Anh Hương là xã đội trưởng Sơn Lãnh trước năm 1975. Anh nói tui có câu chuyện rất lạ nhưng không kể cho anh, mặc dầu đã kể cho anh nhiều chuyện và anh cũng đã viết, giờ chuyện này tui giữ độc quyền.
- Chuyện chi mà lạ hung rứa, nói qua thử coi:
- Cách đây mấy tháng có một người tên là Huỳnh Tấn Thảo đến Quế Phong tìm nhà anh Thịnh hồi kháng chiến chống Mỹ là bộ đội huyện Quế Sơn. Anh đó người Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, sau năm 1975 vào Sài Gòn làm ăn, ngó tướng giàu, đi xe con luôn.
Chuyện là thế này, năm 1972 ta đánh chiếm quận lị Quế Sơn được 3 ngày thì chúng phản kích tái chiếm. Trong khi đánh nhau, anh Thịnh bắn một tên lính ngụy ngã ngay trước mặt, địch tháo chạy anh tấn công lên thấy tên lính bị thương ở bụng.
Những người khác cùng tiến, bảo: "Anh Thịnh bắn bồi một phát cho nó chết yên thân". Anh Thịnh không bắn mà băng bó cho hắn ta. Anh lính nọ xin nước, anh Thịnh lấy bình đông cho uống đúng một miếng. Anh nói: "Tôi cho anh uống nhiều sẽ ra máu chết luôn, uống chừng đó thôi và nằm yên".
Sau đó địch tiến trở lại đông nghịt, anh Thịnh để người lính ngụy kia nằm tại chỗ, lệnh cho lính của anh lui. Từ đó đến nay không biết người lính đó ở đâu, còn sống hay chết. Không biết! Không biết! Theo thời gian hun hút trôi...
Sau cuộc chiến, cựu chiến binh Thịnh về quê An Long, Quế Phong sinh sống.
Đùng một hôm, anh lính ngụy ngày xưa vào nhà rối rít:
- Cám ơn anh, anh đã cứu sống em, có anh em mới có ngày hôm nay. Vợ con em bảo phải đi tìm cho được anh để đền ơn cứu mạng. Em đã đi 10 lần rồi, về Quảng Nam hỏi mãi. Một hôm xem truyền hình thấy Quế Sơn, Quảng Nam kỷ niệm chiến thắng Cấm Dơi- Nơi em đóng quân và thất trận năm ấy, sự kiện này càng thôi thúc em đi tìm anh. Sáng nay đến chỗ ngã ba Hương An, vào quán cà phê dò hỏi và trình bày: ".....Tui không biết chi hết về người cứu tôi, tôi chỉ nhớ anh ấy tên Thịnh bộ đội, thế thôi. Vì tui nghe những người đi với anh ta bảo: "Anh Thịnh bắn bồi cho nó một phát... Như thế là tôi nhớ cái tên đó cả đời".
Một người ngồi bàn bên, nghe vậy lên tiếng: "Tui có biết anh Thịnh bộ đội huyện Quế Sơn, nhiều người tên Thịnh không biết có phải Thịnh là người anh tìm hay không. Tui có số điện thoại của ảnh đây để tôi gọi thử".
Người lạ mặt nọ nói rất gọn về lý do gọi điện rồi đưa máy cho Huỳnh Tấn Thảo đối thoại trực tiếp anh Thịnh. Thảo chào và hỏi:
- Xin lỗi anh có phải anh Thịnh không ạ? Thưa anh hồi năm 1972 trong một trận đánh anh có băng bó cho người phía bên kia phải không ạ? Anh băng cho người lính đó ở đầu, ở chân hay ở tay vậy anh?
- Phải rồi! Tôi băng người ấy ở bụng, bị thương đạn xuyên qua bụng.
- Rứa là đúng em rồi anh ơi! Em đi tìm anh cả chục lần trong mấy chục năm nay, anh cho địa chỉ em đến nhà gấp bây giờ.
Huỳnh Tấn Thảo đến nhà anh Thịnh. Chao ôi là mừng! Có công trời không phụ.
Sau khi cám ơn, kể lể về cuộc đời, việc con cái gia đình, việc làm ăn, việc sau khi anh Thịnh băng bó thì ai tiếp tục cứu chữa..., anh Thảo xin phép có một món quà tặng ân nhân. Thảo rút trong cặp ra một xấp 500 ngàn, cỡ 50 triệu.
- Xin tặng anh! Anh cho phép em tỏ một chút nghĩa cử!
Thịnh thò tay rút một tờ.
- Tui lấy chừng ni thôi, hôm sau uống cà phê với bạn bè mừng cuộc hội ngộ hôm nay.
Anh Thảo rưng rưng cung cấp địa chỉ nhà ở Nha Trang, nhà ở Sài Gòn. Mời anh Thịnh vào chơi. Mời anh Thịnh cùng đi tham quan Singapor với doanh nghiệp của anh ta.
Rứa là mấy tháng ni họ đã gặp nhau đến mấy lần trong tình thương nẩy mầm từ hòa hợp sinh tử của hai người lính từ hai phía.
Theo Chuyện quê