Cương rót rượu ra đầy mấy cái ly, chạm với mọi người rồi tu cái ực lấy khí thế. Hắn là hàng xóm của tôi, thích nói chuyện văn chương. Có thằng hàng xóm như vậy, thỉnh thoảng gọi nhau nâng lên đặt xuống cũng vui.
Chuyện trong bàn nhậu của hắn nghe đôi khi ngang tai lắm, nhưng ngẫm lại có lý ra phết. Câu chuyện này tôi ghi lại trong ngày Tết vừa qua khi ngồi với gã:
Dân ta ở đây có một số người, họ sống với một thứ văn hoá vay mượn bác ạ. Thích hình thức, nhưng thiếu chân tình trong cuộc sống cũng như lễ giáo. Có tí tiền, nói năng cũng sặc mùi Bình Đà. Đúng là "quen sợ dạ/ Lạ sợ áo quần". Chẳng đâu xa lạ, con vợ của em cũng vậy: Đi làm được một thời gian, đang ngon lành, tự nhiên đốc chứng học đòi mấy bà ăn chay, tụng kinh. Chứ nó có hiểu quái gì về kinh kệ đâu bác. Cha mẹ hai họ cũng chẳng có ai như cô ấy cả. Nó làm đảo lộn sinh hoạt của gia đình. Nhà có ba phòng, nó dồn lại thành hai. Một phòng để cầu kinh niệm phật và ngủ luôn ở đó. Hai thằng con ngủ chung với bố, từ ngày cô ấy "ăn chay".
Không hiểu sao, đến năm rồi con vợ em nó bỏ ăn chay, bỏ gõ mõ tụng kinh làm em giật mình, nhưng khoái. Bởi, từ đó gia đình mới có bữa cơm đúng nghĩa các bác ạ.
- Hay từ trước đến nay, ông cấm cản, gia trưởng, chặt chẽ quá làm cô ấy bị stress nên tìm đến...? Tôi hỏi gã như như vậy.
Như đỉa phải vôi, gã đặt vội cốc rượu đang tợp dở xuống:
- Bác buồn cười thật. Tính em từ trước đến nay bác hiểu rõ nhất lại còn hỏi đểu nữa: Không ai cấm cô ấy cả. Ai cũng phải có tín ngưỡng, nhưng đừng thái quá, mà trở thành mù quáng. Em đã bảo với vợ em rồi, cứ đến ngày mùng 1 và ngày 15 rằm thắp hương tụng kinh cho tổ tiên ông bà là được. "Phật trong tâm". Ăn uống cũng vậy, thích ăn chay thì mua rau, củ quả về nấu... Đằng này toàn mua đồ chay qua chế biến, giả cá, giả thịt vv. Màu sắc và hương vị là hoá chất đấy, chắc chắn sẽ không an toàn bằng đồ tự nhiên.
Nhớ lại trước đây vợ em mỗi lần tụng kinh, tiếng gõ mõ quyện với mùi hương... Nhìn đĩa thịt đông, em lại hình dung ra sự phân hủy của một thân phận, một sự đổ vỡ. Em nôn thốc nôn tháo và rất khổ đau, về sự mê muội của người đàn bà mà em yêu thương. Đã vậy, nhìn mặt nó nhiều khi cứ bàng bạc đần đần, với ánh mắt vô hồn nhìn về đâu đó… Em can mãi chẳng được, nhiều lúc cũng bực mình đâm nghĩ quẩn, hoài nghi tất cả. Có lần em lấy tóc của hai đứa con đi làm xét nghiệm ADN, cũng may hai đứa đều là con của em. Nhiều khi thấy lòng mình như có một sự đố kỵ, trơ trẽn bác ạ... Bản thân mình mới hơn bốn mươi tuổi, sống chung với vợ trẻ, đẹp, vậy mà nhiều đêm phải tự sướng mới khổ chứ... Nghĩ lại mà sợ. Sống trong mấy chục mét vuông, đi làm thì chớ về nhà nghe tiếng tụng kinh và khói hương thở không được. Thương các con, khổ nhất là những hôm có khách. Nghe tiếng tụng kinh và khói hương giống như đang ngồi ăn ở trong nhà lễ tang ấy, thật ái ngại. Có người ở xa đến không hiểu, tưởng em đã làm nhiều chuyện thất đức; vợ mới phải sám hối như vậy.
Rồi tự nhiên gã áp sát tai tôi: Một đêm hoang lạc trần tục, tưởng là không bao giờ có nữa sau những tháng ngày cô ấy ăn chay. Ấy vậy, mà mới đây thôi bác ạ, nó cứ như bị ma ám ấy. Đêm ấy, con vợ em như điên dại, đòi lại hết. Ôi, nàng phá giới thật rồi… Nàng gào thét, làm cho em không còn kiềm chế được. Em thả hồn chơi vơi trong trời biển ái tình, buông xuôi, để bù lại cho những tháng ngày nàng ăn chay. Dường như, cô ấy buông hết những gì bấy lâu nay em kìm nén… Em bở hơi tai, vẫn còn hổn hến thét lên được: “Vợ ơi, em đã thành người phàm tục như ngày nào rồi!”. Cũng may phòng đóng kín chứ các cháu nhà em nghe thấy thì ngượng chết đi được.
