Bây giờ nếu bạn đến một khách sạn sang trọng nào đó ở Châu Âu, tình cờ trông thấy một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn mác “Made in BaoLa - Hue - Viet Nam” thì cũng đừng ngạc nhiên. Bởi hơn 15 năm rồi, làng nghề Bao La đã xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu, Châu Mỹ, và Châu Đại Dương…
Tôi chạy xe đến ngang km 17 trên QL 1 A phía bắc Thừa Thiên - Huế, hỏi thăm làng Bao La đan đát mây tre ai cũng biết. Yên ả và thoáng đãng, làng Bao La nằm ven bờ bắc trung lưu sông Bồ, hướng ra biển Đông, gồm xóm Chùa, Đình, Hóp, Đông, Cầu và xóm Chợ (nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Bao La là một làng quê nổi tiếng nghề đan lát sản phẩm tre với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình làng quê như thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nong, nia…
Bao năm rồi, sản phẩm đan lát của Bao La gắn bó với đời sống bao làng quê Thừa Thiên - Huế khi chưa có hàng nhựa công nghiệp. Qua bàn tay chai sạn của bao đời người nối tiếp nhau ở cái làng quê này đã kết thành danh tiếng của một loại hàng hóa rất gần gũi và cần thiết đối với cuộc sống của con người như: thúng, mủng, rổ rá, giần sàng, nong nia, tràng trẹt…Mặc dù là một nghề phụ nhưng nghề đan đát đã thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình và trong thôn xóm. Người khỏe mạnh đi vào rừng Phong Sơn tìm mua, đốn tre lồ ô và mây rừng, theo sông Bồ vận chuyển đường thủy đem về làng. Người già cưa tre, chẻ nan, vót lạt..phụ nữ đi xe đạp, xe máy đem sản phẩm bán khắp các chợ quê.
Gặp nhau, anh Võ Văn Dinh, chủ nhiệm HTX mây tre Bao La nồng nhiệt giới thiệu với tôi: - Các mặt hàng mây tre đan Bao La được nhiều du khách đến tham quan, mua hàng tận HTX với số lượng nhiều, tạo điều kiện đưa thương hiệu mây tre Bao La vươn ra nước ngoài. Sản phẩm của HTX Bao La độc đáo, an toàn, độ bền hơn 10 năm sử dụng, không kém sản phẩm bằng chất liệu nhựa công nghiệp. Nhiều làng nghề về mây tre đan trong nam, ngoài bắc cũng tìm đến HTX để học hỏi kinh nghiệm. Ông Dinh kể về những năm làng nghề còn long đong, lận đận bởi cứ sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như rổ, rá, thúng, mủng, giần, sàng… Những sản phẩm này dù tinh xảo, mẫu mã đẹp đến đâu cũng chỉ loanh quanh nơi các chợ quê.
Phải đổi mới hay là làng nghề suy tàn? Các thế hệ sinh sau năm 1975 không chịu khoanh tay đứng nhìn làng nghề bế tắc, họ lên mạng nghiên cứu, thiết kế ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đến nay sau 15 năm đổi mới và phát triển (2007-2022), HTX Mây tre đan Bao La tự thân vận động, sản xuất gần 500 mẫu hàng mới, đẹp, tinh xảo, đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra đời từ 7-10 mẫu mới.
Vui vẻ anh Võ Văn Dinh cho biết: Thông qua một số đối tác ở TP Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến nay, các sản phẩm mây tre đan do HTX sản xuất đã xuất khẩu vào thị trường các nước Á, Âu. Theo đánh giá, các sản phẩm mây tre đan Huế xuất sang đều được các đối tác chấp nhận vì mẫu mã đẹp, tinh xảo, giá cả hợp lý. Năm 2020-2025, HTX sẽ tiếp tục cung ứng hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Không ngần ngại, ông Dinh dẫn tôi đến thăm nhà anh Lê Đình Tân, một nghệ nhân trẻ giỏi nghề. Anh Lê Đình Tân 38 tuổi là người giữ nghề mây tre đan bao năm rồi, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống gia đình, nuôi con trưởng thành. Đến thăm, anh đang tất bật đan những chiếc đèn bằng chất liệu mây tre, do nhu cầu đặt hàng của các khách sạn ở Hải Phòng. Để hoàn thiện một đèn ngủ khách sạn cao 1,2 mét, anh phải mất thời gian hai ngày, đan, bện, sơn màu. Sản phẩm tùy kích cỡ được mua 1,5 - 5 triệu đồng, do bền, đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bây giờ dân làng Bao La bắt đầu sản xuất sản phẩm mây tre đan mang kiểu dáng hiện đại như bàn ghế sang trọng, giỏ xách, lẵng hoa, các loại đèn trang trí sang Châu Âu, Úc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc. Chính các nghệ nhân trẻ đương thời đã “cứu” nghề truyền thống của làng không bị tàn lụi và mai một.
Thiết kế & Concept: Bình An