Đối với cá nhân tôi, nếu không kể chuyện này ra, tôi luôn thấy rất ấm ức, không chịu nổi. Là vì tôi mắc bệnh “thù lâu nhớ dai” không chữa được.
Tôi học kém, nhất là môn văn, điều ấy tự tôi nhận thức được, không lẩn tránh, không dấu dốt, vì năng lực cha mẹ sinh ra mình như thế mà. Tuy nhiên, điều thầy T giáo viên dạy tôi năm lớp 3B khoá 1969-1970 trường cấp 1 Xuân Khê, Lý Nhân, Hà Nam khiến tôi không tâm phục khẩu phục.
Chuyện thế này…
Năm học lớp 3, tôi vừa nhem nhuốc, bẩn thỉu, vừa học dốt, nên thầy T không thích. Hơn nữa, bố tôi là bộ đội, mẹ còn lo cho 3 đứa em nhỏ phía sau nữa nên không thể qua lại, quà cáp như bố mẹ các bạn khác khiến tôi càng bị thầy ác cảm.
Thời ấy quà cáp không như bây giờ, ấy là thầy T "dân vận" (từ thời nay) rất giỏi, luôn xoay vòng để cái xe đạp của mình ở mấy nhà lân cận (Lớp học của chúng tôi ở nhà bà H). Tôi và mấy đứa bạn tăm tia thấy cái xe của thầy có cái giỏ đặc biệt, thầy cứ đi dạy về là cái giỏ ấy có thêm thứ gì đó như quả cam, mấy quả trứng hay mớ rau. Không biết có phải vì điều ấy không mà những đứa thầy gửi xe ấy không bị bẹo tai, luôn được điểm cao chứ không như chúng tôi đã điểm kém còn bị thầy vặn tai đến rớm máu.
Tôi cũng chẳng biện hộ đâu, tôi bị điểm kém là do dốt, nhưng tôi và nhóm bạn luôn cho rằng thầy T không công bằng. Một hôm, có bài văn tả bà, thầy T hướng dẫn cách làm bài, rồi cho một bạn nữ là quản ca của lớp đứng lên đọc một bài văn thầy đã chuẩn bị sẵn ba lần (ngày nay người ta gọi là văn mẫu, còn thời đó chưa có sách in văn mẫu đâu, chỉ là mảnh giấy chính thầy viết thôi). Sau đó thầy cho cả lớp mang giấy ra nhớ như thế nào thì tự viết lại thành bài tập làm văn.
Thời đó chỉ mỗi quyển vở, làm gì có tài liệu tham khảo để viết theo như bây giờ, tờ giấy làm văn cũng xé từ quyển vở ấy. Có lẽ thiếu tập trung, tôi không nghe đầy đủ, trí nhớ kém, tôi cũng không nhớ người ta tả bà thế nào, nên đành nhớ về bà mình thế nào thì viết thế nấy.
Hôm trả bài tập làm văn, cả lớp từ 5 điểm trở lên, kể cả thằng N ngồi cạnh tôi chỉ viết được hai dòng, mỗi mình tôi bị một điểm đỏ chót. Hơn thế, tôi bị bêu trước lớp, bị bẹo tai để các bạn cười cợt.
Lúc bạn D được đọc bài được 9 điểm của mình trước lớp tôi mới hiểu. Hoá ra bài mẫu tả bà lưng còng, tóc bạc phơ, răng rụng, nhai trầu,… thế mà vì không nhập tâm bài văn mẫu, nên tôi tả bà không giống thế, mà lại giống bà tôi thật ngoài đời. Cũng vì lỗi tại bà nội tôi nữa, khi ấy bà tôi không chịu còng, tóc cũng chưa chịu bạc, răng vẫn không rụng và không ăn trầu.
Ấn tượng của thầy T về đứa học trò ngu dốt là tôi, một lần nữa được minh chứng khi làm văn tả anh bộ đội. Đây là bài tập về nhà, thật là may, đúng dịp bố tôi là bộ đội được nghỉ phép, nên tôi nhờ bố tả giúp, tôi chép lại. Đại thể là chú bộ đội cũng như những người khác, tuy ăn đói, mặc không đủ ấm nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, dù phải xa gia đình nhưng vẫn nhớ nhà, thương con v.v.
Khổ nỗi, bài văn mẫu là chú bộ đội oai hùng, rất dũng cảm, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh anh dũng v.v. Lúc chết, anh bộ đội vẫn đứng thẳng, giương súng nhằm thẳng quân thù nhả đạn rồi mới chịu ngã xuống. Thế nên tôi lại bị một điểm, vì làm theo gợi ý của bố. Hơn thế, bố tôi ở pháo binh và chưa chịu là liệt sỹ nên tôi không chịu viết rằng bố mình “hy sinh dũng cảm”. Vậy là tôi bị điểm một có phần lỗi của bố chưa chịu chết.
Từ đấy, không bài văn nào tôi được đến 2 điểm, tôi cứ nộp bài là thầy có sẵn cái bút đỏ ghi luôn 0 hoặc 1 điểm cho tôi mà không bao giờ đọc. Đó là sự khủng bố khiếp đảm nhất, vì tôi cố vẫn không thể thuộc bài văn mẫu như các bạn, nên không chỉ bị điểm kém, mà nhiều lần bị thầy T tát nổ đom đóm mắt, xoắn tai đến không khóc nổi thành lời nữa.
Đến mãi sau này tôi vẫn sợ môn văn đến hoảng loạn và do mất hoàn toàn tự tin, tôi không khi nào được điểm tốt môn văn. Được cái, môn toán và các môn tự nhiên kéo lại, nên cuối cùng tôi vẫn tốt nghiệp phổ thông. Hú vía!
Đã hơn 50 năm rồi, kể lại chuyện này tôi vẫn ấm ức. Hy vọng rằng các thầy cô giáo thế hệ mới phát huy được khả năng học trò, đừng bắt các em nhỏ thuộc lòng, tội nghiệp chúng, cứ làm theo văn mẫu cũng làm nhụt mọi sáng tạo của trẻ nữa.
Chuyện làng quê