Vậy là hạnh phúc lại trở về với gia đình em. Em vui, các cháu vui. Không còn cảnh vợ một mâm, chồng một mâm nữa. Các con lại được trở về phòng riêng của các con...
Tôi rót đầy hai ly và bảo:
-Thế cạn phát chúc mừng ông đã thoát khỏi u uất đó.
Gã khoát tay:
- Khoan đã, em kể tiếp chuyện Hải Khoai người Hải Phòng, bác nghe sẽ phê ngay. Thằng này lính lái xe cùng em thời quân ngũ: Số là, hôm ấy xe chạy từ Hải Dương về Quảng Ninh. Đến đoạn cầu Phú Lương thì có một cô gái xin đi nhờ về Cẩm Phả. Dưới cái nắng chiều của vùng sông nước. Hải Khoai bị mê loạn vẻ đẹp của cô gái, phát đầu phanh dúi dụi đập mặt vào vô lăng. Nó làm em nhớ câu thơ của Xuân Diệu: "Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ".
Lên xe em liền nhường chỗ cho cô ngồi giữa, Hải Khoai ríu rít như chim chích. Cô gái về giỗ hết tang chồng. Nải chuối và bó hoa huệ trắng, thằng Cương đặt lên cốp xe cẩn thận. Xe qua phà Bính, chạy đến thị trấn Thủy Nguyên thì Hải Khoai bảo xe hỏng, lúc trời vừa tắt nắng: Nghỉ lại đây mai sửa xe rồi đi tiếp. Hải Khoai nháy mắt nhìn em bảo vậy. Đêm ấy nằm dưới gầm xe, đặt lưng xuống em ngủ như chết. Lúc tỉnh dậy đã gần sáu giờ sáng, em leo lên cabin thì không thấy Hải Khoai và cô gái đâu. Chỉ thấy nải chuối và bó hoa bấy nát vung vãi. Một cảnh tượng như sau cơn bão. Em đang dọn dẹp, thấy hai người đi từ phía công viên của thị trấn về. Nếu không thấy Hải Khoai khoác vai cô gái, âu yếm, thì em đã tang một đấm vào mặt nó...
Buồn cười nhất là bà bán tạp hoá trước doanh trại của đơn vị, suốt ngày hương khói, tụng kinh rao giảng đạo đức và chửi chồng thì như hát hay. Thế mà lại có đứa con riêng với Hải Khoai. Hải Khoai bảo, mỗi lần thấy bà ấy rao giảng đạo đức và chửi chồng chỉ muốn đấm cho bà ấy một quả vào mõm cho chừa thói đạo đức giả ấy đi. Bởi vậy, bà ấy sợ Hải Khoai và chiều hắn như vua. Hải Khoai lái xe cũng là thợ sửa chữa biệt phái cho đơn vị. Có tiếng sát gái khắp vùng, nhiều người không hiểu thì cho hắn là thằng mất dạy phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình. Nhưng thật ra, hắn đã sống đúng bản năng của một thằng đàn ông khỏe mạnh. Ai chê, hắn chỉ cười khì khì: Họ cho thì tôi mới chiến đấu, chứ không bao giờ ép buộc ai cả... Khoái cảm là từ hai phía, chứ chẳng của riêng ai. Đấy cái bà bán tạp hóa ngay trước cổng doanh trại, có con với tôi ngày nào cũng gặp nhau… cười nói mà có oán trách gì đâu?
Đạo là văn, mấy anh em đầu năm ngồi nghe gã hàng xóm tên Cương kể chuyện vợ và tay Hải Khoai thấy có lý. Câu chuyện của Cương làm tôi nghĩ đến lần ăn phở tối. Đang ăn thấy cô bồi bàn lách qua mấy người đang ăn tiết canh, để vào thắp hương cho ông Địa. Rồi lườm qua bà chủ nhận cái nháy mắt tán thưởng...
Mùi hương buổi tối làm cho ông bạn tôi ho sặc sụa, chảy cả nước mắt nước mũi. Nhìn sang bàn bên thấy khói hương mờ ảo, trên miệng mấy tay ăn tiết canh máu còn dính bê bết trên râu. Hình ảnh những chiếc bát còn dính bê bết máu, nhìn giống như vừa có vụ tại nạn xe cộ xảy ra trên mặt bàn vậy. Tại cái mùi hương thắp không đúng thời điểm thôi. Tín ngưỡng cũng cần phải tôn trọng khách hàng. Đó mới thật sự là văn hoá...
Tâm sự của Cương cũng đã nói lên được nhiều điều trong đời sống, mà hàng ngày họ đang phải bươn chải vì cơm áo gạo tiền...
Tợp nốt cốc rượu cuối cùng, Cương ôm vợ và hai đứa con vào lòng như vừa thoát được một kiếp nạn, của nghiệp chướng.
Đối với mỗi người trong chúng ta, bất kể là có tin Phật hay không thì đều biết rằng Phật là lương thiện, là từ bi và luôn bảo hộ chúng sinh.
”Hiện thân trên khắp nẻo đường
Đem tình thương, xóa đau thương mọi nhà.
Tay trao tay, những món quà
Sớt vui chia khổ như là hóa thân.”
Berlin - ĐD