Chiến đấu trên chiến trường Lào, nhiệm vụ của tiểu đoàn là tiêu diệt các loại máy bay Mỹ, bảo vệ đường, bảo vệ các đoàn xe vận tải và các kho hàng của binh trạm 12 đoàn 559.Từ cửa khẩu 050. (Nay là cửa khẩu quốc tế Cha Lo nối liền giữa hai tỉnh Quảng Bình của Việt nam và Khăm muộn của Lào).Đến Bắc Pha Lăng tỉnh Khăm Muộn ,chiều dài khoảng 70 km. Trên tuyến đường 128.
Là giai đoạn đầu mùa khô cho nên máy bay Mỹ tập trung đánh phá rất ác liệt các cửa khẩu, chúng cho rằng tất cả vũ khí, đạn dược, hàng hóa ,của miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam đều phải đi qua các cửa khẩu. Máy bay phản lực, máy bay B52 chủ yếu là cất cánh tại sân bay U Ta Pao (đông bắc Thái land ) thi nhau ném bom xuống các trọng điểm này. Vì thế cuộc chiến đấu bảo vệ tuyến đường này trở nên rất ác liệt. Chúng tôi đã chiến đấu cả ban ngày và cả ban đêm , không có ngày nào không nổ súng, không có đêm nào không nổ súng. Trận chiến đấu chiều ngày 23 tháng 11 năm 1969 khi đoàn xe vận tải vừa mới bốc hàng ra khỏi kho, thì bị máy bay Mỹ phát hiện, chiếc máy bay F4H (phantom) Con Ma bổ nhào xuống cắt bom , đại đội 12 tiểu đoàn 44 đã nổ súng kịp thời, chiếc máy bay F4H trúng đạn bốc cháy rơi xuống cách trận địa chúng tôi, tại ngầm Na Tông bản Na Bua huyện Lằng Khằng tỉnh Khăm Muộn chưa đầy 500m ,hai tên giặc lái Mỹ bị tiêu diệt, vì không kịp nhảy dù. Đoàn xe vận tải được bảo vệ an toàn.
Để lập nên những chiến công như vậy, chúng tôi phải đổi bằng máu và cả tính mạng nữa. Trong những trận chiến đấu một mất một còn đó, nhiều đồng đội của tôi đã bị thương, có đồng chí đã nằm lại vĩnh viễn trên mãnh đất này. Đó là chuẩn úy đại đội phó Nguyễn Đức Lang anh quê ở Nghi Diên huyện Nghi lộc tỉnh Nghệ An.
Là lính hải quân chuyển sang. Anh hiền lành dũng cảm rất thương cánh lính trẻ chúng tôi. Anh hy sinh trong lúc đang làm trận địa cũng với đồng chí Phạm Kim Bồng quê ở Thái Bình, là trắc thủ máy đo xa 3ĐH ,và là tiểu đội phó của tôi. Bị một quả tên lửa không đối đất,đã bắn vào trận địa đồng chí Bồng hy sinh ngay bên bờ công sự.Anh Lang bị sức ép do quả tên lửa nổ qua gần ,tuy vậy anh về được trận địa đang ở. Anh vội vàng xách một chiếc xô được gò bằng ống pháo sáng, xuống một hố bom gần đó múc nước rửa mặt và chân tay .Khi về lại trận địa, anh đã gặp anh Nguyễn Thái Hộ thiếu úy đại đội trưởng.
Anh Lang nói:
"Anh Hộ ạ ! Tôi thấy trong người khó chịu quá ".
Anh vào hầm nằm nghỉ cho khỏe. Anh Hộ bảo thế.
Anh Lang vào căn hầm ban chỉ huy và từ đó bị hôn mê không còn biết gì nữa. Đơn bị đưa anh vào tram phẩu thuật Na tông của tiền phương binh trạm12.Các bác sỹ chấn đoán sức ép của quả tên lửa đã làm đứt các mao mạch trong phổi .Và quyết định mở ống thở. Nhưng vì bị quá nặng anh đã trút hơi thở cuối cùng. Chứng kiến một cảnh tượng thật cảm động, chúng tôi không cầm được nước mắt vĩnh biệt người chỉ huy ,người đồng đội gan dạ, dũng cảm. Người anh thân thiết của cánh lính trẻ chúng tôi.
