ngờ cho anh, bắt đầu được gỡ nút .
Đợt chỉnh huấn Chính trị cuối năm diễn ra trên Miền tây QuảngTrị , một lần Trung cùng anh em đi nhận gạo trên kho hậu cần Quân khu, rất nhiều đơn vị cũng có mặt hôm đó. Trong lúc chờ đợi, tình cờ Trung ngồi chuyện trò cùng một số anh em ở Binh trạm Phong Điền Thừa Thiên qua thăm hỏi nhau Trung muốn tìm ân nhân đã cứu mình năm trước! Từ phía sau một người đứng bật dậy reo lên:
- Tôi đây ! Là Trạm trưởng đã cõng anh về và băng bó rồi chuyển anh đến Trạm phẫu đây!
Họ ôm chầm lấy nhau, nỗi vui mừng lan sang cả các đồng đội đang ngồi xung quanh. Trung cảm động đến nỗi nói giọng run run như muốn khóc:
- Anh cho em quì xuống dưới chân anh một lúc nhé! Anh và các anh chị ở đó đã cứu sống em lúc cái chết đã đến sát, kề bên rồi ! Chỉ cần chậm một thời gian rất ngắn nữa thôi, các anh không đến kịp, thì em đã vĩnh viễn ra đi khỏi cuộc đời này !
Tình cảm của người chiến sỹ Cách mạng nó cao quí và đáng trân trọng biết bao, khi mà họ gặp nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, ngắn ngủi, chưa biết tên nhau, chưa rõ quê quán, đơn vị công tác, nay gặp lại nhau đây họ thân thiết như anh em ruột thịt. Qua tâm sự về nỗi oan trái của mình cho đồng đội nghe, anh Trạm trưởng đã nói ngay:
- Ngay sáng mai, mình và anh em trong Binh trạm Phong Điền sẽ đến gặp Ban chỉ huy Tiểu đoàn của cậu, báo cáo cụ thể trường hợp của cậu mà chúng tớ đã gặp và cứu trong hoàn cảnh như thế nào, cho các anh ấy rõ!
Kể từ đây, kết hợp với quá trình thử thách, xác minh, Lê Đăng Trung được trả lại sự trong sạch và danh dự của một chiến sỹ Đặc công đã hai lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ .
Những nụ cười rạng rỡ nở lại trên khuôn mặt trẻ trung, đẹp trai của người chiến sỹ Giải phóng quân, quê Hải Dương này .
Một trận đánh với thế lực mới, tinh thần mới cùng quyết tâm cao: Cương quyết tiêu diệt sinh lực địch thật nhiều, gây tiêu hao lớn dẫn đến làm suy yếu cả vật lực chiến tranh và tinh thần của bọn lính ngụy Sài gòn, phải tiến đánh ngay từ ngày đầu Quân giải phóng mở chiến dịch lớn: Giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng trị. Đó là trận đánh đêm 19 rạng ngày 20 tháng 3 năm 1972 vào chi khu quân sự Mai Lĩnh, nằm án ngự trên tuyến đường số 1 , phía tây Thành cổ Quảng Trị . Bộ chỉ huy Mặt trận giao cho K10 Đặc công đảm nhiệm tiêu diệt mục tiêu quan trọng này. Trước khi nhận nhiệm vụ làm mũi trưởng đánh sâu vào Trung thâm sào huyệt địch, Lê Đăng Trung đã là Bê trưởng. Bước trinh sát được giao cho Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn do đồng chí Phan Hải Quân chỉ huy ( sau này đồng chí Quân là Thiếu tướng Viện trưởng Viện 70 Bộ Quốc phòng), đảm nhiệm từ khâu trinh sát vẽ sơ đồ từng mục tiêu, đến việc đắp sa bàn lên phương án tác chiến!
Tất cả đã sẵn sàng, giờ xuất trận đã tới.
Theo Trái tim người lính