Qua bài viết của ông, người đọc như “sờ thấy”, như chạm tới những con người tài danh cả bi lẫn hùng của nước Việt. Đề tài “người của công chúng” luôn cuốn hút độc giả, nhưng những bài viết của ông về các nghệ sỹ lại không phải là bài tụng ca. Ông đi tìm những nét riêng khắc họa người nghệ sỹ mà mình thể hiện, như họa sỹ tài danh Hoàng Lập Ngôn nổi danh với trường phái “Tinh tướng họa”. Bao trùm chân dung các nghệ sỹ là chất nhân văn thấm đậm trong từng con chữ. Có thể khẳng định ông là người viết chân dung nghệ sỹ nổi tiếng trên văn đàn.
Lẽ ra ông theo nghiệp bóng đá. Hồi học phổ thông nơi sơ tán ở Hà Tây, ông học và đá bóng cùng Thọ “ô mai”, nhưng trên một lớp. Sau Thọ “ô mai” là cầu thủ, rồi HLV đội bóng đá CAHN. Năm lớp 6, ông lại học cùng lớp và đá bóng cùng Chi “cố”, sau là cầu thủ nổi tiếng của Thể Công.
Ông ở Lê Phụng Hiểu (Hà Nội), hàng xóm với Bác sỹ - Chủ tịch UBHC thành phố Trần Duy Hưng, là người thành lập đội bóng đá CAHN lừng danh. Những mối quan hệ thân hữu để được tiến cử tham gia đội bóng ông đều có đủ, nhưng vừa lớn lên, ông lại giấu gia đình, viết đơn tình nguyện cầm súng, vào chiến trường. Là con nghệ sỹ Tân Nhân, người được biết bao thế hệ yêu thích với các bài hát Xa khơi, Câu hò trên bến Hiền Lương… Cha dượng của ông là nhà báo Lê Khánh Căn, Trưởng ban báo Đảng Nhân Dân. Nhưng thẳm sâu trong tiềm thức, ông biết mình là con đẻ của một “nhạc sỹ ngụy”, ông Hoàng của những ca khúc tiền chiến Hoàng Thi Thơ.
Có lẽ vì vậy, ông tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến Vệ quốc, để khẳng định mình. “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. Trước khi vào chiến trường ông đã kịp có bài thơ về bộ đội, được nhiều chiến sỹ chép trong sổ tay mang theo vào chiến trường. Bài thơ được in trang trọng trên trang đầu Tạp chí Văn nghệ của Trung ương. Rồi bộ phận Quân lực cũng tìm ra ông khi biết ông là con trai nghệ sỹ Tân Nhân nổi tiếng. Họ điều ông về làm công tác Tuyên văn bên Quân đội. Ông không biết hát và cũng không biết múa, nhưng các Thủ trưởng mừng rơn khi thấy tài viết của ông. Ông làm thơ, làm báo, viết kịch, viết truyện về những người lính trên chiến trường, về cuộc chiến tranh khốc liệt thời ông cầm súng.
Sức viết của ông thật đáng nể. Sau quãng thời gian làm báo, chỉ tính từ năm 2014, ông đã có 7 tác phẩm được NXB QĐND ấn hành gồm tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, thơ và rất nhiều bút ký khắc họa chân dung. Ông viết về đề tài chiến tranh rất chân thực vì ông từ nơi đấy trở về. Người Việt hơi lớn tuổi, ai mà chẳng trải qua thời chiến tranh. Vì vậy, những hồi ức sống động nhưng thấm đẫm chất nhân văn của người lính trở về từ chiến trường càng làm bao người đọc thêm yêu, thêm quý cuộc đời này.
Ông viết về những “cây đa cây đề” trong làng văn nghệ. Những bài viết có cả bề nổi và cả những góc khuất của những con người của công chúng. Ông là con trai của nữ ca sỹ Tân Nhân nổi tiếng. Ông còn là con trai của nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ với những nhạc phẩm tiền chiến lừng danh. Có xuất phát như vậy nên ông tiệm cận và viết về những nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật nước nhà cũng là điều dễ hiểu. Tưởng như mở trang hồi ức và phóng bút là xong.
Có nhiều người viết về những người nổi tiếng với tâm thế khác. Họ muốn ăn theo sự nổi tiếng hoặc tìm những chi tiết “giật gân câu khách”, bất chấp những chi tiết đấy làm người đọc hình dung khác đi về nhân vật. Riêng Châu La Việt lại chọn cách kể thật bình dị. Cách kể của bạn bè, của người trong cuộc nói về nhau. Tuy vậy, để người đọc đồng cảm, mỗi con chữ, mỗi kỷ niệm được nêu về những “Người của công chúng “, ông đều phải chắt lọc và viết về họ với tình cảm chân thành, và từ cả góc nhìn của người lính đã trải qua những ngày gian truân của dân tộc. Chính vì vậy, những văn nghệ sỹ được ông kể trên văn đàn đều rất gần gũi, rất “người” mà vẫn lấp lánh nét tài hoa.
Châu La Việt, bút danh của người đàn ông thời đại Lê Khánh Hoài. Là đứa con sinh ra trong khổ đau, chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh nên ông lấy nơi mình sinh ra là Châu Phong (Đức Thọ - Hà Tĩnh), nơi có con sông La chảy qua trước nhà và Cửa Việt (Quảng Trị) quê mẹ thành bút danh Châu La Việt.