Cuối tuần, theo sự rủ rê của bà chị, tôi đến thăm làng Vũ Đại, quê hương của nhà văn Nam Cao. Nói rằng về đây để thưởng thức món cá kho niêu đất nổi tiếng nhưng thực tâm là muốn trở lại chốn quê này thắp một nén tâm nhang trên mộ phần tác giả của những “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Giăng sáng”, “Sống mòn”, “Đời thừa”, “Đôi mắt” …; thăm thú một làng xưa bên dòng Châu Giang từng rất thơ mộng và một thời thuộc phần đất của phủ Thiên Trường, vốn là bản quán quý hương của các vua Trần. Cái làng nơi ngã ba sông ấy cũng từng rất nổi tiếng vào những năm đầu của thập niên tám mươi ở thế kỷ trước bởi bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam của nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Phạm Văn Khoa: “Làng Vũ Đại ngày ấy”.
Vốn dĩ, xưa nay, trên bản đồ hành chính của nước ta không có tên làng nào là Vũ Đại ở nơi đây. Chỉ có làng Đại Hoàng. Cái tên làng Vũ Đại do nhà văn Nam Cao dựa trên cơ sở người và việc ở làng Đại Hoàng để hư cấu mà thành, rồi lại được đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể đưa vào trong phim, thậm chí còn đặt thành tên cho bộ phim. Cái tên làng Vũ Đại nổi tiếng trong tác phẩm văn học rồi lại nổi tiếng trong phim. Cái sự nổi tiếng ấy đến nỗi khiến cái tên thật là làng Đại Hoàng cũng bị lu mờ. Chẳng thế bây giờ thương hiệu cá kho của xã Nhân Hậu cũng không lấy tên làng Đại Hoàng mà lấy tên làng Vũ Đại: “Cá kho làng Vũ Đại”. Thế mới hay sự kỳ diệu của nghệ thuật!
Cứ thế miên man trong những nghĩ suy về vùng đất và con người Đại Hoàng chúng tôi đi về Hòa Hậu trong tiết trời những ngày cuối thu với nỗi lòng vừa lâng lâng vừa dạt dào cảm xúc. Chuyến xe đưa chúng tôi đi lăn bánh dọc theo con đường thảm nhựa phẳng lỳ cạnh những con mương đã được bê tông hết cả những lòng máng và nằm dài bên dòng sông Châu. Chúng tôi tìm về làng Đại Hoàng, phủ Cao Đà của tổng Nam Sang xưa, nay là thôn Nhân Hậu xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Cuối thu, những con mương rất ít nước; có những đoạn khô cạn nằm trơ đáy phơi mình trong nắng vàng tươi dưới làn gió thu nhè nhẹ khiến rung rinh những ngọn cỏ may bên dọc đôi bờ làm cho đồng quê xứ Nam hiện nên đầy thơ mộng. Nước sông Châu bên làng Đại Hoàng cũng như những con mương. Con sông ấy vốn thuộc lưu vực của sông Nhuệ và sông Đáy nhưng thực chất lại là con đẻ của sông Hồng, được nối thông nhau qua cửa Yên Lệnh (Duy Tiên) và Hữu Bị (Lý Nhân) song hành với núi Đọi như một cặp âm dương làm thành biểu tượng cho xứ Sơn Nam Hạ từ bao đời nay vẫn thế, cứ quấn quýt bên làng. Tiết trời giao mùa sắp chuyển sang đông, cái nắng dường như đang cố bừng lên một chút hơi tàn để nay mai trời đổ mưa hay kéo gió mùa đông bắc để đoạn tuyệt hẳn với cái mát dịu của mùa thu. Dòng sông cuối thu, mùa này nước không còn đỏ ngầu, sôi lên ùng ục, mênh mang con nước trở nặng phù xa cho đôi bờ xứ sở như những tháng ngày mùa hạ. Nhưng bù lại nó trở nên trữ tình và đáng yêu hơn rất nhiều. Dòng nước xanh trong hơn, hiền hòa và mát ngọt. Có cảm giác, dòng nước sau mấy tháng vần vũ mệt mỏi với những cơn mưa rào và nước thượng nguồn đổ về từ sông Hồng nay có phần như tĩnh lặng, nằm im thở nhẹ mặc cho những bãi bồi nhô lên cùng bao lớp phù sa cát bùn nhanh nhánh phả vào đất trời, thoang thoảng trong gió cái vị ngai ngái, hăng nồng giữa buổi chiều nghiêng cùng những phất phơ của chòm lau đầu bạc, uốn cong như những bông lúa trĩu hạt khiến lòng người không khỏi xốn xang, xao xuyến.