Ngày tháng trôi qua,được thử thách sau những trận chiến đấu ác liệt đó chúng tôi càng trưởng thành ,tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sỹ chúng tôi, càng quyết tâm cao.Bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn các đoàn xe vận tải. Trong các trận chiến đấu căng thẳng quyết liệt đó, tinh thần lạc quan cách mạng vẫn sẵn có trong chúng tôi những chiến sỹ trẻ. Luôn luôn sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Gần đến ngày 22 tháng 12 là ngày thành lập quân đội, chi đoàn phát động một phong trào làm báo tường chào mừng ngày kỷ niệm đó. Mỗi đoàn viên thanh niên đều phải làm một bài thơ, để nộp cho chi đoàn tuyển chọn đăng trên báo tường của chi đoàn có tựa để QUYẾT THẮNG.
Đã gần hết thời gian nộp bài rồi mà tôi vẫn không nghĩ ra một bài thơ nào, anh em trong phân đoàn tiểu đội chỉ huy của tôi.Ai cũng đã nộp bài cả rồi. Sao làm một bài thơ lại khó thế ! Văn thơ thì cũng đọc nhiều nhưng thơ thì chưa làm bao giờ. Thế rồi vào một buổi trưa trong giờ trực ban cả đại đội đang ngủ cả, chỉ còn lại còn lại tôi và Nhu là trắc thủ máy đo xa 3ĐH, làm nhiêm vụ. Trận địa im ắng ,tôi nhìn cảnh vật xung quanh tất cả đều im lặng. Những cành lá xanh ngụy trang mới được thay cả trận địa một màu xanh mượt, một ý nghĩa chợt lóe sáng trong đầu tôi ,hay ta viết bài thơ về cành lá ngụy trang. Một công việc không thể thiếu được của bộ đội cao xạ là ngụy trang trận địa. Đợi hết phiên ca trực, tôi chui vào hầm và lấy bút giấy ra làm thơ, cũng buổi trưa hôm đó "Tác phẩm " đầu tay cũng ra đời. Bài thơ có tựa đề LÁ XANH.
Sau đó bài thơ được chọn để viết lên bảo tường của chi đoàn.
Trong một lần xuống thâm nhập đại đội tôi, nhà thơ Trọng Khoát hồi đó là trợ lý tuyên huấn binh trạm 12 ,sau này là trợ lý tuyên huấn đoàn 559 ,cùng phòng làm việc với nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Anh Trọng Khoát đã ghi lại bài thơ, trước khi rời đơn vị anh có gặp tôi và căn dặn:
Anh ấy bảo:
Anh đã ghi lại bài thơ LÁ XANH ,của em để về đăng trên báo Trường Sơn của đoàn 559.Nếu thuận lợi anh sẽ gửi bài cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Em cố gắng viết nhiều bài thơ nữa nhé.
Tôi im lặng chỉ biết cám ơn anh và tiễn anh ra về.
Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, đợn vị của chúng tôi
,cứ tiếp tục hành quân chiến đấu theo chiều dài của những con đường Hồ Chí Minh cho đến khi thống nhất đất nước. Và từ đó tôi cũng không có được một bài thơ nào nữa.
Đã hơn năm mươi năm rồi. Những kỷ niệm về một bài thơ, về một thời chinh chiến của tuổi trẻ .Đối với tôi : Tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Thành phố Hà Tĩnh tháng 2 năm 2022.
Xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ:
LÁ XANH.
Lá xanh che ở bên đường.
Cho trời xanh biếc bốn phương xe vào.
Lá xanh che ở chiến hào
Giặc Mỹ lao vào hóa kiếp ra ma
Lá xanh che ở bến phà
Nối dòng chung thủy cho ta với mình
Trên xe cành lá rập rình
Giữ trọn mối tình tiến tuyến hậu phương
Nhắn ai vào đấy chiến trường
Trong ấy thắng lớn trên đường càng xanh.
Khăm Muộn mùa khô. 1969 - 1970.
Trái tim người lính