Làng Đại Hoàng vẫn được thừa hưởng phù sa của dòng Châu Giang. Những bãi bờ biêng biếc cây xanh, xum xuê hoa trái; đặc biệt là những vườn chuối tiến vua (chuối ngự) nổi tiếng nhìn đâu cũng thấy. Ngang qua dòng sông, hết ngắm mặt nước êm đềm, vắt trong cùng thấp thoáng thuyền chài lênh đênh trên dòng trôi chầm chậm lại đưa mắt nhìn những vườn chuối liên hoàn, từ nhà nọ nối nhà kia với những buồng sai trĩu nải; quả bé, sắc vàng chanh mà hương thơm, vị ngọn man mát làm tôi bỗng sực nhớ dòng sông ấy chính là chứng nhân của lịch sử một thủa. Hơn một ngàn năm trước, Lý Công Uẩn đã từng dong buồm đi trên dòng Châu Giang khi dời đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long; rồi sau này cũng trên sông ấy các vua nhà Trần hàng năm vẫn thường cờ xí rợp trời ngang qua mỗi khi đi về Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng có lẽ nhớ nhất là hình ảnh của vườn chuối và con sông trong những đêm trăng hiện lên trong những câu văn đầy chất trữ tình của Nam Cao trong thiên truyện “Chí Phèo”: “Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung lên bãi. Và những tàu chuối nằm ngửa, uốn cong lên hứng lấy ánh trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay giẫy lên đành đạch như là hứng tình”, “Nhưng chiều hôm ấy, trăng sáng hơn mọi chiều, trăng tỏa trên sông và sộng gợn biết bao nhiêu gợn vàng”, “trăng rắc bụi trên sông và sông gợi biết bao nhiêu vàng” … Và trong ký ức lại ùa về chuyện tình năm xưa của anh Chí vào cái đêm hôm ấy trong vườn chuối bên sông: “bỗng nhiên hắn rón rén lại gần Thị Nở: lần đầu tiên hắn rón rén, từ khi về làng. Thoạt tiên hắn hãy xách cái lọ để xa xa, rồi hắn lẳng lặng ngồi xuống bên sườn thị” để rồi khiến cho “Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng cái đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống … Và chúng cười với nhau …”. Rồi cũng những cái đêm ấy cùng bát cháo hành của Thị Nở đã khiến Chí Phèo phải thốt lên rằng: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ” và đã thức dậy trong Chí những khao khát, những ước mơ. Thế đấy cái làng Đại Hoàng không chỉ là của thực tại mà còn của cả những ký ức.
Bây giờ làng Đại Hoàng sầm uất hơn “Làng Vũ Đại ngày ấy”, chúng tôi chân bước trên các ngõ xóm nhưng ký ức lại lùi về những nẻo xa xưa của cái thời từ trong tác phẩm của Nam Cao và bộ phim kinh điển của Phạm Văn Khoa. Cái lò gạch bên bến đò sông Châu không còn nhưng ngôi nhà của Bá Kiến vẫn sừng sững theo thời gian để dẫn dụ những bước chân của biết bao người từ khắp mọi miền tìm về thăm viếng. Cái ngôi nhà ba gian có tuổi đời trên một trăm hai mươi năm (1904), xây theo kiểu tường hồi bít đốc và được làm theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ bằng gỗ lim vẫn còn nguyên bản và được nhuộm nước thời gian để phô ra những nét rêu phong, cổ kính. Cái nhà ấy bây giờ thì cũng không có gì lấy làm ghê gớm lắm nhưng thủa đó ở một vùng quê chiêm trũng thì lại rất đáng nể. Nghe nói, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Cựu Hanh (một người buôn bán giàu có). Cụ Hanh đã đón hiệp thợ khoảng hai mươi người ở Cao Đà về làm dòng dã trong mấy tháng trời mới xong. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu kết cấu các bộ vì chồng rường, nghé và vì nách kiểu giá chiêng chồng rường, các gian hồi chồng rường, chạm khắc củ yếu là vân mây, lá lật, rồng hóa .... Trong nhà có bốn hàng cột với mười sáu cột gỗ lim, chân kê bằng đá tảng xanh, đẽo gọt công phu theo kiểu trời tròn ở trên đất vuông nằm dưới, nền nhà lát gạch bìa, cửa đóng bức bàn … Ngôi nhà ấy đến nay được nhà nước mua về và quản lý để làm một địa điểm du lịch. Tính từ đời cụ Cựu Hanh đến ngày nhà nước mua về (2007) ngôi nhà đã qua bảy đời chủ, trong đó Bá Kiến (nguyên mẫu là Nghị viên Bắc Kỳ Trần Duy Bính) là đời thứ tư. Ngôi nhà ba gian gỗ lim ngả màu nâu sậm như thể thách thức với thời gian, một thời từng nổi tiếng hàng tổng, hàng phủ giờ đây đang khiêm tốn nép nình, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao ba, bốn tầng trong xóm. Dường như cái địa chỉ văn học này cũng đang dần mai một và xuống cấp. Cái cổng gạch rêu phong uốn vòm cánh gỗ nơi Chí Phèo đập vỏ chai rạch mặt ăn vạ không còn nữa, khu vườn hầu như chỉ còn chuối mọc, tường rào không có tựa như ngôi nhà hoang. Ngẫm mới hay cho cái câu của các cụ truyền lại: “chẳng ai giàu ba họ không ai khó ba đời”. Có lẽ đương thời nhà họ Trần Nghị viên Bắc Kỳ chẳng bao giờ nghĩ có lúc ngôi nhà bề thế, hoành tráng cả tổng phải ngưỡng mộ của bao đời chánh tổng và lý trưởng lại rơi vào cảnh lạnh lẽo khói hương đến vậy!
Cái làng Vũ Đại thời đó dưới tài năng của Nam Cao tựa như bức tranh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam. Những nhân vật trong “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, Sống mòn” từ cuộc đời bước vào tác phẩm rồi lại từ tác phẩm bước ra cuộc đời vô cùng sinh động. Những cái tên lão Hạc, giáo Thứ, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… hẳn sẽ vẫn còn sống mãi với thời gian. Những con người ấy thực chất được Nam Cao hư cấu từ nguyên mẫu của một người hoặc cũng có thể là những mảnh ghép của các nét tính cách của nhiều người để hợp thành một cơ thể hoàn hảo. Giáo Thứ là hình bóng của chính nhà văn. Lão Hạc là cụ trùm Duyên, Bá Kiến mang dáng hình của Trần Duy Bính. Thị Nở được nhào nặn từ hai người có thật: người thứ nhất là bà Trần Thị Nở là mợ của Nam Cao vốn tính tình dở hơi, mặt mũi xấu xí, vô tâm hay ngủ; người thứ hai là bà Trần Thị Thìn mặt ngắn, mũi to, da sần, vừa xấu vừa dở, không chồng. Chí Phèo cũng là sự tổng hợp của ba người đàn ông trong làng. Nhưng có điều con người trong tác phẩm nghệ thuật không phải là con người ở ngoài đời. Bá Kiến ngoài đời không chết bởi Chí Phèo đâm mà mãi sau cách mạng tháng Tám mới chết vì bị bệnh. Làng Đại Hoàng cũng không có ai tên Chí Phèo chỉ có người tên Chí biết mổ lợn. Mỗi khi giúp ai thì không lấy công chỉ xin đoạn phèo uống rượu. Rượu say thì tìm lều chợ để ngủ. Ai hỏi đi đâu thì bảo đi phèo (đi ngủ) chứ không rạch mặt ăn vạ với ai. Ba người là nguyễn mẫu thì có hai người sống ở làng tới già mới mất, một người thì bỏ đi biệt tích. Thế đấy, con người trong tác phẩm và ngoài đời là vậy.
Người làng Đại Hoàng cũng giàu ân tình. Khoảnh đất đẹp nhất làng, rộng khoảng gần năm ngàn năm trăm mét vuông, nằm ngay bên tỉnh lộ 972 được dành riêng để tri ân, đặt mộ và làm nhà tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao. Sau gần nửa thế kỷ, kể từ năm 1951, khi hy sinh ở Hoàng Đan, Nam Cao đã nằm lại trong nghĩa trang huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đến năm 1996, di cốt ông mới được đưa trở về quê hương trong sự yêu thương của nhân dân và những người mến mộ tài văn của ông. Ngôi mộ to đẹp ốp bằng đá đặt bên trái lối vào nhà tưởng niệm. Trên mộ có ảnh Nam Cao. Trước mộ có trích lời tuyên ngôn về nghệ thuật của ống khắc vào bia đá, được tạc như cuốn vở đang mở, trang thứ nhất ghi: “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có…” (Đời thừa - 1943) và trang thứ hai ghi: “Sống đã rồi hãy viết… góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn…” (Nhật ký ở rừng - 1948). Xung quanh khu tưởng niệm, bên những bờ ao phía ngoài trồng rất nhiều dừa. Lối vào đi qua cầu đá, hai bên cầu và trước mặt nhà tưởng niệm là ao nước. Nhà tưởng niệm được làm một tầng với kiến trúc nhiều mái trang trí rất đẹp, rộng khoảng một trăm mét vuông. Bên trong nhà có bàn thờ và tượng Nam Cao được đúc bằng đồng để ở gian giữa, các gian bên trưng bày các tác phẩm của nhà văn và các công trình nghiên cứu, các bài viết về Nam Cao cùng các hiện vật, tranh ảnh, huân chương, huy chương, giải thưởng, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn làng Đại Hoàng. Trên bốn phía tường trưng bày các bức ảnh theo các chủ đề: Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao; Tìm lại Nam Cao, Quê hương và gia đình. Khu tưởng niệm này cũng vừa mới được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 10 năm 2023.
Khu mộ và nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao giờ đây đã trở thành một địa chỉ du lịch được nhiều người tìm đến để tìm hiểu và tri ân nhà văn; đặc biệt đây cũng là một địa chỉ văn học được rất nhiều học sinh giáo viên các trường phổ thông cũng như sinh viên Ngữ văn của các trường sư phạm yêu thích. Có lẽ không lâu nữa, cùng với việc khu tưởng niệm được trồng thêm nhiều cây xanh thì nhà Bá Kiến hi vọng cũng sẽ được quan tâm nâng cấp phục dựng những chỗ từng bị mai một, hư hỏng. Nếu có thể thì cả cái lò gạch bên bến sông Châu nơi anh Chí xuất hiện cũng được làm lại để tất cả những thứ đó sẽ cùng với đặc sản cá kho niêu đất, chuối ngự … đưa “làng Vũ Đại ngày ấy” trở thành một địa chỉ du lịch văn học đầy hữu ích trên quê hương của của Nam Cao và các vua Trần.
Hy vọng thế. Nắng chiều đã ngả. Cái nắng những ngày cuối cùng của mùa thu vàng ruộm như đang đốt hết cái tiết trời mát mẻ còn sót lại của mùa thu để chuẩn bị đón những cơn gió lạnh đầu đông. Cái nắng cuối mùa nhìn có vẻ đậm hơn nhưng khô khốc và đang chảy tràn trên những tàu chuối và rắc những mạt vàng óng ánh trên mặt nước sóng sánh sông Châu. Bất giác tôi lại nghĩ đến những bảo tàng văn học trên thế giới từng được rất nhiều người yêu thích như thể ở Tây Ban Nha có bảo tàng mang tên Đôn Ki-hô-tê, Nga có bảo tàng Chiến tranh và hòa bình, Trung Quốc có bảo tàng Hồng Lâu Mộng … Cứ nghĩ … rồi đến lúc chúng tôi cũng phải tạm biệt Đại Hoàng - “Làng Vũ Đại ngày ấy” trong nhịp sống thanh bình, êm ả, dịu dàng tựa như Châu Giang chiều thu trong một niềm hy vọng. Mong rằng, không xa nữa, những tài nguyên văn chương của Việt Nam sẽ được khai thác để góp phần làm phong phú, đa dạng hoạt động của ngành du lịch (du lịch trải nghiệm văn học) và biến nó thành một “phương tiện hữu hiệu lan tỏa di sản gowin99 ”. Nghĩ vậy và hy vọng để Đại Hoàng sẽ có nhiều người lại tìm về.